Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai: Khó như… bài diễn văn nhậm chức!

20/01/2013 07:19 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Một Tổng thống sẽ nói gì trong bài phát biểu nhậm chức nhiệm kỳ hai của ông? Trong lịch sử Mỹ, 16 người đã có cơ hội đó nhưng phần lớn đều cho ra một bài phát biểu lộn xộn, bị lãng quên, hoặc bị chính lời lẽ của họ quay trở lại ám ảnh. Vì lẽ đó, bài phát biểu tới đây của ông Obama trong lễ nhậm chức của ông sẽ là một thách thức đặc biệt, thu hút không ít sự quan tâm của giới quan sát. 

Tại lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai, Tổng thống Abraham Lincoln đã có câu nói nổi tiếng rằng "chẳng có cớ gì để đưa ra một bài phát biểu dài hơn nhiệm kỳ đầu".

Tổng thống Barack Obama trong lễ nhậm chức đầu tiên của ông hồi năm 2009

Những bài phát biểu bị quên lãng

Bài phát biểu của Lincoln trong ngày thứ Bảy, 4/3/1865, thực tế đã trở thành một chuẩn mực về bài phát biểu của một Tổng thống lên lãnh đạo nhiệm kỳ hai. Ông có phần kết rất hay là: "Không gây tổn thương cho bất cứ ai, khoan dung đến tất cả mọi người, kiên quyết đứng về lẽ phải vì Thượng đế cho chúng ta biết nhìn thấy lẽ phải, hướng dẫn chúng ta nỗ lực để hoàn tất công việc ta đang làm". Câu nói này đã được tạc vào đá và được nhiều thế hệ nhắc lại.

Nhưng nước Mỹ không có nhiều bài phát biểu kinh điển như thế. Thường thì các Tổng thống khi nhậm chức nhiệm kỳ hai đều có những bài phát biểu lộn xộn, hoặc đưa ra những lời hứa mà họ không thể thực hiện, hoặc không gây phấn khích như nhiệm kỳ đầu tiên.

"Câu nói “Hãy để chúng ta tiếp tục” không bao giờ gây ấn tượng sâu sắc như câu “Hãy để chúng ta bắt đầu'" - Jeff Shesol, một sử gia chuyên viết về các Tổng thống kiêm người viết diễn văn cho cựu Tổng thống Bill Clinton cho biết.

Trong suốt lịch sử Mỹ, lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 thường bị lãng quên, bởi đây là giai đoạn chuyển tiếp, thiếu động lực thường đi kèm với một Tổng thống mới. "Trong phần lớn trường hợp, sự kiện này chẳng được nhớ tới nhiều lắm" - Ken Khachigian, người viết diễn văn cho cựu Tổng thống Ronald Reagan nói.

Bị lãng quên chính xác là trường hợp lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 của Reagan vào năm 1985. Trong ngày đó, thời tiết đã rất tệ hại, với nhiệt độ tụt xuống -14 độ C, buộc buổi lễ diễn ra trong nhà. Thời tiết lạnh, chứ không phải bài phát biểu của Reagan, đã trở thành tiêu đề chủ đạo của báo chí ra ngày hôm sau.

Tổng thống huyền thoại George Washington thốt ra đúng 135 từ và bài phát biểu của ông chẳng ấn tượng cho lắm. Thomas Jefferson trong bài phát biểu vào năm 1805 và Ulysses Grant trong bài phát biểu hồi năm 1873 lại phàn nàn về việc... báo chí đã chỉ trích họ. "Cỗ pháo của báo chí đang chĩa vào chúng tôi" - Jefferson tuyên bố trong bài diễn văn.

Ăn to nói lớn để rồi gây thất vọng

Cả hai người tiền nhiệm của Obama đã nhắm tới những mục tiêu cao trong bài phát biểu nhậm chức nhiệm kỳ 2, nhưng họ đều đã gặp khó khăn lớn.

Năm 1997, Tổng thống Bill Clinton đã có bài phát biểu đầy những lời hứa hẹn về việc dẫn dắt đất nước tới thế kỷ 21 trong vai trò một "người hàn gắn các bất hòa" đã chia cắt quốc gia. Chính xác một năm sau đó, có tin ông ngoại tình với cựu thực tập sinh Nhà Trăng Monica Lewinsky và bất hòa lại càng lan rộng hơn, bởi ông trở thành Tổng thống thứ hai trong lịch sử Mỹ đối diện với khả năng bị phế truất.

Năm 2005, George W. Bush tìm cách định hình lại chính sách ngoại giao mang tính hung hăng của ông - với 2 cuộc chiến đã diễn ra tại Iraq và Afghanistan. Bush gọi chính sách ngoại giao mới là "một chương trình nghị sự tự do", cam kết rằng: "Tất cả những ai đang sống dưới ách độc tài và tuyệt vọng cần hiểu rằng nước Mỹ sẽ không bỏ qua việc các bạn bị đàn áp, hay tha thứ cho những kẻ đàn áp các bạn. Khi các bạn đấu tranh vì tự do, chúng tôi sẽ đứng cùng các bạn".

Nhưng sau này, đã có những chất vấn về việc tại sao Bush lại muốn lật đổ chính quyền mà ông xem là "độc tài" ở Iraq, Afghanistan, trong khi những kẻ thực hiện vụ khủng bố 11/9 đã châm ngòi cho 2 cuộc chiến của Mỹ lại tới từ Arab Saudi, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Và việc Obama chiến thắng một phần cũng vì sự phẫn nộ của dư luận với 2 cuộc chiến kể trên.

Tại bài phát biểu nhậm chức lần thứ hai diễn ra vào năm 1985, Ronald Reagan đã nói về “tiếng nói của người Mỹ", được ông tổng kết là "đầy hy vọng, giàu tình cảm, lý tưởng, táo bạo, tử tế và công bằng". Chưa đầy 2 năm sau đó, Reagan đã vướng vào vụ bê bối Iran-Contra gây chấn động (vụ bê bối trong đó Mỹ ngấm ngầm bán vũ khí cho Iran, nước đang bị cấm vận vũ khí, để đổi lấy các con tin Mỹ đang bị giữ ở Iran). Hậu quả của vụ này là sự nghiệp chính trị của Reagan đã bị treo trên sợi tóc trong một thời gian.

Đã có bài phát biểu hay nhất rồi

Giờ đây tới lượt Obama lại có cơ hội đọc bài phát biểu của ông. Obama đã thu hút sự chú ý của nước Mỹ hồi năm 2004, khi ông mới là ứng cử viên chạy đua vào Thượng viện Mỹ, bằng một bài phát biểu xuất sắc tại Hội nghị Quốc gia đảng Dân chủ. "Không có một nước Mỹ tự do hay một nước Mỹ bảo thủ. Chỉ có một Hợp chủng quốc Hoa Kỳ" - Obama từng nói - "Không có nước Mỹ da đen, nước Mỹ da trắng, nước Mỹ gốc Latin hay nước Mỹ châu Á. Chỉ có một Hợp chủng quốc Hoa Kỳ".

Kiểu phát ngôn hào sảng như thế đã giúp đưa Obama tới Nhà Trắng 4 năm sau đó và có thể là đã trở thành cơ sở khiến người ủng hộ ông thất vọng, khi ông trở thành Tổng thống. Một số nhà phân tích nói rằng các bài phát biểu của Obama khi là Tổng thống đã không luôn tương xứng với danh tiếng của ông trong vai trò một nhà diễn thuyết truyền cảm hứng.

Họ tin rằng cho dù Obama nói gì trong ngày thứ Hai tới đây, thực tế ông đã có bài phát biểu hay nhất sau cuộc bầu cử 2012 tại lễ tưởng niệm các nạn nhân bị thảm sát ở Newtown, Connecticut.

Sau khi đọc tên các nạn nhân, Obama đã thề sẽ thay đổi luật kiểm soát súng: "Chúng ta không thể tha thứ cho chuyện này nữa" - Obama nói về các vụ thảm sát như chuyện diễn ra ở Newtown - "Chúng ta đã chưa làm đến nơi đến chốn và chúng ta sẽ phải thay đổi".

Người viết tiểu sử của Obama là David Maraniss đã so sánh bài phát biểu này với bài phát biểu "Gettysburg" mà Lincoln đã đọc trên chiến trường trong cuộc Nội chiến Mỹ, nói rằng dân Mỹ sẽ "nhớ mãi những gì Obama tuyên bố ở Newtown". 

Tường Linh (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

"Câu nói “Hãy để chúng ta tiếp tục” không bao giờ gây ấn tượng sâu sắc như câu “Hãy để chúng ta bắt đầu'" - Jeff Shesol, một sử gia chuyên viết về các Tổng thống - bày tỏ



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm