01/05/2012 14:17 GMT+7 | Thể thao
(TT&VH Cuối tuần)- Mỗi năm, các biên tập viên và nhà báo ở tờ tạp chí Mỹ danh tiếng Time lại phải trải qua một cuộc tranh luận gay go: Liệu các vận động viên thể thao có được đưa vào danh sách Time 100 dành cho 100 người có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới?
Liệu các vận động viên thể thao có thực sự là những nhân vật nhiều ảnh hưởng? Xét cho cùng, họ không hoạch định nên những chính sách ảnh hưởng tới kinh tế hay hòa bình thế giới, cũng không có những phát minh khoa học làm thay đổi đời sống. Trừ khi bạn là dân trong nghề, hoặc là một con bạc khác nước, thường thì thành bại của các vận động viên thể thao triệu phú chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến cuộc sống thường nhật của bạn.
Các văn phòng im ắng vào mỗi buổi sáng nếu như Lin chơi một trận vào buổi tối ở nửa kia thế giới, khi các nhân viên đang cố gắng lắng nghe diễn biến tường thuật trên sân sao cho không bị sếp bắt gặp
Nhưng câu trả lời của Time mỗi năm là như nhau. Nếu một động viên có thể làm bạn cười, khóc, buồn, vui, giận dữ, hân hoan, thì anh ta hay cô ta đã ảnh hưởng tới cuộc đời bạn rồi. Nguồn cảm hứng mà những danh thủ hàng đầu thế giới mang lại cho chúng ta chính là ảnh hưởng của họ, nhất là trong bối cảnh một thế giới truyền thông như hiện nay.
Năm nay, có sáu nhân vật thể thao xuất hiện trong danh sách Time 100, tay vợt tennis Novak Djokovic, danh thủ bóng rổ Jeremy Lin, cầu thủ bóng đá Mỹ Tim Tebow, cầu thủ bóng đá Lionel Messi, vận động viên chạy nước rút Oscar Pistorious và tay golf Yani Tseng. Đây là một nhóm đậm chất toàn cầu, với một người Serbia, hai người mỹ, một người Argentina, một người Nam Phi và một người Đài Loan, tất cả đều chưa quá 30 tuổi, nhưng đã ảnh hưởng đến những người yêu thể thao một cách thần kỳ. Trong đó, Lin là người đứng đầu danh sách.
Jeremy Lin trong màu áo New York Knicks
Bay như tên lửa
Sinh ra ở Los Angeles, tốt nghiệp Harvard, một người Thiên Chúa giáo sùng đạo nhưng đồng thời lại có gốc gác châu Á sâu chắc nơi quê nhà Đài Loan, Jeremy Lin là sự kết hợp hoàn hảo của sự hội ngộ Đông-Tây có lẽ chỉ tồn tại ở NBA (Giải bóng rổ vô địch quốc gia Mỹ) ở thời toàn cầu hóa. Viết về anh trên Time, Bộ trưởng giáo dục Hoa Kỳ Arne Duncan, cũng là một cựu tuyển thủ bóng rổ của trường Harvard, bình luận Lin “đã đập tan ý tưởng cho rằng những cầu thủ người Mỹ gốc Á không thể thành công ở NBA và cả ý tưởng cho rằng trở thành một vận động viên thể thao đẳng cấp quốc tế là mâu thuẫn với trở thành một sinh viên học hành xuất sắc”.
Thật ra, Lin mới trở thành một hiện tượng lớn chỉ ba tháng trở lại đây trong làng bóng rổ Mỹ và sự thăng tiến của anh thực sự là với tốc độ tên lửa. Anh ra sân trận chính thức đầu tiên cho New York Knicks ngày 17/1 và lập tức ghi 28 điểm mang về chiến thắng cho đội nhà trước Maine Red Claws. Kể từ đó anh không dưng lại và trận cuồng phong Lisanity (Lin và insanity: chứng cuồng vì Lin) đã quét qua không chỉ New York, nước Mỹ, mà cả toàn thế giới. Sự nổi bật đó là rất khó tin, bởi lẽ đến tận năm 2010, anh mới chỉ là một tuyển thủ chơi khá cho đội đại học Harvard, vốn không phải là một đội mạnh trong làng bóng rổ đại học Mỹ, được coi là tuyến dự bị cho những đội chuyên nghiệp ở NBA.
Bà ngoại Lin Chu A Muen của Jeremy Lin đang xem một trận đấu của cậu cháu yêu ở Đài Loan
“Cậu ta là một khoảnh khắc kỳ diệu khi tất cả mọi thứ được kết nối với nhau đúng lúc”, Keith Smart, huấn luyện viên của đội Golden State Warriors, đội Lin phục vụ mùa trước, bình luận. Smart không thể nhận ra anh, cũng như Eric Musselman, người đã làm việc với Lin ở giải trẻ của NBA trong 20 trận, hay Lamar Reddicks, một cựu trợ lý huấn luyện viên ở đội đại học Harvard, khi ông nhớ lại rằng Lin vào năm nhất là “cậu bé yếu nhất trong đội”. “Giờ tôi xem trên truyền hình và không thể ngờ rằng cậu ấy đã to cao đến thế”, Reddicks thốt lên.
Thần tượng nơi quê nhà
Rất lâu trước khi Lin giành hết chiến thắng này đến chiến thắng khác với một phong cách làm các cổ động viên ngất ngây cùng Knicks, người bà Đài Loan của anh, Lin Chu A Muen, đã tới Mỹ để trông cháu cho cha mẹ anh đi làm. Bà thay tã và cho anh ăn, rồi khi Lin lớn một chút, nấu món cơm chiên trứng với cải, món ăn ưa thích của người Đài Loan, cho anh mang đi học.
Jeremy Lin là một gương mặt trang bìa quen thuộc của báo chí Đài Loan
Giờ đã về lại Đài Loan, nhưng bà Lin Chu, 85 tuổi, vẫn rất thường xuyên đến các nhà hàng gần nhà để xem cậu cháu yêu quý chơi bóng rổ trên truyền hình, dù bà không hiểu lắm và các trận đấu thường chỉ là phát lại. Không cần biết các cầu thủ làm gì trên sân, mặt bà rạng rỡ hẳn lên khi thấy cháu trên tivi và mỗi lần anh bị các đối thủ cản ngã, bà lại lo lắng vô cùng. “Tôi chẳng biết gì nhiều về bóng rổ, nhưng tại sao người ta lại đánh cháu tôi thế”, bà nói. “Tôi chẳng biết gì. Tôi chỉ biết là nếu Jeremy đưa bóng vào rổ, thì đó là điều tốt”.
Hầu hết dân Đài Loan đã xem những trận đấu của Lin mỗi tuần và không ít người chia sẻ cùng cảm xúc với bà Lin Chu (dù có lẽ là với nhiều kiến thức hơn về môn thể thao rất phổ biến này) cho người con của quê hương họ. Báo và tạp chí ở đây thường dành trang bìa khổ lớn cho những bức ảnh Lin mỗi khi anh có một trận hay, tức là rất thường xuyên. Các văn phòng im ắng vào mỗi buổi sáng nếu như Lin chơi một trận vào buổi tối ở nửa kia thế giới, khi các nhân viên đang cố gắng lắng nghe diễn biến tường thuật trên sân sao cho không bị sếp bắt gặp.
Lin Chi Chung, 63 tuổi và là một người chú của Lin, nói ông vẫn đi làm vào buổi sáng khi một trận đấu quan trọng của cháu ở Mỹ đang diễn ra, nhưng hầu như không ai trong số 60 nhân viên ở nhà kho của ông tuân theo kỷ luật. “Họ chỉ nhắn cho tôi thông tin trận đấu, liên tục. Ai cũng có iPad mà”, ông Lin Chi Chung nói.
Jeremy Lin trong một cuộc họp báo quảng bá NBA ở Đài Loan
Các chính trị gia đương nhiên là không thể bỏ qua một biểu tượng mới trong lòng người dân như thế. Hồi tháng 2 năm nay, người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu đã gây ra nhiều tiếng cười trong khán phòng khi bình luận giá như mà mọi thành viên trong nội các của ông cũng có tinh thần đồng đội như Lin.
Tuy nhiên, khát khao của truyền thông Đài Loan về mọi chi tiết trong cuộc đời Lin đã gây ra ít nhiều khó khăn cho người thân của anh còn sống trên đảo này. Bây giờ bên ngoài nhà bà của Lin ở một khu ngoại ô Đài Bắc là các phóng viên và những tay săn ảnh túc trực ngày đêm. Cả cha mẹ của Jeremy Lin đều sinh ở Đài Loan và hiện vẫn giữ hai hai quốc tịch. Lin sinh ở California và là công dân Mỹ nhưng được cơ quan ngoại giao Đài Loan đặc cách mọi thủ tục như một công dân của hòn đảo.
Biểu tượng toàn cầu
Jeremy Lin khi còn khoác áo tuyển đại học Harvard
Sở dĩ Jeremy Lin nhanh chóng trở thành một ngôi sao tầm cỡ thế giới, có thể nói không ngoa là chỉ sau vài tháng, vì nước Mỹ là nơi đặc biệt coi trọng những câu chuyện giấc mơ điên rồ trở thành sự thực, khi những điều không tưởng được chứng minh là vẫn có thể xảy ra. Không chỉ là một người Mỹ gốc Á, Lin còn có bằng cử nhân kinh tế học của đại học Harvard, là vận động viên bóng rổ đầu tiên tốt nghiệp trường đại học danh giá nhất thế giới trong gần suốt 60 năm qua.
Sắc tộc và màu da góp phần quan trọng giúp Lin trở thành một hiện tượng toàn cầu. Không nhiều cầu thủ da trắng chơi bóng rổ được như anh, nhưng ngay cả với những người chơi hay hơn, họ cũng chỉ được biết đến trong nội bộ nước Mỹ. Chưa thể sánh được với tầm ảnh hưởng như của Yao Ming, một người Trung Quốc hoàn toàn với 900.000 người theo dõi trên trang mạng xã hội Weibo của nước này, nhưng gốc gác châu Á khiến Lin cũng đã trở thành biểu tượng tiếp thị vô giá không chỉ với môn bóng rổ.
Kể từ tháng 3, doanh số bán chiếc áo đấu số 17 của anh đã vượt qua những ngôi sao kỳ cựu như LeBron James hay Kobe Bryant. Những người Mỹ yêu bóng rổ muốn có áo của anh, dân Mỹ-Á muốn có hai chiếc, những người hâm mộ môn thể thao này, rất đông đúc ở Đài Loan và Trung Quốc, đều muốn có một chiếc và gốc gác Ivy League của Lin, với một nền văn hóa trọng chữ nghĩa bằng cấp như ở Trung Quốc và Đài Loan, càng khiến ảnh hưởng của anh là không thể cưỡng lại.
Hải Minh
Lựa chọn khó khăn Mặc dù chơi rất xuất sắc và nhận được sự ngưỡng mộ trên khắp nước Mỹ, Jeremy Lin nhiều khả năng không có mặt trong đội tuyển Mỹ tranh tài tại Olympic London 2012 sắp tới. Huấn luyện viên trưởng đội bóng rổ Mỹ Jerry Colangelo tỏ ra rất thận trọng này và ông cho rằng Lin còn cần phải chứng minh nhiều hơn nữa. Trong khi đó, do bà ngoại của Lin di cư đến Đài Loan từ Trung Quốc đại lục, hãng tin nhà nước Trung Quốc, Tân Hoa xã, tuần trước đã lên tiếng kêu gọi Lin từ bỏ quốc tịch Mỹ để lựa chọn đội tuyển bóng rổ quốc gia Trung Quốc (Trung Quốc hiện không cho phép hai quốc tịch. Cha mẹ Lin đến từ Đài Loan, nhưng đội Đài Loan không vượt qua được vòng loại Olympic). Đó thực sự là một lựa chọn khó khăn. “Bỏ quyền công dân là một quyết định nghiêm trọng”, luật sư chuyên về nhập cư Colleen Caden chuyên hỗ trợ các cầu thủ người nước ngoài ở NBA nói. “Nó có thể hạn chế khả năng sống và làm việc ở Mỹ, cũng như đi sang các nước khác”. Tuy nhiên, cũng có những người ủng hộ Lin chơi cho Trung Quốc. “Quan trọng nhất là thời điểm hiện tại”, J.R. Holden, một vận động viên bóng rổ sinh ở Mỹ từng chơi cho tuyển Nga tại Olympic Bắc Kinh 2008, nói. “Nếu tôi là Jeremy. Tôi sẽ chơi cho Trung Quốc. Olympic chỉ có một lần trong đời”. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất