(TT&VH) - Nếu một nhà làm phim từ Hollywood nhảy vào cuộc, ông ta có thể đoạt giải Oscar từ bộ phim dựng lên xoay quanh vụ chuyển nhượng mà người ta đặt cho nó những cái tên cũng rất Hollywood, "vụ chuyển nhượng thế kỷ", "vụ chuyển nhượng ngoài hành tinh". Khởi đầu sốc và choáng ngợp. Diễn biến gay cấn, kịch tính. Và cái kết của nó còn bất ngờ hơn cả khởi đầu, nhưng thấm đượm "chất kịch".
Có một câu hỏi được đặt ra: ai là kẻ chiến thắng và chiến bại khi vụ Kaka sụp đổ? Rất khó trả lời được câu hỏi này bởi nguyên nhân của sự sụp đổ vẫn (và có thể mãi mãi) chìm trong im lặng. Nhưng có một điều dễ nhận thấy: hình ảnh của Milan, của Berlusconi, của Kaka, của Man City và của người Ả rập đang lên vùn vụt.
Man City và người Ả rập đã lao vào một phi vụ gần như không tưởng. Họ gõ cửa đội bóng mạnh bậc nhất châu Âu, thuộc quyền sở hữu của vị Thủ tướng và giàu thứ 3 Italia. Họ hỏi mua cầu thủ chỉ vừa đoạt Quả bóng vàng một năm về trước, đang ở tuổi thăng hoa của sự nghiệp, với khuôn mặt thánh thiện và luôn biểu hiện lòng tin vào Chúa. Họ chọn mùa Đông cho vụ chuyển nhượng trị giá 100 triệu bảng trong khi ở thời điểm này, những phi vụ mua sắm tầm 20 triệu bảng đã là cực hiếm.
Man City ôm tham vọng cực lớn và phô trương sức mạnh tiền bạc
Nếu thành công, Man City của người Ả rập đã cho tất cả thấy rằng họ có khả năng biến những điều không tưởng thành hiện thực. Và giờ đây khi đã thất bại, họ cũng đã chứng tỏ một điều: Man City ôm tham vọng cực lớn và phô trương sức mạnh tiền bạc. Cứ cho Kaka đặt tình yêu lên trên tiền bạc như lời phát biểu của anh. Cứ cho Milan và Berlusconi không cần tiền đến mức phải bán siêu sao số 1. Nhưng điều không có nghĩa rằng, trong tương lai, các đội bóng lớn và các siêu sao cũng sẽ từ chối Man City với lý do tương tự. Ai dám đảm bảo rằng M.U sẽ đủ sức cưỡng lại lời đề nghị 100 triệu bảng cho chữ ký của Ronaldo khi mà ông chủ Glazer đang bị đè nén trong núi nợ gần 800 triệu bảng? Liệu Ronaldo có sẵn sàng vì tình yêu mà quay lưng với mức lương gấp 5 lần những gì anh được hưởng ở M.U? Từ vụ Kaka, Man City đã đưa ra thông điệp: ai cần tiền thì cứ đến gặp họ!
"Vụ chuyển nhượng thế kỷ" diễn ra đúng vào thời điểm hình ảnh của Kaka xuống thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Năm 2008, anh bị Ronaldo che mờ hoàn toàn. Năm 2009 không có nhiều hứa hẹn khi Messi đang lên vùn vụt. Ở Milan, anh không còn ngôi sao số 1 về hình ảnh khi Ronaldinho và Beckham lần lượt kéo đến đây, thu hút hết sự quan tâm của người hâm mộ. Đó là chưa kể về chuyên môn, vai trò của Kaka mờ nhạt hơn Ronaldinho ở mùa này. Nhưng chỉ cần lời hỏi thăm của Man City, mọi thứ đã đảo chiều chóng vánh.
Trong vòng vỏn vẹn 1 tuần, Kaka mặc nhiên được thừa nhận là cầu thủ số 1 thế giới khi mà Man City đặt lên bàn đàm phán tổng số tiền lên đến hơn 250 triệu bảng (giá chuyển nhượng và lương). Trong vòng vỏn vẹn 1 tuần, từ quên lãng dần dần hình bóng của anh, người hâm mộ quay sang kêu gào thảm thiết, giăng băng rôn chằng chịt với những biểu ngữ đầy cảm động trên San Siro, biểu tình trước trụ sở CLB... Và khi từ chối Man City, Kaka đã chinh phục trái tim của những người hâm mộ. Kaka ở lại vì tình yêu và từ chối ra đi vì tiền bạc - một hình ảnh đẹp, lãng mạn như tiểu thuyết.
Khi mua Ronaldinho và tuyển mộ Beckham, Berlusconi bị chỉ trích nuôi ý định biến Milan thành gánh xiếc rong để kiếm tiền. Nhưng giờ đây, qua quyết định từ chối bán Kaka, trong con mắt dư luận, ông chủ của Milan ấy không phải là người sẵn sàng làm mọi thứ vì tiền. Ở cuơng vị Thủ tướng, ông đã thu phục không ít trái tim của các thần dân. Và Milan của Berlusconi đã chứng tỏ họ vẫn là đại gia của châu Âu, không chấp nhận bị bòn rút ngôi sao.
ĐỨC LỘC