(TT&VH) - Tôi không nghĩ Cape Town là thành phố cho bóng đá, và nếu có, thì bóng đá chỉ là cái cớ . Vì ở Cape Town luôn tồn tại một bầu không khí vui tươi và hạnh phúc nhất có thể, cứ như trên thế giới này, không có nỗi buồn, nước mắt, khủng hoảng và những nỗi đau. Như của những người Argentina.
Hình như Thượng đế nhầm khi đặt Cape Town ở nơi tận cùng của châu Phi. Đấy không phải châu Phi. Đấy là một cái gì đó pha trộn những nét riêng và chung của mọi góc trời thế giới. Và vì thế, có lẽ Người cũng đúng một phần. Thành phố đẹp đẽ và quyến rũ này có chất Châu Âu trong kiến trúc và ăn uống, hương vị Mã lai trong khẩu vị của những người gốc Á, sự năng động của người Mỹ, chất hoang dã của châu Phi trong âm nhạc. Cape Town có những cá tính của biển và chất chơi của Honolulu, cuộc sống của San Francisco, những bãi biển dài như của Saint Tropez, sự giàu có về văn hóa của Melbourne và chất làm ăn náo nhiệt của New York, nhưng cũng là một dạng New Orleans vì đậm chất jazz khi ta nói về âm nhạc, một thứ Rotterdam với những cầu cảng, một dạng khí hậu như Địa Trung Hải, và giống Monaco, về sự xa hoa trong ăn chơi. Cape Town là một thế giới của rất nhiều thế giới. Tất cả hòa trong hương vị của những đại dương đã gặp nhau ở nơi này, mà những ngày World Cup, tiếng sóng không sao át nổi tiếng hò reo của các CĐV ngồi chật cứng sân Green Point. Ông chủ quán bar tôi đang ngồi, một người gốc Hà Lan bụng phệ nhưng có đôi mắt ướt rất đàn bà bảo rằng, “Cape Town có tất cả những gì mà một thành phố hiện đại cần phải có. Nghệ thuật, âm nhạc, thiên nhiên, rượu, phụ nữ đẹp, ít tắc đường và 300 ngày nắng trong năm. Quá hoàn hảo. Không ai có thể khóc được ở Cape Town. Không thể khóc nổi. Vì cuộc đời ở Cape Town thật đẹp”.
Có lẽ ông đúng. Tôi thích đi bộ ở Cape Town. Không phải vì taxi ở đây hay “cắt cổ” khách, hay thuê một chiếc xe tự lái cũng không rẻ. Ở cái thành phố mà những building cao vút nhiều kinh khủng, những dãy phố dài hun hút in bóng Núi Bàn (Table Mountain) quanh năm có mây phủ làm khăn bàn và khu Waterfront với những dãy cửa hàng sang trọng lúc nào cũng đông nghẹt người, mà vì đi bộ ở đây, nhất là trong đêm, có những cảm giác hết sức thú vị. Thành phố châu Âu nhất của châu Phi mang một đặc tính khác biệt với những thành phố châu Âu khác: ở đấy có sự hòa trộn giữa sự năng động của nền kinh tế và chuyện làm ăn với sự xả hơi của cuộc sống thường nhật. Rất khó có thể tìm thấy ở đâu đó sự quá tải hay sức ép công việc trên khuôn mặt của những người sống ở đây. Điều gì đã xảy ra? Có lẽ chỉ lịch sử mới trả lời được. Những người định cư châu Âu đầu tiên đến đây vào năm 1652 trên những con tàu của Công ty Đông Ấn Hà Lan do Jan van Riebeeck đứng đầu. Chính họ đã gọi vùng đất nhô ra biển này là “quán rượu của các đại dương”, coi nó là một tửu quán nằm ở nơi mà Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương hòa làm một. “Quán rượu”, bởi ở đây người ta uống và nhảy, chơi bời và hát ca, quên đi rằng cách trung tâm không xa là những khu ổ chuột cùng đinh bị coi là “bãi rác của chủ nghĩa apartheid”. Màn đêm buông xuống chỉ càng làm nền cho một thành phố không ngủ, mà những người đi bụi thích khám phá như tôi càng không thể ngủ nổi. Khám phá mà đôi khi không cần nhiều tiền. Chỉ cần nhiều pin máy ảnh, đôi chân không biết nghỉ, cái lưng không mỏi vì ba lô hơi nặng, cái thú phiêu lưu không bao giờ vơi cạn, đôi tai thật thính để lắng nghe, và lòng lúc nào cũng sẵn sàng mở ra đón nhận.
Không ngủ không phải vì cuộc sống ở đây quá ầm ỹ hay nhộn nhịp, shopping ở đây quá thú vị hay các cô gái ở đây quá quyến rũ (dân chơi bảo, các cô gái ở múa cột ở sàn Arabesque đàng điếm có đến 3 tầng là number 1), mà vì Cape Town về đêm quá đẹp, với ánh sáng trải dài vượt tầm mắt ra tận phía biển, và chất trẻ của capetonian (người Cape Town). Tuổi trung bình của dân thành phố chỉ 26, và gần một nửa dân số của dưới tuổi 24. Một thành phố như thế có vẻ hợp với những người Nam Mỹ hơn. Nhưng trong một ngày điên rồ ở Cape Town, ảo vọng VĐ của Argentina tan biến thành mây khói, khi châu Âu đòi lại mảnh đất mà Ribeeck đã đặt chân đến 400 năm trước. Cape Town vẫn là của châu Âu, với sự thực dụng khi mọi thứ được quy ra tiền, nhưng cái chất đàng điếm và xa hoa của nó lại dễ làm người khác say lòng, và quên đi mọi thứ khác trên đời. Say lòng không phải vì Cape Town đẹp. Trên thực tế nó rất đẹp. Nhưng Mũi Hảo vọng có lẽ chỉ để đến chụp ảnh một lần rồi thôi. Thành phố Hermanus với đàn cá voi nhảy lên trên sóng cũng thế. Đảo Robben đến chỉ để biết thêm một phần đời quan trọng của Nelson Mandela và là một biểu tượng của thời apartheid. Nhưng để mình đi lạc dọc ngang trên những con phố ở đây, sà vào những quán bar hay disco, nghe những người trẻ tuổi hát vang trên đường thay vì thổi vuvuzela và nói đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới biển với họ, trong tiếng nhạc nghe đến tức thở và chờ ngày đi qua mà không cần biết đến bình minh, mới thực sự thấy mình đang sống ở Cape Town. Cảm thấy sống và cảm thấy mình trẻ, rất trẻ. Ở ngoài kia, điện vẫn bật, đèn vẫn sáng. Nhạc trong những khu trung tâm nổi ầm ỹ, và hình như còn ầm ỹ hơn trong dịp World Cup này, dù giá điện đã tăng thêm gần 10% kể từ đầu tháng 7. Lại nhớ Frank Sinatra. Ông hát về New York, thành phố không bao giờ ngủ (The city that never sleeps). Không có mấy người đến Cape Town để ngủ. Trong quán bar, mấy cô gái Argentina rất xinh đang ngồi khóc. Chợt nhớ đến một nữ CĐV Argentina tên Carolina Pedreira tôi đã gặp trên chuyến tàu đến Cape Town. Cô bảo, cô sẽ buồn 5 phút nếu Argentina thua, nhưng từ phút thứ 6, cô sẽ vui, và sẽ luôn như thế. Cô sẽ ở lại Cape Town cho đến khi nào chán cuộc sống ở đây. Có lẽ cô sẽ không khi nào chán, cho đến khi nước mắt lại rơi một lần nữa, mà nếu rơi, thì có lẽ không phải vì bóng đá, không phải vì Maradona hay Messi. Đám CĐV Đức thì vui vẻ ở một góc dường như chỉ dành riêng cho họ. Người Đức ít khóc. Có lẽ họ sẽ không khóc, hoặc dành nước mắt cho đến sau trận đấu cuối cùng của giải. Khóc vì vui, khóc vì buồn, và cái cảm giác buồn thê thảm xem ra có vẻ hơi xa lạ với không khí vui vẻ và yêu đời ở mảnh đất nhô ra biển này. Ừ, cũng nên khóc khi buồn, nhưng chỉ một chút thôi, cho nhẹ lòng, vì ở Cape Town này, người ta có thể nhanh chóng quên đi là mình đầy những trăn trở và âu lo cho cuộc sống thường nhật. World Cup rồi cũng sẽ kết thúc. Những ai đã đến đây cũng sẽ trở về nhà, nhưng chắc chỉ ra đi với niềm vui. Kể cả những người Argentina, và những cô gái đang ngồi khóc vì vỡ mộng. Vỡ mộng trong bóng đá không kinh khủng bằng vỡ mộng trong cuộc đời. Điều ấy thì Maradona hiểu hơn ai hết. Cape Town ăn chơi, đàng điếm và đầy ánh sáng. Nhưng nó không dành cho anh. Trên loa, The Cranberies đang hát bài “Welcome to Cape Town”: “Hãy đến những cánh rừng châu Phi/đến Núi Bàn/Ở Cape Town/Tuyệt vời châu Phi/Nhưng em xa anh”…
Bài và ảnh: Anh Ngọc (Từ Cape Town)