Qatar, từ Asian Cup đến World Cup: Cuộc diễn tập chưa hoàn hảo

23/01/2011 11:36 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH)- Sau khi kết thúc vòng tứ kết, đã có thể nói rằng Asian Cup 2011 tại Doha là một sự kiện thành công về mặt tổ chức, một cuộc diễn tập tốt cho Qatar, nước chủ nhà của World Cup 2022. Tuy nhiên, vẫn còn đôi điều đáng tiếc tại giải vô địch châu Á lần này.

Các khán đài trống vắng

Diện tích nhỏ bé của Qatar giúp việc đi lại giữa các sân bóng thuận tiện, công tác tổ chức ở từng sân cũng tuyệt vời, cơ sở vật chất hoàn hảo, nhưng, và đây là một chữ nhưng rất lớn, bầu không khí quá thiếu sức sống khi ngay trong những trận cầu lớn, nếu không có mặt đội chủ nhà thì chỉ lèo tèo vài CĐV ngồi trên các khán đài khổng lồ. Chẳng hạn, khi Nhật Bản gặp Saudi Arabia, nước láng giềng có lẽ là hùng mạnh nhất của Qatar, không chỉ nói về bóng đá, ở khu vực vùng Vịnh, chỉ có khoảng 2.000 CĐV trên sân, và hầu như không có ai là cư dân nước chủ nhà. Nhưng như thế đã là khá may mắn, bởi cả hai quốc gia đó đều có những CĐV bóng đá giàu có vào bậc nhất ở châu Á. Trong các trận đấu khác, của những đội bóng nghèo hơn, như Syria hay CHDCND Triều Tiên, số CĐV còn ít hơn nhiều.

Thậm chí, ngay cả trong trận đấu quyết định của đội chủ nhà ở vòng bảng, trận cuối cùng gặp Kuwait, trận đấu lớn nhất năm 2011 của Qatar, sân Khalifa chỉ đầy một nửa, bất chấp việc trước đó truyền thông địa phương khẳng định rằng tất cả các vé đã được bán hết. Nếu so với các giải thể thao lớn khác được tổ chức gần đây, như Olympic Bắc Kinh 2008, World Cup 2010 tại Nam Phi hay Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung ở Delhi, Ấn Độ năm ngoái, thì tình hình ở Qatar thật đáng buồn. Tất nhiên, đúng là World Cup ở đẳng cấp khác, còn Ấn Độ hay Bắc Kinh đều có hơn 1 tỉ người (chưa kể đôi chút “tinh thần thể thao”, như tên gọi tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, tại Trung Quốc), nhưng nếu với giải vô địch châu Á, ở một quốc gia đã làm mọi thứ có thể để giành quyền đăng cai World Cup, thì không khí buồn tẻ như thế trên các khán đài còn nhiều hơn là một thất bại. Một cách ngắn gọn, nếu các khán giả Qatar không đến kín sân khi đội nhà chơi bóng, họ khó có thể thuyết phục thế giới rằng World Cup ở đó sẽ thành công.

Asian Cup tại Qatar vắng bóng khán giả- Ảnh Getty
Không đủ dân đi xem

Tất nhiên, như mọi lần, LĐBĐ thế giới (FIFA) vẫn cam kết rằng các vé sẽ được bán hết, tình hình sẽ thay đổi và các sân bóng Qatar năm 2022 sẽ tràn ngập khán giả đến từ khắp nơi trên thế giới. Đương nhiên là ở bất cứ kỳ World Cup nào, đóng góp của đội ngũ CĐV-du khách cũng đóng vai trò rất quan trọng, nhưng nếu nói về tình yêu bóng đá, rõ ràng có nhiều nước yêu bóng đá và có những CĐV nhiệt thành hơn rất nhiều, ở Nam Mỹ, Bắc Phi hay thậm chí là Đông Nam Á.

Có một lời bào chữa khác cho sự trống vắng của các khán đài tại Doha. Thành phố chỉ có dân số không tới 1 triệu người và 70% trong số đó là lao động nhập cư, chủ yếu từ Ấn Độ và Pakistan. Số còn lại phải thỏa mãn các điều kiện là nam giới, tuổi từ 10 đến 60, sẵn tiền, thời gian và đủ tình yêu để đến với một trận đấu bóng đá. Rõ ràng, không nhiều lắm. Phải nói thêm rằng Asian Cup đã diễn ra trong thời tiết tương đối dễ chịu vào cuối năm. Nếu trong mùa Hè, thời gian diễn ra World Cup, sẽ càng khó tìm được những CĐV sẵn sàng rời ngôi nhà mát mẻ có gắn máy điều hòa và mấy chai bia lạnh, với máy truyền hình bật sẵn, thay vì ngồi giữa sân bóng nóng bức để xem Trinidad & Tobago đá với Angola.

Những gì diễn ra trong mấy ngày vừa qua càng đáng tiếc bởi lẽ Asian Cup 2011 có lẽ là kỳ giải hấp dẫn nhất từ trước đến này: rất nhiều bàn thắng và bàn thắng đẹp, không ít bất ngờ. Saudi Arabia đã phải về nhà ngay sau vòng bảng. Nhật Bản và Hàn Quốc càng đá càng hay, Australia và Uzbekistan cũng mạnh mẽ và đầy quyết tâm. Chưa bao giờ giải đấu cân bằng, khó đoán và có nhiều ứng viên đến như thế.

T.T

Làm ăn cũng thất bại

Các nhà tổ chức Asian Cup đã bày tỏ sự không hài lòng với những đối tác thương mại và tiếp thị của họ sau khi bị chỉ trích là giải đấu thiếu sự quảng bá cần thiết để tăng doanh thu cho nước chủ nhà. Asian Cup lần này quy tụ cả những gương mặt đại diện cho các thị trường mới nổi khổng lồ như Trung Quốc, Ấn Độ lẫn các nhà giàu lâu đời như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, nên sự thiếu vắng thông tin về giải trên các phương tiện truyền thông thế giới lẫn sự vắng mặt của các CĐV bóng đá nhiệt thành đến từ những quốc gia trên thực sự là điều đáng ngạc nhiên. Các cửa hàng mua sắm và 5 sân bóng hoành tráng ở Qatar hầu như không tăng được chút doanh thu nào so với bình thường khi diễn ra Asian Cup. Giám đốc ủy ban tổ chức, Jassim Al Romaihi, nói việc làm ăn bết bát chủ yếu là do công ty marketing thể thao, truyền thông và quản lý World Sports Group, đối tác cấp một của Asian Cup, đã làm ăn tệ hại. “Tôi rất thất vọng”, Al Romaihi nói. “Thậm chí còn chẳng ai bán đồ lưu niệm về giải đấu. Không may là World Sports Group có hợp đồng với LĐBĐ châu Á và chúng tôi không làm gì được. Chúng tôi đã liên hệ vài lần nhưng phản hồi rất tiêu cực”.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm