20 năm ở Old Trafford, Sir Alex đã đem về 25 danh hiệu, trong đó có 11 chức vô địch Anh, nhiều hơn tất cả các đời HLV trước đó của M.U cộng lại, cộng thêm 2 chiếc vô địch Cúp C1/Champions League, gấp đôi Sir Busby, và sắp là gấp 3? Còn nữa, M.U của Sir Busby cũng chỉ “kick and rush” như mọi đội bóng Anh thời ấy. Còn ở Anh bây giờ, liệu có đội bóng nào ra sân với sơ đồ hầu như không có tiền đạo (mà lại thành công lớn) như M.U? Đó chính là dấu ấn sáng tạo của Sir Alex, với một triết lý pha trộn hài hòa giữa tấn công và phòng thủ (hãy để các nhà chuyên môn đặt tên cho triết lý ấy).
Để làm được điều đó, Sir Alex đã phải trải qua một quá trình dài, đi lên từ những con số 0. Năm 1997, khi M.U bị Dortmund đá văng ở bán kết Champions League, dù có đội hình được đánh giá cao hơn, các nhà chuyên môn đã dè bỉu rằng chiến thuật mà Sir Alex sử dụng khi ấy quá non so với sự thực dụng của người Đức. Hai năm sau, M.U đã lên ngôi bằng lối chơi tấn công đẹp mắt. Song thực sự, chiến thắng trong trận chung kết trước Bayern ở Nou Camp vẫn bị coi là dựa chủ yếu vào yếu tố may mắn.
Pep Guardiola & Alex Ferguson: Họ chính là triết lý của Barca và M.U
Phải đến khi M.U lên ngôi ở Moskva năm ngoài, dù cũng nhờ yếu tố may mắn trong loạt penalty, song ai cũng đều thừa nhận, điều cốt lõi làm nên chiến thắng chính là triết lý tấn công pha thêm chất thực dụng mà Sir Alex đã dày công vun đắp. Kinh nghiệm dạn dày đã giúp ông già người Scot đúc kết nên triết lý rằng để xây dựng một đội bóng thì người ta cần phải làm từ dưới lên thay vì từ trên xuống. Điểm khởi đầu có lẽ là lúc Sir Alex chi tới 33 triệu bảng để biến Rio Ferdinand trở thành trung vệ đắt giá nhất thế giới vào năm 2002, thời điểm mà chỉ có những “galactico” tấn công của Florentino Perez mới có cái giá trên 30 triệu euro.
Bản hợp đồng của Sir Alex đã làm thay đổi quan niệm không chỉ của ông mà của cả bóng đá thế giới, khiến tất cả có cái nhìn thực tế hơn về những cầu thủ chơi ở tuyến dưới. Mùa trước, người ta nói nhiều tới 42 bàn thắng của Cristiano Ronaldo. Nhưng nếu không có sự vững chãi của Van der Sar cùng những chiến binh thầm lặng ở hàng thủ, M.U sẽ không thể có được thành công như thế. Triết lý ấy còn được củng cố hơn nữa ở mùa này, khi thủ thành người Hà Lan có chuỗi hơn 1000 phút không thủng lưới ở Premier League, và M.U có đến 14 trận thắng với tỷ số 1-0!
Điều đó nghe chừng có vẻ nghịch lý khi mùa này Sir Alex đã bổ sung thêm Berbatov cho hàng công để có thể dựng nên cái gọi là “bộ tứ siêu đẳng” (cùng với C.Ronaldo, Rooney, Tevez). Tuy nhiên, nhiệm vụ của Rooney không chỉ là ghi bàn mà còn là phòng ngự ngay từ phần sân đối phương! Bạn hãy nhớ, những chiến thắng quan trọng nhất của M.U mùa này đều là thành quả của nghệ thuật phản công, mà điển hình là bàn ấn định chiến thắng của M.U trước Arsenal ở bán kết.
Triết lý kể trên có vẻ hơi trái ngược với triết lý tấn công tổng lực của Barca, vốn được đặt nền móng từ những năm 1970 dưới thời Rinus Michels, rồi phát triển lên đỉnh cao thành một trường phái dưới thời Cruyff những năm 1990. Để tiếp nối triết lý ấy, không ai xứng đáng hơn là những học trò của Cruyff, mà Pep Guardiola là ví dụ tiêu biểu. Chỉ có những người lớn lên, ăn ngủ và hít thở trong một bầu không khí “đậm đặc Barca” mới có thể vận dụng một cách nhuần nhuyễn thứ bóng đá như Pep đang làm, với những cậu học trò lớn lên từ lò La Masia, mà 7 người trong số đó sẽ đá chính ở trận chung kết.
Khi ĐT TBN giành chức vô địch EURO 2008, HLV Luis Aragones không giấu diếm rằng ông đã xây dựng đội hình dựa trên bộ khung Barca, với Xavi là chỉ huy. Như thế, thành công của Barca bây giờ có thể được coi như sự tiếp nối từ thành công của ĐT TBN ở Vienna một năm về trước, với trường phái “tiqui-taca”, liên tục và linh hoạt như một chiếc đồng hồ tích tắc.
Đêm nay, hai trường phái mốt nhất, thời thượng nhất sẽ so tài ở Roma. Khó có thể dự đoán trước được rằng ai sẽ thắng. Có thể, kinh nghiệm của Sir Alex sẽ khiến cán cân có nghiêng chút về phía M.U, như năm ngoái, ông đã vô hiệu hóa Barca ở bán kết bằng lối chơi cân bằng giữa tấn công và phòng ngự của mình. Nhưng năm nay, Barca cũng đã khác trước rất nhiều khi có Pep ngồi trên băng ghế huấn luyện. Kinh nghiệm của Pep có thể còn ít ỏi, nhưng là sự tiếp nối của một thứ triết lý đã đứng vững trước bao biến động của thời gian…
Hoàng Nhật
3 Nếu M.U thắng Barcelona, Alex Ferguson sẽ trở thành HLV đầu tiên đoạt 3 Cúp C1/Champions League. Ông là HLV thứ 16 đã giành được nhiều hơn một chức vô địch Cúp C1/Champions League.
6 Guardiola, vô địch năm 1992 trong màu áo Barcelona, có thể trở thành người thứ 6 giành Cúp C1/Champions League trên cả cương vị cầu thủ lẫn HLV và là người thứ 3 làm được điều đó với cùng 1 đội bóng, sau Munoz (Real Madrid, cầu thủ năm 1956, 1957 và HLV năm 1960, 1966) và Carlo Ancelotti (AC Milan, cầu thủ năm 1989, 1990 và HLV năm 2003, 2007).
38 Nếu Barcelona vô địch, Josep Guardiola (38 tuổi và 129 ngày) sẽ trở thành HLV trẻ nhất đăng quang trong 49 năm qua và là HLV trẻ thứ 3 đăng quang trong lịch sử, sau Jose Villalonga (Real Madrid, năm 1956, 36 tuổi và 185 ngày) và Miguel Munoz (Real Madrid, năm 1960, 38 tuổi và 121 ngày).
67 Mùa trước, Alex Ferguson trở thành HLV già thứ hai từng vô địch Cúp C1/Champions League. Kỷ lục thuộc về HLV người Bỉ Raymond Goethals, lên ngôi cùng Marseille năm 1993 khi đã 71 tuổi.
|