Kỳ 3: Mối tình sét đánh và những bể dâu kiếp người

02/08/2008 13:32 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Chiều nào cô gái con thứ sáu trong gia đình đại địa chủ ấy đều đi ngang qua trường làng ra giếng gánh nước. Thi thoảng cô gái quê phúc hậu và khoẻ khoắn lại bỏ việc vào nấp nom cánh cửa lớp học nghe anh giáo giảng Kiều. Bà bảo “ Ông ấy giảng Kiều hay lắm, ai trót nghe cũng phải chết mê chết mệt”.
 
Em là con gái đồng xanh
Tóc dài
Vương hương lúa
Đôi mắt em mang
Chân trời quê cũ
Giếng ngọt
Cây đa
Anh khát
Tình quê ta
Trong mắt em
Thăm thẳm…

1. Có lẽ những vần thơ đẹp và tươi tắn ấy đã làm chúng ta hiểu phần nào về người vợ thứ hai của nhà thơ Hữu Loan, người đã luôn ở bên cạnh ông và là điểm tựa cho ông vượt qua những rộng dài kiếp người nhiều khổ đau và giằng xé. Bài thơ Hoa lúa trích ở trên có lẽ là bài thơ mà ông tâm đắc nhất cuộc đời dù nó không nổi tiếng như Màu tím hoa sim hay Đèo Cả. Bài thơ ấy ông viết năm 1956 tặng bà Phạm Thị Nhu khi bà đang hoài thai người con thứ hai của ông.
 
 Ông bà Hữu Loan bây giờ

Sau cái chết của bà Lê Đỗ Thị Hinh, Hữu Loan lặng lẽ trở về quê dạy học ở trường Mai Anh Tuấn do ông Phạm Ngọc Thái làm hiệu trưởng. Ông hiệu trưởng và nhà thơ rất tâm đầu ý hợp và họ mến nhau như anh em một nhà. Ông Thái là con lớn trong một gia đình đại địa chủ có 13 anh em. Một trong những người em của ông là bà Phạm Thị Nhu lúc đó vừa chớm trở thành thiếu nữ. Chiều nào cô gái con thứ sáu trong gia đình “đại địa chủ” ấy đều đi ngang qua trường làng ra giếng gánh nước. Nhà đông người làm nên mỗi hôm “em gái đồng xanh” cũng phải gánh nước hàng chục lần. Thi thoảng cô gái quê phúc hậu và khoẻ khoắn lại bỏ việc vào nấp nom cánh cửa lớp học nghe anh giáo giảng Kiều.

Bà bảo “Ông ấy giảng Kiều hay lắm, ai trót nghe cũng phải chết mê chết mệt”. Còn ông thì dù đang dạy nhưng mắt lúc nào cũng nhìn ra của sổ để thả mình theo làn “Tóc dài/ vương hương lúa”. Bà bảo lúc ấy bà còn chưa biết tên ông còn ông thì gọi bà là cô bé trẻ bò. Nhưng từ những lần gặp nhau nhìn he hé qua cửa lớp học ấy được mọi người ra sức vun vén hai người đến với nhau thật tự nhiên. Khi kể đến đây lão nhà thơ còn đùa “Bà đúng là trẻ bò mà đã biết ve chồng”. Bà cự: “Ai lúc đấy thèm để ý đến ông gần 40 tuổi lại còn đã qua một đời vợ”. Ông quay sang tôi phân trần: “Đấy nhà báo thấy chưa bà ấy là táo tợn lắm

Đám cưới của nhà thơ và em gái đồng xanh diễn ra vào ngày 16/11/1953 âm lịch trong một chiều đông “Nhạc quê hương/ Say đắm/Trong lời em/Từng lời…” Khi ấy nhà thơ đã 37 tuổi còn bà Nhu tròn 18 tuổi. Bà bảo khi ấy bà còn bé đến độ lúc mặc áo cưới còn phải mặc độn gần chục cái áo cho trông ra dáng cô dâu một chút. Và từ đó hai người đã sống với nhau cho đến ngày hôm nay với mười mặt con và vô vàn những hạnh phúc và những nỗi thống khổ đời người.
 
2. Sau đám cưới giữa Hữu Loan và bà Phạm Thị Nhu không lâu thì chiến thắng Điện Biên Phủ, hoà bình lập lại trên miền Bắc. Ông lại hăm hở khăn gói ra Hà Nội công tác ở báo Văn nghệ. Ở nhà vợ ông sinh hạ người con trai đầu lòng. Cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn. Rồi ông lặng lẽ rời Hà Nội trở về quê hương với “Những đêm dài/ Em khóc/ Đâỳ/ Như giếng mưa/ Câm/ Như bồ thóc’’. Ông mang trong mình những cam chịu đến sục sôi và chung sống với những thị phi khẩu thiệt và sự xa lánh của nhiều người. Cái bất mãn của một người tinh thông Hán ngữ, làu làu Pháp văn thao thiết ấy còn đeo đuổi ông đến tận bây giờ.

Câu chuyện của chúng tôi thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng vì những vị khách yêu thơ tứ phương có việc ngang qua vào thăm ông. Ai cũng vội vã nhưng chân thành. Có người là giáo viên dạy văn ở miền núi về thăm bạn gần đấy cứ ôm lấy lão nhà thơ mà khóc. Có người đến chỉ để gửi ông một túi quà. Có lẽ khó ai dửng dưng nổi khi bước chân vào ngôi nhà ấy khi ông nằm một góc, bà nằm một góc và dưới gầm giường có tới 4 cái bô mà những ai đã từng chăm người ốm trong bệnh viện đều biết. Tôi đề nghị hai ông bà ra ngồi trước cửa để chụp chung một tấm ảnh kỉ niệm. Hơn nữa tôi không muốn đăng lên báo cái không khí ngột ngạt trong căn nhà. Tôi dìu nhà thơ ra trước cửa đặt ông ngồi vào chiếc ghế nhựa rồi quay vào nhà bế bà ra. Bà vẫn chưa hết đau vì cái chân gãy ngang đùi vừa tháo bột. Qua ống kính máy ảnh tôi nhìn thấy đôi vợ chồng già nua ấy ánh lên nụ cười như muốn tát cạn thời gian vào hai hốc mắt. Nụ cười ngạo nghễ chiến thắng của những người bước qua tất cả những thăng giáng cuộc đời.

Anh kiêu hãnh
Có quê hương
Bất khuất
Và có người yêu
Là em gái quê hương
Anh yêu em
Muôn vàn
Như quê ta
Bất diệt…

Đã 1 năm trôi qua nhưng những hình ảnh của ông bà hôm ấy vẫn như đang bám riết tâm trí tôi.
(Còn Tiếp)
Trương Xuân Thiên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm