Kỳ 3: Giữ vững huyết mạch

03/08/2010 08:00 GMT+7 | Lich sử - Tài liệu

Chậm rãi đi bộ trên những nhịp cầu Long Biên mà nhiều người đã đổ mồ hôi và xương máu để sửa chữa, khắc phục nó sau đạn bom thời chiến tranh, ông Nguyễn Cảnh Chất trầm ngâm tâm sự: “Với chúng tôi, việc đảm bảo lưu thông được cây cầu sắt duy nhất bắc qua sông Hồng cũng là một cuộc chiến căng thẳng.

Việc đi lại của nhân dân thủ đô, những đoàn quân, đoàn xe Nam tiến phụ thuộc rất lớn vào cây cầu này. Nhiều lần bị hư hỏng nặng, chúng tôi tưởng không thể nào khắc phục nổi trong điều kiện khó khăn thời chiến. Nhưng rồi tất cả vẫn vượt qua”.

>> Kỳ 1: Công trình lịch sử
>> Kỳ 2: Trong bão lửa


Tập trung sửa chữa cầu Long Biên sau khi bị trúng bom thời chiến tranh - Ảnh: tư liệu

Những gì Long Biên cần đều được bảo đảm

Trong khung cảnh bình yên với chiếc cầu soi bóng nước sông Hồng hôm nay, có lẽ ít người biết nó từng phải chịu đựng bao thương tích và đã được sửa chữa nhiều lần trong chiến tranh.

"Ai cũng quyết tâm bảo đảm cầu Long Biên lưu thông như là bảo vệ mạch máu của chính mình. Vì vậy, cầu Long Biên mới đứng vững được đến tận cùng cuộc chiến"
Giờ đã 80 tuổi, ông Chất vẫn nhớ rõ ngay khi quân Mỹ chuẩn bị ném bom miền Bắc, các phương án bảo vệ cầu Long Biên đã được đặt ra. Ngoài chiến sĩ phòng không bảo vệ cầu, lực lượng kỹ sư và công nhân cũng ngày đêm trực chiến bảo đảm cho cầu được lưu thông trong mọi tình huống.

Thời điểm đó ông Chất đang là cán bộ của Trường đại học Giao thông và chuẩn bị đi Đức để học tiếp thì được lệnh ở lại. Cấp trên nói rõ với ông: “Hãy chuẩn bị các phương án khắc phục mọi tình huống sập cầu Long Biên. Nhiệm vụ của các anh là phải bảo đảm sửa chữa cho cầu lưu thông bằng bất cứ giá nào”.

Ông Chất hiểu nhiệm vụ nặng nề: bảo đảm lưu thông cầu Long Biên cũng khó khăn không kém chiến đấu bảo vệ cầu trước máy bay Mỹ. Cầu lớn, sông quá rộng, máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá, lại thiếu thốn phương tiện làm việc. Lúc đó họ chỉ có mỗi một thứ nhiều nhất là ý chí bảo vệ cầu.

Được giao trách nhiệm tổng công trình sư, ông Chất và lực lượng kỹ sư, công nhân sửa chữa cầu nhanh chóng lao vào nhiệm vụ trước khi máy bay Mỹ đánh phá. Việc đầu tiên là phải chuẩn bị đủ nhân sự. Những ngày cao điểm, lực lượng này đông đến cả ngàn người huy động từ Xí nghiệp cầu Thống Nhất, Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Nhà máy xe lửa Gia Lâm trực chiến gần cầu. Sau đó là tập trung vật liệu dự phòng, và các trụ cầu tạm cũng được đóng đề phòng trụ cầu chính bị bom đánh sập.

37 năm đã trôi qua từ khi máy bay Mỹ chấm dứt đánh phá miền Bắc năm 1972, kỹ sư Ngô Thị Nguyệt từng gắn với cầu Long Biên suốt cuộc chiến vẫn nhớ mãi cảm giác xúc động của mình.

Bà kể năm 1967, bà được phân công về trực chiến sửa chữa cầu khi mới 25 tuổi, nhưng trước đó bà đã từng đi sửa chữa các cây cầu bị ném bom ở Tây Bắc. Khi được điều về Hà Nội bảo đảm lưu thông cầu Long Biên cùng đợt với ông Chất, bà đã khóc không phải vì sợ vất vả, mà ý thức sứ mệnh thiêng liêng của mình.

Từ thuở đi học ở thủ đô, bà đã ngày ngày in dấu chân mình trên cây cầu soi bóng sông Hồng này. Nhiều cô gái khác cũng trực chiến sửa chữa cầu Long Biên. Trong hoàn cảnh nhiều nam giới đã Nam tiến hoặc chiến đấu bảo vệ miền Bắc, phụ nữ tình nguyện nhận những việc nặng nhọc như kích kéo, hàn, cắt thép làm cầu. Tuy khó khăn vẫn xuất hiện khẩu hiệu “Những gì Long Biên cần đều được bảo đảm”, kể cả phụ nữ làm việc nặng của đàn ông.

Đứng vững

Bây giờ, đứng ngay trên nhịp cầu Long Biên từng được sửa chữa trong chiến tranh, bà Nguyệt bồi hồi kể lần sập cầu đầu tiên dưới đợt ném bom của máy bay Mỹ tháng 8-1967. “Trước đó, cầu cũng bị máy bay Mỹ nhắm đánh rồi, nhưng phòng không đánh trả rát quá nên nó ném bom chệch ra sông”.

Bà nhớ ngày đó mưa to, nước chảy mạnh, dân qua cầu phao không an toàn nên được đi trên cầu Long Biên. Xế chiều, các tốp máy bay Mỹ ào đến oanh tạc dữ dội trong sự chống trả quyết liệt của bộ đội phòng không. Đến đợt hai thì cầu trúng bom. Tuy không đổ hoàn toàn, nhưng mấy nhịp bị hỏng và sập kéo theo người dân còn đang mắc kẹt trên đó. Trận chiến vừa tạm dứt, lực lượng sửa chữa đã lao ra hiện trường.

Việc khắc phục cực kỳ khó khăn vì nhịp cầu bị sập ở đoạn nước sâu giữa sông. Đầu tiên, mọi người phải dồn sức dọn dẹp các nhịp cầu bị hỏng để sửa lại. Việc đơn giản nhưng rất nguy hiểm vì nhiều thanh sắt nằm lơ lửng như bộ xương trên cầu. Thợ cắt, thợ hàn phải treo mình lên phá dỡ và tai nạn đã xảy ra.

Riêng nhịp số 10, họ phải nhờ công binh nổ mìn dọn an toàn và nhanh các nhịp bị hư để kịp thời khắc phục. Rồi cầu treo được bắc tạm qua hai đầu nhịp chưa bị sập để tạm thông cầu trong khi tiến hành sửa chữa chính. Khó khăn lớn nữa là lúc đó làm việc chủ yếu ban đêm, công nhân phải tản ra khỏi cầu ban ngày. Họ ăn ngủ tạm trên bãi sông, công viên, cơ quan đã sơ tán để tránh máy bay đánh phá.

Mọi người vất vả nhưng đều nỗ lực làm việc. Những nhịp hỏng nhẹ được nhanh chóng sửa lại. Nhịp sập được làm mới hoàn toàn dù không có điều kiện phục hồi nguyên mẫu. Những thanh sắt đa năng YUKM của Liên Xô viện trợ được ráp nối làm dầm mới. Có đêm cao điểm, cả 200 thợ hàn của Nhà máy xe lửa Gia Lâm đều ra làm cầu.

Đến ngày 31-8-1967, cầu Long Biên đã được chữa lành “vết thương”. Máy bay Mỹ lại đánh phá và cầu lại bị hỏng. Nhưng những người thợ sửa cầu vẫn tiếp tục thi gan cùng bom đạn. Ông Chất xúc động nhớ lại lần cầu “bị thương” khá nặng trong đợt bom tháng chạp năm 1967: “Máy bay Mỹ bị bắn rơi khá nhiều, nhưng chúng vẫn điên cuồng đánh phá. Còn chúng tôi thì quyết tâm khắc phục, bảo đảm lưu thông cho cầu như đánh đố với không quân Mỹ xem ai nhụt chí trước”.

Đợt đó, ông Chất nhớ cầu bị hỏng và sập liền mấy nhịp 15, 16, 17... Khối lượng công việc quá lớn và phức tạp nên không thể khắc phục nhanh. Chiếc cầu phao dài 200m được nối bằng các sà lan 300 tấn tạm thay cho cầu Long Biên ở đoạn sông Thanh Trì. Xe lửa có thể chạy trên nó để qua sông. Ban ngày, sà lan được tháo kéo đi ngụy trang tránh máy bay, đêm xuống chúng mới được ráp lại làm cầu.


Ông Nguyễn Cảnh Chất trở lại cây cầu Long Biên ông đã tham gia sữa chữa thời chiến tranh
Ảnh: Quốc Việt


Trong lúc đó, việc khắc phục cầu Long Biên vẫn hối hả tiến hành. Cả thợ lặn Hải Phòng cũng được huy động dọn lòng sông lấy chỗ sửa chữa. Nhịp sập quá lớn bị ngập trong cát dưới đáy sông. Thợ lặn phải xói cát, cắt từng phần nhỏ nhịp rồi nẹp phao cho nổi lên mặt nước để đưa vào bãi. Có người đã xúc động tìm thấy cả thi thể người dân dưới sông.

Kể chuyện xưa, kỹ sư Nguyệt nhớ nhiều kỷ niệm khó quên: “Khó khăn nhất là đóng cọc xuống sông làm trụ cầu mới. Việc phải làm nhanh trong điều kiện sông sâu, nước lớn, lại thiếu phương tiện. Có trụ phải đóng đến 24 - 33 cọc như vậy”.

Đến giờ, bà Nguyệt vẫn ngạc nhiên trước ý chí của những người thợ sửa cầu như mình lúc ấy. “Ai cũng quyết tâm bảo đảm cầu Long Biên lưu thông như là bảo vệ mạch máu của chính mình. Vì vậy, cầu Long Biên mới đứng vững được đến tận cùng cuộc chiến”, bà nói.

Sau ngày đất nước thống nhất, những người thợ sửa cầu Long Biên trong chiến tranh vẫn tiếp tục đổ mồ hôi và trí tuệ để sửa chữa cây cầu lịch sử. Và những đoàn tàu đầu tiên chạy dài theo đất nước hòa bình đã lăn bánh qua cây cầu này.

QUỐC VIỆT

Theo Tuổi trẻ

------------------------------------------------------

Dưới chân cầu Long Biên, một cồn bãi đã nổi lên từ rất lâu trước khi cây cầu này xuất hiện. Nó không chỉ đem lại nét đẹp và sức sống cho cầu Long Biên, mà còn là nhân chứng của cây cầu này.

Kỳ 4: Bình yên dưới chân cầu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm