"Khát vọng Thăng Long": Bán không xong, phát hành cũng khó

06/12/2010 07:06 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Sau 2 tuần công chiếu, Khát vọng Thăng Long (KVTL), bộ phim gây xôn xao dư luận thời gian qua, đã không thành công về doanh thu, vì vậy phải rút ra khỏi hầu hết các rạp, chỉ còn trụ lại tại phòng chiếu nhỏ của Megastar – đơn vị phát hành bộ phim này.

Bà Lê Minh Tâm Giám đốc Kỷ Nguyên Sáng, chủ đầu tư của KVTL trao đổi với TT&VH Cuối tuần xung quanh câu chuyện này.


Các diễn viên chính trong
buổi lễ ra mắt phim

* Bà lý giải thế nào khi bộ phim KVTL đã không thành công trong “khát vọng” chinh phục khán giả, cụ thể là không thành công về doanh thu?

- Đợt phát hành này, KVTL bị “đụng” với các phim lớn như Kiếm vũ hay Địch Nhân Kiệt nên các rạp không ưu tiên chiếu vào giờ tốt. Phim chỉ được ưu tiên chiếu giờ tốt trong 3 – 4 ngày đầu thôi. Ngay từ khi làm việc với nhà phát hành Megastar, chúng tôi cũng được họ thông báo là phim đặt lịch phát hành trễ và sẽ phải đối đầu với Kiếm vũ, Địch Nhân Kiệt. Hơn nữa, mặc dù được ưu tiên vì là phim Việt nhưng tôi thấy rằng công tác quảng bá cho bộ phim ngay tại các rạp cũng khiêm tốn hơn phim nước ngoài, chẳng hạn phim nước ngoài được đặt từ 2 poster trở lên tại rạp nhưng KVTL chỉ được đặt 1, đó cũng là một lý do khiến cho việc cạnh tranh không được tốt.

* Nhiều rạp đã bỏ KVTL khỏi lịch chiếu sau 2 tuần phát hành, như vậy thì con đường thu hồi vốn bằng chiếu rạp của phim sẽ dừng tại đây, thưa bà?

- Chúng tôi nhận thấy còn một lượng lớn khán giả có nhu cầu coi phim này nhưng có nhiều lý do khiến họ không thể xem được phim, chẳng hạn những công nhân tại các khu công nghiệp không thể bỏ tới 80.000 đồng (giá vé của Megastar - PV) để xem một bộ phim, và dù Megastar có những chương trình khuyến mãi tặng vé xem phim cho các đối tượng có thu nhập thấp như học sinh, sinh viên thì giờ chiếu lại không phù hợp. Ở tỉnh, hệ thống phòng chiếu của Megastar rất tốt nhưng chỉ được tối đa 800 chỗ ngồi mỗi suất chiếu, không thể phục vụ hết nhu cầu của khán giả những nơi này vào ngày duy nhất trong tuần họ rảnh rỗi để đi xem phim là Chủ nhật… Vì thế, chúng tôi đang bàn bạc với bên phát hành để chiếu phim đợt 2. Chúng tôi đề xuất Megastar cho giá vé đặc biệt tại hệ thống rạp của công ty này, làm việc với một số rạp có giá vé rẻ hơn để bán vé tập thể cho các xưởng sản xuất, khu công nghiệp, trường học… Có thể với giá vé từ 20 đến 30 ngàn đồng, bộ phim sẽ đến được với đông đảo công chúng hơn.

* Nhưng cho dù có bán được nhiều vé hơn thì với mức giá 20-30 ngàn sẽ khó mà thu hồi số vốn đầu tư nghe nói lên tới vài chục tỷ…

- Đúng vậy, rất khó. Nhưng mục đích chính của chúng tôi khi đầu tư sản xuất bộ phim này là giới thiệu đến công chúng bộ phim về Lý Công Uẩn nên chỉ cần làm được việc đó thì chúng tôi cũng vui rồi.


Một cảnh trong phim

* Trong một cuộc trao đổi với phóng viên TT&VH Cuối tuần diễn ra trước khi bộ phim hoàn thành và ra mắt, bà đã nói rằng sẽ tìm cách phát hành KVTL ra nước ngoài. Việc đó được tiến hành đến đâu?

- Chúng tôi đang làm việc với BHD để xúc tiến việc phát hành bộ phim ra thị trường nước ngoài. Chúng tôi đã gửi phim sang Mỹ và một số nước châu Âu.

Trong 2 tuần đầu công chiếu, KVTL tuy nhận được phản hồi tốt từ báo chí nhưng bán được rất ít vé. Số vé được bán ra nhiều nhất tại rạp đông khán giả đến xem KVTL nhất trong thời điểm đó là gần 300 vé. Tại Hà Nội, có ngày có rạp không bán được một vé nào cho bộ phim này dù lịch chiếu có tới 5 suất. Nhiều suất chiếu các rạp phải vận hành máy móc cho bộ phim dù chỉ có 2 khán giả xem. Tại hệ thống rạp Megastar, lịch chiếu dành cho KVTL từ ngày 28/11 đến 1/12 là 2 suất/ngày (9h và 11h40) ở Vincom Hà Nội, ở Hùng Vương Plaza TP.HCM có 3 suất/ngày (11h50, 16h30 và 21h10), ở Thùy Dương Plaza Hải Phòng có 2 suất/ngày (9h15 và 11h30). Tại hệ thống rạp của công ty Điện ảnh Sài Gòn (TP.HCM), KVTL đã không còn trụ tại bất cứ rạp nào kể từ 26/11.

* KVTL được sản xuất nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long nhưng đến thời điểm diễn ra Đại lễ thì KVTL vẫn chưa hoàn thành dù đã cố gắng ra mắt bằng bản phim DVD. Có thông tin cho rằng sở dĩ có chuyện bất bình thường như thế (phim nhựa nhưng ra mắt với định dạng DVD) là vì nhà đầu tư hi vọng TP Hà Nội sẽ mua phim để phát hành. Xin bà cho biết việc đó đã được tiến hành hay chưa?


- Mục đích của chúng tôi khi sản xuất bộ phim này là để phát hành cho công chúng chứ không phải để bán cho TP Hà Nội. Tuy nhiên, đây là một bộ phim lịch sử được đầu tư rất nhiều tiền, khi công chiếu cũng nhận được sự đánh giá cao, chúng tôi vẫn chờ đợi và hi vọng sẽ có sự hỗ trợ nào đó từ phía TP Hà Nội. Hiện tại thì TP Hà Nội chưa nói gì về chuyện mua phim KVTL.

* Xin bà cho biết thông tin về vụ kiện của nhà văn - nhà báo Phạm Tường Vân về kịch bản cũng như hợp đồng lao động với Kỷ Nguyên Sáng?

- Về kịch bản thì khi phim chiếu là mọi việc đã rõ ràng cả rồi, cả hai bên đều im lặng. Chúng tôi cũng quá bận rộn với việc phát hành phim nên không có thời gian để tâm nữa. Còn về hợp đồng lao động chúng tôi cũng đã tiến hành thanh lý với Phạm Tường Vân trước khi phát hành bộ phim, cụ thể là chúng tôi đã gửi thư thanh lý hợp đồng cho cô ấy.

Hành trình của Khát vọng Thăng Long

Lưu Trọng Ninh - đạo diễn của KVTL là đạo diễn đã "đi qua" vài dự án phim về vị vua có công dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Đầu tiên phải kể đến dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn (kịch bản Đinh Thiên Phúc) do Hãng Phim truyện Việt Nam đóng vai trò nhà sản xuất. Lưu Trọng Ninh và Đỗ Minh Tuấn được giao vai trò đồng đạo diễn, trong đó Lưu Trọng Ninh là đạo diễn chính. Phim dự kiến “ngốn” số kinh phí 200 tỷ đồng… Tuy nhiên, vì nhiều lý do, năm 2008, TP Hà Nội quyết định “giãn tiến độ” dự án khổng lồ này, dù hãng phim đã tổ chức hẳn một cuộc hội thảo về bối cảnh phim.

Không bỏ cuộc, đạo diễn Lưu Trọng Ninh tiếp tục theo đuổi dự án phim Chiếu dời đô (kịch bản Triệu Tuấn) của Hãng phim Hội Điện ảnh. Song, dự án này cũng vẫn là “nhiệm vụ bất khả thi” vì không tìm được đối tác có tiềm lực kinh tế…

Tháng 2/2010, công ty Kỷ Nguyên Sáng và đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã tổ chức một cuộc họp báo “lạ đời” để công bố dự án phim có tên Khát vọng Thăng Long. Buổi họp báo chỉ có một mình đạo diễn Lưu Trọng Ninh làm chủ tọa. Sau buổi họp báo này, nhà biên kịch – đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã lên tiếng hoài nghi về việc KVTL “cầm nhầm” ý tưởng kịch bản của ông. Sau đó, sự việc chìm vào im lặng.

Cuối tháng 5/2010, KVTL mới chính thức được khởi quay với kịch bản được thông báo là của Charlie Nguyễn và Lưu Trọng Ninh đồng sáng tác.

Tối 7/10, thời điểm đang diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, bộ phim này có buổi chiếu “nội bộ” tại Hà Nội với bản DVD khi chưa có giấy phép phổ biến của Cục Điện ảnh.

12/11, phim chính thức ra mắt và chiếu thương mại trên toàn quốc qua hệ thống phát hành của Megastar.

Tháng 9/2010, nhà văn - nhà báo Phạm Tường Vân tuyên bố sẽ kiện công ty Kỷ Nguyên Sáng vì cho rằng bị vi phạm bản quyền với kịch bản KVTL. Phạm Tường Vân cho biết chị đã ký hợp đồng viết kịch bản với Kỷ Nguyên Sáng nhưng cam kết không đứng tên tác giả mà chỉ có tên trong Hội đồng cố vấn, tuy nhiên công ty Kỷ Nguyên Sáng đã gạt chị ra khỏi dự án mà không nói rõ nguyên nhân, không thông báo là có sử dụng kịch bản chị viết nữa hay không và cũng không thanh lý hợp đồng lao động đã ký với chị. Sau khi bộ phim đã công chiếu, Phạm Tường Vân cho biết chị sẽ không kiện về việc vi phạm bản quyền nữa nhưng sẽ theo kiện về vấn đề thanh lý hợp đồng lao động được ký giữa chị và công ty này. Theo Phạm Tường Vân, đến nay, Kỷ Nguyên Sáng chưa gửi thư thanh lý hợp đồng lao động theo bất kỳ hình thức nào cho chị.


Dương Vân Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm