Hung dữ như hooligan Serbia

12/04/2011 19:17 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH Cuối tuần) - Ý tưởng về việc chơi bóng trong cả mùa giải trước những khán đài trống không phải là chỉ có trong tiểu thuyết, nếu như bạn ở Serbia. Hầu hết các đội bóng đang chơi tại giải đấu hạng cao nhất, Super Liga, đều không có đủ cơ số cổ động viên để lấp đầy những sân bóng khá nhỏ bé. Trong khi những câu lạc bộ lớn hơn thường buộc phải đóng cửa sân bóng vì tình trạng bạo lực lan tràn. Thế nên, khi Bắc Ireland gặp Serbia ở vòng loại EURO 2012 cuối tháng 3 trên sân Marakana của đội bóng giàu truyền thống nhất Serbia, Sao Đỏ Belgrade, sân bóng lại trống vắng hoàn toàn, vì một lệnh cấm của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA).

*Một cuộc chiến thực sự

Lệnh cấm được ban bố sau buổi tối hỗn loạn tại Genoa, Italia, tháng 10 năm ngoái, khi các hooligan Serbia làm loạn khiến một trận đấu vòng loại EURO 2012 khác bị hủy bỏ. Nikola Zigic, tiền đạo đang khoác áo Birmingham, nói về những trận đấu không người ở Belgrade: “Sẽ rất khó khăn khi không có khán giả, nhưng tôi đã phải hai lần chơi ở sân Marakana trống không (một cho Sao Đỏ và một cho đội tuyển quốc gia)”.

Ivan Bogdanov, kẻ cầm đầu nhóm cổ động viên gây rối ở trận Italia - Serbia tại vòng loại EURO 2012, đã bị kết án 39 tháng tù giam - Ảnh Getty

Tuy nhiên, không giống như những lần trước, sân bóng lần này không hoàn toàn trống. Hiệp hội các cổ động viên Bắc Ireland đã vận động ở UEFA để 265 cổ động viên đội khách được phép vào sân, nhưng điều đó không giúp gì cho đội bóng của huấn luyện viên Nigel Worthington, họ thua 1-2. Dẫu vậy, bất chấp việc đội nhà giành chiến thắng, có vẻ như các cổ động viên Serbia đã nổi giận trước quyết định mà họ cho là thiên vị của UEFA, nhất là khi Chủ tịch UEFA Michel Platini đã có cuộc gặp riêng với Tổng thống Serbia Boris Tadic và cảnh báo ông này rằng “nguy cơ treo giò đội tuyển quốc gia và các câu lạc bộ Serbia là hoàn toàn có thể” nếu tình trạng bạo lực cứ tiếp diễn.

Chỉ vài ngày sau trận đấu với Bắc Ireland, những cổ động viên bất trị của Serbia đã có câu trả lời ở trận gặp Estonia, ngay tại Tallinn. Những vụ đụng độ dữ dội diễn ra giữa cảnh sát và khán giả, do các cổ động viên đội khách khơi mào, cả trong và ngoài sân cỏ, đã dẫn đến việc 72 cổ động viên bị bắt giữ. Báo chí Estonia ước tính chỉ có khoảng 700 cổ động viên Serbia có mặt tại Estonia, nhưng họ đã làm đảo lộn đời sống bóng đá vốn lặng lẽ ở đất nước Đông Âu nhỏ bé này. Trên các khán đài, những tấm băng-rôn kiểu như “Tự do hay là chết” nói thay cho lời thách thức của họ không chỉ với những nhà chức trách Serbia, mà có lẽ là cả với UEFA.

Đó là một cuộc chiến thật sự giữa hai bên. Cách đây hai tuần, trong một trận derby ở Belgrade, nhà chức trách Serbia đã huy động tới 3.000 cảnh sát tuần tra mọi ngõ ngách của sân vận động. Hay một tuần trước, khi Sao Đỏ gặp Zenit St. Petersburg trong một trận giao hữu có Thủ tướng Nga Vladimir Putin dự khán. Tương tự, mọi trận đấu của tuyển Serbia trên sân nhà ở vòng loại EURO 2012 từ giờ trở đi đều sẽ luôn được đặt trong tình trạng báo động đỏ về an ninh, bất chấp việc khán giả đã bị cấm đến sân hoàn toàn.

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Tomislav Karadzic khẳng định với kênh truyền hình B92 ở Belgrade rằng những sự kiện bạo lực gần đây “đã khiến đất nước phải hổ thẹn” và khẳng định “chúng ta đã gặp vấn đề trong tập luyện, trước trận đấu, rồi giờ cả chuyện này nữa. Đã đến lúc phải hành động”. Đại sứ Serbia tại Italia, Sanda Raskovic-Ivic, sau một buổi tối hết sức bận rộn do 16 cổ động viên Serbia bị cảnh sát Italia bắt giữ, nói lời xin lỗi và cho rằng “những gì xảy ra ở Genoa là một nỗi hổ thẹn, một cơn ác mộng. Tôi và người dân Serbia đều lấy làm hổ thẹn. Tôi muốn nhân cơ hội này nói lời xin lỗi từ đại sứ quán tới chính phủ và người dân Italia”.

*“Người ta bôi nhọ chúng tôi”

Tuy nhiên, cũng có những người cho rằng các cổ động viên Serbia không tồi tệ đến thế. “Tôi cho rằng giới truyền thông, tức là cả thế giới, đang tạo ra một hình ảnh xấu xí về chúng tôi”, huấn luyện viên đội tuyển Serbia Vladimir Petrovic than phiền. “Ở khắp châu Âu gần đây đều có các sự kiện về cổ động viên quá khích xuất hiện, ở Bulgaria, ở Anh, nhưng những gì báo chí đưa đã ảnh hưởng chỉ đến cách nhìn của mọi người với chúng tôi”.

Nhưng Petrovic cũng đưa ra những lời giải thích khác. “Chẳng ai muốn điều đó xảy ra, chúng tôi cũng không tin được vào các sự kiện gần đây, nhưng biết làm sao bây giờ? Thời điểm này là như thế, một giai đoạn quá khó khăn với tất cả mọi người. Tỷ lệ thất nghiệp ở Serbia là rất cao, thanh niên hầu như không có hy vọng gì, những căng thẳng hậu chiến vẫn còn đó (cuộc chiến chia tách liên bang Nam Tư). Nhiều điều đã thay đổi trong 10 - 20 năm qua. Phải hiểu điều đó. Chúng tôi không phải là người xấu, chỉ là người ta vẽ nên hình ảnh xấu về chúng tôi”.

Sự cuồng nhiệt với thể thao là một lý do khác dẫn đến sự quá khích, theo lời Petrovic. “Tôi không muốn nói về chính trị, và những việc này vẫn xảy ra, nhưng chúng tôi là một quốc gia thể thao và đã thành công trong rất nhiều môn, có thể vì vậy mà một số kẻ thấy ghen tức chăng, nhưng tôi sẽ không đi xa đến thế”, ông nói. Petrovic có lý. Chỉ có dân số hơn 7 triệu người, nhưng Serbia là một cường quốc thể thao hàng đầu, không chỉ ở châu Âu, mà trên toàn thế giới. Họ có một đội tuyển bóng đá hùng mạnh với những ngôi sao đang chơi cho các câu lạc bộ hàng đầu thế giới như Nemanja Vidic (M.U), Branislav Ivanovic (Chelsea), Dejan Stankovic (Inter Milan)..., từng vô địch châu Âu các môn bóng rổ, bóng chuyền, bóng nước..., là đất mẹ của những tay vợt hàng đầu thế giới như Novak Djokovic, Ana Ivanovic hay Jelena Jankovic.

Nhưng tất nhiên, không có môn thể thao nào giúp đoàn kết quốc gia và khôi phục lại danh tiếng cho đất nước như bóng đá. “Thể thao là một cơ hội để Serbia cải thiện hình ảnh”, Petrovic nói. “Với tư cách đội tuyển bóng đá quốc gia, chúng tôi có trách nhiệm phải làm được điều đó. Những gì đã xảy ra ở Ý và Estonia là không dễ dàng cho các cầu thủ, nhưng họ đã cố gắng hết sức”.

Trần Trọng


Lịch sử của những hooligan

- Từ thời Liên bang Nam Tư, cổ động viên quá khích đã là một vấn đề nghiêm trọng với bóng đá. Sau khi chia tách thành Slovenia, Croatia, Bosnia và Herzegovina, Serbia, Montenegro và Kosovo, những đội bóng giàu truyền thông nhất ở lại Serbia và vấn đề hooligan tiếp tục ám ảnh nền bóng đá quốc gia thừ kế của Liên bang Nam Tư này. Những nhóm quá khích và đông đảo nhất đều là cổ động viên ở Belgrade, của hai đội bóng lớn nhất nhì nước, Partizan và Sao Đỏ, với tên gọi riêng, lần lượt là nhóm Grobari (Những kẻ đào mộ) và Delije (Những người hùng). Một thế lực khác cũng nổi lên trong thời gian gần đây là các cổ động viên của FK Rad, với biệt danh Lực lượng đoàn kết.

- Ngày 02/12/2007, một cảnh sát mặc thường phục đã bị thương nghiêm trọng khi bị tấn công trong trận đấu ở Super Liga Serbia giữa Sao Đỏ và Hajduk Kula.

- Ngày 14/8/2008, một cổ động viên thiệt mạng gần Novi Sad sau những cuộc đụng độ đẫm máu giữa nhóm Grobari của FK Partizan và các cổ động viên FK Vojvodina. - Cũng tháng 8/2008, sau một trận đấu giữa Sao Đỏ và Partizan tại cúp quốc gia, ba người bị thương và một chiếc xe buýt bị đốt cháy hoàn toàn.

- Ngày 19/9/2008, một hooligan người Serbia bị tuyên án 10 năm tù giam vì tấn công viên cảnh sát trong sự kiện Sao Đỏ - Hajduk Kula nói trên.

- Ngày 12/10/2010, 16 cổ động viên Serbia bị bắt sau khi họ ném pháo sáng và làm loạn sân bóng ở Genoa chỉ sau sáu phút khiến trận đấu giữa Serbia và Italia tại vòng loại EURO 2012 bị hủy bỏ. Serbia sau đó bị xử thua 0-3.

- Ngày 30/3/2011, 72 cổ động viên Serbia bị bắt giữ sau khi họ làm loạn bên ngoài sân vận động diễn ra trận đấu giữa Estonia và Serbia ở Tallinn, cũng tại vòng loại EURO 2012.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm