Với nhiều người phụ nữ, tuổi 40 thực sự là một nỗi buồn khi mà bước qua tuổi đó người phụ nữ bỗng nhận ra mình không còn sự xuân sắc, trẻ đẹp và nhận ra tuổi già đang ầm ập kéo đến cuộc đời mình. Nhưng với Bống Hồng Nhung dường như tuổi 40 lại là tuổi của sự thăng hoa, rạng rỡ, khi mà Hồng Nhung ngày càng tươi trẻ, duyên dáng và tươi tắn từ ánh mắt đến môi cười. Bí quyết của sự tươi tắn, rạng rỡ ấy không chỉ là một sự nghiệp thành đạt, một chế độ chăm sóc cơ thể, tập yoga khoa học mà còn là sự viên mãn, hạnh phúc trong cả gia đình chung cũng như gia đình riêng của Bống.
Cái tên Bống và những kỉ niệm tuổi thơ
Lên sân khấu lần đầu tiên từ năm 10 tuổi, trở thành ca sĩ được biết đến từ năm 15 – 16 tuổi, sau quãng thời gian dài hơn 20 năm đứng trên sân khấu, Hồng Nhung luôn có “thương hiệu” trong sự ăn nói khéo léo, duyên dáng trước giới truyền thông, trước công chúng và cả với những người trong giới nghệ sĩ. Sự khéo léo, duyên dáng và chỉn chu, kỹ càng trong từng lời ăn tiếng nói đó Hồng Nhung có được nhờ được sinh ra trong một gia đình trí thức nề nếp, gia giáo với nền tảng văn hóa vững vàng.
Hồng Nhung ra đời vào một ngày tháng 3 năm 1970 ở Hà Nội. Ông nội Hồng Nhung là họa sĩ Lê Văn Ngoạn (là họa sĩ học những khóa đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương); ông ngoại là nhà ngôn ngữ học Đới Xuân Ninh (tác giả của nhiều cuốn sách nghiên cứu ngôn ngữ và từ điển); bố cô là dịch giả Lê Văn Viện. Hồng Nhung vẫn được gia đình và bạn bè gọi thân thiết với cái tên trìu mến: Bống. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng từng sáng tác chùm bài hát 3 bài về Bống để tặng riêng cho Hồng Nhung. Cái tên Bống đã đến với Hồng Nhung từ khi Hồng Nhung mới chào đời và gắn bó với Hồng Nhung suốt đời, để lại cho Hồng Nhung nhiều kỉ niệm đẹp.
Trong gia đình Hồng Nhung vẫn lưu truyền câu chuyện về sự ra đời của Hồng Nhung. Khi mang thai Hồng Nhung đến những tháng cuối cùng, mẹ Hồng Nhung là bà Đới Thu Hồng vẫn thường khệ nệ vác bụng bầu ra hồ Tây câu cá bống. Một buổi chiều tháng 3 năm 1970, mẹ Hồng Nhung vẫn đi câu cá bống như ngày thường, câu đến tận tối, gia đình phải ra gọi, mẹ Hồng Nhung mới về. Ngay đêm hôm đó, rạng sáng hôm sau, bà trở dạ sinh ra Hồng Nhung. Vui mừng vì sự chào đời của cô cháu gái nhỏ, bà ngoại Hồng Nhung đã gọi Hồng Nhung là Bống kể từ ngày Hồng Nhung mới ra đời.
Ngày nhỏ Hồng Nhung là một đứa trẻ rất ngoan, rất ít quấy khóc, nên mẹ Hồng Nhung nuôi Hồng Nhung rất nhàn. Hồng Nhung cứ ăn xong là nằm ngủ. 9 tháng tuổi Hồng Nhung đã biết đi, được hơn 1 năm tuổi Hồng Nhung đã hát rất thành thạo bài “Chị ong nâu".
Khi sinh ra Hồng Nhung còi cọc, nhỏ bé khiến cả nhà ai cũng lo lắng. Nhưng giống như bây giờ, dù nhỏ bé nhưng Hồng Nhung vẫn rắn rỏi cứng cáp hơn so với những đứa trẻ cùng tuổi. Từ nhỏ Hồng Nhung đã là một đứa trẻ thông minh có đôi mắt sáng và đen nhánh như hai hột nhãn. Nhiều người đến chơi với bố mẹ Hồng Nhung chỉ mong được nhìn thấy đôi mắt đen lay láy ấy của Hồng Nhung và để nghe Hồng Nhung líu lo hát bài “Chị ong nâu nâu”.
Hồng Nhung không may mắn có một gia đình đầy đủ cả bố lẫn mẹ. Bố mẹ Hồng Nhung chia tay nhau khi Hồng Nhung còn rất nhỏ. Có lần bố Hồng Nhung đi xem tử vi cho Hồng Nhung về đã nói với mẹ Hồng Nhung: tử vi nói Hồng Nhung là người có tài, nhưng sẽ là người chia đôi bố mẹ. Bố mẹ không chia lìa mỗi người một ngả thì một trong hai người cũng có người sẽ đoản mệnh mà ra đi sớm. Không biết có phải đó là cái điềm vận vào gia đình Hồng Nhung hay không, nhưng khi Hồng Nhung chưa đầy 2 tuổi, bố mẹ Hồng Nhung đã chia tay nhau. Vì bố Hồng Nhung – ông Lê Văn Viện là con một nên khi chia tay, ông đã kiên quyết nhận nuôi Hồng Nhung. Bố mẹ chia tay từ khi còn rất nhỏ, Hồng Nhung sớm thiếu thốn tình cảm và sự ấm áp của một gia đình đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Nhưng bù lại Hồng Nhung lại có được sự yêu thương, nâng niu của bố và ông bà nội. Trong ký ức tuổi thơ của Hồng Nhung, người mà Hồng Nhung gắn bó nhất chính là bà nội của mình. Hồng Nhung rất giống bà, cả về ngoại hình lẫn tính cách. Sự dịu dàng, khéo léo của Hồng Nhung cũng được thừa hưởng từ bà, cũng là do bà bỏ công dạy dỗ, uốn nắn mà thành. Chỉ có giọng hát như sơn ca là Hồng Nhung thừa hưởng từ cả bố và mẹ.
Ngày bé Hồng Nhung từng được bà may cho một bộ quần áo bằng phin trắng có cúc bấm. Bộ quần áo màu trắng đó rất hợp với một cô bé có vóc người nhỏ nhắn như Hồng Nhung. Nhung biết làm điệu từ nhỏ nên thích bộ quần áo đó vô cùng. Khi bố mẹ chia tay, Nhung sống với bố nhưng những ngày cuối tuần thì đến thăm mẹ.
Mỗi lần đến thăm mẹ, Hồng Nhung thích diện bộ quần áo đẹp nhất đó rồi đứng trên giường hát cho mẹ nghe. Năm Hồng Nhung lên 10 tuổi, bà nội Hồng Nhung qua đời. Đó là cú sốc lớn nhất, là nỗi buồn lớn nhất của thời thơ ấu của Hồng Nhung. Sau khi bà mất, trong những giấc mơ Hồng Nhung vẫn thường xuyên thấy bà về trò chuyện và xoa đầu Bống nhỏ bé của bà như những ngày xưa. Đêm nào mơ thấy bà về, tỉnh dậy Hồng Nhung cũng thấy nước mắt ướt đầy gối.
Hôn nhân của bố mẹ tan vỡ khi Hồng Nhung còn quá bé, nhưng có lẽ vì thế mà Hồng Nhung không cảm nhận được nhiều sự thiếu hụt khi sống trong một mái nhà không đủ cả bố cả mẹ. Ngoài những ngày cuối tuần được mẹ đến đón về chơi còn thì toàn bộ thời gian còn lại, thế giới của Hồng Nhung xoay quanh bố và ông bà nội. Khi ông bà nội lần lượt qua đời, bố trở thành người bạn gần gũi nhất, thân thiết nhất của Hồng Nhung.
Ông nghiêm khắc trong việc dạy dỗ, bảo ban Hồng Nhung nhưng cũng là một người bố chiều và thương con hiếm ai bằng. Ngày Hồng Nhung còn nhỏ, bố Hồng Nhung từng có lần bỏ ra phần lớn số tiền lương chỉ để mua thú nhồi bông cho con gái chơi. Đến lúc Hồng Nhung đến tuổi dậy thì, dù là một người đàn ông, nhưng bố vẫn quan tâm từng li, từng tí đến những thay đổi của con gái khi đến thời thiếu nữ.
Đi công tác xa về, ông không mua đồ chơi, bánh kẹo cho Hồng Nhung, nhưng mua cho Hồng Nhung cả một bao bông Bạch Tuyết để Hồng Nhung dùng dần trong những ngày khó nói của con gái.
Không như nhiều đứa trẻ khác luôn đặt ra những câu hỏi về sự tan vỡ của bố mẹ, từ bé Hồng Nhung đã tự đặt cho mình nguyên tắc sẽ không bao giờ hỏi về lý do chia tay của bố mẹ mình. Hồng Nhung luôn tin rằng, phải có một lý do chính đáng nào đó, bố và mẹ Hồng Nhung mới phải chia tay nhau, không thể tiếp tục sống với nhau nữa. Hồng Nhung tôn trọng những lý do đó của bố mẹ, dù nó có là lý do gì đi chăng nữa. Vì thế cô chưa từng nhắc lại với bố mẹ về câu chuyện buồn này, cũng chưa từng trách mẹ, hay cãi mẹ một lời.
Sớm chứng kiến sự đổ vỡ của những người vô cùng thân yêu của mình, rồi sau này chứng kiến sự đổ vỡ hôn nhân của nhiều bạn bè, đồng nghiệp, bản thân cũng từng một lần đổ vỡ, nên Hồng Nhung rất thận trọng trong việc gắn bó, ràng buộc với một người đàn ông khác trong cuộc sống sau này. Nói như vậy không có nghĩa là Hồng Nhung mất niềm tin vào hôn nhân, chỉ đơn giản là Hồng Nhung rất cầu toàn, rất muốn kỹ càng, cẩn trọng, để sự đổ vỡ đó không xảy ra thêm một lần nữa.
Học văn hóa trước khi học làm ca sĩ
Sinh ra trong một gia đình trí thức có nền tảng, được giáo dục cặn kẽ, thuở nhỏ Hồng Nhung đã bộc lộ năng khiếu văn chương rõ ràng. Cô là học sinh giỏi Văn của trường, từng được cử đi thi cấp thành phố rồi đi thi Học sinh giỏi Quốc gia.
Năm 1983, Hồng Nhung có tên trong danh sách những học sinh giỏi toàn thành phố, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng bằng khen. Cô là Học sinh Giỏi toàn diện trong 7 năm liên tục và tốt nghiệp PTCS với số điểm 36/40. Thấy Hồng Nhung có khiếu văn chương, viết lách, lại sinh ra trong một gia đình có truyền thống, nên cả nhà đều đinh ninh khi lớn lên Hồng Nhung sẽ theo sự nghiệp viết lách, văn chương. Nhưng cuối cùng nghề mà Hồng Nhung chọn và gắn bó cho đến giờ lại là nghề ca sĩ.
Năm 10 tuổi, Hồng Nhung thi tuyển vào đội Họa mi của Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội và trở thành thành viên của đội Họa mi. Lần đầu tiên đứng trên sân khấu năm đó cũng là lần đầu tiên Hồng Nhung mặc váy, điều đó khiến cô Bống 10 tuổi vô cùng căng thẳng, hồi hộp. Khi diện bộ váy đẹp ra đến giữa sân khấu, Hồng Nhung còn lo lắng kéo váy lên, cúi xuống nhìn để xem có gì sơ suất không. Hành động bột phát và dễ thương đó của Hồng Nhung đã khiến các khán giả nhí cười ồ.
Là thành viên của đội Họa mi, giọng hát trong trẻo của Hồng Nhung nhanh chóng được chú ý. Năm 11 tuổi, Hồng Nhung được tới Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh bài hát đầu tiên của mình: “Lời chào của em”. Đến giờ đó vẫn là kỉ niệm đẹp và đầy tự hào đối với Hồng Nhung. Bản thu thanh đó được gia đình Hồng Nhung lưu giữ đến tận bây giờ và vẫn được cả gia đình thi thoảng mang ra nghe lại. Sau những thành công đó, Hồng Nhung trở thành đại diện thiếu nhi của Thủ đô Hà Nội được đi lưu diễn nước ngoài, trở thành giọng hát thiếu nhi được vô cùng yêu mến tại Hà Nội lúc bấy giờ.
Nhờ tài năng sớm được phát hiện, nên Hồng Nhung có cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc và làm việc với những nhạc sĩ nổi tiếng ngay từ khi còn rất trẻ. Năm 15 tuổi cô làm việc với nhạc sĩ Dương Thụ, năm 17 tuổi làm việc với nhạc sĩ Quang Vinh, ngoài 20 tuổi vào Sài Gòn, Hồng Nhung may mắn gặp gỡ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và tạo nên một mối nhân duyên âm nhạc vô cùng đẹp đẽ sau này và cũng là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cuộc đời âm nhạc của Hồng Nhung, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cá tính âm nhạc và con đường âm nhạc của Hồng Nhung sau này.
Mối nhân duyên âm nhạc đẹp đẽ giữ Hồng Nhung và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Là giọng hát được yêu thích của thủ đô từ khi còn rất trẻ, sớm khẳng định được tài năng của mình, nhưng thời gian đầu Hồng Nhung không thực sự nhận được sự ủng hộ của bố khi quyết định đi theo con đường ca hát. Lo sợ con gái mải mê ca hát mà lơ là chuyện học hành, đi ngược lại với truyền thống gia đình nên bố Hồng Nhung bao giờ cũng rất nghiêm khắc với việc học hành của con gái và luôn yêu cầu con gái phải học thật giỏi trước khi hát hay.
Có lẽ vì sự nghiêm khắc của bố và vì ý thức được truyền thống gia đình, nên thời đi học, Hồng Nhung luôn là một học sinh giỏi. Để thuyết phục bố, Hồng Nhung thường mời bố đến những đêm nhạc mà cô tham gia biểu diễn. Nhờ sự kiên trì, khéo léo và lòng say mê với âm nhạc, Hồng Nhung đã thuyết phục được bố, khiến ông nhận ra rằng ca hát là lẽ sống, là chân lý, là con đường mà con gái ông đã chọn và sẽ theo đuổi đến cùng.
Nhưng ông vẫn nhờ bạn bè là những người có tri thức, có văn hóa đến nhà gặp gỡ và dạy dỗ con gái, để con gái ông có một nền tảng học vấn, văn hóa tốt nhất, vì bố Hồng Nhung luôn muốn dù là ca sĩ, thì con gái ông cũng phải là một ca sĩ có trình độ, có học vấn, có tầm hiểu biết không ai có thể chê trách được.
Học hết cấp 3, Hồng Nhung tạm dừng việc học để toàn tâm phát triển sự nghiệp ca hát. Cô theo bố vào Sài Gòn và bắt đầu trở thành ca sĩ tự do. Vào đến Sài Gòn, chính bố là người đã thuyết phục Hồng Nhung đi thi rồi theo học Khoa Anh ngữ của trường Đại học KHXH&NV TP. HCM. Rất có năng khiếu về ngoại ngữ, nên sau 4 năm học tốt nghiệp ra trường, Hồng Nhung đã có trong tay vốn ngoại ngữ kha khá, một vốn liếng rất tốt cho cô sau này.
Hồng Nhung chịu nhiều ảnh hưởng của bố: sự khéo léo, dịu dàng, cách cư xử giản dị, gần gũi, không màu mè là những điều cô học được từ bố. Dù là người nổi tiếng, chưa bao giờ Hồng Nhung có những biểu hiện của một “ngôi sao”. Cô sống nguyên tắc với bản thân mình và không bao giờ buông lỏng bản thân. Khi trở về nhà, sau ánh hào quang sân khấu, Hồng Nhung là một con người của gia đình, thích nấu nướng, thích những không gian yên tĩnh, chú trọng truyền thống, tình cảm gia đình.
“Bánh đúc có xương”: câu chuyện về tình yêu và sự gắn bó đặc biệt của mẹ kế - con chồng
Hồng Nhung có một tình yêu đặc biệt với người mẹ kế của mình, người mà cô vẫn gọi thân thiết là mẹ Mai. Bố mẹ Hồng Nhung chia tay nhau từ năm cô chưa đầy 2 tuổi, nhưng suốt 20 năm trời, bố Hồng Nhung sống cảnh gà trống nuôi con và dành những tình cảm yêu thương và tốt đẹp nhất của cuộc đời mình cho con gái.
Hồng Nhung và mẹ Mai
Năm Hồng Nhung 20 tuổi, khi cô đã vững vàng và dần khẳng định vị trí của mình trên con đường ca hát, bố Hồng Nhung mới nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình. Lần đầu tiên Hồng Nhung gặp mẹ Mai là khi cô vừa đi lưu diễn về. Khi bước vào nhà, gặp mẹ Mai đang ngồi với bố Viện, Hồng Nhung hiểu ngay rằng đây chính là người phụ nữ mà bố cô sẽ gắn bó sau này.
Ngày còn nhỏ giống như bao đứa trẻ khác, Hồng Nhung bị ám ảnh bởi những câu chuyện rùng mình về mẹ ghẻ - con chồng qua những câu chuyện Tấm Cám, Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn, Lọ Lem… Nhưng ở tuổi 20, khi suy nghĩ đã chín chắn, lại sớm tự lập, sớm giao tiếp nhiều với xã hội bên ngoài, nên Hồng Nhung đón nhận mẹ Mai vào gia đình mình một cách rất tự nhiên và vui vẻ, bởi Hồng Nhung hiểu bố cô cũng là người, cũng cần có một gia đình, một người vợ, đó là những cái mà một cô con gái không bao giờ có thể đem lại cho bố mình.
Hồng Nhung vẫn luôn tự hào về người mẹ kế của mình. Cô luôn nói cô may mắn vì cô gặp được người mẹ kế “bánh đúc có xương”, dù không chung dòng máu nhưng yêu thương con riêng của chồng hết mực. Ấn tượng đầu tiên của Hồng Nhung về mẹ Mai là một người phụ nữ trẻ trung, phúc hậu, có nụ cười ấm áp, thân thiện và gần gũi. Sau này khi về chung sống trong một gia đình, Hồng Nhung biết mình đã không sai khi nhận định về mẹ Mai như thế. Mẹ Mai hơn Hồng Nhung hơn 10 tuổi, nên vừa là mẹ, vừa là chị, vừa là bạn gái thân thiết của Hồng Nhung. Có chuyện gì hai mẹ con cũng tâm sự, chia sẻ với nhau.
Những lúc Hồng Nhung gặp khó khăn trong cuộc sống cũng như trong công việc, chính mẹ Mai là người động viên, chia sẻ, giúp Hồng Nhung thêm vững vàng. Khi Hồng Nhung vào Sài Gòn lập nghiệp, mẹ Mai là người lái xe đưa Hồng Nhung đi biểu diễn, quán xuyến những việc nhỏ bé, vụn vặt nhất để Hồng Nhung toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp ca hát.
Mẹ Mai cũng là người được Hồng Nhung tin tưởng nhờ quản lý mọi công việc của mình. Tình cảm chân thành của mẹ Mai và sự chăm sóc chu đáo như một người mẹ của mẹ Mai dành cho Hồng Nhung khiến cô Bống luôn cảm thấy mẹ Mai còn yêu thương mình hơn con ruột.
Đáp lại tình cảm của mẹ Mai, Hồng Nhung cũng rất lễ phép, ngoan ngoãn và hết mực yêu thương mẹ. Hai mẹ con đi đâu cũng ríu rít có nhau. Lúc ở gần nhau thì đi shopping, khi xa nhau thì gọi điện thoại “nấu cháo” tâm sự. Dù Hồng Nhung đã sống riêng, nhưng những ngày cuối tuần, mẹ Mai vẫn sang chơi và cùng Hồng Nhung xới xáo, trồng trọt và chăm sóc cho vườn rau sạch trong vườn nhà cô. Tình cảm thân thiết với người mẹ Mai chính là điều mà Hồng Nhung vô cùng tự hào và trân trọng trong cuộc đời mình.
Bất cứ ai gặp Hồng Nhung cũng đều phải trầm trồ ngạc nhiên vì Hồng Nhung ngày càng trẻ và đẹp, ngày càng duyên dáng và có phong cách trong ăn mặc. Ở tuổi ngoài 40, Hồng Nhung vẫn rạng rỡ, tươi tắn như một cô gái trẻ. Đó là nhờ nguyên tắc sống rất khoa học của Hồng Nhung. Hồng Nhung rất ý thức trong việc giữ gìn nhan sắc của mình. Cô không đi thẩm mỹ viện, không phụ thuộc vào thẩm mỹ, nhưng gần 20 năm nay, ngày nào Hồng Nhung cũng dành ra 1 tiếng để tập yoga. Là người yêu thích vẻ đẹp truyền thống và tự nhiên nên bạn sẽ không bao giờ thấy Hồng Nhung nhuộm tóc hay làm bất cứ điều gì thay đổi đột ngột với hình thức của mình. Ngoài việc ăn uống khoa học với chế độ dinh dưỡng có lợi cho nhan sắc và tập thể dục, Hồng Nhung tuyệt nhiên không lạm dụng các xu thế làm đẹp đang trở thành trào lưu bây giờ. Có lẽ bởi vậy mà giờ đây ai gặp Hồng Nhung cũng phải ngạc nhiên trước sự rực rỡ và duyên dáng của Hồng Nhung.
Nhưng như Hồng Nhung nói, sự trẻ trung mà Hồng Nhung có được là sự trẻ trung từ bên trong, là kết quả của không chỉ một chế độ sức khỏe hợp lý mà còn là sự hạnh phúc, viên mãn tuyệt đối trong cuộc sống gia đình. Là người khá kín tiếng trong chuyện tình cảm, Hồng Nhung rất ít khi chia sẻ chuyện tình yêu của mình với báo giới nên phải đến gần đây, Hồng Nhung mới công khai việc kết hôn với Kevin, chàng người yêu ngoại quốc mà Hồng Nhung gắn bó đã nhiều năm nay. Nhưng không vì thế mà Hồng Nhung hào hứng công khai chi tiết chuyện tình yêu và cuộc sống riêng của mình với báo chí.
Là người nổi tiếng nghĩa là phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều áp lực trong sự nghiệp cũng như trong các mối quan hệ, việc giữ gìn sự riêng tư của mình cũng chính là một cách mà Hồng Nhung bảo vệ “khu vườn yên tĩnh” của mình. Nơi đó là gia đình của Hồng Nhung, là nơi Hồng Nhung đi về, nơi Hồng Nhung yêu thương, là nơi Hồng Nhung luôn được là chính mình và luôn thấy bình yên khi ở trong khu vườn đó.
Theo Phunutoday