Kí sự Nam Phi: Ngày dị thường ở Bloem

28/06/2010 12:52 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Người thanh niên ấy ngồi cạnh tôi suốt buổi, im lặng, thở dài và liên tục nốc bia. Đội tuyển của anh đã một lần nữa làm đau lòng tất cả những người hâm mộ yêu mến họ. Có Capello, từng được ca ngợi là một bậc thầy Italia, hay không, thì Anh vẫn làm tan nát trái tim các CĐV. Một lần nữa, Anh bị loại.

Sam, tên của anh, là một trong số hàng nghìn CĐV Anh đã đổ bộ xuống Bloemfontein chiều chủ nhật, và đương nhiên là anh thất vọng tràn trề. Không một ai ở Nam Phi này, từng có một quá khứ gắn liền với những năm tháng dưới quyền thống trị của người Anh, nghĩ đến một ngày bi kịch có thể xảy ra. Nhìn đoàn xe cắm cờ Anh phấp phới chạy từ Johannesburg và Pretoria xuống Bloem, nghe những CĐV hò hét ở những trạm nghỉ và những quán bia ngay cạnh sân Free State, nhìn cảm nhận những nụ cười tươi tỉnh của những cô gái rất đẹp trong màu áo trắng có chữ Thánh George, không thể nghĩ họ đang mong chờ một thất bại. Người Nam Phi ủng hộ họ. Những nhật báo thể thao và không phải thể thao từ đầu World Cup đã ca ngợi những Rooney, Gerrard, Lampard và đương nhiên, bậc thầy Italia, Fabio Capello, lên tận mây xanh. Số CĐV Anh đổ xuống Bloem cho trận Anh-Đức hiển nhiên nhiều hơn những người hâm mộ Manschaft. Thế rồi, tất cả sụp đổ chỉ trong một hiệp. Cái đội Anh tốn biết bao giấy mực của dư luận tan nát bởi những bàn thua không thể tưởng tượng nổi, với những sai lầm kinh khủng từ một hàng thủ được dựng nên từ bàn tay của một người Ý siêu hạng một năm về trước đã từng làm say đắm biết bao trái tim Anh. Rooney không một bàn thắng, Lampard và Gerrard vẫn không thể tỏa sáng cùng nhau, và đội Anh của năm 2010 vẫn sử dụng những xác chết từ thất bại nhiều năm về trước dưới tay Eriksson đáng kính. Những xác chết có tên Heskey và Crouch.



Tác giả và các CĐV của ĐT Anh

Sam không buồn nữa. Trong cái quán bia đang bật nhạc ầm ỹ và số CĐV Anh với Đức hòa nhập với nhau thành một khối hỗn độn, bia chảy tràn và thuốc lá được hút như điên. Đám CĐV người Anh từ sân Free State cách đấy 3 bước chân đã đến an ủi anh. Họ cùng uống để quên đi nỗi buồn. Những tiếng vuvuzela của một cô gái vẽ lên mặt màu cờ nước Anh hệt như cách cô đang xả ra những tức giận. Tiếng vuvuzela làm Sam và những người bạn khó chịu. Gideon, một CĐV rất có dáng trí thức, đã từng sang Việt Nam làm phim “Ba mùa” nhiều năm trước, nói rằng, người Anh hận Capello và ông phải từ chức ngay lập tức. Một anh bạn người Anh khác bảo rằng, đêm nay, các CĐV Anh sẽ say hết mức có thể để quên đi thất bại đau đớn nhất với họ trong nhiều năm qua. Điều đau đớn nhất với anh lại là lịch sử. Bằng một giọng nói sặc sụa mùi bia rẻ tiền, người bạn mới quen nói rằng lịch sử đã trả lại cho nước Anh một món nợ truyền kiếp. 44 năm trước, bàn thắng của Geoff Hurst từ một cú sút trúng xà ngang bật xuống vạch vôi được công nhận đã đem đến cho nước Anh chức VĐTG đầu tiên. Người Đức và một phần thế giới bóng đá đã gọi đó là một trong những scandal gây tranh cãi lớn nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Bây giờ, nước Đức đòi lại món nợ ấy. Cú sút của Lampard đã trúng xà ngang rơi qua vạch vôi. Đấy là một bàn thắng không thể chối cãi, khi tỉ số đang là 2-1. Nếu bàn thắng ấy được công nhận, tất cả đã khác rất nhiều. Nhưng…Anh dừng lời uống một ngụm bia và bắt tôi uống cùng anh một ngụm nữa. Cái quán tưởng như vỡ tung bởi đám CĐV Đức đang nhảy nhót và đám CĐV Anh uống bia rải rác khắp nơi. Không ai buồn hoặc không tỏ ra muốn buồn. Bia vẫn phải uống và đời vẫn phải trôi. Bóng đá vẫn chỉ là bóng đá.


Người hâm mộ ĐT Anh

Thành phố có tên dịch ra là “Suối hoa”, nơi đã sinh ra văn hào nổi tiếng Tolkien, cha đẻ của tiểu thuyết “Chúa nhẫn” (Lord of the Rings), đã trở thành nấm mồ chôn những giấc mơ vô địch của đội bóng Tam sư như thế. Tàn nhẫn và dứt khoát, hệt như khi người ta bắn một tràng tiểu liên vào ngực một ai đó khi xử bắn. Nỗi buồn của các CĐV Anh rồi cũng sẽ qua đi. Tôi tin là thế. Họ biết cách làm cho những nỗi buồn nhanh chóng tan biến. Không phải bằng men rượu, mà bằng sự lạc quan và vui vẻ như những người tôi đã thấy trong cái quán bia cách sân Free State dăm bước chân kia. Trong số các CĐV Đức, hình như có người không vui. Một anh bạn già tuổi trung niên ngồi uống bia một mình trong góc quán tối. Anh bảo, Đức thắng nhanh quá, đâm ra chưa đủ độ khoái, điều đó cũng giống như khi “một người đàn ông đạt khoái lạc nhanh chóng chỉ trong 3 giây, thay vì đủ 90 phút như một trận đấu. Và cái cách trọng tài không công nhận bàn thắng hợp lệ của Lampard làm cho chiến thắng của chúng tôi trở nên thiếu hoàn hảo”. Có lẽ giải thích theo cách sexy ấy khá hợp lí. Buổi sáng, trên tờ Times Sunday xuất bản ở Johannesburg, người ta viết rằng thế giới năm 2010 kỉ niệm 100 năm ngày ra đời chiếc áo lót phụ nữ. “Có sự khác biệt giữa một người đàn ông tháo chiếc áo ấy từ người phụ nữ trong vòng 3 giây với 30 phút”. Anh bạn già người Đức hoàn toàn có lí, rất có lí.

Ở ngã tư của con phố nối giữa quán bia với SVĐ, có một gã điên đang cầm lá cờ Anh chặn tất cả các xe lại tại chỗ đèn đỏ và hét lên những tiếng “England England” lạc giọng. Sam bảo, “Thằng này không biết hắn đang làm gì đâu”. Hình như anh cũng có lí. Trong cái bầu không khí dị thường ở Bloemfontein vào cái ngày mà Anh và Đức tử chiến với nhau này, ai cũng có lí, cả tiếng nhạc rậm rật, rượu và bia.


Bài và ảnh:Anh Ngọc
(Đặc phái viên của TTXVN tại World Cup 2010, từ Bloemfontein)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm