Từ con số thống kê: Italia mới là đội "Kick and Rush"!

23/06/2012 18:53 GMT+7

(TT&VH) - Bóng đá Anh xưa nay vẫn nổi tiếng là nền bóng đá "Kick and rush" (Chạy và sút), mang nặng tính giải trí. Ngược lại, người Italia tôn thờ cách chơi bóng "lắt nhắt" mang đầy tính chiến thuật cao siêu. Nhưng các thống kê sau vòng bảng, ngạc nhiên thay, lại nói lên điều ngược lại. Chính Italia mới là đội chạy và sút nhiều hơn.

Thoạt nghe tới việc Italia đụng Anh, đa phần người ta sẽ nghĩ ngay tới cuộc đối đầu của hai trường phái bóng đá đối nghịch, một bên quá động còn một bên quá tĩnh. Lối chơi "chạy và sút" điên cuồng của người Anh đối đầu với lối chơi phòng ngự đổ bê tông Catenaccio lừng danh của người Italia. Nhưng phải xem EURO 2012 mới thấy rằng tất cả đều là ngộ nhận, và những định kiến muôn đời về hai nền bóng đá này xem ra đã đến lúc cần được thay đổi. Những gì đã diễn ra ở 3 trận vòng bảng cho thấy Italia mới là đội chơi tấn công tưng bừng, còn Anh lại chơi phòng ngự.



Italia đang chơi thứ bóng đá đòi hỏi các cầu thủ phải chạy rất nhiều - Ảnh Getty

Sự tương phản kỳ lạ giữa Italia và Anh tại EURO này được thể hiện ở con số thống kê về quãng đường di chuyển của hai đội trong 3 trận vòng bảng, khi Italia tỏ ra vượt trội. Tổng cộng, các cầu thủ Italia đã di chuyển tới 328,095 km, trong khi con số của các cầu thủ Anh là 316,053. Con số chênh lệch tuy không lớn, chỉ là hơn 12km (trung bình mỗi cầu thủ Italia chạy nhiều hơn một cầu thủ Anh 300m mỗi trận), nhưng lại tạo ra sự khác biệt không nhỏ nếu so sánh với truyền thống của hai đội tuyển, hai nền bóng đá. Về số cú sút, trong khi Italia thực hiện tổng cộng 36 pha dứt điểm về phía khung thành đối phương sau 3 trận vòng bảng, thì đội bóng "Tam Sư" chỉ sút 22 lần (tuy nhiên Anh ghi được tới 5 bàn, so với 4 của Italia). Cá biệt, trong trận ra quân gặp Pháp, tuyển Anh chỉ dứt điểm vẻn vẹn… 3 cú, nhưng vẫn ghi được một bàn thắng từ cú đánh đầu của Joleon Lescott.

12 Sau 3 trận vòng bảng, các cầu thủ Italia chạy nhiều hơn các cầu thủ Anh tổng cộng 12 km. Tổng quãng đường các cầu thủ Italia di chuyển trên sân là 328 km (làm tròn), còn của các cầu thủ Anh là 316 km.

35,1 Tiền vệ Claudio Marchisio là người di chuyển nhiều nhất trong các trận đấu vòng bảng của tuyển Italia, với quãng đường 35,1 km. Xếp sau anh là Pirlo, 34,7 km.

12,6 Tuy nhiên, tiền vệ nhỏ bé Emanuele Giaccherini mới là người phải hoạt động mạnh nhất. Trong 2 trận được sử dụng trước TBN và Croatia, anh di chuyển tổng cộng 25,3 km, trung bình 12,65 km mỗi trận.

Những thay đổi chiến thuật của hai đội tuyển khi bước vào giải đấu này đã tạo nên sự đối lập. Trong hai trận chơi với sơ đồ 3-5-2, Italia di chuyển trung bình 111,9 km mỗi trận. Ở trận đấu cuối, khi trở lại sơ đồ 4-3-1-2, họ chỉ chạy tổng cộng 104,4 km. Lý do là khi chơi 3-5-2, đội hình của Italia phải lên xuống đều đặn theo mô hình một đàn ong để đảm bảo vị trí và cự ly giữa các cầu thủ, đặc biệt các tiền vệ biên phải hoạt động rất nhiều (Giaccherini đã chạy trung bình 12,65 km/trận trong 2 trận gặp Tây Ban Nha và Croatia, nhiều nhất đội), còn khi chuyển về 4-3-1-2, đội hình có độ gắn kết cao hơn, cường độ hoạt động giảm hẳn. Ngược lại, dù vẫn sử dụng lối đá 4-4-2, tuyển Anh của HLV Roy Hodgson đã chơi nặng về phòng ngự và di chuyển tương đối ít. Trận gặp Pháp, cả đội chỉ chạy tổng cộng 100,7 km.

Cuộc chiến Marchisio - Gerrard

Hoạt động với vai trò tiền vệ con thoi "lên công, về thủ", không ngạc nhiên khi Marchisio và Gerrard chính là những cầu thủ chạy nhiều nhất của hai đội tuyển sau vòng bảng. Gerrard đã di chuyển tổng cộng 32,9 km trong 3 trận, trong khi Marchisio là một vận động viên điền kinh đích thực với quãng đường 35,15 km trong 281 phút "cày ải", trung bình mỗi phút anh di chuyển 125m. Cuộc so tài giữa hai cầu thủ này ở trận tứ kết chắc chắn sẽ rất quyết liệt không chỉ về mặt chuyên môn. Pirlo, ở vị trí tưởng chừng "tĩnh" nhất nơi tuyến giữa của Italia, cũng hoạt động thực sự vất vả. Anh di chuyển tới 34,7 km trong 3 trận vòng bảng. Sự năng nổ của cặp tiền vệ Juve này là chất keo nối sự liền mạch của cả đội hình Italia.

Các học trò của HLV Cesare Prandelli được nghỉ nhiều hơn Anh một ngày trước khi bước vào trận tứ kết, và đó là lí do giúp họ có thể tự tin theo đuổi thứ bóng đá "Kick and rush" của mình ngay trước mặt người Anh.

Vĩnh Nguyên

"Anh gặp Italia như West Brom gặp Man City"

Chuyên gia huấn luyện thể lực Ivan Carminati, trợ lý của HLV Mancini tại CLB Manchester City, bày tỏ quan điểm thú vị của ông về trận tứ kết đêm mai. Tất nhiên, với tư cách một người Italia.

+ Thống kê cho thấy tuyển Anh chạy nhiều lên sau mỗi trận còn Italia thì ít đi. Đó là điều đáng lo?

- Cái đó cũng tùy vào kiểu trận đấu và kết quả. Tôi cho rằng điều quyết định cơ bản là khả năng kiểm soát bóng. Về mặt này, người Anh có vẻ không mấy xuất sắc.

+ Đúng, nhưng họ có vẻ không mệt mỏi

- Trận đầu, họ hầu như chỉ đứng yên trước Pháp. Trận thứ hai thì khá hơn, bởi vì họ phải lật ngược thế trận sau khi bị Thụy Điển dẫn 2-1. Trận cuối, sự trở lại của Rooney khiến các thống kê ấn tượng hơn hẳn là điều dễ hiểu.

+ Vậy, họ khỏe hơn Italia?

- Tôi không chắc. Một đội tuyển đến từ nền bóng đá không có kỳ nghỉ đông có những hạn chế riêng. Nhưng Italia được nghỉ nhiều hơn đối thủ 24 giờ trước trận đấu và đó là một lợi thế cần phải được tận dụng tối đa.

+ Ông mường tượng gì về trận đấu này?

- Hodgson ứng dụng một thứ bóng đá đơn giản: tất cả đứng dưới vạch giữa sân, bảo vệ phần sân nhà cực kỳ chắc chắn và chẳng để ra khoảng trống nào cho đối thủ. Họ sẽ chơi như cách West Brom (đội bóng Hodgson dẫn dắt mùa vừa qua ở Premier League - TT&VH) đối đầu với Man City của chúng tôi. Chẳng thể làm được gì trước một đội như vậy và trận đấu kết thúc 0-0. Tuy nhiên điều khác biệt là ở tứ kết một giải đấu như thế này, không đội nào muốn tỷ số 0-0. Sự trở lại của Rooney cũng đáng lo ngại. Cậu ta chơi không thực sự hay ở trận tái xuất nhưng vẫn đóng vai trò quyết định.





Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm