Kiến nghị gỡ khó cho các 'khu đất vàng' tại Hà Nội

02/06/2022 17:00 GMT+7 | Tin tức 24h

Sáng 2/6, Đoàn giám sát số 2 do Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Điện ảnh Hà Nội. Đoàn đã khảo sát thực địa tại rạp Mê Linh, số 88 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng.

Tại sao '10 khu đất vàng' bị Hà Nội thu hồi?

Tại sao '10 khu đất vàng' bị Hà Nội thu hồi?

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa có văn bản đề nghị TP thu hồi 810ha đất của 10 DN do vi phạm Luật Đất đai, không phù hợp quy hoạch, cho thuê đất trái phép, bỏ hoang.

Báo cáo với Đoàn giám sát, ông Mai Xuân Phương, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Điện ảnh Hà Nội cho biết, Công ty đang quản lý 5 địa điểm nhà, đất gồm: trụ sở Công ty và cụm rạp Tháng 8 tại số 45 phố Hàng Bài, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm; cơ sở tại số 57 Cửa Nam, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm; cơ sở nhà, đất tại số 437 phố Bạch Mai, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng; cơ sở tại số 211 phố Khâm Thiên, quận Đống Đa và cơ sở tại số 88 phố Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng. Đây đều là những khu đất “vàng” nằm ở vị trí trung tâm thành phố, trong đó hai cơ sở Công ty đã cho thuê lại toàn phần, ba cơ sở còn lại cho thuê lại một phần.

Theo ông Mai Xuân Phương, trong số 5 cơ sở trên có hai cơ sở hoạt động không hiệu quả là số 45 Hàng Bài và 57 Cửa Nam. Đến hết năm 2021, cơ sở 45 Hàng Bài còn nợ Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội gần 64 tỷ đồng, thuê đất gần 9 tỷ đồng. Cơ sở 57 Cửa Nam, phường Cửa Nam cũng còn nợ hơn 2 tỷ đồng tiền thuê nhà và đất...

Chú thích ảnh
Đoàn giám sát số 2 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội làm việc với Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội. Ảnh: TTXVN phát

Trước những áp lực nộp tiền thuê đất, thuê nhà với nhà nước trong khi hoạt động chiếu phim của công ty ngày càng sụt giảm cũng như áp lực phải đảm bảo mức lương tối thiểu, công việc của người lao động, bảo hiểm xã hội, chế độ của cán bộ công nhân viên chức và các chi phí khác để duy trì hoạt động của công ty, nhất là trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến nay, Công ty vẫn đang chờ quyết định sắp xếp lại doanh nghiệp của UBND thành phố Hà Nội. Công ty không còn nguồn vốn cũng như không thể huy động được vốn để đầu tư, khai thác hiệu quả các địa điểm được giao. Vì vậy, Công ty vẫn xin tạm thời duy trì, kết hợp với các đối tác để khai thác mặt bằng lấy nguồn thu nộp ngân sách nhà nước và chi lương, bảo hiểm, các khoản chi khác để duy trì hoạt động Công ty.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Điện ảnh Hà Nội là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực văn hóa (chiếu phim). Các cơ sở nhà đất Công ty được giao quản lý, sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, chưa bao giờ được Công ty Quản lý và Phát triển nhà sửa chữa, nâng cấp và đều là nhà, đất chuyên dùng cho hoạt động văn hóa, nằm trên các tuyết phố lớn, trung tâm nên tiền thuê nhà đất đều ở mức cao nhất. Trong khi đó, hoạt động của Công ty phải theo Luật Doanh nghiệp; không được hưởng một số cơ chế đặc thù hoặc được xem xét miễn, giảm một số loại thuế như đất, nhà... của nhà nước cũng như thành phố Hà Nội. Để tháo gỡ vấn đề này, Công ty kiến nghị thành phố có thể giao trực tiếp nhà, đất cho doanh nghiệp quản lý, sử dụng, đồng thời xem xét đặc thù của doanh nghiệp để có chính sách riêng như giảm, miễn tiền thuê nhà, đất...; cho phép doanh nghiệp liên doanh liên kết đảm bảo khai thác hiệu quả, hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính đồng thời vẫn có những diện tích cho hoạt động văn hóa tại những địa điểm này.

Chú thích ảnh
Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khảo sát thực địa quản lý nhà, đất tại rạp Mê Linh số 88 phố Lò Đúc (Hà Nội). Ảnh: TTXVN phát

Thời gian qua, Công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19. Hoạt động chiếu phim phải dừng nhiều tháng, đến khi được hoạt động trở lại, không có khách đến xem, số buổi chiếu bị hoãn nhiều. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất nhà rạp, trang thiết bị, máy móc đã hỏng, xuống cấp, hết khâu hao từ lâu, không còn đảm bảo về các tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, công ty vẫn phải tận dụng để duy trì hoạt động, không còn vốn để sửa chữa, nâng cấp. Cán bộ công nhân viên, người lao động trong Công ty nghỉ không hưởng lương nhiều tháng.

Bên cạnh đó, Công ty đang nợ Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội gần 68 tỷ đồng; nợ nhà nước gần 9 tỷ đồng. Thành phố đã có báo cáo số 354/BC-UBND ngày 6/12/2021 về việc sắp xếp lại doanh nghiệp thuộc UBND thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, sáp nhập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Điện ảnh Hà Nội vào Tổng Công ty Du lịch Hà Nội.

Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên nêu rõ, 5 cơ sở nhà, đất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Điện ảnh Hà Nội đều là “khu đất vàng” nhưng được sử dụng không hiệu quả, trong khi thành phố còn rất thiếu quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa. Sau đợt giám sát, đoàn sẽ kiến nghị HĐND thành phố có giải pháp góp phần vừa đảm bảo khai thác quỹ đất hiệu quả vừa giải quyết cho Công ty thoát khỏi tình trạng bấp bênh trong đời sống, thu nhập của người lao động.

Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Điện ảnh Hà Nội đang rất khó khăn. Đặc biệt, các điểm đất hiện nay ngoài sử dụng theo mục đích của thiết chế văn hóa, có liên doanh liên kết với các đơn vị và có những sai sót trong quản lý sử dụng. Công ty và các sở, ngành có trách nhiệm báo cáo rõ, cụ thể hơn để Đoàn giám sát tổng hợp chung, có ý kiến trong cuộc họp tới đây với UBND thành phố.

Tuyết Mai/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm