23/01/2012 13:20 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Nối tiếp bài viết trong chuyên đề Năm Rồng và sự tưởng tượng của con người mời bạn đọc cùng trở về với tiểu thuyết viễn tưởng của Jules Verne. Ai đã từng đọc Jules Verne chắc chắn đều rất kinh ngạc khi biết những tưởng tượng của ông giờ đã thành hiện thực.
***
Jules Gabriel Verne, nhà văn Pháp nổi tiếng, người đi tiên phong trong thể loại văn học khoa học viễn tưởng và được coi là một trong những cha đẻ của thể loại này. Với những tác phẩm nổi tiếng như Chuyến đi vào tâm Trái đất (1864), Hai vạn dặm dưới đáy biển (1870), Tám mươi ngày vòng quanh thế giới (1873), Jules Verne đã đề cập đến những cuộc phiêu lưu bằng máy bay, tàu ngầm hay những chuyến du hành vào vũ trụ trước khi những phương tiện này được con người phát minh trong thực tế.
Năm 1969, sự thành công của các phi hành gia Hoa Kỳ trong chuyến bay lên Mặt trăng đã được tiên đoán với một sự chính xác kỳ lạ cách đây hơn một thế kỷ. Jules Verne, trong các tiểu thuyết khoa học giả tưởng của ông: Từ địa cầu lên nguyệt cầu và Vòng quanh địa cầu đã tính toán rằng cần có một tốc độ là 40.000 km/h mới có thể thoát khỏi trọng lực của địa cầu - gần chính xác so với tốc độ 38.720 km/h mà tàu Apollo 8 đã đạt được trên thực tế. Ông còn viết: “Một cây cột lửa (từ một đại bác khổng lồ xuất phát ra) bắn vọt lên trời. Mặt đất rung chuyển một cách vô cùng dữ dội khi trái đạn bắn vọt nhanh lên cao giữa đám khói lửa mù mịt và sáng rực”. Mô tả này hoàn toàn trùng khớp với hình ảnh một chiếc tàu vũ trụ bay ra khỏi bệ phóng. Bên cạnh đó, Jules Verne còn dự liệu âm độ thấp và sự thiếu dưỡng khí nên đã cung cấp nhiệt khí và bộ đồ hô hấp cho phi hành đoàn tưởng tượng - và đã dự liệu cả việc dùng các nghịch hành hỏa tiễn để hãm bớt tốc độ của phi thuyền khi đổ bộ.
Jules Verne đã viết: “Một cây cột lửa (từ một đại bác khổng lồ xuất phát ra) bắn vọt lên trời. Mặt đất rung chuyển một cách vô cùng dữ dội khi trái đạn bắn vọt nhanh lên cao giữa đám khói lửa mù mịt và sáng rực”. |
Jules Verne còn bàn đến một tàu vũ trụ vận hành bằng ánh sáng Mặt trời dưới cái tên: “Thuyền buồm vũ trụ”. Với kỹ thuật và công nghệ hiện đại, ý tưởng của ông đã được hiện thực hóa thành những cánh buồm năng lượng Mặt trời NanoSail-D mà NASA đã đưa vào quỹ đạo.
Các địa điểm phóng và các tàu vũ trụ trong sách và trên thực tế đều có nhiều điểm giống nhau. Tampa (Florida, Mỹ) là trung tâm không gian của Jules Verne, với những dàn phóng ở trên một ngọn đồi phía Đông Nam. Địa điểm đặt khẩu đại bác phải là một nơi ở trong nước, nằm giữa 28 độ Bắc và 28 độ Nam của đường xích đạo. Ngày nay, mũi Canaveral, trung tâm không gian của Hoa Kỳ (sau được đổi tên thành Kennedy), chỉ cách đó có 225 km. |
Có thể nói Jules Verne là nhà văn luôn có tư tưởng đi trước thời đại, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Ông đã “tiên đoán” được rất nhiều thứ mà trong tương lai xa loài người mới có đủ khả năng và điều kiện kỹ thuật để vươn tới được. Có được tầm nhìn xa như vậy là bởi ông đã có điều kiện đọc rất nhiều và có cơ hội tiếp xúc, trò chuyện với nhiều người, nhờ đó mà bắt kịp với bước tiến của thời đại mình. Không những thế, nhờ óc quan sát và chú ý vào thế giới xung quanh mà ông tiên đoán được những chuyện tưởng như “thần kỳ” vào thời của ông. Các bức minh họa trong các tiểu thuyết của ông có thể ăn khớp một cách khá chính xác với những hình ảnh thường thấy ở hiện tại và những lời chú thích ở các tiểu thuyết này có thể áp dụng một cách thích hợp cho các hình ảnh chụp.
Jules Verne đã miêu tả phía ngoài không gian ở vũ trụ: “Bên ngoài là một sự yên lặng hoàn toàn… đầu đạn hình trụ đã rời khỏi địa cầu… Phải, chúng tôi đang di chuyển, chúng tôi đang bồng bềnh trong không gian… Chúng tôi đã vượt ra khỏi giới hạn của khí quyển địa cầu… Và nguyệt cầu… địa cầu tương lai của chúng ta đang ở vị trí của nó”. |
Trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Hai vạn dặm dưới đáy biển, thuyền trưởng Nemo đã chu du khắp các đại dương trong một siêu tàu ngầm hoành tráng có tên Nautilus. Theo như miêu tả, phía bên trong con tàu không khác gì một khách sạn hạng sang với đầy đủ tiện nghi như phòng ăn, phòng ngủ, thư viện… Nếu không tính đến các chi tiết xa xỉ này thì con tàu của ngài Nemo ngày ấy không khác mấy so với những mẫu tàu ngầm hiện đại ngày nay như chiếc Circa-1964 chở được 3 hành khách, cũng sử dụng nguồn pin điện như Nautilus.
Và đây là đoạn Jules Verne viết về tình trạng không trọng lực: “Họ cảm thấy thân thể họ nhẹ như bấc. Những cánh tay của họ không còn biết đâu là phải trái nữa. Đầu của họ lơ lửng trên vai. Chân của họ không còn dính với đất nữa”. |
Trong tác phẩm Năm 2889 được Jules Verne hoàn thành vào năm 1889 có mô tả về hình thức báo chí trong tương lai: “Thay vì cầm một tờ giấy chi chít chữ để ngấu nghiến cập nhật thông tin trong ngày thì sẽ có người đọc bản tin cho bạn vào mỗi buổi sáng”. Mơ ước tưởng chừng như viễn tưởng này của Jules Verne đã trở thành hiện thực vào năm 1920 khi bản tin phát thanh lần đầu xuất hiện, tức là sau gần 30 năm Jules Verne “tưởng tượng” ra nó và đến 28 năm sau nữa thì bản tin truyền hình trở thành hiện thực. Năm 1974, cả triệu người đã có thể xem Tổng thống Mỹ Richard Nixon nói chuyện trên ti vi.
![]() Jules Verne viết về Mặt trăng: “Trước mắt các du khách, nguyệt cầu hình tròn xuất lộ, không tiếng động, không có những màu sắc dịu, tất cả các đường nét đều hoặc trắng hoặc đen, vì lý do hoàn toàn thiếu ánh sáng phản chiếu”. |
Vẫn trong tác phẩm Năm 2889, Jules Verne nhắc đến “phonotelephote” - nguyên mẫu đầu tiên của công nghệ mà ngày nay được biết đến với tên công nghệ hội thảo qua video. Ông viết: “Hình ảnh được chuyển đi nhờ vào những chiếc gương vô cùng nhạy được nối với nhau qua dây điện, người này trông thấy được người kia bất chấp khoảng cách”. “Phonotelephote” của Jules Verne là một trong những ý tưởng sớm nhất cho công nghệ videophone của thời nay.
Rất nhiều nhân vật trong các tác phẩm của Jules Verne đã vượt ra khỏi tiểu thuyết và trở thành những biểu tượng văn hóa như thuyền trưởng Nemo trong Hai vạn dặm dưới đáy biển hay Phileas Fogg trong Tám mươi ngày vòng quanh thế giới.
Bài tiếp: Những tưởng tượng kinh hoàng trên màn ảnh thành sự thật
Hải Triều
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất