13/11/2020 06:01 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta vừa mới được chứng kiến cảnh tượng hiếm thấy trong 10 năm qua: SVĐ Thống Nhất được lấp đầy bởi 16 ngàn khán giả. Không đó không phải là trận đấu giữa chủ nhà Sài Gòn FC và Viettel diễn ra vào tuần trước để quyết định ngôi vương V-League 2020, đó là một trận đấu tiếp sức thiện nguyện và bóng đá chỉ được xem là một phương tiện. Các diễn viên chính ở sàn diễn Thống Nhất hôm 11/11, chưa chắc là những ngôi sao sân cỏ như Quang Hải, Thành Lương hay Phan Văn Đức, Hà Đức Chinh..., mà là Jack và giới showbiz Việt.
Song, trong một buổi tối tất cả đều "chạy" cho thông điệp tốt đẹp tiếp lửa hướng về miền Trung đang phải oằn mình trong bão lũ, ai kép chính, người vai phụ không quan trọng. Mà quan trọng là chúng ta đã làm được gì cho nhau và cho cộng đồng, cho xã hội
Chạy nhanh đi còn kịp
Có thể thấy, chưa bao giờ các hoạt động thiện nguyện, tiếp lửa yêu thương, chung tay hướng về đồng bào gặp khó, lại nhiều đến vậy như thời gian qua. Từ các con hẻm, đến khu chợ, khu phố; đến trường học, tổ chức đoàn thể, cơ quan xí nghiệp; từ nam phụ nữ ấu đến cán bộ hưu trí, doanh nhân, nhà báo, nghệ sỹ, cầu thủ..., tất cả đều rất hăng hái đưa những cánh tay ra. Người góp công, kẻ góp của, không biết bao nhiêu mà kể. Qua đó cho thấy tình đồng bào bao la đến đâu trong cơn hoạn nạn.
Trong khoảng 10-15 năm qua, giới quần đùi áo số đã bắt đầu sống khỏe với nghề. Bằng với việc đá bóng thôi thu nhập đã rất khá, từ phí ký hợp đồng, đến lương thưởng cao ngất so với rất nhiều địa hạt khác của xã hội. Giá trị của cầu thủ ngôi sao còn được tính bằng các hợp đồng quảng cáo trị giá hàng chục ngàn USD/show. Cũng tựa như showbiz, cầu thủ bây giờ có công ty quản lý, có người đại diện, có giúp việc, và tất cả những gì họ cần làm là tập trung vào chuyên môn và giữ gìn hình ảnh thật tốt là... tiền sẽ đến!
Khi cuộc sống đầy đủ, sung túc, họ cũng bắt đầu biết cho đi nhiều hơn, ý thức trách nhiệm cộng đồng - trách nhiệm xã hội nhiều hơn, dù thi thoảng cũng cần có sự hối thúc, định hướng. Vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên hẳn phải là tiêu biểu cho sự kết hợp, đồng điệu hoàn hảo của bóng đá và showbiz Việt cho việc thiện.
Miền Bắc có HAT đình đám của ca sỹ Tuấn Hưng, với rất nhiều những chuyến đi, quyên góp hàng tỷ đồng cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, cho những "bữa cơm có thịt". Ngoài ra còn FC Music với ca - nhạc sỹ, ông bầu Tú Dưa và HLV kiêm cầu thủ Vũ Minh Hiếu, cũng "sống để cho đâu chỉ nhận riêng mình". Bằng với uy tín không chỉ trong giới, một khi showbiz và bóng đá hòa vào một, chúng ta có thể làm được nhiều điều lớn lao cho xã hội. Về điều này, vẻ như phía Nam lại là những người đi trước, thậm chí đi tiên phong.
Các hoạt động ca múa nhạc tạp kỷ, bóng đá thiện nguyện từ phủi đến chuyên, từ cá nhân đơn lẻ đến tổ chức, ở miền Nam mà cụ thể là TP.HCM, đã có từ rất lâu. Những Ngọc Sơn, Lý Hải, Nhật Cường, Hoàng Sơn, Quốc An..., thuộc thế hệ đàn anh, đã là những người tiên phong. Sau đến Chân Tình 308, RuNam Star United, rồi FC Nghệ Sỹ... Địa hạt bóng đá, cựu danh thủ - HLV Lê Huỳnh Đức cùng với An Biên FC đã thực hiện không biết bao trận cầu thiện nguyện. Mới đây, Việt Thắng và Quang Hải đã cùng Huỳnh Đức và An Biên tìm về Quảng Nam...
Bắt đầu từ các cá nhân, từ sới phủi, sự lan tỏa các thông điệp tìm đến các đội bóng chuyên nghiệp. CLB Hà Nội đã ủng hộ hàng tỷ đồng cho Quỹ vì người nghèo, mới nhất, đến CLB Viettel 2 tỷ đồng... Của cho không bằng cách cho, và cho đi, cũng đừng kỳ vọng sẽ nhận lại như cái tâm của bao người.
20 năm chữ chuyên chưa tròn
Tính đến nay, bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam đã vắt qua 20 năm tuổi, kể từ khi V-League ra đời. 20 năm, cũng là bằng với 1/3 đời người. Và, nền bóng đá mới chỉ có một chiếc HCV SEA Games 2019, 2 chức vô địch Đông Nam Á cùng ngôi á quân U23 châu Á, hay vào tới tứ kết ASIAN Cup. Luận về thành tích, chúng ta còn rất khiêm tốn so với người láng giềng Thái Lan. Ấy vậy mà chúng ta còn "bạo gan" đặt mục tiêu tham dự VCK FIFA World Cup 2018 từ đời chủ tịch trước của VFF. Giờ, khi vẫn còn cách Worl Cup 2022 cả một khoảng cách rất xa, thì mục tiêu này đã lại được xới lên.
HLV trưởng các ĐTQG Việt Nam, ông Park Hang Seo, đã rất thẳng thắn rằng, một mình ông không thể đưa nền bóng đá đến với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, mà cần thêm nhiều nguồn lực khác của xã hội, của chính phủ, cần một chiến lược bài bản, lâu dài... Tức là chúng ta cần thêm rất nhiều thế hệ cầu thủ giỏi khác, phía sau lứa Quang Hải, Công Phượng..., đặng làm tính kế thừa liên tục.
Đỏ chưa phải là chín, chúng ta đang tạm thời đứng nhất bảng G vòng loại FIFA World Cup 2022 có cả UAE, Thái Lan và Malaysia..., nhưng ngay cả khi đi đến vòng đấu loại cuối cùng, thì ở đó còn hàng chục nền bóng đá mạnh nhất châu lục, với các đội tuyển dự VCK FIFA World Cup như đi chợ. Ví như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia, Australia... HLV Park Hang Seo từng là trợ lý của phù thủy Guus Hiddink của Hàn Quốc, tại FIFA World Cup 2002, hẳn ông có lý do để đưa ra những khuyến cáo. Bóng đá Hàn Quốc quê ông Park đang ở đâu, chắc không cần nói thêm.
Trở lại với làng túc cầu nội, với hệ thống đào tạo trẻ, hạ tầng thi đấu và hệ thống các giải bóng đá quốc gia và chuyên nghiệp Việt Nam. Chúng ta rõ ràng không thể đến World Cup bằng vài Học viện hay lò đào tạo cỡ vừa và nhỏ, không thể đến World Cup khi giải đấu cao nhất xứ sở 20 năm chữ chuyên chưa tròn. Phân nửa các CLB V-League vẫn chưa đạt chuẩn chuyên nghiệp của AFC và một số đáng kể thậm chí không có đào tạo trẻ. Mặt sân thi đấu nhiều nơi không khác đám ruộng. V-League còn đỡ, hạng Nhất quốc gia (cũng là thuộc hệ thống chuyên nghiệp) thì èo uột, biết rồi khổ lắm nói mãi.
Nhìn xuống sân đã thấy rất nhiều ngổn ngang, ngước lên khán đài càng thấy chán. Khán giả và CĐV vốn dĩ là bầu sữa nuôi sống bóng đá, cùng với bản quyền truyền hình các giải đấu, thì 20 năm qua, nguồn thu này là không đáng kể, thậm chí không có. Vậy, bóng đá Việt Nam chúng ta sẽ đến World Cup bằng cơ sở nào?!
Thoáng thấy khán giả lấp đầy sân bóng, bằng sự kết hợp hoàn hảo giữa bóng đá và showbiz, thì nó cũng chỉ là hiện tượng, không phải bản chất. 10 năm qua, ngoài XMXT Sài Gòn (đã xóa sổ), thì Than Quảng Ninh cũng đã áp dụng mô hình phối kết hợp này, trong các trận đấu trên sân nhà của họ, song rõ ràng là không bền. Bóng đá và showbiz vẫn là những khu biệt không giống nhau, 2 bảo kiếm này khi kết hợp lại, cho các cuộc chạy tiếp sức thiện nguyện vì cộng đồng thì được, thậm chí hiệu quả tối đa luôn. Nhưng suy cho cùng, bóng đá phải đứng trên chính đôi chân của mình, như showbiz vậy.
Bóng đá nên học showbiz để phát triển đi lên, thay vì chỉ biết dựa vào showbiz để câu view, hay bán vé.
Đông tay có vỗ nên kêu? Chiều nay, 2 trận bán kết VCK giải hạng Nhì quốc gia 2020 sẽ khởi tranh trên SVĐ 19/8 Nha Trang. 4 đội bóng bao gồm Phú Thọ, Phù Đổng FC (bảng A), Công an Nhân dân và Gia Định (bảng B) sẽ đấu chéo, để chọn ra 3 suất lên hạng Nhất 2021. Phú Thọ gặp Công an Nhân dân, Phù Đổng FC tiếp chiêu Gia Định. Hai đội thua sẽ gặp nhau ở trận đấu tranh vé vớt vào ngày 16/11 nhằm xác định nốt suất có mặt ở mùa chuyên năm sau. Cũng theo tính toán của BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, ngoài việc giữ nguyên thể thức thi đấu V-League 2020 cho mùa giải 2021, thì cũng trong năm 2021, sẽ có 3 đội hạng Nhất được phép thăng hạng V-League 2022. Như vậy, V-League 2022 sẽ tăng số lượng đội lên 16, đông nhất từ trước đến nay. Câu hỏi đặt ra là - Tăng về lượng, song liệu có tăng về chất? Đông tay liệu có vỗ nên kêu? Hạ hồi phân giải sẽ rõ! |
CCKM
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất