Sẽ cơ cấu lại Vinashin theo hướng thu hẹp ngành kinh doanh

05/08/2010 11:54 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - “Nước ta là một nước trải dài ven biển nên kinh tế hàng hải là ngành quan trọng, chiến lược. Nếu chúng ta cho Vinashin phá sản đi thì những nhà máy, những dự án đã hoàn thành và những dự án dở dang sẽ trở thành đống sắt vụn hết. Đã không đưa vào sản xuất được, không thu hồi được vốn thì nợ nần sẽ nghiêm trọng, cho nên chúng ta phải quyết tâm xây dựng lại ngành này” – Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp báo chiều 4/8 của Văn phòng Chính phủ Về Chủ trương, giải pháp để ổn định, phát triển Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
 
* Vinashin sai phạm nghiêm trọng và báo cáo sai sự thật

Thay mặt Chính phủ, Người phát ngôn, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Vinashin có nhiều yếu kém về công tác dự báo, lập kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh và đầu tư không chính xác. Các dự án đầu tư quá nhiều, dàn trải, vượt khả năng cân đối tài chính, có dự án chưa thật cần thiết, có dự án đầu tư bằng 100% vốn vay.

Hầu hết các dự án của Vinashin đầu tư đều triển khai dở dang, như các dự án giải phóng mặt bằng khu công nghiệp, dự án đóng tàu xuất khẩu, những dự án này chưa đưa vào sử dụng nhưng vẫn phải trả lãi. Vinashin mua tàu của nước ngoài quá cũ, hoạt động kém hiệu quả. Phát triển nhanh nhiều doanh nghiệp, góp vốn ra ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính quá rộng, cho vay và bảo lãnh cho các công ty liên kết vay, nhiều đơn vị làm ăn không hiệu quả, không trả được nợ.

Để giải quyết khó khăn, Vinashin đã phải vay nợ mới để trả nợ cũ, vay ngắn hạn trả dài hạn, thậm chí lấy vốn lưu động để chi đầu tư. Kết quả là từ năm 2009 Vinashin kinh doanh thua lỗ. Đến tháng 6 năm 2010, tổng tài sản của Vinashin khoảng 104.000 tỷ đồng nhưng tổng số nợ là 86 nghìn tỷ đồng, nợ phải trả gấp 11 lần vốn chủ sở hữu, rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản, sản xuất đình đốn, công nhân chuyển việc, bỏ việc gần 17.000 người, mất việc gần 5.000 người.


Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng

Những yếu kém và sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo Vinashin là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thực trạng trên. Năng lực quản trị doanh nghiệp và dự báo yếu kém; xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp quá nhanh, quá nóng, không phù hợp với nguồn vốn, năng lực quản lý và quy hoạch phát triển được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý đầu tư, quản lý tài chính lỏng lẻo, nhiều quyết định trái quy định của pháp luật; tổ chức phát triển hệ thống doanh nghiệp quá dàn trải và quản lý nhân sự cán bộ không chặt chẽ.

Vinashin đã báo cáo không đúng thực trạng về sử dụng vốn, về đầu tư, về phát triển thêm doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, mỗi lần báo cáo số liệu khác nhau. Năm 2009 và Quý I năm 2010 thua lỗ nhưng vẫn báo cáo có lãi khiến cơ quan chủ sở hữu cấp trên nắm không đúng thực trạng nên chỉ đạo không kịp thời, đầy đủ.

Vinashin thực hiện nhiều dự án đầu tư ngoài quy hoạch, không đúng quy định của pháp luật hiện hành; sử dụng một số vốn lớn để mua tàu vận tải biển của nước ngoài, trong đó có những con tàu mua quá cũ; không nghiêm túc thực hiện những ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

* Cơ cấu lại để Vinashin có lãi là hoàn toàn khả thi

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết: “Chính phủ đã thảo luận kĩ những nguyên nhân cả khách quan chủ quan, nhất là từ phía doanh nghiệp và lãnh đạo tập đoàn. Chính phủ nhận định chủ yếu là nguyên nhân từ phía lãnh đạo tập đoàn, trong đó quản lí Nhà nước cũng có hạn chế. Mặc dù là mô hình thí điểm, nếu chặt chẽ hơn, tốt hơn thì khó khăn bên ngoài có thể khắc phục được, không thể đẩy đến mức bên bờ vực phá sản.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định quyết tâm cơ cấu lại Vinashin. Một là quyết tâm phải xây dựng ngành công nghiệp tàu thủy cho đất nước. Việt Nam là một nước gắn với biển nên kinh tế hàng hải là ngành kinh tế cực kì quan trọng.

Bên cạnh đó, tình hình vẫn ở trong tầm kiểm soát, chưa tuột khỏi tay và khả năng giải quyết của chúng ta. Trên cơ sở định hướng nêu trên, Hội đồng quản trị Tập đoàn Vinashin bước đầu đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh mới, sơ bộ tính toán các năm 2010-2012 còn lỗ, dự báo năm 2013, 2014 bắt đầu có lãi và sau 2015 phát triển ổn định.

Điều thứ 2 Phó Thủ tướng nhấn mạnh là việc cơ cấu lại để Vinashin có lãi là hoàn toàn khả thi. Chính phủ sẽ cơ cấu lại Vinashin theo hướng thu hẹp ngành kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm các dự án đầu tư nhằm tập trung vào các dự án hiện đại hóa và nâng cấp cơ sở đóng mới tàu biển, từ gần 200 dự án, qua các đợt cắt giảm, dừng, hoãn và đến năm 2010 tập trung đầu tư 13 dự án đóng tàu cấp thiết nhất…

Trong quá trình cơ cấu lại, những dự án, công ty con của Vinashin sẽ được bán, chuyển nhượng, hoặc cổ phần hóa để thu lại vốn trả nợ và đầu tư tập trung. Chủ trương của Chính phủ là tập trung sự hỗ trợ của nhà nước để doanh nghiệp tự sòng phẳng về nợ nần.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Đối với những cá nhân đơn vị có khuyết điểm thì kiểm điểm để thấy sửa chữa và làm tốt hơn. Những cá nhân nào vi phạm quy định của Nhà nước, làm trái pháp luật gây những hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật và kỉ luật trước Đảng”. Đối với những sai phạm của ông Phạm Thanh Bình, Phó Thủ tướng nêu rõ: Ông Bình là Chủ tịch HĐQT lại vừa là TGĐ một thời gian dài nên phải có trách nhiệm, những trách nhiệm này sẽ được điều tra để xử lý nghiêm minh theo quy định của Pháp luật.

Phó Thủ tướng kết luận: Nếu chúng làm tốt các vấn đề trên tôi tin rằng chúng ta sẽ thành công trong việc khôi phục lại ngành công nghiệp tàu thủy.

Ngay trong tối qua, cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vinashin, về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã tiến hành khám xét đối với ông Phạm Thanh Bình, sinh năm 1953 tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Số 10 Ngô Văn Sở, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm