05/03/2013 08:12 GMT+7 | Văn hoá
1. Chủ đề “nóng” hiện nay về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có lẽ không còn là câu chuyện sưu tập cái gì, giá mua tranh, tượng thế nào hay tranh thật/tranh phiên bản nữa mà là thông tin bảo tàng sẽ sớm có được một địa điểm nữa để “mở rộng diện tích trưng bày, giới thiệu nghệ thuật đương đại Việt Nam”.
|
Cụ thể, bảo tàng đề xuất được tiếp quản cơ sở hạ tầng của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (số 25 Tôn Đản, Hà Nội) sau khi cơ quan này trả lại mặt bằng để chuyển về địa điểm mới của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Nếu đề xuất này được chấp thuận, bảo tàng sẽ có cơ sở để bắt đầu công việc sưu tập các sáng tác nghệ thuật đương đại Việt Nam như nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, video art, nghệ thuật đa phương tiện... Cho đến nay, việc sưu tập này vẫn chưa được thực hiện vì chưa có “đất”. Đây quả là một nghịch lý nếu nhìn vào thực tế trong nước, nghệ thuật đương đại Việt Nam với ít nhất là ba thế hệ nghệ sĩ đã và đang đồng hành sáng tác, được giới thiệu và sưu tập ở nhiều triển lãm cùng bảo tàng nghệ thuật đương đại lớn nhỏ trên thế giới. Càng nghịch lý hơn nữa nếu nhìn ra bên ngoài, nghệ thuật đương đại thực sự chiếm ưu thế tiền phong trong việc nói lên những vấn đề lớn mà nhân loại toàn cầu đang phải đối diện, đồng thời vẫn có thể thể hiện được hình ảnh văn hóa đặc sắc của mỗi một quốc gia hay dân tộc.
Nhiều bảo tàng, gallery quốc gia (National Gallery) láng giềng của Việt Nam đã biết phát huy lợi thế này, trở thành những địa chỉ văn hóa - nghệ thuật không thể không lui tới của du khách trong và ngoài nước thuộc mọi tầng lớp. Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (SAM) là nơi tổ chức Singapore Biennale - sự kiện nghệ thuật đương đại quốc tế định kỳ 2 năm. Năm 2011, Singapore Biennale thu hút 913 nghìn lượt khách tham quan, mặc dù sự kiện này có bán vé với mức giá 10 đô-la Singapore/lượt cho người lớn, 5 đô-la cho trẻ em. Năm 2008, SAM tổ chức sự kiện chưa từng có về mỹ thuật Việt Nam, Vietnam - Post đổi mới, giới thiệu các tác giả và tác phẩm tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam từ sau năm 1990 cho đến hiện nay, bao gồm cả mỹ thuật hiện đại và các hình thức nghệ thuật đương đại. Một sự kiện như vậy, giá như từng được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam của chúng ta thực hiện trước họ…
Tuy muộn nhưng cuối cùng, một địa điểm dành cho Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Việt Nam cũng đã được chính thức đề nghị lên Bộ chủ quản chứ không còn là tin đồn nóng sốt vỉa hè. Hy vọng, hiện thực dành cho nó sẽ sớm xảy ra sau chuyến thăm của ông Bộ trưởng.
|
Bắt đầu từ việc thiết kế nội thất trưng bày. Nền của toàn bộ các gian trưng bày là gạch men xám đen và bóng. Theo ông, nó “giết chết” màu sắc, làm giảm vẻ đẹp và giá trị của các hiện vật. Những ô cửa nối các phòng trưng bày nhỏ, đôi khi chỉ mở được một cánh, khiến cho cảm giác chật hẹp bị tăng lên. Cả thời kỳ truớc năm 1954, hiện vật được phân chia theo tiến trình thời gian. Từ năm 1954 đến nay, hiện vật được phân loại theo chất liệu sáng tác.
Nhưng cách trưng bày và cách thông tin về hiện vật đồng nhất và đơn giản, phòng nào cùng có mật độ trưng bày dày đặc, tranh nhiều khi kín tường, tượng nhiều chỗ san sát, nhấn mạnh vào số lượng của “cái toàn thể” hơn là giá trị nghệ thuật của từng hiện vật. Mỗi hiện vật chỉ có một bản ghi tên, chất liệu, kích thước, năm hoặc khoảng thời gian ra đời (sáng tác), vô tình che giấu đi sự phong phú và hấp dẫn của nguồn thông tin xung quanh từng tác phẩm, che giấu đi công lao nghiên cứu của cán bộ bảo tàng. Tỷ dụ, những bức tranh dân gian Đông Hồ thường có đề những câu thơ ý vị mà sâu sắc về nhân tình thế thái bằng chữ Nôm (hay chữ Hán?) nhưng chưa hề có bản dịch sang Quốc ngữ (chưa kể ngoại ngữ) bày bên cạnh để cho người hôm nay đọc và thấm hiểu được. Hay với các danh họa như Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, việc trưng bày tác phẩm của họ cũng bó hẹp trên một mảng tường, đơn điệu và buồn tẻ…
Đứng trước nhiều bức tranh, bức tượng, hay chạm khắc, sau khi nghe thuyết minh cặn kẽ, ông Bộ trưởng thường phải thốt lên “đẹp quá!”, “giá trị quá!”, “vĩ đại quá!”. Ông cũng không ngần ngại cho rằng Bảo tàng Mỹ thuật là “xứng tầm khu vực Đông Nam Á”. Chính vì thế, sau hơn nửa vòng tham quan, ông thắc mắc tại sao “không thấy có người” vào thăm hay đưa trẻ em đến với phòng sáng tạo - nơi được cho là sáng kiến của bảo tàng trong năm 2011.
Thắc mắc của ông Bộ trưởng có lẽ cũng là thắc mắc chung của trước tiên là các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam hiện nay, và sau nữa là của công chúng mỹ thuật trong nước và không ít khách nước ngoài. “Trăm nghe không bằng một thấy”, những gì ông đã thấy trong chuyến thị sát này hẳn giúp ông giải đáp được phần nào thắc mắc của mình…
Theo báo cáo công việc năm 2012, bảo tàng chỉ thực hiện được duy nhất công việc chuyên môn mà có khai thác trực tiếp nguồn tài sản quý của mình: Triển lãm các tác phẩm mới sưu tầm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (đầu năm 2012). Còn lại, công việc chính vẫn là duy trì không gian trưng bày cố định, cho thuê khu “trưng bày chuyên đề” bên cạnh rất nhiều công việc mang tính phong trào hay sự vụ hành chính khác.
Nếu ví bảo tàng như một thực thể sống thì không gian trưng bày cố định là bộ khung cốt của thực thể ấy. Còn để hoàn thiện nó và làm đẹp, làm sống động cho nó phải là các sự kiện, hoạt động chuyên đề do chính bảo tàng thực hiện với mục đích hai trong một: thu hút khách đến tham quan và nâng cao vị thế xã hội của một bảo tàng đích thực. Đó có thể là các triển lãm giới thiệu những sưu tập mới, những phát hiện mới về một tác giả hay thời kỳ mỹ thuật nào đó, những sự hợp tác triển lãm với bảo tàng nước khác. Song hành với đó là những chương trình giáo dục công chúng nhiều tầng lớp, lứa tuổi về mỹ thuật…
Nhưng không hiểu sao, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lâu nay chỉ duy trì cái bộ khung cốt của mình theo cách thức cũ kỹ, tẻ nhạt, khô cứng, khiến cho bảo tàng lâu nay như một thực thể thiếu sức sống ngay trên nguồn tài sản to lớn, giá trị của chính mình: 10 nghìn m2 diện tích (trưng bày và lưu trữ, phục chế) và hơn 20 nghìn hiện vật từ gần đây nhất cho đến cả 10 nghìn năm về trước. Khu vực “triển lãm chuyên đề” hầu như chỉ để cho người bên ngoài thuê, nhất là các họa sĩ trẻ lanh lợi muốn làm “đẹp” tiểu sử nghệ thuật của mình rằng có triển lãm trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia… Dịch vụ này có thể là một cách để tăng nguồn thu nhập cho 89 cán bộ viên chức của bảo tàng và cũng “làm đẹp” văn bản báo cáo thành tích nhưng lại góp phần làm giảm đi vị thế thực chất của bảo tàng đối với giới sáng tác và công chúng mỹ thuật hiện nay.
3. Không phải ngẫu nhiên mà tháp tùng cùng ông Bộ trưởng trong chuyến đi này có lãnh đạo nhiều cơ quan hữu quan trong Bộ. Chỉ đạo của ông là trước khi tính đến việc mở rộng bảo tàng thêm nữa, hãy khai thác một cách hữu hiệu hơn những nguồn lực mà bảo tàng đang có. Ông nhấn mạnh: hãy “thực tế hơn đi”, phải biến bảo tàng thành một nơi thực sự “có chủ” và đón được đông khách tới chứ đừng thụ động, đừng tự đè nén sức phát triển và tầm ảnh hưởng của chính mình như hiện nay nữa… Chỉ có như vậy, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới là cơ sở vững chắc cho ra đời một bảo tàng nghệ thuật đương đại Việt Nam, tránh được những “vết xe đổ nhãn tiền” như Bảo tàng Hà Nội to đẹp mà thưa hiện vật, ít người xem, hay như chính Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện giờ có nhiều hiện vật rất đáng xem mà xem khó nổi.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất