Kí sự Nam Phi: Từ mũi Point, nhớ Galeano

06/07/2010 12:25 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH)- Tôi chưa từng gặp ông, nhưng tôi mê say sách của ông. Một chiều đầy mây và gió, trong tiếng sóng ầm ỳ của nơi mà nước của Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương hòa làm một, tôi ngồi trên ngọn hải đăng ở mũi Point (Cape Point), một trong nơi xa nhất về tây nam của châu Phi, và nhớ đến ông.
   
Khó có thể tin rằng một ngày nào đó, mình lại ở đó, trong mây, nhìn xa tít phía chân trời nơi có mũi Agulhas, nơi dòng biển nóng Ấn Độ Dương và dòng biển lạnh Đại Tây Dương hòa làm một, lắng nghe tiếng sóng quất vào ghềnh đá, hướng mắt xa xa nhìn rìa đá nhô ra của mũi Hảo vọng, từng một thời được cho là điểm cực nam của châu Phi. Phải, nhưng đúng là tôi đang ngồi đây, và không phải dụi mắt để ngỡ là mình mơ. Từ ngọn hải đăng ở mũi Point, trong một ngày trời nắng và quang mây, có thể nhìn thấy hầu như tất cả trong tầm mắt. Nhưng hôm đến đấy, cứ ngỡ như mình đang đi trên mây. Mặt biển xanh óng ánh nắng trời pha màu trắng của hơi nước và mây mù phía trước. Trong đám bụi nước trắng xóa kéo dài đến tận mũi Agulhas, có hình bóng của con tàu ma mang tên “Người Hà Lan bay” của thuyền trưởng Hendrick van der Decken đang chu du cho đời mỏi mệt quanh mảnh đất này từ hơn 4 thế kỉ nay? Và ở đâu đó dưới làn nước xanh thẫm của Ấn Độ Dương bên tay trái và xanh nhạt của Đại Tây Dương bên tay phải, còn dáng hình của một trong số hàng trăm con tàu đã bị nhấn chìm ở nơi đầy dông bão, dù có tên đẹp đẽ là mũi Hảo vọng (Vua BĐN Joao II đặt tên như thế, vì ông nhìn thấy ở đấy con đường biển giao thương với Ấn Độ)?    



Bỗng nhiên, trong tiếng ầm ỳ của sóng biển, tiếng những con chim hải âu kêu lên da diết, tôi nhớ đến ông, Eduardo Galeano, 70 tuổi, nhà văn, nhà báo, nhà thơ người Uruguay, người viết về bóng đá như về chính cuộc sống dung dị và gần gũi của chúng ta. Trong bóng đá, Galeano không phải Bartholomeo Dias, nhà hàng hải châu Âu đầu tiên đến được mũi Hảo vọng cuối thể kỉ 15, nhưng là người khám phá ra bóng đá trên góc độ thơ và triết học, đi đến tận cùng những góc độ tình cảm và đam mê với trái bóng. “Bóng đá, dưới mặt trời và trong bóng tối” do ông viết có lẽ là cuốn sách hay nhất về bóng đá mà những ai yêu trái bóng tròn nên gối đầu giường. Những liên tưởng và suy nghĩ đôi khi lẩn thẩn của người viết là tôi, với Galeano, đôi khi trở nên thú vị, nhất là khi trên chính mảnh đất này, World Cup đang đi qua giai đoạn đẹp và căng thẳng nhất của nó. Không thể không suy nghĩ và liên tưởng. Có thể nói gì nếu chính người Hà Lan là những người Châu Âu đầu tiên đã đặt chân đến Cape Town làm thuộc địa, nếu những huyền thoại về con tàu ma “Người Hà Lan bay” gắn đến họ, nếu cái chất sống của thành phố vẫn in đậm phong cách Âu? Và nữa, cũng trên chính những con tàu, các cầu thủ thế giới đã vượt đại dương đến dự World Cup đầu tiên ở Uruguay vào năm 1930? Những con tàu, những cơn bão, World Cup, sự đụng độ của 2 quốc gia nhỏ bé có nhiều điểm tương đồng (Galeano viết: “Chúng tôi cùng xuất khẩu các nhà văn và cầu thủ”), tại một sân bóng nằm ngay sát biển, nơi trước kia chính những người Hà Lan đã đặt chân đến cho cuộc chinh phục thuộc địa, trở thành một xâu chuỗi lạ kì gắn với Galeano.

   


Ông viết: “Điều quan trọng không phải là bạn đến từ một quốc gia nhỏ bé nào, mà bạn phải đưa vào đôi chân toàn bộ tâm hồn, mồ hôi và trái tim”. Uruguay và Hà Lan, hai quốc gia nhỏ bé ấy, sẽ chiến đấu với nhau trong một trận sống mái để quyết định một suất vào chung kết. Uruguay sau 60 năm, Hà Lan sau 32 năm. Quá nhiều năm đã trôi qua, nhưng thời gian vẫn để lại dấu vết. Hà Lan đã là một siêu cường bóng đá. Uruguay cũng thế, và trên thực tế, là siêu cường bóng đá đầu tiên của thế giới. Nhưng Uruguay đã sống trong quá khứ lâu hơn Hà Lan nhiều. Galeano viết: “Bóng đá hiện đại do chính Uruguay sản sinh. Nhưng đấy là quá khứ. Chúng tôi lẩn trốn trong những nỗi hoài niệm về quá khứ hào hùng của ĐTQG”. Trước năm 1950, Uruguay là một dạng Brazil của bây giờ. 2 chức VĐ Olimpic, 2 chức VĐ World Cup. Chiến thắng của họ đẹp như bầu trời trên đầu mũi Point. Nhưng bây giờ, không chiến thắng nữa, Uruguay chỉ như những gì còn sót lại trên bãi biển từ những con tàu đã đâm vào đá ở mũi Agulhas. “Chúng ta chơi như những kẻ mộng du trên sân cỏ. Các cầu thủ đá cánh không bay nữa. Chúa thôi phù hộ cho các tiền đạo. Rác rưởi là từ đúng nhất thể hiện lối chơi của Uruguay”. Galeano đã viết về đất nước ông, rằng nước ngoài không hề biết đến Uruguay và cái tên ấy chỉ hiện lên nhờ đội bóng đá, hoặc những câu chuyện về 16 chàng trai của đội bóng bầu dục nước này đã phải ăn thịt cả đồng loại đã chết để tồn tại trong 72 ngày trên núi Andes phủ đầy tuyết sau một tai nạn máy bay vào năm 1972: “Màu áo xanh da trời là bằng chứng về sự tồn tại của một quốc gia”. Uruguay ấy đã nổi lên mặt nước vào năm 2010. Để rồi từ đầu giải, mỗi khi đội Uruguay chơi bóng, “đất nước như ngừng thở. Các chính trị gia, ca sĩ và người bán hàng rong ngậm miệng lại, những đôi tình nhân thôi hôn nhau và ruồi cũng ngừng bay”.  


Những câu nói của Galeano về bóng đá và Uruguay đâng vang lên ở đâu đó trên những con sóng kia. Như tiêu đề cuốn sách bất hủ của ông, “Bóng đá, dưới mặt trời và trong bóng tối”, có mặt trời thì phải có bóng, có người thắng phải có kẻ thua, có niềm vui bên cạnh nỗi buồn. Mảnh đất có mũi Hảo vọng này cũng chất chứa biết bao ảo vọng. Cả Hà Lan và Uruguay cùng sống trong mong manh giữa 2 thái cực ấy. Liệu Uruguay có làm như những gì Galeano đã viết về các cầu thủ Chile của ngày xưa, rằng “nỗi sợ hãi đã biến họ thành những con dơi. 11 cầu thủ treo mình lên xà ngang”? Hà Lan là “đội bóng Mỹ La tinh mà tôi thích nhất”-lời của Galeano-sẽ làm gì để chiến thắng và đi sâu hết mức có thể, tiếp tục duy trì “ngọn lửa da cam bùng lên nhờ một cơn lốc”? Không ai biết, nhưng lịch sử chỉ mỉm cười với một trong số họ. Cái chết sẽ đến với người Hà Lan nếu họ không nhớ đến những gì Galeano đã viết: “Những người Uruguay vẫn tin rằng, đất nước của chúng ta đã thôi tồn tại từ sau chiến thắng lịch sử trước Brazil ở Maracana vào năm 1950. Từ đó, chúng ta phải làm tất cả cho những chiến thắng để chứng minh rằng, nước Uruguay có tồn tại”. Những khu dân cư đông đúc đậm chất bóng đá như thủ đô Montevideo ngày ngày cung cấp thêm cho đội tuyển ấy chất sống mới. “Bạn không thể sống được ở một nơi như Montevideo, bởi ở đó, đứa trẻ nào cũng hét lên “bàn thắng” đến điếc tai”. Tiếng kêu ấy đã vang đến tận Nam Phi xa xôi.

   
Dưới mũi Point, sóng vẫn dập vào ghềnh đá, mây vẫn bay ngang đầu và nắng vẫn trên vai.

                           
Bài và ảnh: Anh Ngọc (từ Cape Town)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm