Kịch cổ điển Việt và giấc mơ xuất ngoại

19/03/2016 12:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà hát kịch VN sắp có chuyến lưu diễn 5 ngày tại Singapore. Thông tin ấy tưởng như rất bình thường, nếu người ta không chú ý tới “hành trang” được Nhà hát mang theo: vở bi kịch Hamlet.

Cụ thể, Hamlet (tác giả Shakespeare, đạo diễn NSND Anh Tú) sẽ ra mắt khán giả trong thời gian từ 23 – 27/3 tại đảo quốc sư tử. Đây cũng được coi là một sự kiện hưởng ứng Năm Shakespeare 2016.

Tín hiệu vui

Việc xuất ngoại” vốn không phải cái gì quá xa lạ với Nhà hát Kịch VN này. Chỉ vài năm trước, vở Cải lão hoàn đồng của họ đã lần lượt góp mặt trong một số liên hoan tại Nam Ninh (Trung Quốc) và Pohang (Hàn Quốc). Rồi, tháng 4 tới, dự kiến Lâu đài cát, một vở diễn khác, cũng sẽ lại sang Trung Quốc, để dự một Liên hoan sân khấu khác tại Trịnh Châu.

Nhưng Hamlet lại là một câu chuyện khác. Đó không chỉ là vở diễn lớn nhất của Nhà hát trong hơn chục năm qua, sau một quãng dài thời gian tỏ ra “hụt hơi” vì những bất ổn ở hậu trường.

Xa hơn thế, việc dàn dựng kịch bản cổ điển (và lại là Shakespeare), ít nhiều mang dáng dấp của một cuộc “chơi sang” đúng nghĩa - ở cả góc độ…kinh tế với mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng, cũng như những thách đố về nghề nghiệp.


Một cảnh trong vở Hamlet của Nhà hát kịch VN

Và, riêng với chuyện tìm“đầu ra” giữa cảnh chợ chiều của sân khấu phía Bắc, trường hợp của Hamlet vẫn còn là một dấu hỏi, kể cả khi vở diễn ra đời. Thời điểm ấy, ông Thế Vinh, giám đốc Nhà hát, cũng thẳng thắn chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) rằng đó là một bước cản cực lớn mà Nhà hát phải đối diện, nếu muốn lấy lại vị trí từng có trong quá khứ.

Để rồi bây giờ, sau đợt lưu diễn phía Nam, “đích đến” mới của Hamlet là 5 đêm diễn tại nhà hát Victoria, địa điểm biểu diễn danh giá và lâu đời nhất ở Singapore. Trang thông tin của Nhà hát gọi đây là “giấc mơ của các nghệ sĩ”. Quả thực, cũng khá hiếm hoi, khi sân khấu VN có điều kiện “xuất ngoại” bằng những vở diễn cổ điển như vậy.

Thậm chí, riêng với kịch của Shakespeare, người ta chỉ có thể thống kê được 2 trường hợp trước đó: lần tham gia Liên hoan sân khấu Thượng Hải vào năm 2005 của Macbeth (Nhà hát kịch Tuổi Trẻ) và lần mang Giấc mộng đêm hè sang Mỹ của chính… Nhà hát kịch Việt Nam, cách đây tròn 15 năm.

Để chuẩn bị cho chuyến đi này, phía Nhà hát đã công phu tới mức chỉnh sửa Hamlet như một… phiên bản mới so với trước đây. Phụ đề tiếng Anh được biên tập cẩn thận từ nguyên tác của Shakespeare, sân khấu được thiết kế lại theo phong cách hiện đại và linh hoạt.

Chưa đủ, thay vì chỉ sử dụng trò Hoa Lang của múa Xuân Phả như cách đây vài tháng, đạo diễn Anh Tú đã thay đổi, lồng ghép “đủ bộ” 5 trò Ngô Quốc, Hoa Lang, Tú Thuần, Ai Lao và Xiêm Thành vào các lớp múa để Hamletthêm phần ấn tượng.

Hãy đi tìm “tri âm”

Nhưng, cũng sẽ thiếu sót, nếu bỏ qua phần tài trợ của một tập đoàn doanh nghiệp cho chuyến lưu diễn Hamlet lần này. Và, ngoài những đêm diễn, chương trình cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, định hướng kinh nghiệm, chia sẻ nghề nghiệp… với các du học sinh tại Singapore.

Có nghĩa, việc xuất ngoại của một vở diễn lớn như Hamlet cũng gặp may mắn khi nhận được nguồn kinh phí từ việc xã hội hóa như vậy.

Bởi, về bản chất, việc mang kịch cổ điển ra nước ngoài, biểu diễn tại những sân khấu lớn, là một câu chuyện rất khác so với những chuyến lưu diễn ngắn thiên về phục vụ Việt kiều, và thường kết hợp sân khấu với nhạc nhẹ, múa, và cả thời trang.

Kịch Hamlet ra mắt với giá vé 1 triệu đồng: Chỉ có… 10 khán giả cũng diễn!

Kịch Hamlet ra mắt với giá vé 1 triệu đồng: Chỉ có… 10 khán giả cũng diễn!

"Đưa ra giá vé một triệu đồng là phép thử của Nhà hát về nhu cầu xem kịch cổ điển của khán giả bây giờ. Chỉ mười hay vài ba chục người đặt chân tới Nhà hát Lớn vào tối 3/11 tới, chúng tôi vẫn trân trọng".


Thậm chí, sẽ rất khó hy vọng các Nhà hát Việt Nam đủ sức thường xuyên dựng kịch cổ điển, chứ chưa nói tới chủ động thuê rạp, liên hệ và tổ chức các tour lưu diễn.

Một ví dụ đơn giản: đêm ra mắt ở Nhà hát Lớn, Hamlet có giá vé 1.000.000 đồng/vé, với lời tuyên bố mạnh dạn của Ban giám đốc rằng chỉ có…10 khán giả cũng diễn. May mắn, người xem tới kín rạp - nhưng cả người trong cuộc lẫn…ngoài cuộc đều hiểu rằng những đêm diễn theo cách ấy không thể duy trì thường xuyên.

Bởi vậy, trong cuộc trò chuyện với báo giới về chuyến xuất ngoại của Hamlet, đạo diễn NSND Anh Tú cũng đã nhắc tới khái niệm “hướng đi mới”. Nhưng, theo lời anh, hướng đi ở đây hoàn toàn không phải là đưa kịch cổ điển… ra ngoài VN để tìm thị trường khán giả.

“Khủng hoảng đến mấy, sân khấu cũng không thể trông chờ vào những khán giả ngoài biên giới VN”- Anh Tú nói.“Điểm mừng lớn nhất ở câu chuyện này là sự hợp tác giữa sân khấu và doanh nghiệp.Đó là một hướng đi khả quan và rất tích cực”.

Sự thực, trong 2 năm qua, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và sân khấu cũng đã bắt đầu xuất hiện tại khu vực phía Bắc- điển hình là việc Ngân hàng SHB hỗ trợ cho Nhà hát Tuổi trẻ để có 100 đêm diễn miễn phí vở Mùa hạ cuối cùng (Lưu Quang Vũ) phục vụ học sinh sinh viên.

Còn, với Nhà hát kịch VN, sự hỗ trợ lần này cũng có thể coi là một dấu mốc đặc biệt hơn, khi doanh nghiệp chủ động cùng Nhà hát đưa một vở kịch cổ điển lớn ra nước ngoài biểu diễn.

Vẫn biết đi tìm “tri âm” là khó, nhưng điều đó lại bắt đầu là một nhu cầu thiết thân từ các Nhà hát, trong giai đoạn xu hướng xã hội hóa đang bắt đầu được đẩy mạnh như bây giờ.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm