Khi kinh nghiệm 'trông trời' không còn theo kịp

05/11/2016 06:43 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày nắng hay mưa, bà nội tôi tuy không biết chữ nhưng dạy tôi bằng kinh nghiệm truyền đời từ những gì quen thuộc quanh mình để đoán biết thời tiết.

Kiến thức ấy thông qua tục ngữ, ca dao truyền khẩu cho nhau thành một lý lẽ ôn hòa để con người hiểu đất trời, kiểu như “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa…”.

Sau này, khoa học chứng minh, kinh nghiệm dân gian đó rất có cơ sở. Đại ý “chuồn chuồn bay thấp thì mưa…” vì khi trời gần mưa, hơi nước trong không khí bám vào các cánh mỏng của chuồn chuồn khiến nó không bay cao hơn. Và do vậy, “bay cao thì nắng bay vừa thì râm” cũng từ chuyện nắng hay mưa của đất trời khiến con chuồn chuồn cất cánh lên cao hay bay gần mặt đất.


Lũ lớn tại Phú Yên

Tôi cũng nhớ kinh nghiệm truyền đời của bà: “Mống dài thì lụt mống cụt thì mưa”. Bà nhìn trời và nói về đường cong của ánh cầu vồng bảy sắc với đứa cháu nội: “Cầu vồng kéo giáp hai phía chân trời thì sẽ lũ lụt lớn, còn kéo dài một nửa thì sẽ mưa rất to”.

Tôi dân miền biển Phú Yên, thường trước mỗi đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày, nhìn ra biển sẽ thấy một đường cong cầu vòng ngắt quảng phía chân trời, kèm hơi nước mát lạnh theo gió bay về phía núi. Đường cầu vồng mà dân gian quê tôi gọi là “mống” này báo hiệu một hai ngày sau sẽ mưa lớn.

Mưa trên biển không thể làm biển đầy thêm. Nhưng mưa trên rừng sẽ làm suối sông tràn nước. Ác thay, mưa cứ nhắm phía rừng mà đổ thác. Ác hơn, cây rừng ngày càng khô kiệt khiến mưa thành dòng xoáy cuốn phăng những gì trên đường trôi.

Nhưng khi mưa tạnh một hai hôm, bà nội nhìn lên trời thấy một cái “mống dài”, bà nhìn cột nhà từng đàn kiến chen nhau leo lên mái, mặt bà sầm lại. Ngay sau đó chuồng gà, chuồng heo, chuồng bò… được bà huy động mọi người kê cao nhất có thể. Mốc cử việc kê cao này theo bà là trận lụt năm Nhâm Thìn 1952 gây kinh hoàng cho toàn dân miền Nam, trong đó có quê tôi.

***

Trận lụt lớn nhất tôi phải chứng kiến diễn ra năm 1993. Năm đó, toàn thị xã Tuy Hòa chìm ngập trong nước. Nhà tôi thuộc cư dân lâu đời, xóm làng xung quanh được hình thành gần chợ, gần bệnh viện, gần nhà chùa – nhà thờ… trên một khu đất cao so với xung quanh, nhưng nước ngập đến nửa cửa sổ.

Năm 1993, nhà tôi nuôi bốn “chú ỉn” sau nhà. Sau trận lụt 1993 vài ngày, bốn “chú ỉn” lăn ra bệnh vì bị ngâm “nước bạc” trong mấy ngày lụt và chết. Quê tôi gọi nước lũ là “nước bạc”, chắc vì loại nước không mời mà đến này quá bạc chăng?

Còn trận lụt năm Nhâm Thìn 1952, thơ ca hò vè, bà nội tôi còn nhớ: “Đời ông chí những đời cha/ Mới thấy trận bão tháng ba lạ lùng/ Sống trong bể khổ hãi hùng/ Nhà cửa trôi hết, áo quần sạch trơn/ Rương xe thùng bộng, mái lơn/ Thuyền chài, cối giã chạy bon trên đồng/ Xác người, xác thú chập chồng/ Sóng dồi, rêu dập, vun giồng lấp khe”.

Đây là trận lũ lụt hiếm thấy trong quy luật tự nhiên, vì xẩy ra vào mùa khô (tháng 3 âm lịch khoảng tháng 5 dương lịch) nhưng tàn khốc đến độ người dân vùng đồng bằng hay ven biển sau đó đói thảm, đến độ phải hái “rau muống biển” ăn tạm qua ngày. Nói thêm, “rau muống biển” mọc trên gò cát dọc biển, loại rau này hoang dại chưa từng được con người dùng vào bất cứ việc gì, ngoại trừ trận lụt năm Thìn khi đó phải ăn thay cơm.

***

Hóa ra, mọi kinh nghiệm dân gia cũng có lúc sai. Cũng như dự báo thời tiết của các đài khí tượng có khi cũng không đúng. Nhất là bây giờ mưa lũ ông trời kèm thêm  xả lũ thủy điện thì không có đài khí tượng nào dự đoán được hết. Và khi con người phá sạch rừng đầu nguồn thì sự nguy hiểm của những dòng nước xiết đổ xuống càng khó lường.

Kinh nghiệm dân gian về mưa bão hay khoa học của khí tượng thủy văn sẽ khó theo kịp “lòng tham” của con người, khi mà họ đang hủy hoại bầu trời, mặt đất, rừng cây bằng nhiều cách khác nhau.

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm