Kỳ 1: Hội đua ngựa độc đáo có một không hai

09/06/2010 07:06 GMT+7 | Du lịch đời sống

(TT&VH Online) - Có lẽ không ở đâu trên thế giới có hội đua ngựa như ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai). Hội đua độc đáo, hoàn toàn nguyên sơ, hồn nhiên. Kỵ sĩ, mũ nhựa trên đầu, dép lê dưới chân, cưỡi trên mình một con ngựa đeo nơ, mang theo ước mơ thể hiện bản lĩnh, tài hoa, quyết tâm đem vinh quang về cho bản vùng cao.

Nhân dịp giải đua ngựa Bắc Hà truyền thống mở rộng năm 2010 đang đến gần, dự kiến tổ chức vào ngày 19/6/2010, TT&VH Online giới thiệu với bạn chùm phóng sự dài kỳ về lễ hội đua ngựa độc đáo có 1 không 2 này.


Ngựa thồ hàng "lên đời" ngựa đua

“Kỵ sĩ” Thào Seo Lềnh đã về nhì giải đua ngựa Bắc Hà năm 2009. Lúc đầu ông anh rể Thào Seo Lềnh của tôi không định tham gia nhưng ông bác Tráng Seo Lử (61 tuổi) cứ rủ mãi nên anh Lềnh mới quyết định thử. Chứ từ trước đến nay anh Lềnh chỉ quen đi nương, làm rẫy, ngựa dùng để thồ hàng chứ có biết đua bao giờ! Con ngựa của anh Lềnh là một con ngựa ô đen tuyền, thân hình vâm váp, bốn chân chắc khỏe, vững chãi. Khi đứng chen chân cùng “đồng đội” nó dường như cũng bồn chồn trước vạch xuất phát, chốc chốc lại gõ móng lộp cộp, quất đuôi, hí vang trời.


Các kỵ sĩ tham gia lễ diễu hành khai mạc hội đua năm 2009
Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà năm 2009, có 60 con tuấn mã cùng 60 kỵ sĩ tham gia tranh tài. Ngày hôm đó trời mưa liên tục khiến Ban tổ chức lo ngại sẽ ít người đến tham gia cổ vũ. May thay, sáng ngày 30/5, trời hửng nắng. Hàng nghìn người dân và khách du lịch trong nước, quốc tế tới cổ vũ đông nghịt sân vận động trung tâm.

Trước cuộc đua, 60 ngựa đua và 100 ngựa khác đã trình diễn một chương trình diễu hành hoành tráng trong tiếng reo hò, cỗ vũ, tiếng vỗ tay của hàng ngàn người xem. Vào cuộc đua, 60 chú ngựa đua được chia làm 12 lượt thi đấu loại trực tiếp (mỗi lượt 5 ngựa), 12 chiến mã và kỵ sĩ đạt thành tích cao nhất tiếp tục lọt vào vòng bán kết để từ đó chọn ra 3 kỵ sĩ xuất sắc nhất thi đấu vòng chung kết.

Phần lớn ngựa tham gia đua là ngựa thồ hàng, ngựa leo núi và lao động cùng bà con dân tộc nên nhiều con không quen đường đua, không nghe lời nài ngựa (người điều khiển ngựa); thời gian tập luyện lại ít nên vào cuộc xảy ra rất nhiều chuyện bất ngờ. Nhiều kỵ sĩ buộc phải bỏ cuộc do ngựa phạm quy: ngựa chạy ra ngoài đường đua (nhất là những đoạn đường cua); chạy vào sân cỏ hoặc lao vào chỗ khán giả; chạy hết vòng đầu, ngựa trở về vị trí xuất phát và không chịu chạy nữa. Hầu hết các kỵ sĩ cưỡi ngựa không đóng yên và đi dép tổ ong nên không giữ được thăng bằng, một vài kỵ sĩ bị ngã văng ra khỏi mình ngựa, bị kéo đi một đoạn dài…

Bất ngờ, nghẹt thở!


Ngựa của kỵ sĩ số 79 là ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch
Lượt đua chung kết, chia làm 2 vòng có 3 tuấn mã của các kỵ sĩ mang số: 27, 72 và 79. Về nước chạy và dáng thì tuấn mã của kỵ sĩ Ly Sùng Pao số 79 (huyện Simacai) được đánh giá là đẹp nhất, có khả năng vô địch. Tuy nhiên, kết thúc vòng Một, ngựa của anh rể họ tôi, kỵ sĩ Thào Seo Lềnh số 72 (xã Tả Van Chư - Bắc Hà) lại dẫn đầu với đường chạy cực kỳ phóng khoáng. Về thứ ba vòng Một là ngựa của Vàng Văn Thức số 27 (xã Na Hối - Bắc Hà). Mỗi ngựa cách nhau khoảng 5m. Anh em, họ hàng, bà con người Mông quê hương Tả Văn Chư đến xem cổ vũ cho Seo Lềnh mừng lắm, nhất là ông bác ráng Seo Lử. Ông là kỵ sỹ già nhất giải, tuổi cao sức yếu nên không dám cho ngựa “tít” vì “chóng mặt, hoa mắt”, ông đã chia tay giải sớm. Thật tiếc, vì hồi trẻ, ông bác tôi nổi tiếng là tay đua ngựa giỏi số 1 vùng cao Tả Văn Chư!

Nghệ thuật cưỡi ngựa của người miền núi
Kỵ sĩ tham gia giải đua ngựa Bắc Hà không mặc trang phục bảo hiểm, đi chân đất, ngựa không đóng yên nên không có bàn đạp giữ chân. Kỵ sĩ chỉ phủ lên mình ngựa miếng vải lanh hình chữ nhật, đai buộc ngựa chỉ bằng dây thừng bện, có hai móc sắt buộc vào dây hai bên hàm để điều khiển. Kỵ sĩ không cầm roi quất ngựa được mà hai tay phải cầm dây cương vừa điều khiển vừa giữ thăng bằng. Muốn giữ được thăng bằng cần phải biết cách ngồi vào đúng điểm lõm gần vai ngựa, hai chân phải kẹp chặt vào bụng ngựa và nhấp nhổm lên xuống theo nhịp phi của ngựa, nếu chẳng may có mất thăng bằng mà ngã thì cũng phải “có võ ngã” mới mong không bị thương.

Đến vòng đua thứ Hai của vòng chung kết, bất ngờ đã xảy ra. Con ngựa của anh Lềnh không biết vì chạy “máu quá” không vào cua được đoạn đường vòng hay vì thấy bà con nhân dân xã Tả Văn Chư và tôi là “người quen” lên nó lao ngay vào khu vực khán giả để chào chúng tôi, nhưng mất đà quá ngã oạch một cái. May mà anh Lềnh kịp giở “võ mèo” (dòng họ nhà tôi trừ tôi và một số anh, em thoát ly đi học làm cán bộ ra, ở quê nhà ai cũng được dạy võ, có võ rất giỏi) lộn 1 cái cho mông tiếp đất trước nên không đau mấy. Sau đó chúng tôi ra đỡ anh lên ngựa tiếp tục đua. Con ngựa  định đứng lại vẫy đuôi song anh Lềnh đã kịp đập mông làm nó tỉnh và chạy tiếp. Nhưng không kịp nữa rồi, chỉ hơn 30 giây nổi hứng “tình nghĩa” với người quen nó đã để con ngựa của anh Vàng Văn Thức thừa cơ xông lên về đích đầu tiên trong tiếng hò reo và ngạc nhiên không ngớt. Không ít người cùng chia sẻ nuối tiếc với con ngựa của anh Lềnh, nó về nhì chỉ sau con ngựa của anh Thức vài giây. Còn ứng cử viên cho chức vô địch là ngựa số 79 của kỵ sỹ Ly Sùng Pao, do chạy quá nhanh và mất lái, khiến kỵ sĩ bị ngã đã bỏ cuộc đua trong sự nuối tiếc của khán giả.


Tăng tốc
Cuộc đua đầy cam go, nguy hiểm nhưng thật sự hấp dẫn và đầy ắp tiếng cười. Khán giả được chứng kiến tận mắt những kị sĩ chân đất, đội mũ bảo hiểm xe máy đi đua ngựa. Nhất là khi có một chú ngựa đang chạy trong vòng đua đột ngột rẽ ngang phi thẳng ra ngoài làm cho đám đông khán giả được một phen hú vía. Chính vì giải đua ngựa độc đáo, mới lạ, hấp dẫn, kịch tính, nhiều bất ngờ, nhiều pha ngoạn mục như vậy nên thu hút hơn 50 phóng viên báo, đài trong và ngoài nước đưa tin, ai nấy đều chăm chú tác nghiệp. Nhưng đã có một tai nạn đáng tiếc đã xảy ra. Phóng viên Quốc Hồng (phóng viên báo Nhân dân thường trú tại Lào Cai) đã bị một chú ngựa bất kham đang từ đường đua lao vào trong sân, đá vào người khiến phóng viên này nằm vật ra tại chỗ. Anh Hồng được đưa đi cấp cứu với 3 chiếc xương sườn bị gãy… Bây giờ thì anh Hồng đã khỏe và chắc chắn sẽ tham gia giải đua năm nay. Thế mới biết những kỵ sỹ phải bản lĩnh, dũng cảm thế nào mới dám tham gia cuộc đua.

***


Về đích
Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà mở rộng năm 2009 kết thúc, anh Vàng Văn Thức đoạt giải nhất với phần thưởng cao nhất là vòng nguyệt quế và 10 triệu đồng tiền thưởng. Số tiền này trừ đi số tiền Thức mua con ngựa 7 triệu 600 ngàn đồng, còn dư 2 triệu 400 ngàn đồng để liên hoan. Giải Nhì cho anh Thào Seo Lềnh với 5 triệu tiền thưởng; giải Ba cho kỵ sĩ Ly Sùng Pao, ngựa số 79 với 3 triệu tiền thưởng.

Ngày hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà mở rộng năm 2010 đang đến gần. Mời bạn đến với vùng cao Bắc Hà xem cuộc đua tốc độ này hứa hẹn có nhiều pha hấp dẫn, kịch tính, đẹp mắt...

Đón đọc Kỳ 2: Đi chợ ngựa và tới thăm "Vua ngựa" Bắc Hà
Tráng Xuân Cường
 Đài Truyền thanh - Truyền hình Bắc Hà, Lào Cai

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm