01/01/2012 13:37 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH Cuối tuần) - Dự án Vòng tròn vừa ra mắt cách đây chưa lâu. Sức nóng từ hai cái tên Hồng Nhung và Quốc Trung cũng đủ để những người quan tâm tới âm nhạc háo hức chứ chẳng phải đợi tới những mỹ từ đầy trau chuốt và hoành tráng mà các trang báo đã dùng để giới thiệu về dự án này. Có chăng thì cũng chỉ khiến người ta đẩy nhanh tốc độ nhấn nút play để xem một diva đã “lột xác” như thế nào…
Và không phải ai cũng mong được nhìn thấy Hồng Nhung lột xác dù việc ấy không nằm trong quyền hạn của họ. Với tên tuổi lẫy lừng cùng bề dày hoạt động âm nhạc, hình ảnh về một ca sĩ đã khắc họa đậm nét trong lòng công chúng như Hồng Nhung thì việc ấy có phải mạo hiểm và làm việc ấy khó hay dễ?
Có lẽ sự thắc mắc hay tích cực hơn là lo lắng đó sẽ được xua tan khi những ca khúc trong Vòng tròn lần lượt vang lên. Ở các ca khúc của album, phần phối đã đưa người nghe vào không gian âm nhạc điện tử đặc sệt đúng như ý đồ của nhà sản xuất (electronic). Ngoài việc sử dụng những âm sắc đặc trưng kết hợp với các kỹ thuật căn bản (sử dụng loop, pattern, arrpegio…) để tạo ra bản phối, thì bản thân các ca khúc này được viết rất phù hợp với tính chất của nhạc điện tử (giai điệu đơn giản, cấu trúc gọn gàng và rất thuận lợi cho việc tối giản hòa thanh). Nghĩa là không gian âm nhạc riêng biệt và chuyên biệt ấy được tạo nên bởi các nhạc sĩ (hiển nhiên). Vậy dấu ấn của Hồng Nhung là gì ngoài việc chuyển tải nội dung các bài hát?
Cũng có thể gọi là lột xác khi mà mọi người đã quen với một Hồng Nhung rành rọt, điệu đà nay chuyển sang đơn giản, nhẹ nhàng. Mà thật ra tính chất ấy đã xuất hiện trong Khu vườn yên tĩnh từ mấy năm trước. Có nghĩa nó cũng không phải mới toanh. Hơn nữa, trong những ca khúc chị thể hiện ở Vòng tròn, dù đã thích ứng để phù hợp với tính chất âm nhạc nhưng vẫn còn những câu chữ khiến người nghe cảm giác bị lệ thuộc vào khẩu hình, có thể chị vẫn bị ý nghĩ tròn vành rõ chữ chi phối, cách đặt vị trí âm cũng chưa thoát ra được chính bản thân Hồng Nhung ở những ca khúc phổ biến chị từng hát, trong khi với phong cách âm nhạc của Vòng tròn thì một giọng hát mang nhiều hơi thở sẽ phù hợp hơn.
Tuy nhiên, đến ca khúc Papa (tác giả: Dương Khắc Linh, Thanh Bùi, Hồng Nhung) thì sự hòa quyện về tổng thể đã tiệm cận với sự hoàn hảo. Có thể thấy hòa âm, tiết tấu, giọng ca, giai điệu, nội dung của Papa là một khối không thể tách rời. Sự tinh tế hết sức đơn giản trong phối khí, giọng hát bay và đầy xúc cảm khiến bài hát rất gần với không gian new age. Nếu Papa trong album này được kết hợp với dàn dây thật thì có lẽ còn tuyệt vời hơn nữa.
Tới ca khúc Phố (Quốc Trung), với những ai thích và luôn lưu giữ hình tượng Hồng Nhung trong nhiều năm mà không muốn sự đổi khác thì khoảng thời gian các ca khúc trước Phố trôi qua có thể cần một chút kiên nhẫn. Và khi đã nghe đến ca khúc này, họ sẽ mỉm cười khi thấy hình tượng của mình lại hiện ra. Giống như Hồng Nhung của những Một cõi đi về, Cho em một ngày… Lý do của nó nằm ở giai điệu bài hát có sức hút rất rõ dẫn đến vòng hòa thanh thay đổi nhiều hơn, không chung âm nền như những bài khác. Điều này hơi xa với tinh thần chung của album. Bên cạnh đó, vòng hòa thanh của bài cũng ít gặp ở dòng electronic (nhất là xu hướng đương thời) mà gần với những ca khúc thân quen của Việt Nam. Điều đó đương nhiên kéo Hồng Nhung trở về với tư duy có sẵn dù có thể chị không cố tình. Cái sự “quen” đó được bổ trợ bằng tiết tấu rất điện tử và hơi hoạt nên có vẻ hơi gượng. Cùng “số phận” với Phố còn có Trở về (Lưu Hà An). Ca khúc này được phối theo phong cách dance, nhưng khi nghe, người nghe không thoát được sự ám ảnh của một phần đệm êm dịu và tiết tấu chậm. Ca khúc này còn chuyển nhiều hòa thanh hơn cả ca khúc Phố. Đoạn điệp khúc chuyển sang điệu tính trưởng khiến cảm giác dâng lên cao trào rõ ràng quá. Chính những điều đó khiến Hồng Nhung “tạm” về với chính mình và khiến hai ca khúc trên trở nên khác biệt hơn cả so với tổng thể album.
Vòng tròn là một dự án âm nhạc theo phong cách nhạc điện tử (electronic pha trộn pop), là dạng album ý tưởng, được Hồng Nhung viết kịch bản văn học và Quốc Trung viết kịch bản âm nhạc, sau đó đặt hàng các nhạc sĩ viết bài theo kịch bản. Album chính thức ra mắt ngày 22/11 và trước đó Hồng Nhung đã giới thiệu dự án này với phong cách trình diễn mới lạ tại chương trình Bài hát Việt tháng 11/2011.
Trong bài Giấc mơ ngày bé (Dương Khắc Linh), Hồng Nhung lại cho thấy sự hòa quyện tương tự như Papa. Có vẻ như Dương Khắc Linh rất hợp để sáng tác cho thể loại này. Nhưng đoạn cuối bài Hồng Nhung lại thể hiện một đoạn“phiêu” (có bài báo viết rằng, “trong album này có nhiều đoạn ngẫu hứng khá đắc địa”. Nhiều người làm âm nhạc không hiểu ngẫu hứng đắc địa là gì). Điều đáng nói là trong ca khúc Cho em một ngày (Dương Thụ) được Hồng Nhung trình bày trong một live show năm 1997, Hồng Nhung cũng thực hiện đoạn “phiêu”. Thời điểm ấy có thể hay nhưng giờ nghe lại rõ ràng đã khác, nhưng chị vẫn thực hiện kiểu phiêu tương tự trong một album sản xuất năm 2011. Chỉ có thể nghĩ rằng Hồng Nhung không nhiều vốn ở kỹ thuật này và hơn thế nữa, có vẻ nó không hợp “gu”.
Nhiều người nghe Vòng tròn và băn khoăn, nó có bị một màu không? Công chúng Việt Nam nghe nhạc Việt Nam vẫn có thói quen thích có nhanh có chậm, thích lên bổng xuống trầm. Những tên tuổi lừng danh của dòng new age như Enya hay Sarah Brightman (vốn được công chúng Việt biết đến là đại diện tiêu biểu cho dòng classic crossover) không chỉ có một mà nhiều album từ đầu đến cuối cùng một tính chất âm nhạc. Hay như ca sĩ Cheryl Cole, một ngôi sao giải trí cũng từng có album mà hầu hết các ca khúc đều thực hiện với tempo 120… Họ làm những album đó chắc giống họa sĩ thì phải vẽ, kiến trúc sư thì phải thiết kế nhà… Nghĩa là họ hoạt động. Đó là điều bình thường. Vòng tròn cũng không nằm ngoài cái sự bình thường đó. Với nhà sản xuất là nhạc sĩ Quốc Trung, một trong những người tiên phong với việc tiếp cận công nghệ và các thiết bị điện tử cùng phong cách âm nhạc luôn tiệm cận với sự văn minh chung của thời đại thì lẽ đương nhiên, Vòng tròn là album đáng nghe. Với Hồng Nhung cũng vậy, với tên tuổi và đẳng cấp của chị, làm album cũng giống như họa sĩ thì phải vẽ hay kiến trúc sư thì phải thiết kế nhà… Hãy coi đó là một sản phẩm âm nhạc đáng trân trọng như hơi thở của họ với đời sống. Còn sự lột xác, bước ngoặt, nổi loạn, thăng hoa…, nếu có, chắc cũng chẳng cần phải hô hào.
Nhật Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất