“Điệp vụ” ám sát chuyên gia nguyên tử Iran

13/01/2012 10:55 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Vụ ám sát diễn ra vô cùng chuẩn xác: Hai người cưỡi xe máy lướt qua và người ngồi sau nhanh tay gắn một quả bom dính bằng từ tính vào chiếc xe chở một nhà khoa học hạt nhân Iran. Vào thời điểm chiếc xe hơi hiệu Peugeot màu xám nổ tung, chiếc xe máy đã lướt đi ra khỏi hiện trường khá xa.

Đó là vụ tấn công chết người mới nhất, trong một cuộc chiến ngầm mà các kẻ thù giấu mặt phát động lên Iran.

Cuộc tấn công xảy ra hôm 11/1, vốn giết chết ngay lập tức nhà khoa học và viên tài xế của ông, đã là sự kiện thứ 4 trong vòng 2 năm qua nhằm vào các bộ não được tin tưởng trong chương trình hạt nhân của Iran.

Nghi vấn nhằm vào Israel

Chuyên gia nguyên tử Mostafa Ahmadi Roshan bị sát hại

Vụ nổ đã sát hại Mostafa Ahmadi Roshan, một chuyên gia hóa học và là giám đốc tại cơ sở làm giàu uranium Natanz, trung tâm của chương trình tham vọng của Iran. Báo chí Iran nói rằng Roshan, 32 tuổi, đã lên kế hoạch để dự lễ tưởng niệm một nhà khoa học hạt nhân khác cũng bị sát hại cách nay 2 năm.

Tehran nhanh chóng đổi lỗi cho các điệp viên Mossad của Israel và tình báo Anh, Mỹ. Nhưng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton đã bác bỏ sự dính líu nào của Mỹ, còn Tổng thống Barack Obama thì lên tiếng chỉ trích vụ ám sát. Bản thân Israel cũng không nhận trách nhiệm, nhưng giới chức lãnh đạo và các nhân vật có tiếng ở nước này thì nửa kín nửa hở nói về sự liên quan của quốc gia Do thái này.

Nguồn tin từ Israel cho hãng tin Reuters biết rằng 1 ngày trước khi vụ tấn công xảy ra, tư lệnh quân đội Israel, tướng Benny Gantz đã nói tại một cuộc họp kín với quốc hội rằng 2012 sẽ là "một năm nguy cấp" với Iran, bởi "sẽ có những điều không tự nhiên xảy ra với nước này".

"Tôi không biết ai đã ra tay với nhà khoa học Iran, nhưng chắc chắn là tôi không nhỏ một giọt nước mắt nào đâu" - phát ngôn viên quân đội Israel Yoav Mordechai nói trên trang Facebook của ông. Còn Mickey Segal, cựu giám đốc phòng tình báo Iran trong quân đội Israel đánh giá: "Rất nhiều điều tồi tệ đã xảy ra ở Iran trong thời gian gần đây. Nước này đang trong tình huống sức ép tăng lên và vụ ám sát mới nhất càng củng cố thêm sức ép mà thể chế cầm quyền ở Iran phải đối mặt".

Hazhir Teimourian, một chuyên gia về Iran, cho rằng chưa thể đổ trách nhiệm về phía Israel trong vụ ám sát mới. Nhưng ông tin rằng theo logic, Israel có nhiều khả năng phải chịu trách nhiệm. "Israel hoàn toàn có năng lực, lẫn động cơ lợi ích, khi thực hiện cuộc ám sát" - ông nói.

Một chiến thuật được ưa chuộng

Nếu các sát thủ của Mossad đứng sau vụ việc mới nhất, nó sẽ chỉ nối dài thêm lịch sử thường xuyên sử dụng các hoạt động bí mật để chống lại kẻ thù của Israel, nhất là những khi họ không thể sử dụng toàn bộ lực lượng quân sự.

Israel đã từng thừa nhận việc họ dùng chính sách ám sát để hăm dọa kẻ thù, từ những lá bom thư gửi tới các nhà khoa học Đức tham gia chương trình chế tạo tên lửa của Ai Cập trong những năm 1960 cho tới việc Mossad săn lùng, sử dụng súng và bẫy để giết những người Palestine có liên quan tới việc sát hại 11 vận động viên Israel trong Olympic 1972.

Gần đây, Israel đã dùng tên lửa và lính đặc nhiệm để tiêu diệt các thủ lĩnh nổi dậy ở Israel. Hồi năm 1995, các tay súng đi xe máy đã sát hại thủ lĩnh phong trào Islamic Jihad, ông Fathi Shiqaqi, ở Malta.

Một đội Mossad khác bị nghi ngờ đã hạ thủ chỉ huy Mahmoud al-Mabhouh của phong trào Hamas khi ông đang ở khách sạn tại Dubai hồi năm 2010.

Chiếc xe của ông Mostafa Ahmadi Roshan với phần sau đã bị bom phá nát

Liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran, Israel đã bóng gió nói rằng nước này có thể dùng tới sức mạnh quân sự. Nhưng giới quan sát đánh giá việc mở ra một cuộc chiến mới với thế giới Hồi giáo sẽ góp phần làm bất ổn thêm cho tình hình ở khu vực. Ngoài ra, Israel không có đủ tiềm lực để giết chết chương trình hạt nhân của Iran chỉ sau một đợt tấn công.

Vì thế, Israel lựa chọn ám sát, dù việc này có rủi ro riêng. Năm 1997, một đội sát thủ của Mossad đã được cử đi đầu độc thủ lĩnh Hamas Khaled Meshaal ở Amman, Jordan, nhưng họ đã không hoàn thành nhiệm vụ và bị bắt. Hậu quả là Thủ tướng Israel khi đó, ông Benjamin Netanyahu, đã phải dàn hòa quan hệ với Jordan bằng việc trả tự do cho thủ lĩnh tinh thần Hamas Sheikh Ahmed Yassin, một thắng lợi ngoài sức tưởng tượng cho tổ chức cực đoan này.

Được biết trước Roshan, một vụ đánh bom tương tự xảy ra hồi tháng 1 năm ngoái đã giết chết giáo sư Đại học Tehran Masoud Ali Mohammadi, một chuyên gia về năng lượng hạt nhân. Tháng 11/2010, một số vụ đánh bom khác đã diễn ra tại Tehran khiến một nhà khoa học hạt nhân thiệt mạng và người còn lại bị thương. Người xấu số, Majid Shahriari, là thành viên trong đội giảng dạy của khoa kỹ thuật nguyên tử ở Đại học Shahid Beheshti và đã hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế ở Iran.

Sự hiểu biết của Shahriari về sự vận chuyển neutron được đánh giá có thể giúp Iran thực hiện chuỗi phản ứng hạt nhân, giúp các lò phản ứng hoạt động và cũng là chìa khóa sản xuất bom nguyên tử.

Tháng 7/2011, các tay súng đi xe máy đã bắn chết Darioush Rezaeinejad, một sinh viên điện tử. Nhưng có nguồn tin nói rằng anh này là một nhà khoa học trẻ đang có liên quan tới các nỗ lực chế tạo các công tắc cao áp, một yếu tố không thể thiếu trong bom nguyên tử.

Một mũi tên trúng nhiều đích

Các nhà phê bình đã lên án những vụ ám sát và chất vất về tính hiệu quả lâu dài của chiến thuật này. Nhưng giới chức Israel, dựa vào kinh nghiệm nhiều năm tiến hành các cuộc chiến bí mật, tin rằng chúng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quốc gia Do thái.

Với Iran, Israel đã thu lợi ngay từ việc trì hoãn không cho Tehran đạt các mục tiêu trong chương trình hạt nhân. Ngoài ra, việc giết hại các kỹ thuật viên nguyên tử kiểu này khiến Iran cạn kiện chuyên gia. Nó cũng gây sợ hãi trong cộng đồng những người còn sống, tạo ra một hiện tượng mà các cựu binh Mossad gọi là "sự đào tẩu ảo".

"Tác động sẽ không khiến các chuyên gia Iran nghỉ việc hàng loạt. Nhưng nó sẽ tạo bầu không khí nghi ngại, khi an ninh của họ đã không còn đảm bảo" - cựu quan chức Mossad đề nghị giấu tên nói với Reuters - "Điều này có nghĩa các nhà khoa học sẽ cẩn trọng hơn khi hoạt động, ví dụ như họ sẽ không muốn chứng tỏ hết năng lực của mình trong công việc. Nó sẽ giúp làm giảm tốc độ rất nhiều thứ".

Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm