01/01/2023 17:00 GMT+7 | HighTech
Sự ra đời của công cụ chatbot (chương trình kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) để tương tác với con người) mang tên ChatGPT vào thời điểm cuối tháng 11/2022 đã tạo ra một cơn sốt mới trong làng công nghệ thế giới. Năm ngày sau khi ChatGPT được ra mắt, chatbot này đã vượt mốc 1 triệu người dùng, trong khi website của ChatGPT liên tục gặp lỗi kết nối do lượng truy cập và sử dụng quá lớn.
Chỉ cần truy cập website của ChatGPT, người dùng có thể hỏi không giới hạn chủng loại câu hỏi và nhận được nhiều phản hồi hữu ích đến bất ngờ từ chatbot này. Chẳng hạn, bạn có thể đặt những câu hỏi về kiến thức chuyên sâu như "Giải thích định luật chuyển động của Newton" cho đến những đề tài mang tính triết học kiểu "Ý nghĩa cuộc sống là gì?", hay thậm chí là vấn đề cá nhân như "Hôm nay tôi nên mặc gì khi nhiệt độ ngoài trời 40 độ?".
Thậm chí, ChatGPT còn 'đa tài' đến mức có thể lập trình hoặc sửa lỗi những đoạn code ở đủ loại ngôn ngữ lập trình phổ biến, hay viết các luận văn học thuật nếu được yêu cầu. Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến khác nhau về chất lượng đầu ra của các đoạn văn bản do AI này thực hiện, khi cho rằng nó vẫn còn khá máy móc và thiếu 'tính người'.
Để kiểm chứng điều trên, Beatrice Nolan – phóng viên của tờ Insider đã quyết định giao cho ChatGPT một trong những công việc được coi là thử thách với nhiều ứng viên đang có nhu cầu tìm việc: Viết thư xin việc.
Theo đó, Beatrice Nolan đã cung cấp cho ChatGPT một số mô tả về công việc định ứng tuyển và một vài câu ngắn gọn về kinh nghiệm làm việc của mình. Sau đó, phóng viên này gửi các bức thư xin việc được tạo ra bởi ChatGPT cho các chuyên gia tuyển dụng để xem họ nghĩ gì, mà không hề cho họ biết chúng được viết bởi AI.
Kết quả bất ngờ
Cả hai nhà tuyển dụng đã xem hai thư xin việc do AI tạo ra, một cho vị trí trợ lý truyền thông xã hội và một cho nhân viên phụ trách việc quản lý sổ sách mua hàng hóa.
Đáng nói, cả hai nhà tuyển dụng đều không thể nhận ra những bức thư xin việc này được viết bởi AI.
Chris Willsher, một chuyên gia tuyển dụng tại công ty tuyển dụng Reed của Anh, cho biết: "Chúng tôi đều nghĩ rằng bức thư xin việc này được viết bởi một ứng viên là người thật. Chúng tôi đã chuẩn bị thực hiện một cuộc gọi sàng lọc sau đó.
"Bố cục của bức thư là tốt," ông nói thêm. "Nhưng nó thiếu một số chi tiết về công ty mà họ đang muốn ứng tuyển."
Stephanie Petry, giám đốc phụ trách mảng chiêu mộ nhân tài của nền tảng phần mềm Jobber, đồng ý rằng thư xin việc được viết bởi ChatGPT cho vị trí nhân viên sổ sách là khá tốt.
"Tôi có thể sẽ cho ứng viên ứng tuyển vào vị trí này vào vòng tiếp theo để tôi có thể hiểu rõ hơn về tính cách của họ trong quá trình phỏng vấn," cô nói.
Tuy nhiên, Petry lại không mấy hứng thú với thư xin việc của ChatGPT cho vai trò trợ lý truyền thông xã hội.
"Phong cách viết bài không phải là những gì tôi mong đợi từ một người muốn ứng tuyển vào vị trí đó," cô nói. "Văn phong của họ quá trang trọng và khô khan, và tôi mong họ thể hiện sự sáng tạo và cá tính hơn."
Những lá thư xin việc thiếu cá tính
Cả Willsher và Petry đều cho rằng những bức thư xin việc (của ChatGPT) thiếu cá tính, cũng như sự tìm hiểu cần có về công ty định ứng tuyển.
"Nó thiếu các dấu ấn cá nhân cho phép chúng ta tìm hiểu về trải nghiệm con người của ứng viên, các thành tích để chứng minh kĩ năng của họ, cũng như niềm đam mê đối với vị trí công việc này", chuyên gia Willsher cho biết.
Petry nói thêm rằng những lá thư xin việc của ChatGPT đọc có vẻ quá cứng nhắc. Cô ấy nói chúng có vẻ như được viết bởi một ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm đi làm.
"Chúng thiếu cá tính và có vẻ gần như quá trang trọng và chuyên nghiệp nên tôi muốn tìm hiểu người đó rõ hơn một chút." , cô nói thêm.
Willsher cho biết các ứng viên sẽ đạt kết quả tốt hơn nếu sử dụng AI để tạo mẫu soạn thảo đơn xin việc.
"Mặc dù AI có thể là một người hỗ trợ thực sự hữu ích thực sự cho các ứng viên, nhưng chúng tôi khuyên họ nên sử dụng AI để tạo một mẫu mà họ có thể biên tập và chau chuốt lại để vẽ nên bức tranh đẹp nhất về bản thân.", chuyên gia này tư vấn.
Được phát triển bởi OpenAI - một tên tuổi 'đáng gờm' trong mảng AI khi được Microsoft đầu tư, ChatGPT vượt trội ở vốn hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau và sở hữu khả năng giao tiếp, tương tác với câu hỏi của người dùng rất ấn tượng và đầy tự nhiên. Giống như các công cụ AI khác, ChatGPT cũng được đào tạo dựa trên một cơ sở dữ liệu khổng lồ, cụ thể ở đây là các dữ liệu dạng văn bản. ChatGPT sau khi được đào tạo có thể tạo ra một văn phong của riêng mình, vốn được tổng hợp từ các phong cách viết khác nhau.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất