Hoan nghênh chủ trương viết nhiều bộ SGK…

18/08/2011 10:36 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Vừa qua, đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến của các nhà khoa học. Ngay sau khi thông tin được công bố, dư luận xã hội lại nóng lên với vấn đề đổi mới chương trình SGK với nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, nhân đây cần xóa bỏ độc quyền của ngành giáo dục trong việc biên soạn SGK, để học sinh có nhiều lựa chọn.

TT&VH đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Trần Ái - Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Cần tránh hiện tượng “nhà nhà làm SGK”

NGƯT Ngô Trần Ái

* Thưa ông, để có một bộ sách giáo khoa đạt chuẩn, theo ông, cần những yếu tố nào và việc biên soạn nhiều bộ SGK theo cùng một chương trình có thể mang lại những lợi ích gì cho nền giáo dục cũng như học sinh?

- Để có một bộ SGK tốt, cần rất nhiều điều kiện. Các nhà quản lý giáo dục phải nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện. Qua kinh nghiệm và thể nghiệm của chúng tôi, thì điều kiện đầu tiên là phải có một chương trình chuẩn tốt (đầy đủ chi tiết từng đơn vị kiến thức cho bài học), phù hợp với chiến lược giáo dục và mục tiêu đào tạo; chương trình chuẩn phải được lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các nhà sư phạm, các giáo viên giỏi, có kinh nghiệm giảng dạy...

Điều kiện thứ hai là phải có một đội ngũ tác giả vừa giỏi về khoa học cơ bản, vừa am hiểu về tâm lý, giáo dục. Cần rút kinh nghiệm về hai khâu này trước khi chuẩn bị cho đợt làm SGK trong tương lai.

Về phía NXB Giáo dục, chúng tôi được hoàn toàn tự do trong việc chọn lựa tác giả làm sách tham khảo, song đối với SGK thì không phải như vậy mặc dù không ít trường hợp, ý kiến đề xuất của chúng tôi cũng được cấp trên cân nhắc điều chỉnh hoặc hoàn toàn chấp nhận.

Việc biên soạn nhiều bộ SGK theo một chương trình là việc nhiều nước đã làm từ lâu, song ở Việt Nam thì bao giờ nên làm và làm như thế nào, đó đều là những vấn đề phải tính kỹ. Việc đó phải mang lại lợi ích cho nền giáo dục cũng như học sinh chứ không phải để tạo ra hiện tượng nhà nhà cùng làm SGK, người người đều viết SGK. Chúng tôi hoan nghênh chủ trương cho viết nhiều bộ SGK trên cùng một chương trình. Tuy nhiên, để cho chủ trương này trở thành hiện thực và đem lại lợi ích cho nền giáo dục cũng như người học, cần có một số điều kiện đảm bảo.

* Đó là những điều kiện gì, ông có thể nói cụ thể hơn?

- Điều kiện tiên quyết là một quyết định của Chính phủ hoặc Quốc hội cho phép thực hiện chủ trương ấy và một chương trình phù hợp với việc thực hiện chủ trương ấy.

Điều kiện đảm bảo là phải có sự thay đổi hàng loạt vấn đề liên quan đến SGK như việc quy định cho phép biên soạn bao nhiêu bộ SGK đối với từng môn, từng cấp, nguyên tắc chọn tác giả viết SGK, nguyên tắc thẩm định SGK, việc hỗ trợ kinh phí cho việc viết và tổ chức thí điểm SGK, việc in ấn, phát hành, định giá SGK, quyền chọn lựa SGK là của trường, phòng hay sở GD&ĐT, việc chỉ đạo dạy - học và thi cử sao cho vừa bảo đảm tính thống nhất vừa thực hiện được nguyên tắc phân hóa trong giáo dục, việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với học sinh nghèo, diện chính sách...

Khi đã có những điều kiện trên thì có nhiều bộ sách là tốt về nhiều mặt, trước hết là thầy giáo và HS có nhiều chọn lựa, không bị ép phải học những cuốn SGK không phù hợp. Tất nhiên, chọn được bộ SGK như thế là rất không đơn giản. Cần có sự chỉ đạo chặt chẽ và thận trọng hơn trong việc thực hiện chủ trương này đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn vì ở đây có nhiều nội dung gắn chặt với điều kiện xã hội Việt Nam, với lịch sử dân tộc, khó có điều kiện tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Một điều quan trọng nữa là đào tạo đội ngũ sinh viên ngành sư phạm về phương pháp soạn giáo án và giảng dạy trong điều kiện mới, một chương trình nhiều bộ SGK. Vì SGK có hay bao nhiêu nhưng thầy giáo kém thì cũng không thể nâng cao chất lượng giáo dục được.

Để chủ trương viết nhiều bộ SGK thành hiện thực, phải có một số điều kiện.
Ảnh: Internet

Độc quyền SGK là “một hiện tượng lịch sử”

* Ông nghĩ thế nào về việc xóa bỏ độc quyền xuất bản SGK?

- Mặc dầu chủ trương một chương trình - nhiều bộ sách chưa được thông qua nhưng mọi người vẫn tin rằng trong tương lai, khi có đủ điều kiện, nhất định chủ trương ấy sẽ được thông qua.

Độc quyền làm SGK ở nước ta từ trước tới nay, là một hiện tượng lịch sử, không phải muốn mà được, càng không phải do giành giật của ai mà có. Vì là hiện tượng lịch sử nên tiếp tục độc quyền hay xóa độc quyền đều phải xuất phát từ mục đích duy nhất là phục vụ lợi ích chung, phục vụ tốt nhất cho việc dạy và học.

Trước đây, đã từng có thời kỳ khâu in ấn, phát hành SGK là do Bộ Văn hóa đảm nhiệm, song sau đó xét thấy việc này Bộ Giáo dục có điều kiện làm tốt hơn do bám sát được yêu cầu của ngành nên Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định chuyển về Bộ Giáo dục. Lãnh đạo Bộ Giáo dục đã giao cho NXB Giáo dục, bấy giờ là cơ quan “hậu cần” duy nhất của ngành. Trong hoàn cảnh đó, nói độc quyền làm SGK là không chính xác mà phải nói là cáng đáng nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ giao phó.

* Nếu chủ trương một chương trình - nhiều bộ sách thành hiện thực, NXB Giáo dục sẽ phải cạnh tranh với nhiều NXB khác. Là người đứng đầu NXB Giáo dục, ông đã có định hướng và chuẩn bị gì cho việc này chưa?

- NXB Giáo dục cũng rất mong việc này sẽ sớm thành hiện thực, không chỉ NXB Giáo dục mà tất cả các NXB khác cũng được đặt vào tình thế cạnh tranh. Đương nhiên, là một NXB lớn có lịch sử hơn nửa thế kỷ chuyên làm sách giáo dục, NXB Giáo dục Việt Nam có điều kiện và lợi thế hơn. Chúng tôi đã có những chủ trương, biện pháp đi trước một bước để chủ động đón đầu sự đổi mới này, tin tưởng sẽ đảm nhiệm được vai trò chủ lực trong việc làm SGK phục vụ ngành giáo dục nước nhà.

* Xưa nay, ngành giáo dục, mà trực tiếp là NXB Giáo dục Việt Nam, phải “đảm bảo đủ SGK cho học sinh đến trường, không để học sinh nào phải bỏ học vì không có SGK”. Nếu có nhiều bộ SGK cùng được lưu hành thì NXB Giáo dục có còn là đơn vị phải chịu trách nhiệm việc này?

- Không phải chỉ vấn đề “đảm bảo đủ SGK cho học sinh đến trường, không để học sinh nào phải bỏ học vì không có SGK” mà còn rất nhiều vấn đề khác có liên quan sẽ đồng loạt được đặt ra khi có nhiều bộ SGK cùng được lưu hành, như tôi đã nói ở trên.

Với tất cả những vấn đề đó, tôi nghĩ, dù có nhiều bộ sách, nhất định vẫn phải có sự chỉ đạo chung. Song song với việc không ngừng bồi dưỡng, tăng cường năng lực cạnh tranh lành mạnh, chúng tôi sẽ luôn thực hiện nghiêm túc mọi sự phân công, chỉ đạo của cấp trên để giải quyết mọi vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình thực hiện chủ trương mới.

* Xin cảm ơn ông!

Nhật Huy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm