Bài 1: Điêu khắc Việt Nam - Trại nhiều nhưng… nghiệp dư!

19/12/2008 15:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Các trại điêu khắc liên tục được tổ chức từ Bắc chí Nam. Gần đây nhất, Trại điêu khắc quốc tế Đồng Mô dự kiến diễn ralà từ ngày 23/11 đến ngày 21/12/2008 nhưng vừa phải lui lại thời gian đến Quý 1 năm 2009. Số lượng nhiều, còn chất lượng?

Đi trại lại gặp “người quen”

Đã tham dự nhiều trại điêu khắc quốc tế ở nước ngoài cũng như trong nước, cả ba nhà điêu khắc Noell El Farol (Philippines), Paul Haggins (lreland) và Stephen Turner (Canada) khẳng định: Ở VN mỗi năm có nhiều trại điêu khắc nhiều thuộc vào hàng “top ten” trong khu vực, nhưng một số trại tổ chức còn nghiệp dư.
 
Nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh (ngồi bìa phải)
tại một trại điêu khắc Hàn Quốc

Đưa ra con số có sự so sánh đối chiếu từ nhiều nguồn thông tin, nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn cho biết, VN có số trại điêu khắc hằng năm chỉ đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Ả Rập (Dubai). Lẽ ra số lượng trại phải đi đôi với chất lượng, thế nhưng trại ở ta vẫn cứ… nghiệp dư. Vì sao nghiệp dư? Câu hỏi này được Bùi Hải Sơn lý giải như sau: thành công chiếm đến 50% của một trại điêu khắc được quyết định bởi nhân sự - tức là khách mời. Ở ta, tôi đã hai lần tham gia trại quốc tế An Giang, và lần nào cũng chỉ gặp bấy nhiêu gương mặt trong cũng như ngoài nước. Với xứ người thì khác, cụ thể như Hàn Quốc, mỗi trại, họ chọn lọc mời khoảng năm tác giả trong nước và năm tác giả nước ngoài, lần sau mời các tác giả khác. Còn chúng ta thì, trại ở Huế, Hải Phòng… cũng có chừng ấy tác giả. Mà điêu khắc cũng như các ngành nghệ thuật khác, để thai nghén ra một tác phẩm khác mình và khác người cần phải có thời gian. Đó là chưa nói đến việc nhiều người cả một thời gian dài hoặc cả đời chỉ có vài “mảng, miếng” làm tới làm lui. Cho nên ở ta, đi An Giang hay Huế, Hải Phòng cũng gặp dăm tác phẩm của vài tác giả có thể nói là giống nhau vì của cùng một người “đẻ ra”. Nước ngoài họ sợ sự trùng lắp ấy nên nhất định chỉ mời mỗi tác giả làm một tác phẩm trên lãnh thổ của họ, hạn hữu lắm mới có lần thứ hai.

Nếu chỉ quẩn quanh trại nào cũng chừng ấy tác giả, dù họ tài danh đến mấy, thì làm sao nền điêu khắc phát triển được - nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh băn khoăn.

Thế nào là chuyên nghiệp?

Nói cho công bằng, trại điêu khắc xuất hiện nhiều ở một quốc gia sẽ tạo nên nhiều đất cho các nhà điêu khắc dụng võ. Nhưng như vừa nói, vấn đề nhân sự dự trại (khách mời) chiếm đến 50% sự thành công của trại. Tại sao ở ta cứ mời đi mời lại chừng ấy tác giả? Theo nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh vì BTC ở ta quá ít thông tin về các hoạt động điêu khắc trên thế giới cũng như trong nước. Điều này cũng dễ hiểu vì BTC không biết chuyên nghiệp hóa từng khâu trong tổ chức điều hành, chẳng hạn như ở Hàn Quốc, BTC đã ủy quyền cho một trường ĐH Mỹ thuật ở thành phố, nơi diễn ra trại, lên danh sách khách mời. Vì trường ĐH là nơi giảng dạy và nghiên cứu nên họ biết rất rõ các hoạt động, trào lưu và từng tác giả trong nước, thế giới như thế nào… có phù hợp với mục đích, ý nghĩa của trại họ đang tổ chức hay không.

Ở các trại điêu khắc Hàn Quốc, Canada… ngoài thời gian chuyên tâm sáng tác, các tác giả còn được mời dự nhiều buổi thảo luận chuyên đề về điêu khắc. Xung quanh đó là các hoạt động như ngày nào cũng có các đoàn thể từ học sinh tiểu học đến người cao tuổi đến tham quan trại cùng một hội chợ chuyên về điêu khắc và các sản phẩm liên quan. Ở ta hiện nay, các khách mời dự trại gần như chỉ có mỗi hoạt động duy nhất là hì hục “đục đẽo” cho ra tác phẩm, xong rồi về. Một trại điêu khắc chuyên nghiệp ngoài làm “nghiệp vụ” của các tác giả, còn là một ngày hội của cư dân nơi diễn ra. Như trại Iksan (Hàn Quốc) mà nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn vừa tham dự, đài truyền hình KBS còn tài trợ lớn cho trại và ngày nào cũng có các phóng sự truyền hình về các hoạt động của trại này. Phóng sự của KBS rất đa dạng và hấp dẫn, ví dụ như họ làm nhiều tập từ lúc khai thác khối đá, phân tích chất liệu đá ra sao đến việc cho ra một tác phẩm điêu khắc.
 
Trại bán thời gian phù hợp hơn với điều kiện VN
 
Nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh hai lần đi trại điêu khắc quốc tế ở Hàn Quốc đều được mời tham gia bán thời gian. Nghĩa là mọi ý tưởng về tác phẩm, tác giả chuẩn bị ở nhà và gửi mẫu phác thảo cho BTC. BTC sẽ có người thi công thành tác phẩm với đúng kích thước thật do tác giả yêu cầu. Khi tác giả sang đến nơi chỉ cần xem lại tác phẩm và hiệu chỉnh những chỗ chưa vừa ý mình. Hiện nay, nhiều trại điêu khắc ở VN thường “tập trung” kéo dài và tác giả tự làm tác phẩm, điều này làm tốn kém nhiều chi phí để tổ chức. “Ở VN hiện nay, nên áp dụng phương án “bán thời gian”, vì ít tốn kém lại làm được nhiều hoạt động xung quanh liên quan đến điêu khắc”, nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh nhận xét.
 
Bài 2: Điêu khắc phải "bắt tay" ngành xây dựng
 
Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm