Bài học thành công của người Đức: Lũ trẻ trên sân

11/09/2011 06:21 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Cuối tuần) - Những gì diễn ra tại Italia hoàn toàn trái ngược với thực tế trên đất Đức hay ở những nền bóng đá giàu sức cạnh tranh khác ở Anh và Tây Ban Nha. Tại đó, “lũ trẻ” được đưa ra sân từ rất sớm, trưởng thành nhanh chóng và trở thành các trụ cột trong một thời gian ngắn. Trong khi tại Serie A chỉ có Davide Santon là cầu thủ U-21 duy nhất được đá chính trong nhiều trận, thì ở Bundesliga, con số này vô cùng nhiều.

Những số liệu thống kê trong tay cho thấy, không phải tương lai, mà hiện tại của bóng đá châu Âu, đang nói tiếng Đức. Vượt qua Italia trong bảng xếp hạng 5 năm của UEFA để lấy đi từ Italia một suất dự Champions League, bóng đá Đức cho thấy sức sống mãnh liệt của hệ thống bóng đá với tư duy làm đào tạo tiên tiến bậc nhất, vốn được đưa vào áp dụng thành công kể từ sau thất bại đau đớn của đội tuyển Đức già cỗi và bảo thủ ở EURO 2000.

Mario Götze, tài năng trẻ 19 tuổi của Dortmund khiến cả Bundesliga điên đảo - Ảnh Getty

Trong danh sách đăng kí của các CLB dự Bundesliga mùa trước đều có thể thấy được là có ít nhất một cầu thủ ở lứa U-21 (những cầu thủ sinh sau ngày 1/1/1990) được đưa ra sân ít nhất một trận đấu. Ở La Liga, chỉ có Osasuna là không làm điều này, trong khi tại Premier League, Stoke, Wolves và Tottenham “noi gương” họ. Tại Serie A, có 2 CLB không có bất cứ cầu thủ ở lứa U-21 nào, là Catania (nhưng cũng chẳng có gì ngạc nhiên, bởi đội bóng này là một “thuộc địa” của Argentina, với đội ngũ toàn Argentina), và đáng ngạc nhiên là Lazio, có một trại đào tạo cầu thủ trẻ khá thành công.

Roma, cũng nổi tiếng ở đào tạo lứa trẻ, suýt nữa có mặt trong danh sách này, nếu như những phút cuối cùng của trận gặp Milan ở vòng cuối mùa trước, huấn luyện viên Vicenzo Montella không đưa vào sân tiền vệ trẻ Caprari, sinh năm 1993. Điều đáng chú ý là số cầu thủ ở lứa U21 mà các CLB Đức đưa ra sân chỉ nhỉnh hơn 12 người so với số cầu thủ mà các CLB Italia đã sử dụng mùa qua (61 so với 49), nhưng sự khác biệt lớn lại chính là số cầu thủ bản địa được dùng cao hơn tất thảy. 72% trong số 61 người được sử dụng mùa qua ở Bundesliga là người Đức, trong khi con số này ở Serie A chỉ chiếm xấp xỉ 41%.

Không có gì ngạc nhiên  khi kể từ năm 2007 đến nay, Italia là nước duy nhất trong số 4 nền bóng đá hàng đầu châu lục không giành được một danh hiệu nào ở các giải vô địch trẻ của châu Âu (U-17, U-19 hoặc U-21), chỉ vào đến được một trận chung kết giải U-19. Đức và Tây Ban Nha đoạt 3 danh hiệu vô địch (Tây Ban Nha còn 2 lần vào chung kết), trong khi Anh được 1 danh hiệu (ngoài ra còn 3 lần vào đến trận chung kết). Italia thậm chí không lọt được vào vòng chung kết của các giải vô địch châu Âu U-17 và U-21 năm 2011, không vượt qua vòng loại Thế vận hội London 2012, qua đó lần đầu tiên vắng mặt kể từ Thế vận hội Los Angeles 1984.

Những con số của nước Đức, quốc gia có sự hội nhập một cách trơn tru của các sắc tộc khác nhau trong các đội tuyển từ tuyến trẻ, cũng như Thụy Sĩ và Pháp, đã tạo nên những ấn tượng vô cùng tích cực về sự thành công của đào tạo trẻ trong thời kì toàn cầu hóa. Mùa trước, có tới 15 cầu thủ người Đức được đá 2/3 số trận của Bundesliga, Tây Ban Nha và Anh có 5 người bản địa tại La Liga và Premier League, trong khi ở Serie A chỉ có đúng 1 cầu thủ người Italia (Santon, nửa mùa đầu chơi cho Inter, nửa mùa sau cho Cesena, tổng cộng 25 trận Santon và sau khi không có chỗ ở Inter, mất nốt chỗ ở Cesena, anh đã bị bán sang Newscastle với giá 6 triệu euro).

Tại Bundesliga, trung bình mỗi vòng đấu, các CLB đưa ra sân thi đấu 23 cầu thủ ở lứa U-21 thì 17 trong đó là người mang quốc tịch Đức. Trong khi đó, tại Serie A, con số này tương tự là 10 và 4, một biển trời cách biệt. Trung bình có 12 cầu thủ trẻ người Đức được ra sân đá chính mỗi tuần, trong khi con số này ở Italia là 2. Các giải Liga và Premier League không đạt được con số của Bundesliga, nhưng vẫn hơn Serie A. Tại giải đấu lớn nhất của Italia, thường xuyên có 5 cầu thủ lứa U21 đá chính, thì Santon là người Italia duy nhất, và số phút ra sân của anh còn kém hơn 4 cầu thủ khác, đều là ngoại quốc, là Hernandez, Munoz (Palermo), Ljajic (Fiorentina) và Ramirez (Bologna).

Nhưng Santon cũng chỉ đạt được “thành tích” ấy, nhờ chuyển từ Inter, nơi anh thường xuyên phải dự bị 2 mùa qua, sang CLB Cesena lúc đó đang vật lộn để trụ hạng trong vụ chuyển nhượng vào giữa mùa. Nhưng còn các cầu thủ trẻ Italia đang chơi ở nước ngoài thì sao? Họ cũng không được trọng dụng. Balotelli, 20 tuổi, là cầu thủ người Italia duy nhất có mặt trong số 10 cầu thủ lứa U21 được ra sân nhiều nhất ở Premier League. Trong khi đó, Macheda chỉ thu thập được 30 phút trong 7 trận đấu cho M.U, trước khi chuyển sang chơi cho Sampdoria theo một hợp đồng cho mượn.

Rõ ràng là tương lai của bóng đá châu Âu không nói tiếng Italia, còn bản thân Serie A thì ngày càng trở nên già nua. Một nền bóng đá sa sút ngày càng già cỗi, và nhìn sang Đức với sự thèm thuồng trẻ hóa, nhưng không đủ tự tin để làm điều ấy...

Thư Anh

Bundesliga là số 1

Những con số cho thấy, không nghi ngờ gì nữa, Bundesliga là sân chơi lớn nhất cho lứa cầu thủ trẻ trên đất châu Âu, trên cả Premier League lẫn La Liga, trong khi Serie A là tệ hại nhất. Các số liệu sau đây dựa trên số cầu thủ sinh sau ngày 1/1/1990 được lấy vào thời điểm ngày 11/4/2011, khi Bundesliga đã chơi 29 vòng, La Liga đã đá 31 vòng, trong khi Premier League và Serie A đá 32 vòng.

                                         Bundesliga P.League La Liga Serie A

Cầu thủ U-21 nước ngoài 17 (27,9%) 24 (46,2%) 11 (21,6%) 29 (59,1%)

Cầu thủ lứa U-21 bản địa 44 (72,1%) 28 (53,8%) 40 (78,4%) 20 (40,8%)

Cầu thủ U-21 được dùng 61 52 51 49

Cầu thủ U-21 đá 2/3 trận 15 5 5 0

Số trận của U-21 bản địa 496 240 337 126

Số vòng có mặt U-21 bản địa 17 7,5 10,8 3,9

Số lần ra sân của lứa U-21 669 403 460 341

Số phút U-21 bản địa đá mỗi vòng 1.099 433 571 173

Số phút U-21 được đá mỗi vòng 1.433 718 830 508

Số bàn thắng của lứa U-21 bản địa 44 11 20 9

Số bàn thắng của lứa U-21 58 29 26 17

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm