Kết thúc Giải Cánh diều 2012: Khoảng trời cho diều bay quá nhỏ

11/03/2013 14:00 GMT+7 | Phim

Buổi lễ diễn ra tối 9.3.2013 khá rời rạc, lặp lại  nhiều “hạt sạn” như các kỳ trước. Dù gắn với không khí kỷ niệm 60 năm Điện ảnh VN, nhưng có lẽ sự sôi động để dành cho LHP quốc gia ở tháng 10 tới , còn Giải Cánh diều năm nay diễn ra khá lặng lẽ, có thể một phần vì không có nhiều hoạt động bên lề, phần khác các phim tham dự cũng không thực nổi đình đám, và quan trọng không kém là kinh phí nhà nước cho giải là hạn hẹp.

Ban giám khảo… lạc lối

"Thiên mệnh anh hùng” đoạt Cánh diều vàng (CDV) không bất ngờ. Chất lượng phim, sự đầu tư hoành tráng và thời điểm chúng ta đang  khuyến khích dòng phim dã sử, lịch sử là  những yếu tố tiên quyết đưa bộ phim đăng quang. Dù “Scandal - bí mật thảm đỏ” được chính một số thành viên BGK cho là hoàn chỉnh nhất về nghề của Victor Vũ, nhưng NSND Đoàn Dũng với vị thế khán giả cho là phim giống phim Mỹ quá, lối hành xử các nhân vật trong phim tàn  bạo quá.    

Giải bạc cho “Lạc lối” - một trong hai phim của Nhà nước tham gia giải - cũng là  sự tính toán hợp lý của BGK để ủng hộ dòng phim nhà nước, nhưng chắc chắn sẽ gây tranh cãi. Những tình tiết khó tin trong phim từ cô đồng nát lên giọng mắng một gã “trai nhảy” đầy chất triết lý, từ những cú nhảy cóc trong diễn biến tâm lý nhân vật (dễ yêu, dễ đi) đến đột ngột cho đến sự nghịch lý cố tình của đạo diễn khi cho xe đạp đuổi kịp ôtô  như ẩn dụ nông thôn và thành thị đã “ngọt “ chưa?

Và việc xếp 4 bằng khen, dàn hàng ngang cho “Lấy chồng người ta”, “Cát nóng”, “Nhà có 5 nàng tiên”, “Scandal - bí mật thảm đỏ” thể hiện sự lạc lối của chính BGK khi xếp phim thuộc diện tốt nhất và phim thuộc hàng kém nhất “kề vai” nhau.


Đoàn làm phim “Thiên mệnh anh hùng” nhận CDV. Ảnh: Việt Văn

Trong các giải cá nhân, giải CDV nữ diễn viên chính cho Đinh Y Nhung (phim “Lấy chồng người ta”) là khá hợp lý vì diễn xuất mạnh mẽ, dữ dội so với một Vân Trang “diễn” hơn là “sống” trong nhân vật ở hai phim “Thiên mệnh anh hùng” và “Scandal...”.

Các thể loại khác, sự thắng tuyệt đối của phim “Thái sư  Trần Thủ Độ” trong thể loại phim truyền hình nhiều tập (CDV cho phim, đạo diễn, biên kịch) là sự khẳng định dòng phim dã sử, lịch sử VN. Mảng phim tài liệu điện ảnh và tài liệu truyền hình đều không có giải vàng là một lời cảnh báo nhẹ ở thể loại mũi nhọn xung kích này, trong khi giải ở phim khoa học dành cho các tác giả trẻ...

Victor Vũ và phần còn lại

Sự vắng mặt của phim “Chạm” - đạo diễn Nguyễn Đức Minh và “Ngọc Viễn Đông” - đạo diễn Cường Ngô và thực trạng yếu kém của phim Việt năm qua đã đẩy Victor Vũ thành “vô đối” ở Cánh diều 2012. Hiếm khi có một sự đồng thuận cao như vậy cả ở báo chí và những nhà chuyên môn khi chấm Victor Vũ là đạo diễn số 1 năm nay. Quả thực, Victor Vũ đã có bước tiến mạnh mẽ kể từ khi đạo diễn Việt kiều này tham gia vào thị trường phim Việt trong nước. Đạo diễn Victor Vũ đã thổi một “không khí làm phim Hollywood” vào điện ảnh Việt với các thủ pháp, ngón nghề rất chuyên nghiệp, có người khen là “như phim Mỹ”, nhưng cũng khó  kỳ vọng nhiều ở Victor Vũ khi anh vẫn chưa thể hiện rõ tính sáng tạo mang dấu ấn cá nhân.

Sự thắng thế của Victor Vũ cũng là sự thắng thế của dòng phim thị trường tư nhân. Và các hãng phim nhà nước thực sự đã ở thế dựa lưng vào tường.

“Thầy không giỏi lấy đâu trò giỏi”

Nếu xét 3 mùa giải Cánh diều gần đây thì chất lượng phim không tăng mà còn có phần dở đi hoặc đứng yên tại chỗ. Bởi những phim nghệ thuật hay xu hướng nghệ thuật hạn chế về số lượng, phim có tính thương mại chiếm áp đảo, nên giải Cánh diều gần như bị rơi vào cuộc “cạnh tranh” giữa các phim giải trí. Với những phim được xem là nghệ thuật thì lại mắc những lỗi kỹ thuật cơ bản. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (thành viên BGK) cho biết có những phim phạm lỗi sơ đẳng về trục âm thanh, về cấu trúc đường dây... tóm lại là lỗi chính tả cơ bản. Theo anh, đáng ra có thể loại bớt một số phim chất lượng quá kém ngay từ đầu.

Khán giả “đặc biệt” - NSND Đoàn Dũng - nhấn mạnh: “Cần ngay các lớp đào tạo làm thầy (đạo diễn, biên kịch...). Khi thầy không tốt thì lấy đâu ra trò giỏi”. Ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, cần đổi mới tư duy thông thoáng hơn, để cái mới được đâm chồi nảy nở.

Để Cánh diều thành thương hiệu mạnh

Buộc phải có BGK tầm cỡ và không loại trừ việc mời đạo diễn Việt kiều tham gia BGK bởi khi có dòng phim Việt kiều tham gia thì việc mời đạo diễn nhà nước mãi cũng sẽ gây cảm giác bảo thủ, cái nhìn hạn chế. Phim truyện truyền hình nhiều tập dứt khoát nên trả về sân chơi đích thực của nó là liên hoan truyền hình toàn quốc. Cánh diều là giải nghề nghiệp - vì thế tiêu chí sáng tạo phải đặt lên hàng đầu. Chấp nhận những thể nghiệm mới, lạ vì nghệ thuật là không giới hạn. Việc chọn phim dự thi cũng phải nghiêm ngặt hơn, không để những phim “sai lỗi chính tả” lọt vào thi.

Bên cạnh các suất chiếu miễn phí cho khán giả tại rạp, cần đưa phim về các trường điện ảnh chiếu, sẽ tạo nên không khí sôi động hơn, và cũng là một kênh thẩm định phim theo cái nhìn của công chúng - mang tính xã hội, của giới trẻ  để có thể là một tham khảo trong định hướng các nhà sản xuất phim.

10 năm giải Cánh diều, trong bối cảnh những hoạt động kỷ niệm 60 năm ngành điện ảnh Việt Nam, khoảng trời cho diều bay vẫn chưa vượt thoát ra khỏi “vùng trời nhỏ”. Và để cho Cánh diều có những khoảng trời rộng mở, để thành một sự kiện văn hóa của ngành được công chúng và người làm nghề quan tâm, thiết nghĩ cũng là một trách nhiệm của những nhà quản lý ngành điện ảnh Việt Nam, không chỉ của giới làm nghề.

Theo Lao động

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm