Italy 'gồng mình' khi số ca nhiễm mới và tử vong tăng kỷ lục

12/03/2020 12:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Chính phủ và người dân Italy đang "gồng mình" khi số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tăng mạnh trong hơn 24 giờ qua.

Dịch COVID-19: Hơn 50% số người mắc bệnh tại Italy từ 60 tuổi trở lên

Dịch COVID-19: Hơn 50% số người mắc bệnh tại Italy từ 60 tuổi trở lên

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Viện Y tế cao cấp Italy - cơ quan chuyên môn cao nhất của Italy về y tế - đã công bố số liệu liên quan tới độ tuổi của những bệnh nhân COVID-19 tại nước này.

Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy cho biết số ca mắc Covid-19 được điều trị thành công đến nay là 1.045 trường hợp tính đến 18h ngày 11/3 (theo giờ địa phương). Trong ngày 11/3, số trường hợp nhiễm mới tại quốc gia tâm dịch ở châu Âu tăng thêm hơn 2.300 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 12.462 ca. Số ca tử vong tăng 196 trường hợp lên mức 827 trường hợp.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ dân sự Angelo Borrelli cho biết trong số 196 ca tử vong mới, độ tuổi 50-60 chiếm 2%, các trường hợp còn lại thuộc nhóm tuổi cao hơn, đồng thời khẳng định hơn 78% trường hợp tử vong đều có các bệnh lý trước đó.

Trong khi đó, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông báo Rome sẽ phân bổ thêm 25 tỷ euro (tương đương 28,3 tỷ USD) nhằm chống lại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Chính phủ Italy cũng tuyên bố cấm tất cả các hoạt động thương mại, trừ các hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm. 

Các biện pháp mới quy định bao gồm đóng cửa các cửa hàng, quán bar, nhà hàng; đóng cửa các hiệu cắt tóc và trung tâm làm đẹp, các dịch vụ căng tin, không đảm bảo khoảng cách an toàn ít nhất 1 mét.

Chú thích ảnh
Italy ghi nhận thêm hơn 2.000 ca mắc COVID-19 mới

Các dịch vụ công cộng thiết yếu vẫn được đảm bảo, bao gồm vận tải, ngân hàng, bưu điện, tài chính, bảo hiểm... Các hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến nông sản và các chuỗi cũng ứng được đảm bảo.

Lĩnh vực công nghiệp có thể tiếp tục hoạt động sản xuất với điều kiện áp dụng các giao thức đảm bảo an toàn tránh lây nhiễm, triển khai làm việc theo ca, nghỉ trước giờ, và đóng cửa các bộ phận không thiết yếu; thợ nước, thợ cơ khí, thợ thủ công, trạm xăng vẫn tiếp tục hoạt động và đây được coi là những dịch vụ thiết yếu.

Italy hiện là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. Tuy nhiên, nước này cần có sự cho phép của Liên minh châu Âu (EU) khi muốn chi nhiều hơn so với quy định ngân sách của khối. Trước đó, Bộ trưởng Gualtieri thông báo Rome sẽ chi khoảng 7,5 tỷ euro (8,5 tỷ USD) để giảm thiểu những tác động kinh tế do dịch COVID-19. Điều này sẽ làm thâm hụt ngân sách năm nay của Italy tăng từ mức 2,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện nay lên 2,5% GDP.

Theo Worldometers, dịch COVID-19 hiện đã xuất hiện tại 124 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 126.367 trường hợp nhiễm bệnh, 4.633 người đã tử vong và hơn 68.300 người được điều trị thành công.

Hải Linh/ TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm