Kĩ thuật EURO 2012: Ngôi sao lớn cần bao nhiêu tự do?

21/06/2012 11:11 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) -  Cristiano Ronaldo và Wesley Sneijder đều được lệnh dẫn dắt hàng tấn công cho BĐN và Hà Lan ở EURO 2012, nhưng kết quả họ tạo ra hoàn toàn khác nhau.

Đôi khi một điểm mạnh có thể trở thành điểm yếu. Sneijder có lẽ là cầu thủ tấn công ấn tượng nhất của Hà Lan ở EURO 2012, nhưng anh cũng có thể là nguyên nhân gây ra sự thiếu kết dính về mặt chiến thuật trong đội hình của HLV Bert van Marwijk. Tương tự như vậy, Ronaldo, với tất cả năng lực rõ ràng và sức công phá khủng khiếp của anh trước Hà Lan vào Chủ nhật, có thể trở thành một điểm yếu có thể bị khai thác trong thế trận phòng ngự của BĐN. Khác biệt có lẽ là ở sự cân bằng.

Ronaldo và nhiệm vụ phòng ngự

Ronaldo hiếm khi nào quay lại phía sau và những điểm mạnh anh mang lại cho hàng tấn công có lẽ là đủ để bù đắp cho sự sơ hở của hàng thủ. Nhưng cũng rất đáng chú ý khi tất cả các bàn thua của BĐN ở giải lần này tính đến giờ là từ cánh của anh: quả tạt cho Mario Gomez trong chiến thắng của Đức, những quả tạt dẫn đến cả hai bàn thắng của Nicklas Bendtner cho Đan Mạch và pha đột phá của Arjen Robben dẫn tới bàn của Rafael van der Vaart cho Hà Lan.

Ronaldo (trái) và Sneijder trong trận Bồ Đào Nha- Hà Lan - Ảnh: Getty

Thêm vào đó, Ronaldo chưa phải đối mặt một hậu vệ cánh chuyên tấn công đích thực nào, đồng nghĩa với việc cuộc hội ngộ với Theodor Gebre Selassie trong trận tứ kết gặp Czech tối nay có thể sẽ là trận chiến quyết định kết quả. Gebre Selassie đã thu hút rất nhiều sự chú ý nhờ khả năng tấn công đa dạng và hiệu quả, đặc biệt với sự hỗ trợ của Petr Jiracek phía trên và trong khi bộ đôi bên cánh phải của HLV Michal Bilek chắc chắn sẽ phải phòng ngự trước cặp Fabio Coentrao-Ronaldo của BĐN, họ cũng hiểu rằng sẽ có những cơ hội để cả hai cô lập một mình Coentrao, như Philipp Lahm và Robben từng làm cho Bayern Munich ở trận lượt đi bán kết Champions League mùa vừa rồi.

Ronaldo rõ ràng thích chơi ở bên cánh trái hơn nhưng với bối cảnh khan hiếm người ghi bàn của BĐN hiện giờ, không khỏi nghĩ rằng sẽ tốt hơn cho đội bóng áo màu bã trầu nếu để cầu thủ giỏi nhất của họ đá trung phong và sử dụng một cầu thủ có thể phòng ngự tốt hơn để hỗ trợ cho Coentrao. Ronaldo vẫn có thể lùi sâu và tận dụng khoảng trống, như cách anh ghi cả 2 bàn ở trận gặp Hà Lan, nhưng không phá hỏng cấu trúc của đội bóng. Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết. Sử dụng Ronaldo là một vấn đề phức tạp về sự cân bằng. Liệu hiệu quả tấn công mà anh mang lại có lớn hơn những vấn đề cho khâu phòng ngự phía sau? Câu trả lời, với hầu hết các HLV đã làm việc với anh, là có.

Sneijder trong hệ thống 4-2-3-1

Với Seijder, vấn đề cơ bản hơn. Như đã thể hiện tại Inter Milan mùa trước, lối chơi như một cầu thủ kiến tạo của anh chỉ có thể thích hợp với đội hình 4-2-3-1. Trong quá khứ, Sneijder trưởng thành từ lò đào tạo Ajax và chơi như một tiền vệ tấn công Hà Lan kiểu truyền thống trong hệ thống 4-3-3. Đó cũng là vị trí giúp Sneijder phát huy tốt nhất khả năng trong màu áo tuyển quốc gia khi ghi 5 bàn ở World Cup 2010 với vai trò hộ công cho Robin van Persie. Tóm lại, một số 10 kiểu cổ điển. Sneijder hiếm khi nào lùi lại phía sau và ở Inter anh đã làm rõ vị trí một cầu thủ sang trọng, một người hùng chỉ chơi bóng với hai tiền vệ phòng ngự phía sau. Ở Hà Lan, thêm vào đó thái độ chạy lên không thèm chạy về của Robben, và một phần nào đó, Ibrahim Afellay, với hai tiền vệ trung tâm thiên về chặt chém và ít kỹ thuật Nigel De Jong và Mark van Bommel, Hà Lan trở thành một đội bóng hoàn toàn đổ vỡ của những mối chắp vá gượng gạo.Kết quả là hậu vệ trái 18 tuổi Jetro Willems phải một mình đối phó với sự bủa vây từ các tiền vệ tấn công đối phương. Việc mà Dirk Kuyt vẫn làm, chạy về phía sau, quản lý đường biên, kết nối hàng tiền vệ với tuyến phòng ngự, như ở World Cup 2010, lần này không có ai đảm nhiệm. Tương tự, tại Nam Phi ở cánh bên kia của Hà Lan là Giovanni van Bronckhorst, dù đã 35 tuổi, nhưng vẫn có thể lên công về thủ nhịp nhàng. Thật dễ để buộc tội Van Bommel và De Jong, nhưng có lẽ chính mũi đinh ba lộn xộn phía sau Van Persie, không ai chấp nhận lùi lại, mới là nguyên nhân chính khiến Hà Lan tan vỡ.

Vấn đề với Van Marwijk, hay bất cứ HLV nào sẽ thay ông dẫn dắt Hà Lan, là sử dụng Sneijder một cách thích hợp. Van Bommel có lẽ không còn được trọng dụng nữa, nhưng phương án thay thế gượng ép Van der Vaart, như trong trận gặp BĐN, đã thất bại hoàn toàn và khiến đội bóng áo cam trở nên hết sức mỏng manh. Kevin Strootman có lẽ mang tới nhiều sự cân bằng hơn nhờ vào lối chơi đầy nỗ lực, nhưng ngay cả như thế vấn đề phòng ngự ở hai cánh vẫn còn nguyên. Hệ quả, Sneijder có thể là tiền vệ sáng tạo nhất của Hà Lan vào lúc này, nhưng anh cũng có thể chính là người mà họ phải hy sinh để tiếp tục tiến lên.

Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm