'Hủ tục' trong lễ hội - đâu là điểm dừng?: Hãy giúp 'chủ nhân' tự điều chỉnh

04/04/2015 08:23 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Thay vì giải quyết bằng mệnh lệnh, ngành quản lý nên cùng các chuyên gia nghiên cứu, tìm giải pháp sửa đổi các nghi thức gây tranh cãi và thuyết phục cộng đồng tự nguyện điều chỉnh. Đó là quan điểm của hầu hết chuyên gia, nhà quản lý và người dân địa phương khi trao đổi với Thể thao & Văn hóa.

1. Thực tế, đề cập tới các lễ hội "có vấn đề" trong công văn 943, Bộ VH,TT&DL cũng chủ động yêu cầu các địa phương cần tổ chức tham vấn ý kiến cộng đồng, các nhà khoa học để lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp. Gần nhất, vào giữa tháng 3, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng đã tới Tam Nông (Phú Thọ) để trực tiếp chia sẻ và vận động người dân tìm hướng cải tiến lễ hội "đập trâu" mà báo chí nêu ra.

"Tôi đồng tình với cách giải quyết như vậy. Với câu chuyện liên quan đến tín ngưỡng, áp đặt là cách làm không mang hiệu quả lâu dài" - TS Nguyễn Văn Vịnh nhận xét. Như phân tích của ông, việc một số người dùng các cụm từ "tàn bạo nhất VN", "đi ngược truyền thống" để vận động đòi chấm dứt "lễ hội chém lợn" đã đẩy câu chuyện đi quá xa và tạo ra những căng thẳng không đáng có.... "Việc người dân Ném Thượng cố tình lôi lợn ra chém giữa đình vào tết vừa qua là cách phản kháng khi họ cảm thấy bị xúc phạm" – ông Vịnh nói.


Nếu tổ chức tốt và kiểm soát được số lượng tham gia, tục cướp phết tại Hiền Quan (Phú Thọ) hoàn toàn có thể duy trì

Thực tế, khá nhiều người dân ở hai làng có tục chém lợn là Ném Thượng (Bắc Ninh) và Cầu Bây (Long Biên, Hà Nội) đã bày tỏ sự bức xúc trước cách mà truyền thông nói về nghi thức truyền thống của mình. Anh Nguyễn Anh Tuấn (thôn Cầu Bây, nơi có nghi thức chém đầu lợn vào 12/2 âm lịch) cho biết: "Cứ mỗi mùa lễ hội, chúng tôi lại thấy báo chí phân tích, phê phán tập tục này. Vậy nhưng, không có cá nhân hay tổ chức nào tới ghi nhận quan điểm và tâm niệm của người dân về nghi thức ấy".

2. Ở thời điểm hiện tại, chưa thống kê nào ghi nhận cụ thể số lễ hội có các nghi thức hiến sinh và tranh lộc trên toàn quốc. Bởi vậy, các chuyên gia và nhà quản lý chỉ bước đầu đưa ra quan điểm cá nhân về hướng ứng xử với các nghi thức này.

Chẳng hạn, theo ông Phạm Xuân Phúc (Phó Chánh Thanh tra, Bộ VH,TT&DL), các nghi lễ cướp hoa tre, tranh phết... vẫn có thể được tổ chức với điều kiện chỉ cho phép một số lượng vừa phải du khách tham gia: "Những người này là đại diện của khách hành hương và phải có giấy mời tham dự nghi lễ này. Làm được vậy, tôi tin sẽ không có cảnh... cướp đường, cướp chợ một cách hỗn loạn như cũ nữa".

“Các nhà quản lý cần tận dụng tối đa những nghiên cứu của các nhà khoa học liên quan đến bảo tồn, điều chỉnh và phục dựng lễ hội” – TS Bùi Quang Thắng nói - “Tôi tin, tất cả mọi trường hợp đều có chìa khóa hợp lý để giải quyết trên cơ sở tôn trọng quyền tự quyết của cộng đồng".

Sự thực, trong vài năm qua, một số nghi thức tại các lễ hội truyền thống đã tự đào thải, hoặc được chính người dân chủ động sửa đổi để phù hợp với nhịp sống đương đại. Chẳng hạn, trong lễ hội phồn thực Trò Trám (Phú Thọ), phần "thả cửa" cho quan hệ nam nữ sau lễ tế đã bị xóa bỏ từ nhiều năm nay để thay bằng màn liên hoan chung vui của người tham gia. Hoặc tại làng Phùng (Hà Nội), nghi thức... ném đá vào nhau để lấy may đầu năm cũng đã được người dân địa phương thay bằng túi cát để đảm bảo an toàn. Như chia sẻ của các nhà nghiên cứu, nếu có giải pháp thay thế hoặc điều chỉnh hợp lý, bản thân người trong cuộc sẽ tự động vận hành các nghi thức của mình cho phù hợp với cuộc sống diễn ra quanh họ...

(Còn tiếp)

Cúc Đường - Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm