James Rodriguez đua xe với cảnh sát: Trong nỗi sợ bắt cóc

05/01/2016 15:03 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - James Rodriguez đã trải qua cuộc đua tốc độ không phải trên sân cỏ mà là đường cao tốc M-40 (Madrid) ngay trong ngày đầu năm mới.

Phát hiện James chạy xe quá tốc độ quy định, một chiếc xe cảnh sát đã đuổi theo yêu cầu James dừng lại. Nhưng xe cảnh sát càng tiến gần, James lại càng phóng nhanh hơn. Cuộc rượt đuổi chỉ kết thúc khi xe của James lao vút vào sau cánh cổng của trung tâm huấn luyện Valdebebas.

James cẩn thận chẳng thừa

Một ngày sau, James trả lời báo chí về sự cố. “Đeo tai nghe với âm thanh lớn nên tôi chẳng hề biết cảnh sát đuổi theo”, đa số người hâm mộ suy đoán rằng James sẽ thanh minh như vậy. Nhưng hoàn toàn không. James đưa ra một lý do khiến tất cả phải sửng sốt: Anh chạy xe bán sống bán chết vì sợ bị bắt cóc. “Bởi chiếc xe cảnh sát không treo còi báo hay biển hiệu nên tôi chẳng thể biết. Tôi nghĩ rằng đó là chiếc xe của bọn bắt cóc, sợ rằng chúng đang đuổi theo để ép tôi vào lề đường, để dí súng vào cổ tôi, thế nên tôi phải chạy”, James nói.

Bắt cóc từ lâu đã trở thành nỗi sợ của các cầu thủ ở Nam Mỹ. Ngay cả những người đã tới châu Âu thi đấu như James, nỗi lo đó vẫn ám ảnh thường ngày.

Real Madrid: James Rodriguez quyết đòi hợp đồng mới

Real Madrid: James Rodriguez quyết đòi hợp đồng mới

James Rodriguez đang không chỉ phải chiến đấu để nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ HLV Rafa Benitez trên sân cỏ mà anh còn phải đối mặt với một cuộc chiến khác, trên bàn đàm phán với Florentino Perez...

Tháng 11/2004, mẹ của Robinho bà Marina de Silva Souza bị một toán có vũ trang xông vào bắt cóc khi đang chuẩn bị tiệc nướng cùng bạn bè trong khuôn viên vườn nhà ở Praia Grande. Những người khác bị khống chế trong khi bọn tội phạm nhét bà Marina vào cốp xe và phóng đi. Robinho, khi đó đang thi đấu cho Santos, được CLB cho nghỉ thi đấu ngày Chủ nhật để trở về bên gia đình. Trong một cuộc họp báo ngắn ngủi, Robinho mắt đỏ hoe van xin các phóng viên hãy tôn trọng sự riêng tư của gia đình.

Một ngày trước khi bà Marina bị bắt cóc, báo chí loan tải rầm rộ thông tin rằng Real Madrid đang nhắm tới Robinho và một hợp đồng bom tấn đang chờ đợi cầu thủ người Brazil. Sự giàu có của các cầu thủ khiến họ trở thành mục tiêu của tội phạm. Mức lương càng cao, giá trị hợp đồng càng lớn, cầu thủ càng dễ trở thành “món mồi”.

Như tại Argentina, sự suy thoái kinh tế cả thập kỷ qua đã khiến tội phạm chú tâm đến tiền lương của các cầu thủ bóng đá. Một quan chức cảnh sát tại quốc gia này cho biết cứ khoảng 6 tuần, họ lại nhận được tin báo về vụ bắt cóc liên quan tới gia đình cầu thủ với sự liều lĩnh ngày một táo bạo.

Muôn vàn cách chống bắt cóc

Mối đe dọa từ tội phạm đã buộc cầu thủ phải nghĩ ra đủ cách để hạn chế hiểm họa.

Robinho quyết định chuyển gia đình tới sinh sống ở khu vực dành cho giới thượng lưu ở Brazil. Gabriel Paulista cũng chọn cách này. Hậu vệ Arsenal thừa nhận phải làm như vậy anh mới có thể yên tâm chơi bóng ở phương trời xa.

Một số cầu thủ Argentina thì “cải trang” thành người nghèo để che mắt bọn tội phạm. Như trường hợp của cầu thủ Dario Alaniz, anh ngày ngày mặc đồ bình dân, tới sân tập bằng xe bus. Còn Matias Almeyda thậm chí phải từ chối hợp đồng từ CLB Brescia sau khi hết hợp đồng với Independiente vì lo ngại rằng nếu nhận được đề nghị béo bở, cha anh sẽ trở thành mục tiêu của bọn bắt cóc.

Trước nỗi lo của các cầu thủ, CLB chủ quản cũng chẳng thể làm ngơ. Nhiều đội bóng giờ đây thường xuyên tăng cường an ninh để bảo vệ cầu thủ và người thân của họ. Tại Argentina, một số CLB quyết định giấu toàn bộ số tiền chuyển nhượng của cầu thủ. Họ tin rằng làm như vậy sẽ hạn chế được các vụ bắt cóc.

Bảo Thư
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm