Khám phá Hồ Tây (kỳ 7): Từ Nhật Chiêu đến Nhật Tân

14/10/2019 19:03 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Thời mới mở cửa, người ta nhắc nhiều đến… thịt chó Nhật Tân. Cũng may mà cơn sốt ấy qua nhanh, để Nhật Tân giờ đây vẫn giữ được vẻ đẹp lãng mạn và hiện đại với “đào Nhật Tân” hay “cầu Nhật Tân”. Trong lịch sử hàng ngàn năm của Hồ Tây, vùng Nhật Tân có một vị trí đặc biệt.

Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"

Kỳ 6 Khám phá Hồ Tây: Từ am cung nữ đến Sở Thủy phi cơ và Hãng phim

Kỳ 6 Khám phá Hồ Tây: Từ am cung nữ đến Sở Thủy phi cơ và Hãng phim

Bên cạnh vườn hoa Lý Tự Trọng là Hãng phim truyện Việt Nam. Khu vực này trước 1954 là Sở Thủy phi cơ, và trước nữa là một cái am gắn liền với người cung nữ bạc phận là Cô Son.

1. Nhật Tân xưa là phường Nhật Chiêu thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, kinh thành Thăng Long.

Về cái tên Nhật Chiêu có hai giả thuyết. Giả thuyết thứ nhất cho rằng, vì kiêng tên húy của vua triều Nguyễn (nhưng không rõ Thụy hiệu của vua nào) nên phải đổi thành Nhật Tân. Giả thuyết thứ hai là Nhật Chiêu bắt nguồn từ Vũ Nhật Chiêu là người làng đỗ trạng nguyên khoa Ất Mùi (1475). Ông Trạng Chiêu làm quan tới chức Tả thị lang. Vì làng không có nhiều người học hành, đỗ đạt cao nên đã lấy tên ông đặt cho tên làng sau khi ông mất. Ở Nhật Tân còn họ Vũ Tuấn, nhưng cho đến nay chỉ còn vài gia đình.

Giống như các làng ven hồ, đất Nhật Tân cũng có nhiều truyền thuyết. Tương truyền xưa Nhật Tân có bảy cây gạo cổ thụ do bà Lạc Phi vợ Lạc Long Quân trồng để ứng với việc bà sinh ra một cái bọc có bảy quả trứng nở ra bảy con rồng bay lên trời.

Dưới gốc cây gạo có ngôi miếu nhỏ dân gọi là Cung. Tương truyền một cung nữ đi thuyền ra đó đặt một cái thúng trong đó có bọc quái thai do bà Hoàng hậu Minh Đức, vợ vua Trần Thánh Tông sinh ra. Đêm đó người ta trông thấy ánh hào quang phát ra từ cái thúng và tiếng khóc của đứa trẻ thấu vào tận cung, nên vua và hoàng hậu sai người ra xem thì thấy có đứa bé.

Gia nô mang đứa bé về và vua đặt tên cho đứa bé là Uy Đô. Khi quân Nguyên xâm lược Đại Việt, Uy Đô mộ quân ứng nghĩa dưới cờ Trần Hưng Đạo. Ông chiến đấu và lập được công lớn nên được phong là Dâm Đàm (tên Hồ Tây thời kỳ đó). Đại vương về Nhật Tân, nhưng sau bị bệnh chết, dân lập đền thờ gọi là điện Nhật Chiêu (đình Nhật Tân ngày nay). Uy Đô chính là thần Uy Linh Lang là thành hoàng của hai làng Nhật Tân và Yên Phụ.

Chú thích ảnh
Phố Nhật Chiêu ven Hồ Tây. Ảnh wiki

Cũng về cây gạo, xưa ở góc ngã ba giữa đường Âu Cơ và đường Lạc Long Quân có hai cây gạo rất to, đến mức đứng ở bên kia sông có thể nhìn thấy. Dưới gốc gạo có ngôi miếu Chúa Lâm, kế đó có một quán nước nhỏ. Ngày 27/6/1786, Nguyễn Trang bắt được Trịnh Khải (tức Trịnh Tông) từ Hạ Lôi (Vĩnh Phúc) đưa qua đò Chèm về nghỉ đêm ở đình làng Nhật Tảo. Sáng hôm sau, đưa Trịnh Khải từ đình Nhật Tảo theo đường đê đến quán nước ở Nhật Chiêu thì cả bọn nghỉ chân uống nước, bất ngờ Trịnh Khải mượn được con dao của bà bán nước cứa vào cổ, máu ra nhiều, Trịnh Khải chết ngay ở đó. Dân Nhật Chiêu đã lập miếu thờ chúa lâm chung nên mới có tên miếu là Chúa Lâm.

Một chuyện khác ở Nhật Chiêu, sử chép năm 1509, vua Uy Mục bị Giản tư công Lê Oánh là con chú - con bác ruột bị Uy Mục bắt giam sau đó trốn thoát vào Tây Đô, tập hợp binh mã ra chiếm lại Thăng Long. Vua Uy Mục phải chạy về Nhật Chiêu trú tránh nhưng bị võ sĩ theo hầu bắt đem dâng cho Lê Oánh (sau lên ngôi vua là Tương Dực), Uy Mục đã tự vẫn.

2. Xưa Nhật Chiêu có bến ở sông Hồng. Bên bờ sông có nhiều người kéo vó đánh cá. Vó là một tấm lưới vuông rộng thủng đáy, dưới đáy có một cái giỏ. Lưới được mắc vào bốn cành tre buộc vào một cần bằng tre, ở cuối cần buộc một khối đá để khi kéo sẽ nhẹ hơn. Vó thả xuống nước sông, người kéo vó từ chòi nổi trên sông, kéo lên, cá rơi vào giữa chỗ thủng.

Đoàn Nguyễn Tuấn có bài thơ bằng chữ Hán Chiêu ngữ ngư can (Vó câu cá ở bến Nhật Chiêu) về nghề câu ở đây:

Thành thị sinh nhai cánh nghiệp ngư,

Thanh phong minh nguyệt bạn phù cư.

Bán giang yên lãng thiên tầm bích,

Bách xích ti can nhất diệp hư.

Đông Bộ sa bình khan bạng duật,

Tang châu lao tận lữ hà ngư.

Giang hồ quảng mạc nhân vô sự,

Hoán tửu quy lai thả phạn sơ.

(Sinh ở thị thành, lại làm nghề cá. Gió mát trăng thanh bạn cùng nhà nổi. Sóng mây nửa sông, ngàn tầm xanh biếc. Cần dây trăm thước, một thuyền nhẹ tênh. Đông Bộ cát phẳng ngắm cảnh trai cò. Tang Châu ngập hết bạn cùng tôm cá. Sông hồ man mác người thật an nhàn. Đổi rượu cơm rau về nhắm chơi) (Theo Phạm Trọng Chánh dịch và chú giải)

Vì bài Vó câu cá ở bến Nhật Chiêu được Đoàn Nguyễn Tuấn sáng tác trong thời nhà Tây Sơn do vậy tên Nhật Chiêu được đổi thành Nhật Tân trong thời kỳ nhà Nguyễn nắm quyền.

Chú thích ảnh
Chùa Tảo Sách bên Hồ Tây

3. Xưa Nhật Chiêu là đất trồng đào, trồng lúa và bắt sâm cầm trên hồ Tây, nhưng vẫn là làng nghèo.

Sự hình thành của nghề trồng đào Nhật Tân như sau: Thế kỷ 7, Tống Bình trở thành thủ phủ của 12 châu, 59 huyện thuộc An Nam đô hộ phủ do nhà Đường lập ra vào năm 607. Một phần An Nam đô hộ phủ nay là đất Phú Thượng, Nhật Tân.

Quan quân nhà Đường ở đây không biết bao giờ được về quê, và để bớt nỗi nhớ đồng thời tính được thời gian ở Giao Chỉ, viên quan đứng đầu phủ trị sai quân lên rừng Hoàng Liên Sơn đốn đào mang về trồng. Khi hoa nở họ biết Tết sắp đến, và cộng các mùa hoa lại, họ biết đã ở Giao Chỉ bao nhiêu năm.

Việc trồng đào mà không phải hoa khác của viên quan nọ có lẽ do ảnh hưởng của truyện xưa, tích cũ về hoa đào trên đất Trung Hoa, nhất là bài thơ Đề tích sở kiến xứ nổi tiếng của Thôi Hộ. Như vậy hoa đào được trồng trên đất Phú Thượng, Nhật Tân từ thế kỷ 8.

Xưa người dân Bách Việt treo bùa “Đào phù” (hay bùa đào) để dọa ma quỷ. Vì “Đào phù” màu đỏ, màu mà ma quỷ sợ nên “Đào phù” có tác dụng. Dần dần người ta thay “Đào phù” bằng câu đối viết trên giấy hồng điều, vừa xua được ma quỷ lại bày tỏ được mong muốn của chủ nhà.

Đào ở Nhật Tân nở hoa rất đẹp vào mùa Xuân, nên dân chúng Thăng Long đã thay thế “Đào phù” bằng hoa đào, vừa được chơi hoa trong ngày Tết lại dọa nạt được ma quỷ. Khi người chơi hoa đào nhiều lên thì nghề trồng đào ở vùng này cũng theo đó mà phát triển.

Theo truyền thuyết Tết Kỷ Dậu (1789), sau khi tiêu diệt 29 vạn quân xâm lược nhà Thanh ở Thăng Long, Quang Trung đã sai quân phi ngựa thần tốc ngày đêm mang cành đào Nhật Tân vào Phú Xuân để tặng công chúa Ngọc Hân thay thiệp báo tin mừng chiến thắng và cành hoa đào tươi thắm cũng là lời nhắn gửi tình cảm tới người vợ yêu.

Xưa, Hà Nội chỉ có Nhật Tân trồng đào, nay đào được trồng nhiều nơi, nhưng người chơi sành thì phải chọn đào Nhật Tân.

Sau năm 1954, dinh đào bị lấy đất làm trại nuôi vịt. Dinh đào gần mép hồ xưa nay là phố Nhật Chiêu. Vì đào chỉ gần Tết mới xuất cho mậu dịch nên làng có thêm nghề trồng hoa cúc xuất khẩu sang Liên Xô. Nhờ có hoa cúc và người Liên Xô dễ tính mua cả hoa xấu nên đời sống dân trồng hoa cúc cũng tạm ổn.

Năm 1995, quận Tây Hồ thành lập, Nhật Tân trở thành một phường của quận này. Từ cuối thập niên 1990, ruộng trồng đào dần biến thành khu chung cư. Thành phố bù cho đất bãi ngoài đê sông Hồng để trồng đào. Hơn 20 năm đô thị hóa, người ta chỉ nhận ra đây xưa là làng đào Nhật Tân nhờ còn chùa Tảo Sách và đình.

Nơi “Đọc sách dưới ánh nắng ban mai”

Chùa Tảo Sách (tên khác là Tào Sách) nằm trên đường Lạc Long Quân, thuộc phường Nhật Tân nhưng có hướng nhìn thẳng ra Hồ Tây.

Cái tên Tào Sách có liên quan đến truyền thuyết về Hoàng tử Uy Linh Lang. Thuở nhỏ, Hoàng tử Linh Lang sống với mẹ ở phường Nhật Chiêu. Nhiều lần xin xuất gia nhưng không được mẹ chấp thuận, nên Uy Linh Lang ngày ngày cùng bạn bè đọc sách, luyện văn rèn võ tại đây.

Năm 1285, quân Nguyên sang xâm lược Đại Việt lần thứ ba, Hoàng tử Linh Lang xin vua cho dẹp giặc cứu nước, vua đồng ý và hoàng tử đã lập nhiều chiến công. Sau khi thắng trận trở về, hoàng tử không nhận ban thưởng mà lui về tu thiền, được vua phong là Dâm Đàm Đại Vương. Ngôi nhà trước kia của hai mẹ con Chiêu Minh phu nhân được người dân dựng lên một thảo am để ghi nhớ dấu tích.

Thời Lê, trên nền thảo am cô tịch, người dân đã xây dựng thành chùa Tảo Sách với ý nghĩa là đọc sách dưới ánh ban mai để nhớ về Uy Linh Lang thuở nhỏ ham mê sách. Đến thế kỷ 16, thiền sư Thủy Nguyệt, vị sư tổ đầu tiên của phái Tào Động, truyền thụ đệ tử trụ trì các chùa quanh Hồ Tây thì chùa có tên là Tào Sách, thuộc Sơn Môn, có tên chữ là Linh Sơn tự.

Chùa Tào Sách cũng là một trong số ít ngôi chùa thờ Phật theo phái Tào Động, khởi nguồn từ Thiền sư Thủy Nguyệt, trưởng môn phái Tào Động truyền thụ đệ tử trụ trì các chùa quanh Hồ Tây.

(Còn nữa)

Nguyễn Ngọc Tiến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm