Jorge Mendes: Ông trùm của các ông trùm

02/09/2013 14:55 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) -Joao Moutinho, James Rodriguez, Ricardo Carvalho và Radamel Falcao. Bốn bản hợp đồng lớn nhất của AS Monaco trong mùa hè này có điểm chung là đều do một tay Jorge Mendes đạo diễn. Tay cò người Bồ Đào Nha tiếp tục giữ vững vị thế người đàn ông quyền lực nhất trên thị trường chuyển nhượng, thêm một mùa hè nữa.



Jorge Mendes, ông trùm của các ông trùm trên thị trường chuyển nhượng

Tổng tấn công Ligue 1

Trận đấu khai màn Ligue 1 mùa giải mới giữa Bordeaux và Monaco có Dmitri Rybolovlev, Chủ tịch Monaco, dự khán và ngồi bên cạnh tỷ phú người Nga là Jorge Mendes. Một bất ngờ nho nhỏ xảy ra khi Monaco đánh bại nhà cựu vô địch với tỷ số 2-0 mà người ấn định chiến thắng chính là Falcao, bản hợp đồng đắt giá thứ hai trong lịch sử bóng đá Pháp. Từ khán đài sân Chaban-Delmas, Mendes lộ rõ vẻ hài lòng. Ông được xem là người đã góp công xây dựng Monaco trở thành một thế lực mới.

Mendes mùa hè này đã thuyết phục Rybolovlev chi 70 triệu euro mua bộ đôi Moutinho, Rodriguez từ Porto. Một khách hàng khác của Mendes là Carvalho gia nhập Monaco theo diện chuyển nhượng tự do sau khi hết hợp đồng với Real Madrid. Cũng chính Mendes sắp xếp vụ chuyển nhượng trị giá 60 triệu euro của Falcao, một kỷ lục với Ligue 1 trước khi bị Edison Cavani phá. Tại sân Louis II, ngôi sao người Colombia nhận lương 18 triệu euro/mùa, chỉ kém mức lương của Samuel Eto'o ở Anzhi.

Kỳ lạ ở chỗ dù Mendes tới Pháp bán cầu thủ với giá cắt cổ để kiếm lời, ông vẫn được tôn vinh như một vị thánh. Trên trang web của Monaco đăng một thông cáo: “Những người đại diện mạnh nhất thế giới đã tới ASM để bán cầu thủ, nhưng câu lạc bộ trông cậy cả vào Mendes. Không một người đại diện nào ở Pháp sánh kịp ông ấy. Mendes có một tổ chức chuyên nghiệp đến khó tin, cầu thủ của ông ấy luôn biết bảo vệ hình ảnh trước báo chí, mạng xã hội, cơ quan thuế và pháp luật. Các cầu thủ ấy giúp ASM được nhận diện trên bản đồ bóng đá châu Âu và đó mới chỉ là khởi đầu”.

Ngoài Monaco thì một khách hàng khác của Mendes là Nelson Oliveira cũng gia nhập Rennes. Ligue 1 trở thành thị trường mới đầy tiềm năng với tay cò Bồ Đào Nha. Nhưng không phải cho tới bây giờ Mendes mới quan tâm tới thị trường Pháp. Ngay từ năm 1997, Mendes đã đưa cầu thủ đồng hương Costinha tới Monaco, nhưng sự trì trệ của giải vô địch Pháp đã khiến ông từ bỏ để chuyển hướng sang những thị trường lớn hơn. Chỉ tới khi các ông chủ mê bóng đá nhưng gà mờ đổ tiền ồ ạt vào Paris Saint-Germain và Monaco, tay cò người Lisbon mới trở lại đất nước hình lục lăng.

Ông vua chuyển nhượng

Ở tuổi 47, Jorge Mendes đã trở thành người đại diện số một thế giới. GestiFute, Công ty của Mendes hiện đại diện cho hơn 90 cầu thủ và huấn luyện viên trên thế giới có tổng giá trị 536 triệu euro. Chỉ riêng việc khai thác lợi nhuận hình ảnh cũng đã mang lại cho GestiFute 160 triệu euro mỗi năm. Mendes hiện tại đủ sức một tay lũng đoạn thị trường chuyển nhượng và thổi giá cầu thủ lên cao chóng mặt. Một đại diện người Pháp có tên Bernard Gardon lắc đầu ngán ngẩm: “Giá cầu thủ đã bị đẩy lên đến mức không chấp nhận được”.

Không ai hiểu được tại sao Jorge Mendes, một cầu thủ bán chuyên có sự nghiệp tầm thường và từng phải làm DJ trong quán bar lại thành công nhanh đến thế trong nghề môi giới. Lợi thế của ông là năng khiếu ngoại ngữ thiên bẩm, Mendes nói thành thạo năm thứ tiếng và rất giỏi thương thuyết. Người đàn ông quê Lisbon đến với nghề môi giới một cách rất tình cờ. Năm 1996, ông gặp thủ môn Nuno Espirito trong quán bar khi Nuno đang chán câu lạc bộ Vitoria Guimaraes. Mendes dàn xếp vụ chuyển nhượng anh tới Deportivo La Coruna. Cùng năm ấy, ông thành lập GestiFute.

Mendes từng gặp vô vàn khó khăn trong giai đoạn khởi nghiệp bởi Bồ Đào Nha là điểm trung chuyển các ngôi sao Nam Mỹ sang châu Âu và là thị trường béo bở với hàng trăm tay cò cạnh tranh quyết liệt. Nhưng từng bước một, Mendes đánh bật các đối thủ bằng nhiều cách, có thể cả bằng vũ lực như vụ đánh nhau tai tiếng với Julio Veiga, đại diện của Luis Figo trên sân bay năm 2002. Nhưng chủ yếu là Mendes dùng mánh khóe để “cướp đoạt” khách hàng của đồng nghiệp, như lời Ana Almeida, người bị nẫng tay trên Luis Nani. Cristiano Ronaldo vốn được đại diện bởi Veiga nhưng bỗng dưng đầu quân cho GestiFute vào năm 2003, ngay trước khi chuyển sang Manchester United. Năm 2009, Ronaldo lập kỷ lục thế giới với vụ chuyển nhượng 94 triệu euro tới Real Madrid và Mendes đút túi khoản hoa hồng cực lớn.

Chìa khóa chiến thắng của Mendes là mối quan hệ thân thiết với Jorge Costa, chủ tịch Porto. Tay cò người Lisbon từng đại diện cho hàng chục cầu thủ của đội bóng số một Bồ Đào Nha như Pepe, Carvalho, Jose Bosingwa, Paulo Ferreira... trước khi đưa họ ra nước ngoài. Dù căm ghét nhưng các đối thủ đều phải thừa nhận uy quyền của Mendes. “Ông ấy là một kẻ độc tài và luôn thoải mái làm những điều mình muốn”, tay môi giới Jorge Pereira nói. Một đồng nghiệp khác thú nhận: “Mendes là gã mạnh nhất trên thế giới, hắn ta quá thông minh”.

Mendes tấn công thị trường Tây Ban Nha từ rất sớm, bắt đầu từ Deportivo. Sau vụ chuyển nhượng thủ môn Nuno Espirito, Mendes trở thành bạn của Chủ tịch Augusto Lendoiro và giúp đỡ Lendoiro xây dựng Super Depor vô địch La Liga 2000. Ông chủ GestiFute cũng làm ăn với Zaragoza và Atletico nhưng thành công thực sự phải là với Real Madrid, nơi Mendes từng là trùm với hàng loạt thân chủ như Ronaldo, Mourinho, Di Maria, Coentrao, Carvalho...

Vòi bạch tuộc của Mendes đã tỏa khắp châu Âu. Khách hàng của ông đã tràn ngập ở Bồ Đào Nha, Anh, Tây Ban Nha, Pháp. Tại Nga, Mendes từng thu xếp cho tỷ phú Alexei Fedorichev tiếp quản Dynamo Moscow và bán một số cầu thủ Nam Mỹ, trong đó có Thiago Silva, thủ quân của đội tuyển Brazil hiện nay. Trong hệ thống các giải lớn chỉ còn Bundesliga và Serie A là Mendes chưa nhúng tay vào, nhưng đó có thể là câu chuyện của tương lai gần. Sự phát triển mạnh mẽ của Bundesliga có sức hút rất lớn với lòng tham của siêu cò 47 tuổi và sẽ không bất ngờ nếu Bayern hay Dortmund mua một vài cầu thủ của Mendes trong mùa hè 2014.

“Ông chủ” của đội tuyển Bồ Đào Nha

Đội tuyển Bồ Đào Nha dĩ nhiên là do Liên đoàn bóng đá Bồ Đào Nha (FPF) điều hành, nhưng Jorge Mendes mới là ông chủ thực sự. Trong 23 cầu thủ của Selecao dự Euro 2012 có 17 là khách hàng của Mendes. Ngay cả huấn luyện viên Paulo Bento cũng như các cựu huấn luyện viên Felipe Scolari (2003-2008), Carlos Queiroz (2008-2010) cũng là người của Mendes. Điều đó có nghĩa là chỉ một câu nói của Mendes cũng có thể ảnh hưởng tới kết quả thi đấu của đội tuyển quốc gia. Lý do nào khiến Mendes có thể mở rộng mạng lưới của mình khủng khiếp đến thế? Bên cạnh những mối quan hệ ngầm và những vụ đi đêm, bí quyết thành công của Mendes đôi khi rất đơn giản: ông là bạn của cầu thủ, và cầu thủ tin Mendes là chìa khóa cho sự nghiệp của họ. Ronaldo chọn Mendes làm cha đỡ đầu cho con trai mình, chứng tỏ mối quan hệ giữa họ không đơn thuần chỉ là về nghề nghiệp. Những cầu thủ như Bebe sẽ luôn nhớ ơn Mendes bởi đó là người duy nhất có khả năng biến anh từ một cầu thủ bán chuyên thành ngôi sao được cả thế giới biết đến sau vụ chuyển nhượng 9 triệu euro tới Manchester United. Người cố vấn cho Alex Ferguson mua Bebe chính là Queiroz, trợ lý của chiến lược gia người Scotland và là một khách hàng khác của Mendes. Dù làm việc chỉ để kiếm tiền, Mendes vẫn được Bồ Đào Nha ghi nhận là người có công trạng. Tháng 5/2012, ông được chính phủ trao tặng huân chương thể thao. Ông cũng ba lần nhận giải thưởng Người đại diện số một thế giới, thuộc hệ thống giải Globe Soccer Awards.


Nguyễn Như Ngọc
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm