04/01/2013 06:04 GMT+7 | Văn hoá
* Hiện nay mức độ đầu tư của chúng ta cho việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới như thế nào, thưa ông?
- 5 năm trở lại đây, Bộ VH,TT&DL được Chính phủ giao nguồn kinh phí cho các hoạt động xúc tiến du lịch, thương mại và kinh tế. So với các nước lân cận, như Malaysia chi 80 triệu USD/ năm, Thái Lan là 70 triệu USD, chúng ta mới ở mức khiêm tốn, khoảng hơn 2 triệu USD, khá nhỏ bé so với yêu cầu.
* Làm sao để đánh giá được hiệu quả của việc đầu tư này?
- Việc quảng bá hết sức quan trọng để thu hút du lịch. Hiệu quả đến đâu thì nhìn con số khách du lịch tăng trưởng năm sau hơn năm trước. Năm 2012 con số du khách quốc tế là hơn 6 triệu lượt, tăng 11% so với năm trước. Tất nhiên, chính các công ty du lịch cũng tổ chức xúc tiến, nhưng không thể không kể tới vai trò các cơ quan nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Tình |
- Điều đáng lo nhất chưa hẳn là con số, mà là chuyện khách “một đi không trở lại” mà điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố: cơ sở hạ tầng và điều kiện tiếp đón hạn chế, nạn chặt chém hay ô nhiễm môi trường, nhà vệ sinh công cộng ở khu du lịch cũng đang còn nan giải… Nói đã hay rồi, nhưng phải có thực tế. Khi người ta đến rồi mà không thấy hay thì người ta có thể không quay trở lại nữa.
* Mới đây nhiều người thích thú với một clip quảng bá du lịch Việt Nam, nhưng lại do một công ty Hàn Quốc làm. Còn những gì chúng ta làm, có vẻ chưa được hấp dẫn?
- Đúng là có thực tế như vậy. Nhưng phải nói cho công bằng là quan niệm hấp dẫn còn tùy “gu”. Công ty Hana- Tour phục vụ khán giả Hàn Quốc nên clip của họ nhiều người Việt Nam thấy thích vì nó sống động, hiện đại theo phong cách Hàn Quốc. Khách châu Âu thì khác, vì vậy cũng phải tùy từng đối tượng để quảng bá hình ảnh theo cách phù hợp.
Song phải thừa nhận rằng cả kinh nghiệm lẫn kỹ năng làm phim quảng cáo của chúng ta chưa tới tầm. Clip quảng bá Việt Nam từng phát trên CNN là do CNN làm, sau đó mình duyệt, mình đồng ý thì họ phát. Ngay khi xem các clip quảng cáo phát sóng trên ti-vi mỗi ngày, đâu là clip do người Việt Nam làm tôi xem cái là biết ngay…
* Cả việc 20 năm nay, các đoàn nghệ thuật vẫn mang ra nước ngoài nón lá, rối nước... bị xem là quá cũ kỹ?
- Theo tôi, chúng ta sống trong thế giới đa dạng. Chúng ta ra ngoài phải giới thiệu cái gì là của dân tộc mình. Nếu ai đó nói rằng, những thứ đó không đáng để giới thiệu thì tôi không đồng ý. Trong tất cả hoạt động giới thiệu văn hóa, cái được đánh giá cao nhất của Việt Nam chính là nét văn hóa truyền thống, như đàn bầu, đàn t’rưng, các điệu múa dân tộc, áo dài… Như ở Lễ hội văn hóa Việt Nam ở Nhật Bản tháng 9/2012, các cô gái Nhật thay nhau mượn áo dài mặc để chụp ảnh với chiếc xích lô. Tôi chưa thấy người nước ngoài nào chê áo dài, nhiều người phụ nữ nước ngoài đến Việt Nam đều đòi đưa đi may áo dài. Cái đó chúng ta phải mang ra giới thiệu chứ. Chả lẽ ta lại mang nghệ thuật sắp đặt đi, đó là thứ chúng ta đi học tập ở nước ngoài, mà lại học không đến nơi đến chốn. Tất nhiên, có thể đa dạng giới thiệu nghệ thuật tới nước ngoài nhưng phải trên cơ sở sáng tạo. Bản thân tôi nghĩ, hãy tự tin với những gì thuộc về mình.
Việt Nam thu hút du khách châu Âu vì vẻ đẹp hoang sơ |
- Đó là bài toán đặt ra cho nghệ sĩ Việt Nam. Tháng 12/2012, tôi rất ấn tượng với chương trình nghệ thuật văn hóa Việt - Hàn diễn ra ở Hà Nội. Nếu ta có nghệ sĩ chơi đàn thập lục, họ có nhạc cụ tương tự; ta có sáo, họ cũng có sáo Hàn… Sự đối thoại văn hóa không hề khiến khán giả nhàm chán. Họ trình diễn cả múa truyền thống với break dance, rất dân tộc nhưng cũng rất hiện đại.
Thêm một cái khó của chúng tôi khi muốn mang thêm các tiết mục đương đại đi diễn ở nước ngoài, là do tài chính có hạn. Một đoàn đi thường có 15 nghệ sĩ, trong đó, dàn nhạc dân tộc 6-7 người, nhóm múa 7-8 người, nếu có đưa thêm đoàn đương đại thì kinh phí không kham nổi. Tôi từng muốn đưa đoàn vovinam đi nhưng diễn 5 phút phải 6-7 người nên cũng đành bó tay.
Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL yêu cầu phải tiết kiệm, nên chúng tôi phải cắt giảm tới mức tối thiểu. Vì thế, dân tộc mà hiện đại là bài toán khó với người làm chương trình. Sắp tới đây, trung tuần tháng 1/2013, sẽ có Ngày Việt Nam tại Italia, chúng tôi xây dựng một chương trình nghệ thuật nhưng Bộ trưởng chưa đồng ý vì ông yêu cầu dân tộc mà hiện đại, trong khi nó lại vẫn na ná các chương trình khác theo kiểu dân tộc vùng miền.
* Việc lần đầu du lịch Việt Nam có đại sứ có thể xem là một việc mới trong năm qua. Ông đánh giá thế nào về nhiệm kỳ Đại sứ du lịch Việt Nam năm 2011-2012 của Lý Nhã Kỳ?
Năm 2012 hình ảnh Việt Nam đã được quảng bá qua kênh CNN, BBC, trên sân bóng đá giải ngoại hạng An An h, trên tàu điện ngầm Tokyo và xe buýt ở Sydney. Năm 2013, nhiệm vụ trọng tâm là quảng bá cho du lịch biển đảo, cho Tràng An - Ninh Bình (đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di sản thế giới) và du lịch đồng bằng sông Hồng… Ngày Việt Nam 2013 sẽ được tổ chức tại Italia, Nhật Bản và Canada, bên cạnh một loạt tuần văn hóa Việt Nam ở nhiều nước khác. |
- Đây là lần đầu tiên Bộ VH,TT&DL bổ nhiệm một đại sứ quảng bá cho du lịch, lại đúng giai đoạn nước rút vận động bầu chọn vịnh Hạ Long. Lúc đó, chúng tôi cần một gương mặt thu hút khán giả và người bầu chọn trong nước cũng như quốc tế. Lý Nhã Kỳ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và có nhiều hoạt động có ý nghĩa. Ở Việt Nam, cô ấy tới các trường đại học tích cực vận động bầu chọn kết hợp tặng học bổng vì thế được sinh viên đánh giá cao. Với các hoạt động quảng bá tầm khu vực thì Lý Nhã Kỳ rất năng động. Tổ chức hội thảo về vịnh Hạ Long ở Hong Kong, toàn bộ chi phí do cô ấy bỏ ra, Bộ chỉ chi cho đoàn múa 5 người. Trong cuộc vận động Việt Nam đăng cai ASIAD 2019, sự xuất hiện của Lý Nhã Kỳ gây thiện cảm tốt cho đoàn ta. Chính cô ấy, do quan hệ thân thiết với một số quan chức lãnh đạo cao cấp của Philippines, đã giúp vận động nước này bỏ phiếu cho Việt Nam. Về nhà, cô ấy còn cho chúng tôi xem tin nhắn của Trưởng đoàn Philippines gửi với nội dung họ đã bầu cho Việt Nam và hy vọng sẽ đến Việt Nam. Tất nhiên, trong nhiệm kỳ Đại sứ du lịch của Lý Nhã Kỳ cũng còn ý kiến nọ kia, nhưng việc chúng tôi cần mà cô ấy làm tốt thì không thể phủ nhận.
* Được biết, Bộ đang tìm kiếm một Đại sứ du lịch trong nhiệm kỳ tiếp theo, ông đã có ứng viên nào xuất sắc?
- Cá nhân tôi chưa thấy ai thay thế được Lý Nhã Kỳ do cô ấy có nhiều điều kiện phù hợp mà nhất là điều kiện thời gian và tiền bạc. Nhiều ca sĩ, diễn viên… có thể đáp ứng nhu cầu về sức hút với công chúng, nhưng khi chúng tôi đột xuất yêu cầu phải đi, liệu họ có đáp ứng được không?
Có một thực tế buồn là có những người được mời tham gia sự kiện văn hóa ở nước ngoài thì hỏi cát-sê bao nhiêu. Vừa rồi có chương trình kỷ niệm quan hệ ngoại giao Việt - Hàn, Bộ giao mời ca sĩ A, nhưng anh này đặt vấn đề cát-sê 3.000USD. Chả có cơ quan nhà nước nào trả được số tiền đó, vì theo quy định mức bồi dưỡng chỉ có 15 USD/ngày.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất