Kính tiếp xúc Ortho K - giải pháp điều trị cận thị không phẫu thuật

09/05/2024 10:00 GMT+7 | Đời sống

Kính tiếp xúc Ortho K là một loại kính áp tròng cứng đeo vào ban đêm khi đi ngủ, dùng để điều trị tật khúc xạ. Kính sẽ chỉnh hình giác mạc vào ban đêm và sau khi tháo kính vào buổi sáng hôm sau, bạn sẽ không cần đeo bất kì các loại kính cận - loạn thị nào khác mà vẫn nhìn rõ mọi thứ xung quanh.

Kính có thiết kế vô cùng đặc biệt tạo thành các vùng đồng tâm với độ cong khác nhau. Khi người bệnh đi ngủ, việc nhắm mắt tạo lực ép thủy tĩnh xuống bề mặt giác mạc làm thay đổi hình dạng bề mặt giác mạc, giảm độ cong của giác mạc và giảm độ cận thị. Người bệnh cần đeo kính khi đi ngủ từ 6 - 8h trở lên, thời gian ngủ càng lâu tác dụng của kính càng tốt và kéo dài.

Kính tiếp xúc Ortho K - giải pháp điều trị cận thị không phẫu thuật - Ảnh 1.

Tuy nhiên tác dụng của kính chỉ mang tính chất tạm thời, sau 24 - 48h độ cong của giác mạc sẽ dần trở về trạng thái ban đầu. Do đó, khi ngưng dùng kính, độ cận - loạn thị của người sử dụng sẽ trở về trạng thái ban đầu.

Bất kì phương pháp can thiệp dù là tối thiểu cũng có thể ảnh hưởng đến cơ thể, đặc biệt là đối với các cơ quan nhạy cảm như mắt. Kính Ortho K đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là an toàn, phụ thuộc vào điều kiện vệ sinh và quá trình sinh hoạt của người sử dụng.

Ortho K được FDA (Cục an toàn về thực phẩm và thuốc của Hoa Kỳ) phê duyệt vào năm 2002, hiện nay được sử dụng phổ biến gần 100 quốc gia với nhiều dòng kính từ các thương hiệu nổi tiếng nhập khẩu từ Mỹ, có thể điều trị độ cận và loạn cao.

Chất liệu của Ortho K là Fluorosilcon Acrylate Polymer có tính thẩm thấu cao 100DK, đảm bảo cung cấp đủ ôxy - yếu tố quyết định sức khỏe của giác mạc.

Ưu điểm của kính Ortho K là đảm bảo về mặt thẩm mĩ, tránh vướng víu khó chịu khi đeo kính gọng, độ an toàn cao không gây khô mắt như sử dụng kính áp tròng mềm (chất liệu silicon độ thấm khí thấp)

Kính Ortho K sử dụng được cho nhiều trường hợp như: Trẻ em trên 6 tuổi, người lớn không muốn phẫu thuật hoặc giác mạc quá mỏng không thể phẫu thuật, trẻ em có độ cận tăng quá nhanh, trẻ bị cận thị lệch nhau giữa 2 mắt không thể đeo kính gọng.

Kính chống chỉ định cho các trường hợp bị sẹo giác mạc, các bệnh lý tại mắt: Viêm kết mạc mạn tính, viêm kết mạc dị ứng mùa xuân, khô mắt nặng, viêm màng bồ đào, glocom hay gười dị ứng với chất liệu của kính hoặc dung dịch vệ sinh ngâm rửa, nước mắt nhân tạo…

Với người bị tật khúc xạ, nếu được áp dụng điều trị bằng kính áp tròng Ortho K càng sớm càng tốt, do độ tuổi ảnh hưởng rất nhiều đến chiều hướng gia tăng của các tật khúc xạ. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, mắt sẽ có sự phát triển và thay đổi về thị lực. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ mắc và tiến triển của tật khúc xạ.

Từ 0 đến 18 tuổi là giai đoạn mà mắt phát triển mạnh nhất, cũng là độ tuổi xuất hiện các tật khúc xạ về mắt nhiều nhất. Trẻ bị cận thị trong giai đoạn này nếu không được phát hiện sớm có thể dẫn đến lác mắt, nhược thị, ảnh hưởng đến thị lực và cuộc sống sau này của trẻ.

Trẻ bị cận thị trong độ tuổi này độ cận tăng khá nhanh. Trung bình mỗi năm có thể tăng từ 0.75 - 1 diop. Nếu mắt không được chăm sóc tốt, không đảm bảo môi trường học tập phù hợp, độ cận có thể tăng nhanh hơn.

Các bác sĩ nhãn khoa đều khuyến cáo: Với điều trị cận thị đặc biệt là ở trẻ em, việc kiểm soát tiến triển của cận thị có ý nghĩa rất quan trọng. Ortho K đang là phương pháp tiềm năng và tốt nhất hiện nay trong việc kiểm soát cận thị và xóa tan những bất tiện, khó chịu khi sử dụng kính gọng thông thường. Do đó khi trẻ mắc tật khúc xạ, việc thăm khám định kì 6 tháng một lần và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa mắt có đầy đủ các phương pháp kiểm soát cận thị ở trẻ em có vai trò rất quan trọng.

BS Trịnh Thế Sơn (Bệnh viện Mắt Hoa Lư)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm