Đạo diễn Kim Ki Duk: Chân đất, giày nát trên thảm đỏ

11/09/2012 07:05 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Với bộ phim nhựa thứ 18 - mang tựa đề Pieta - đoạt giải Sư tử Vàng tại LHP Quốc tế Venice lần thứ 69 vừa diễn ra, đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki Duk (52 tuổi) đã tái khẳng định nghệ thuật làm phim của ông với thế giới. Với công chúng xứ kim chi, ông là một đạo diễn xuất sắc, người đã 3 lần đoạt giải thưởng hàng đầu tại LHP Quốc tế Venice, Cannes và Berlin.

Trước khi bộ phim của ông đoạt giải Sư tử Vàng tại LHP Venice, đạo diễn Kim Ki Duk nói rằng bộ phim Pieta là một sự khởi đầu mới trong sự nghiệp khác thường của ông. Kim Ki Duk bắt đầu làm phim mà không kinh qua trường lớp điện ảnh nào.  



Đạo diễn Kim Ki Duk (thứ 2 từ trái sang) sau khi nhận giải Sư tử Vàng tại LHP Venice lần thứ 69.

"Gã lập dị"

Kim Kim Duk cho biết, Pieta là 1 trong 3 phim, cùng với Samaritan Girl (phim đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Berlin năm 2004) và Amen (2011), thể hiện hoài bão của ông muốn trở thành một người thuyết giáo từ thời trai trẻ.

“Tôi luôn xoáy về thân phận con người. Tôi tin rằng đây là điều mà mọi người trên toàn thế giới có thể hiểu rõ được” - Kim Ki Duk nói.

Kim Ki Duk vẫn nổi tiếng là nhà làm phim lập dị. Ông không dùng điện thoại di động. Và tại LHP Venice, ông thường đi đôi giày cũ nát hay thậm chí còn đi chân đất khi xuất hiện trên thảm đỏ.

Sau khi giành giải Sư tử Vàng, ông đã cám ơn Ban giám khảo LHP bằng việc thể hiện ca khúc dân gian Hàn Quốc Arirang. “Chủ nghĩa tư bản là một đề tài lớn liên quan tới mọi nơi trên thế giới. Tôi nghĩ ban giám khảo và khán giả cảm nhận được rất rõ về sự trái đạo đức nảy sinh từ chủ nghĩa tư bản. Bộ phim bắt đầu với hình ảnh tàn nhẫn và bạo lực, nhưng sau đó là những cảnh gột sạch tâm trí thông qua sự tha thứ và sự cứu rỗi tâm hồn” - ông nói.

Trong phim Pieta, đạo diễn Kim Ki Duk đã giảm mức độ bạo lực đi nhiều so với những bộ phim trước đó của ông nhằm thu hút được lượng khán giả lớn hơn.  



Đạo diễn Kim Ki Duk nổi tiếng là người lập dị. Ông đi đôi giày cũ rích khi lên nhận giải Sư tử Vàng.

Tự nhận mình là "Một con quỷ lớn"

Xuất hiện trong một chương trình giải trí nổi tiếng mới đây, Kim Ki Duk đã mô tả mình là “một con quỷ lớn lên với một phức cảm tự ti” do môi trường xung quanh quá nghèo nàn. Ông mới chỉ học đến bậc trung học và hoàn toàn tự học làm phim.

Sinh ra ở Bonghwa, tỉnh Gyeongsang, Kim Ki Duk lớn lên trong khó khăn. Ông không có lựa chọn nào khác là phải theo học tại một trường trung học địa phương, song ngôi trường này lại không nằm trong hệ thống giáo dục chính thức. Sau khi tốt nghiệp, Kim Ki Duk cố gắng kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau. 15 tuổi, ông bắt đầu làm việc trong một nhà máy ở Seoul và sau đó là lao động chân tay tại một khu công nghiệp liên hợp cũ nát. Ông còn là một họa sĩ đường phố ở Daehangno, Seoul. Năm 1990, ở tuổi 30, ông đặt chân tới Pháp sau 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có bất cứ kế hoạch nào cho tương lai. Ông kiếm sống bằng nghề vẽ tranh trên đường phố ở Paris (Pháp).

Trong thời gian ở Pháp, các bộ phim Sự im lặng của bầy cừu Les Amants Du Pont Neuf (tạm dịch: Những người tình trên cầu) đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông. Kim Ki Duk quyết định trở thành một đạo diễn điện ảnh.

Thảm khốc, dữ dội

Khi được hỏi tại sao ông lại hát ca khúc dân gian Hàn Quốc Arirang để cám ơn ban giám khảo khi lên nhận giải Sư tử Vàng, Kim Ki Duk nói: “Tôi muốn nói với khán giả thế giới về đất nước mình khi đang truyền đi thông điệp qua bộ phim Pieta”.

Năm 1993, Kim Ki Duk trở về Hàn Quốc. Tác phẩm điện ảnh đầu tay được làm với kinh phí thấp của ông - Crocodile - đã nhận được lời ca ngợi ở mức “hiện tượng”. Phim kể về một người đàn ông sống bên bờ sông Hàn ở Seoul cứu một người phụ nữ đang cố gắng tự vẫn. Nhưng sau đó, anh ta đã cưỡng bức và ngược đãi người phụ nữ cho đến khi mối quan hệ kỳ cục giữa họ bắt đầu nảy sinh tình cảm.

Kim Ki Duk tung ra bộ phim thứ 3 - Birdcage Inn - vào năm 1998 và tác phẩm điện ảnh này đã được chọn khai mạc LHP Quốc tế Berlin năm 1999. Tiếp đó bộ phim The Island của ông được chọn tham gia tranh giải Sư tử Vàng tại LHP Quốc tế Venice năm 2000. 

Phim Real Fiction (2000), gồm toàn những hình ảnh chỉ quay một đúp, đã được chọn tham gia tranh giải tại LHP Quốc tế Moskva năm 2001. Hay Bad Guy, bộ phim gây tranh cãi kể về một người đàn ông đã bẫy một phụ nữ vào nhà chứa và trở thành người bảo vệ cô, đã được chọn tham gia tranh giải tại LHP Berlin.

Bộ phim tài liệu Arirang mà ông thực hiện năm 2011 là một câu trả lời cho những câu hỏi của ông về con người và về một nghi lễ đã gột sạch tâm hồn ông. Kim Ki Duk làm bộ phim này sau 3 năm sống trong một túp lều tại một ngôi làng, tách biệt hẳn với việc làm phim. Phim đã đoạt giải ở hạng mục Un- Certain Regard tại LHP Cannes.

Nói về những kế hoạch tương lai của mình, Kim Ki Duk cho biết ông đang định làm phim mô tả “người ta ăn thịt lẫn nhau như thế nào chỉ vì đồng tiền” và tiếp đó là phim về “những nhân vật danh tiếng và các ngôi sao thể thao. Những đề tài này rất thú vị và trong tương lai tôi sẽ cố gắng tiếp tục làm được những bộ phim gây ấn tượng” - đạo diễn Kim Ki Duk bộc bạch.

The Master xứng giải Sư tử Vàng hơn Pieta

Philip Seymour Hoffman trong phim The Master

Các thành viên giám khảo LHP Quốc rất thích bộ phim The Master của đạo diễn Paul Thomas Anderson - tác phẩm điện ảnh được truyền cảm hứng từ người sáng lập ra giáo phái Scientology, L. Ron Hubbard. Song theo quy định của LHP Venice, nếu một bộ phim đoạt giải Sư tử Vàng thì không thể được trao các giải thưởng khác. Và phim The Master được trao giải Sư tử Bạc Đạo diễn xuất sắc nhất và giải Nam diễn viên xuất sắc nhất cho Joaquin Phoenix và Philip Seymour Hoffman. Thay vào đó, giải Sư tử Vàng được trao cho phim Pieta của đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki Duk.

Thành viên giám khảo người Anh - Samantha Morton - cho biết ban giám khảo đã mất nhiều giờ đồng hồ để quyết định xem bộ phim nào đáp ứng được tiêu chí của giải Sư tử Vàng: giá trị tinh thần, khả năng gây xúc động, hoài bão nghệ thuật của đạo diễn và giá trị thẩm mỹ.

“Tất cả những yếu tố này đều có trong phim The Master. Nếu LHP Venice không có những quy định như vậy thì phim đương nhiên đoạt giải Sư tử Vàng” - bà Morton cho biết. ảnh (file The Master)


     Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm