KTS Đoàn Thanh Hà: 3 chữ 'không lặp lại' luôn đầy khắc nghiệt

05/04/2022 19:05 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Âm thầm đi vào cuộc sống và lưu lại dấu ấn của mình, đó là lời đánh giá mà GS-KTS Hoàng Đạo Kính dành cho Nhà cửa & Con người (NXB Tri thức, 2022), cuốn sách tập hơn 25 đồ án và nhiều câu chuyện của Đoàn Thanh Hà, người đang sở hữu khoảng 30 giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế.

Tọa đàm và ra mắt cuốn sách ‘Houses & People' của KTS Đoàn Thanh Hà

Tọa đàm và ra mắt cuốn sách ‘Houses & People' của KTS Đoàn Thanh Hà

Sáng 27/3, tọa đàm và ra mắt cuốn sách: HOUSES & PEOPLE (Đoàn Thanh Hà: Nhà cửa & Con người) sẽ được tổ chức tại L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội).

Và, Hà chia sẻ về cái tên khá giản dị ấy: “Nhà cửa ở đây được hiểu là những không gian kiến trúc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của con người như ăn ở, sinh hoạt, làm việc, thư giãn. Những không gian này ban đầu đều là những kiến trúc rất nhỏ về quy mô (nhà ở, nhà vệ sinh) rồi dần lớn hơn (nhà phục vụ cộng đồng, nhà hàng, nhà trưng bày, nhà tưởng niệm, nhà làm việc...) trong quãng thời gian 1 giáp 12 năm vừa qua (2008-2020).

Chúng tôi chọn tên ấy vì muốn nói về sự liên hệ giữa kiến trúc với những nhu cầu của những con người khác nhau, trong những hoàn cảnh cụ thể. Con người khác nhau thì kiến trúc cũng khác nhau chứ không thể rập khuôn cùng một kiểu, cũng không thể lặp lại như là phong cách riêng của người thiết kế”.

Ngập ngừng, anh nói thêm: “Ngoài ra tên tiếng Anh House & People của cuốn sách còn ẩn chứa tên văn phòng kiến trúc mà tôi và đồng nghiệp tên Phương sáng lập từ 2009 - H&P Architects”.

Chú thích ảnh
Cuốn sách "House & People" (Đoàn Thanh Hà: Nhà cửa & Con người)

 Nghề kiến trúc - chiếc”đèn vàng” ở ngã tư

* Xuyên suốt trong 25 công trình, cũng như những bài viết trong cuốn sách, là quan điểm “Kiến trúc vị dân sinh”. Trong 12 năm theo đuổi nó, quan điểm ấy đã có những bước thay đổi thế nào với anh?

- Kiến trúc vị dân sinh là những không gian kiến trúc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống/ sinh hoạt hàng ngày của người dân. Không gian thiết yếu được hình thành bởi những vật liệu thiết thực với cách tạo dựng đơn giản, linh hoạt và có sự tham gia của người sử dụng.

Mới đầu, năm 2008 tôi tiếp cậnvấn đề này thiên về lý thuyết (các bài luận, đồ án dự thi trên giấy), ghi lại suy nghĩ của mình về thế ứng xử, ngôn ngữ và tâm thức - 3 yếu tố không thể tách rời của người làm kiến trúc vị dân sinh. Sau 4 năm, tôi chuyển sang hiện thực hóa những kiến giải mơ hồ ban đầu bằng công trình thực tế. Rồi trong năm 5 kế tiếp, tôi thực hành bằng những cảm nhận trực tiếp mà chưa nghĩ đến việc tổng hợp lại quan điểm này.

Tới năm 2017, tôi bắt đầu suy nghĩ về việc xâu chuỗi những việc mình vừa làm xong để có thể rõ ràng hơn, cụ thể hơn về quan điểm của mình. Đến hiện nay kiến trúc vị dân sinh bao gồm 3 yếu tố biện chứng: Không gian thiết yếu (chức năng); cấu trúc nhân tạo theo cách tự nhiên (tạo hình); bộ nguyên tắc thực hiện.

Chú thích ảnh
KTS Đoàn Thanh Hà trong buổi ra mắt sách tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) ngày 27/3

* Bên cạnh một loạt giải thưởng trong nước và quốc tế, việc hiện thực hóa quan điểm ấy còn mang lại cho anh những gì khác? Và ngược lại, lựa chọn này có khiến anh bỏ đi một số cơ hội khác nữa của mình?

- Hiện thực hóa điều mơ hồ mà mình theo đuổi luôn thú vị và đầy thách thức. Khi “giấc mơ” tới, phần lớn tâm trí tôi sẽ trong trạng thái diễn giải cụ thể hóa từng chi tiết trong suy nghĩ, cho đến tận khi công trình thật sự hình thành trong thực tế.

Làm kiến trúc là một quá trình “tiêu tốn” nhiều thời gian và năng lượng. Ví dụ, một ngôi nhà cần 1 - 2 năm để hoàn thành từ thiết kế đến khi thi công xong. Trong khoảng thời gian ấy ngôi nhà sẽ luôn ám ảnh tâm trí bạn, chưa kể khi bạn đang làm 2 - 3 công trình song song (cười).

Chú thích ảnh
“Tổ ấm nở hoa” - công trình thực hiện năm 2013 của Đoàn Thanh Hà

Tôi luôn cố gắng làm tốt nhất những gì có thể trong phạm vi công việc của mình. “Không lặp lại” trong kiến trúc là điều làm tôi hạnh phúc. Đó là phần thưởng lớn cho sự vượt qua chính mình, dù nó cũng hoàn toànđồng nghĩa vớisự khắc nghiệt.

Còn lại, cơ hội luôn được chia đều cho tất cả mọi người, vấn đề là cách ứng xử với cơ hội thế nào. Tôi cũng biết nhiều người rất thành công trong hướng đi của họ và khác tôi.

Chú thích ảnh

* Vẫn trong sách, anh nói rằng ý thức coi trọng sáng tác kiến trúc trong xã hội hiện nay như người tham gia giao thông gặp đèn vàng: Hoặc cố đi thật nhanh, hoặc phanh gấp, hoặc dừng lại với chút hậm hực tiếc nuối - trong khi rất ít người có ý thức đúng lúc đúng chỗ. Trong bối cảnh ấy, anh giữ cho mình cách hành xử thế nào với các công trình, cũng như với các nguyên tắc của bản thân?

- Có thể ví dụ, khi nhận thấy cókhoảng vênh giữa chủ đầu tư - kiến trúc sư - cộng đồng (công chúng), thay vì thỏa hiệp với chủ đầu tư hay ngả theo thị trường đang hot trong xã hội, tôi quyết định thử triệt tiêu khoảng này bằng cách chập lại thành 3 trong 1. Điều ấy từng diễn ra ở công trình thử nghiệm Tổ ấm nở hoa (Blooming Bamboo Home). Tôi hy vọng đây là cách tiếp cận mang tính thuyết phục cao, bởi người mình vẫn quen “trăm nghe không bằng một thấy”. Và việc được nhiều người “mục sở thị” sẽ khiến cho mô hình này thêm cơ hội lan tỏa ứng dụng rộng rãi.

Chú thích ảnh

Nói theo góc nhìn khác, dần dà ý thức coi trọng sáng tác kiến trúc trong xã hội sẽ tốt lên thông qua những ví dụ cụ thể.

Sự bế tắc thường trực

* Trong sách, anh tự bạch rằng mình có gần 8 năm đi làm ở những công ty khác nhau và sa vào sự bế tắc. Nhìn lại, khoảng thời gian ấy cho anh những gì?

- Tôi biết ơn những gì mà mình đã trải qua. Quá trình này rất quan trọng để góp phần định hình nên cách tiếp cận “không lặp lại” ở trong tôi. Như đã nói, nghe thì đơn giản nhưng đây thật sự là điều khắc nghiệt. Nó khiến bạn luôn phải can đảm vượt qua những gì đã có, đã trải qua. Và hành trình đó sẽ luôn thường trực sựbế tắc.

Bế tắc sẽ mãi là bế tắc nếu ta né tránh. Nhưng nó sẽ mở ra những ý tưởng, hướng đi mới - đôi khi là sự nâng cấp, tiếp nối - nếu bạn kiên định với ý hướng mà mình theo đuổi và dũng cảm đối diện với những vấp váp đang khiến mình chao đảo.

Chủ đầu tư cũng không thể đứng ngoài cộng đồng

* Những công trình như “Cái hang gạch”, “Không gian ngói”, “Màu tái chế”, “Động nhiệt đới”... của anh khá ấn tượng về hình ảnh bên ngoài. Ngược lại, anh cũng từng tỏ ra rất dị ứng với chủ nghĩa hình thức diêm dúa thiếu thực chất trong kiến trúc. Vậy đâu là ranh giới giữa 2 điều này? Và đã bao giờ anh bước qua,hoặc phải tự cảnh báo mình, trước ranh giới ấy chưa?

- Tôi không quan tâm lắm đến hình thức nhưng rất để tâm về cấu trúc- là phương thức biểu hiện nội dung thành hình thức. Một cấu trúc mà tôi theo đuổi thường là sự phản ánh lẫn nhau giữa (tôi nhấn mạnh sự “chuyển tiếp” ở giữa) miền trong (nội dung) và miền ngoài (hình thức). Nội dung và hình thức cần có mối quan hệ biện chứng, hữu cơ và chân thật. Hình thức là vỏ vật chất của nội dung tinh thần, cái vỏ ấy “mờ” hay “tỏ” là do trạng thái “chuyển tiếp” với nội dung - tùy theo tính chất cấu trúc khác nhau sẽ có biểu hiện tương ứng.

Kiến trúc hiểu theo cách ngắn gọn là quá trình hiện thực hoá ý tưởng trừu tượng thành một cấu trúc không gian cụ thể. Nhưng không gian đó cần bao hàm tầm nhìn về cuộc sống trong tương lai để không bị đóng cứng bởi chính nó khi trở thành hiện thực. Nới rộng được biên (ranh giới) của kiến trúc, vượt ra được những gì đã tồn tại là hướng thiết kế mà tôi đang theo đuổi. Nói cách khác Kiến trúc cần đi trước hiện thực cuộc sống một bước và tác động tích cực để cải thiện hiện thực ấy.

Chú thích ảnh
“Vườn vệ sinh” - công trình giúp Đoàn Thanh Hà đoạt Giải thưởng kiến trúc quốc tế AZ 2015

* KTS Hoàng Đạo Kính có nói rằng Hà thường được giao hoặc tự nhận những công trình nhỏ, rồi gắng gỏi đi lên từ mảnh đất tự do hạn hẹp ấy. Vậy, nhìn lại những thiết kế, đâu là thiết kế quan trọng và có ý nghĩa nhất với anh?

- Tôi coi Tổ ấm nở hoa là công trình khởi nghiệp nên có vị trí quan trọng. Ý tưởng về giải pháp này có từ 2008, nâng cấp thiết kế hồi 2011 và quyết tâm hiện thực hóa ngôi nhà thử nghiệm vào 2013 (ở Hà Nội) sau 5 năm quyết tâm đeo đuổi.

Chú thích ảnh

Nhưng Vườn vệ sinh (2014) là công trình có ý nghĩa lớn vì đã đáp ứng được nhu cầu vệ sinh, tắm giặt cho gần 400 học sinh ở trường Sơn lập (Cao Bằng) - một nơi đặc biệt khó khăn, chưa có điện và khan hiếm nước. Công trình được thực hiện trong vòng 1 năm, với gần 2 tháng thi công trực tiếp bởi chính thầy trò của trường cùng với các KTS ở văn phòng chúng tôi.

* Cuối cùng, những thiết kế của anh đều hướng tới việc mang lại các giá trị cho cộng đồng. Vậy, với những công trình thuộc về chủ sở hữu cá nhân hoặc doanh nghiệp, anh tìm thấy phần “cho cộng đồng” theo cách nào và thuyết phục chủ đầu tư theo cách nào?

- Nếu coi kiến trúc là một phần của thiên nhiên thì kiến trúc ấy cần hòa quyện với nơi mà nó thuộc về. Thiên nhiên là của chung nên kiến trúc ấy cần thân thiện (từ cấu trúc không gian, diện mạo, cách tiếp cận, vật liệu, tối thiểu phát thải khi vận hành...) với địa điểm và cộng đồng chung quanh, để có thể trở thành kiến trúc có trách nhiệm xã hội.

Chú thích ảnh

Chủ đầu tư cũng là con người, và con người thì không thể đứng ngoài cộng đồng và chia sẻ cái mình có với cộng đồng. Vấn đề là khơi dậy con người cộng đồng (đồng cảm với mọi người) trong chủ đầu tư, chứ không phải là con người quyền lực hay con người tiền bạc.

* Cám ơn anh!

Vài nét về KTS Đoàn Thanh Hà

- Sinh năm 1980 tại Bắc Ninh, tốt nghiệp Thạc sỹ kiến trúc tại Đại học Kiến trúc Hà Nội, là sáng lập & Kiến trúc sư trưởng ở H&P Architects từ 2009.

- Từng nhận khoảng 30 giải thưởng trong nước lẫn quốc tế cho các công trình và đồ án kiến trúc, trong đó có giải thưởng Kiến trúc lục địa Á Âu 2ACAA 2018, giải thưởng Quốc tế Reddot Award 2018, giải thưởng Kiến trúc quốc tế IAA 2018, giải thưởng Quốc tế Architizer A+ 2018, Huy chương Vàng Kiến trúc lục địa Á Âu 2ACAA 2017, giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2016-2017...

Hoàng Nguyên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm