Khi rối nước vươn xa

02/02/2025 07:00 GMT+7 | Văn hoá

"Làm mưa làm gió" trên thị trường biểu diễn cho du khách quốc tế trong suốt 3 thập niên qua, rối nước đến giờ đã thực sự trở thành biểu trưng cho sức sống của nghệ thuật truyền thống Việt Nam khi hội nhập quốc tế. Nhưng đó không phải là một hành trình đơn giản và dễ dàng, mà điển hình là câu chuyện của Nhà hát múa rối Thăng Long, một trong những đơn vị thành công nhất với môn nghệ thuật này…

1. "Múa rối nước tương truyền có từ thế kỷ 11, bắt nguồn từ nền văn hóa lúa nước tại các làng quê vùng đồng bằng sông Hồng…". Những lời giới thiệu ấy có thể được tìm thấy tại mọi chương trình biểu diễn rối nước hay những cuốn sách liên quan tới văn hóa Việt Nam.

Nhưng theo lời NSƯT Chu Lượng, nguyên Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long, ít người để ý tới một đặc điểm nằm sâu trong nguồn gốc của rối nước: Sự  hồn nhiên và thuần khiết - vốn đã đạt tới độ cao nhất của một loại hình nghệ thuật dân gian.

Báo Tết - Khi rối nước vươn xa - Ảnh 1.

Với thâm niên hơn 30 năm trong nghề, NSƯT Chu Lượng đã chứng kiến nhiều thăng trầm của rối nước

"Trong mọi tích trò diễn của rối nước đều không có bi kịch, nghĩa là không có buồn đau và tuyệt vọng. Nó cũng không mang lại những cảm xúc của sợ hãi, lo âu, tức giận hay đau khổ như các thể loại sân khấu khác" - ông Lượng nói - "Rối nước là loại hình nghệ thuật của những người nông dân luôn muốn hòa đồng với thiên nhiên và tự do hóa chính mình".

Như những phân tích của NSƯT này (từng tốt nghiệp cao học về lý luận phê bình sân khấu), chính xuất xứ "chân quê" và sự hồn nhiên rối nước đã ảnh hưởng rất nhiều tới cách mà nó tồn tại, cũng như bước ra thế giới trong những năm gần đây.

Chẳng hạn, vào thời Trần, vua Trần Nhân Tông từng cho rằng rối nước không hợp với nghệ thuật cung đình nên không cho biểu diễn trong cung. Bởi thế, rối nước càng có dịp "ra ngoài nhân gian và bừng nở sức sống trong văn hóa dân gian".

Rồi, trước 1945, người Pháp chỉ coi rối nước là loại hình sinh hoạt nghệ thuật ở đẳng cấp thấp, không có khả năng đại chúng hóa - và tất nhiên, không bị can thiệp, khai thác cho những mục đích phi nghệ thuật.

Hoặc, trong giai đoạn sau, ở một nước Việt Nam độc lập, rối nước được khôi phục như nhiều loại hình sân khấu truyền thống khác. Phong cách ngộ nghĩnh, hài hước của các quân rối khiến chúng có những hạn chế và ít tham gia nhiệm vụ tuyên truyền khi đó. Nhưng ở hướng ngược lại, điều ấy lại giúp rối nước vẫn giữ nguyên phong cách nhất quán của mình.

2. Thực tế, trong giai đoạn Đổi mới từ năm 1986, khi sân khấu kịch nói bước vào thời kì hoàng kim với những vở diễn chính luận thì rối nước phải đi một quãng đường dài và vất vả hơn.

Đơn cử, vào nửa sau thập niên 1980 - những năm cuối cùng của thời bao cấp, đoàn múa rối Hà Nội (tiền thân của Nhà hát Múa rối Thăng Long) vẫn "đóng đô" tại một ngõ nhỏ trên phố Hàng Chiếu, với sự bế tắc toàn diện vì không có người xem. Nghệ sĩ Chu Lượng khi ấy sống bằng nghề vẽ truyền thần, còn gần chục đồng nghiệp của anh thì bán hàng, chơi nhạc, chạy xe ôm… để kiếm sống.

Báo Tết - Khi rối nước vươn xa - Ảnh 2.

Rối nước Việt Nam với bản chất là sự hồn nhiên và thuần khiết

"Đoàn chúng tôi khi đó chỉ diễn rối cạn và đứng trước nguy cơ giải thể. Thế rồi trưởng đoàn lúc ấy - anh Lê Văn Ngọ - đưa ra ý tưởng tìm về với rối nước. Mỗi anh em trong đoàn vay mượn, cùng góp 2 chỉ vàng. Chúng tôi tìm về mọi làng rối truyền thống, gặp các nghệ nhân để được truyền nghề, học cách làm quân rối, rồi lựa chọn các trò diễn phù hợp để dựng lại" - NSƯT Chu Lượng kể - "Lần đầu thử nghiệm, chương trình không đạt chất lượng, anh em lại khăn gói quay lại tìm các nghệ nhân…"

Khi những buổi diễn rối nước đầu tiên của đoàn được tổ chức sát cạnh đền Ngọc Sơn, nhiều nghệ sĩ vẫn lội xuống nước Hồ Gươm vẫn còn lạnh giữa tiết Xuân để điều khiển quân rối. Rồi từ năm 1993, NSƯT Chu Lượng và các đồng nghiệp được tiếp nhận rạp Hoà Bình cũ trên phố Đinh Tiên Hoàng để cải tạo thành một rạp diễn múa rối đủ khang trang…

3. Bây giờ, sau ba thập niên, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã trở thành cái tên vô cùng quen thuộc với du khách tới Hà Nội. Đều đặn 7 ngày trong tuần, từ khoảng 3 giờ chiều, các diễn viên của Nhà hát lại tất bật chuẩn bị đạo cụ, bước xuống thủy đình, điều khiển quân rối để diễn các tích Tễu giáo trò, Múa rồng, Câu ếch, Đánh cáo bắt vịt, Vinh quy bái tổ, Sư tử tranh cầu, Múa phượng, Lê Lợi trả gươm.

Rồi cũng đều đặn, với khoảng 5 suất diễn mỗi ngày, lượng khách tới Nhà hát - trong đó đa phần là khách quốc tế - đều gần như kín đặc 300 chỗ trong rạp. Mật độ ấy khiến nhiều đơn vị sân khấu nói vui rằng nơi đây là "cái hom giỏ", gom hết khách du lịch quanh Hồ Gươm và khắp Hà Nội về với mình. Cũng chẳng lạ, khi vào năm 2013, Nhà hát đã được tổ chức Kỷ lục châu Á vinh danh là "Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm".

Còn ở chiều ngược lại, những năm qua, Nhà hát này cũng hàng chục lần mang các quân rối "xuất ngoại" để tham gia nhiều chương trình biểu diễn trên thế giới.

Báo Tết - Khi rối nước vươn xa - Ảnh 3.

Du khách quốc tế luôn hào hứng với rối nước Việt Nam

4. "Chúng tôi lần đầu tiên bước ra thế giới vào năm 1992, với một đợt biểu diễn tại Nhật Bản. Với tôi, đến giờ đó vẫn là chuyến đi đáng nhớ nhất - không chỉ vì lần đầu được đi nước ngoài mà còn ở việc rối nước được mở mày mở mặt sau nhiều năm lận đận" - nguyên Giám đốc Chu Lượng kể - "Khán giả Nhật Bản thích vô cùng, sau mỗi buổi diễn, anh em phải ra chào đi chào lại tới 4 lần. Rồi, một học giả Nhật tới xem và đưa ra lời khen khiến chúng tôi xúc động tới tận tâm can. Ông nói: Tôi hạnh phúc vì được sinh ra trên đời, và được xem múa rối nước Việt Nam".

Sau chuyến đi Nhật Bản, rối nước Việt Nam lập tức được các đơn vị tổ chức biểu diễn chú ý - để rồi 3 lời mời liên tiếp được đưa ra từ Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc) và Úc. Rồi năm 1995, là chuyến sang Mỹ đầu tiên, của Nhà hát, ngay sau khi Mỹ tuyên bố "bình thường hoá" quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Đến giờ, theo thống kê vui của NSƯT Chu Lượng, họ đã đi khoảng hơn 40 nước khác nhau ở cả 5 châu lục, trong đó đi Pháp tới lần thứ …10, đi Mỹ và Tây Ban Nha tới lần thứ 6. Rồi, có những năm Nhà hát xuất ngoại tới 8 lần, phải ăn Tết ở nước ngoài…

Và cũng rất thú vị, từ những thủy đình truyền thống, rối nước của Nhà hát cũng vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa, để đến với thế giới bằng sự hồn nhiên sẵn có của mình. Đơn cử, dựa trên những kĩ thuật biểu diễn truyền thống, anh và đồng nghiệp từng thử nghiệp sáng tạo trò rối nước "đấu vật Sumo" khi mang tới Nhật Bản. Để rồi, trước sự hào hứng của khán giả xứ mặt trời mọc, một nhà hát Nhật Bản đã mời các nghệ sĩ Việt Nam cùng phối hợp dựng một vở diễn có phần biểu diễn rối nước, dựa trên một truyền thuyết tại đây.

Hoặc, bài bản hơn, từ hơn 10 năm trước, đạo diễn Chu Lượng và Nhà hát múa rối Thăng Long đã thử nghiệm dựng vở diễn Bay lên từ mặt nước. Ở đó, xuất hiện với mũ phớt và chiếc áo gi-lê, chú Tễu của Việt Nam đã có dịp kể lại  hành trình "xuất ngoại" của mình những năm qua - để rồi người xem được chiêm ngưỡng những tiết mục đấu bò tót truyền thống của Tây Ban Nha, hay những màn diễn ballet trong vở Hồ Thiên Nga dựa trên nền nhạc Tchaikovsky. Tất cả được sáng tạo, dựa trên những kỹ thuật truyền thống đã định hình của rối nước.

Và như thế, với những gì đang có, nhiều người vẫn đặt hi vọng vào tương lai của rối nước - môn nghệ thuật của những người nông dân và có lẽ được sinh ra từ giây phút nông nhàn và mơ mộng nhất của những tâm hồn thuần khiết, lãng mạn chốn đồng quê…

Thách thức với rối nước

Theo NSƯT Chu Lượng, trong 3 thập niên phát triển "nóng"vừa qua, rối nước Việt Nam cũng đã gặp những vấn đề của mình. Đó là cảnh "người người nhà nhà" làm rối, dẫn tới sự thiếu kiểm soát về chất lượng; là sự thưa vắng dần của những nghệ nhân giữ vai trò "trùm phường" vốn là linh hồn của các trò rối; là những cứng nhắc trong khâu bảo tồn, dẫn tới việc nhiều phường rối ít nhiều mất đi bản sắc riêng…

Những hạn chế này cần sớm được khắc phục bởi những giải pháp thật sự khoa học và hợp lý, để rối nước có thể tiếp tục đi xa dựa trên sức sống nội tại của mình.

Hoàng Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm