02/09/2015 05:10 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Một trong những đỉnh cao của sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Lưu Hữu Phước là bài Tiếng gọi thanh niên.
Ra đời trong bối cảnh lịch sử đầy bão táp của một thời kỳ chiến tranh và cách mạng, nó vừa có tính chất sáng tạo độc đáo, vừa mang ý nghĩa kế thừa sâu sắc. Nó là đòn chủ yếu góp phần dập tắt phong trào “vui vẻ trẻ trung” của một bộ phận thanh niên vùng đô thị đang dao động, đồng thời nó mở đầu cho phong trào ca hát “Thanh niên và lịch sử” trước hết trong hàng ngũ sinh viên và học sinh để rồi dần trở thành tiếng hát yêu nước và cách mạng của thanh niên từ Bắc chí Nam.
Nào anh em ơi! Tiến lên đến ngày giải phóng
Còn nhớ bài hát yêu nước đầu tiên được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước soạn, Giang sơn gấm vóc, là khi ông mới chỉ 14 tuổi (1935). Ông nhớ lại lúc ấy bài hát được ông cố tạo ra bằng óc tưởng tượng một hình ảnh tươi đẹp của đất nước, “đã biết mình phải làm gì đâu mà chỉ biết mang ơn anh hùng xưa”.
Nhưng đến đầu năm 1940 khi phong trào học sinh bắt đầu được phát động và phong trào lúc ấy đòi hỏi cần phải có một bài hành khúc thì nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã bắt tay vào viết bài hành khúc đầu tiên mà ông cho đây là cái mốc và phải bắt đầu từ cái mốc ấy mới xác định được phương hướng, đối tượng.
Lưu Hữu Phước cùng với Mai Văn Bộ đã soạn một bài hát chính thức cho Câu lạc bộ Học sinh (Scholar Club) của Trường Trung học Petrus Ký với nhan đề Hành khúc của thanh niên Nam Kỳ (Marche De La Jeunesse Cochinchinoise).
Sau này nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có nói rằng tuy bài hát được nhiều người chú ý nhưng “không đáng để lại” bởi bài này có lời tiếng Pháp cho nên “phổ biến không rộng lắm xuống trường tiểu học và vùng nông thôn”.
Nhưng Hành khúc của thanh niên Nam Kỳ lại được xem là tiền thân của Tiếng gọi thanh niên sau này.
Từ cuối năm 1939, tình hình chính trị thế giới và trong nước đã trải qua những biến động lớn. Tại Pháp, tháng 6/1940 Chính phủ Petain đầu hàng phát xít Đức. Tại Đông Dương, 3 tháng sau thực dân Pháp đầu hàng phát xít Nhật. Hai cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ đều bị đàn áp tàn khốc.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nhớ lại trong cuộc trò chuyện với nhà ngoại giao, người bạn thân thiết Mai Văn Bộ, rằng “Đầu năm 1941, hầu như ngày nào tờ báo lá cải L’Avenir Du Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ) cũng đăng tin tòa án đế quốc kết tội những người Việt Nam yêu nước.
Lần nào cũng có đồng bào bị kết án tử hình. Những anh hùng, liệt sĩ đó là ai? Xem tên tuổi thì thấy nhiều người cùng lứa tuổi với chúng ta, có khi còn rất trẻ, 17 hoặc 18 tuổi, nhiều lắm cũng trên hai mươi thôi. Thật là vô cùng đau xót! Nếu mình có mặt ở Nam Bộ lúc đó, biết đâu mình đã chẳng cùng một số phận với họ”.
Thời điểm mà những cuộc đàn áp tăng cao, những chiến sĩ cách mạng bị bắt bớ, tù đày, những trang báo lại tiếp tục kết án người Việt yêu nước đã khiến cho những người bạn như Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng rơi nước mắt.
Chính những giọt nước mắt ấy đã khiến họ nghĩ đến một bài hát kêu gọi khởi nghĩa. “Không có con đường nào xứng đáng cho thanh niên khác hơn là đứng lên quật ngã quân thù, giành lại độc lập tự do cho đất nước”, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nhớ lại.
Trong nhiều ngày, ý nghĩa sáng tác một bài hát kêu gọi khởi nghĩa đã nung nấu họ, đốt tim gan họ. Cả ba đã dùng một câu để làm mở đầu dù chưa có ý nhạc nào xuất hiện “Nào anh em ơi! Tiến lên đến ngày giải phóng!”. Họ đã thảo luận không biết bao nhiêu lần về câu mở đầu đó, “chỉ có khi ngủ mới quên đi thôi”.
Từ một cành hoa trà
Nhưng câu mở đầu ấy vẫn chưa làm nên bài hát. Cho dù cả nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và nhà ngoại giao Mai Văn Bộ làm việc hết sức nhưng nhạc và lời vẫn chưa đến. Nhưng rồi trong một đêm Chủ nhật tháng 4/1941 Mai Văn Bộ đem về tặng nhạc sĩ Lưu Hữu Phước một cành hoa trà.
Thật ra hoa trà là loại hoa mà cả hai đều không biết dù họ đọc say mê cuốn Trà hoa nữ của Alexandre Dumas. Hôm ấy nhà cách mạng Mai Văn Bộ ghé thăm đền Sóc Sơn và gặp ngay trước cửa đền một loài hoa rất đẹp, đỏ như hoa hồng nhưng cánh dày hơn, nhụy vàng óng ánh.
Khi biết đây là hoa trà ông đã đem về ngay cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước kèm theo một yêu cầu “Trước khi hoa tàn, Phước phải viết xong bài hát kêu gọi khởi nghĩa”.
Bị dồn vào chân tường, tối hôm ấy nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã hoàn thành xong bài hát lúc ấy mới chỉ có nhan đề Bài hát kêu gọi khởi nghĩa.
Soạn xong, những bạn bè của ông bị dựng dậy. Ông Mai Văn Bộ nhớ lại: “Nửa đêm, ba đứa chụm đầu lại, vừa nhìn xuống bài hát mới viết trên giấy, cả nhạc và lời, vừa hát với một tinh thần sảng khoái đặc biệt sôi nổi. Rồi họ lại xóa, lại sửa, khi thì một lời, lúc thì một nốt, rồi lại hát vang dậy cả góc phố” với những lời ca: “Vung gươm lên ta quyết đi tới cùng/Vung gươm lên ta thề đem hết lòng/Tiến lên đồng tiến sá chi đời sống/Chớ quên rằng ta là giống Lạc Hồng”...
Bỗng có tiếng gõ cửa. Cả nhóm im bặt. Mở cửa, thấy lấp ló thầy đội xếp. Nhưng ông này chỉ bảo: “Các cậu sinh viên Sài Gòn hát khẽ một tí. Cả khu phố bị đánh thức từ nửa đêm”! Dĩ nhiên ông ta không biết một bài hát lịch sử vừa được ra đời ngay trong căn nhà nhỏ ấy.
Lẽ ra một bài hát kêu gọi khởi nghĩa thì chỉ có thể là một bài hát bí mật, bí mật ghi chép, bí mật phổ biến… cho đến ngày khởi nghĩa. Thế nhưng số phận bắt nó đi theo một con đường khác. Bài hát này chỉ giữ bí mật được chừng một năm.
Vào lúc ấy, ở Hà Nội, các trường phổ thông lớn đều có bài hát riêng của mình vì thế sinh viên đại học cũng mong muốn có một bài cho họ.
Xem đây là thời cơ, nhà cách mạng Dương Đức Hiền nói nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nên chuyển lời bài hát vừa sáng tác sang cho sinh viên.
Lúc đầu, nhạc sĩ còn ngần ngại vì sợ làm hỏng tác dụng kêu gọi khởi nghĩa khi thời cơ đến nhưng ông Hiền cho rằng “Ta cứ đặt lời ca cho sinh viên hát công khai để phổ biến trước điệu nhạc, khi nào thời cơ đến ta sẽ đưa lời ca khởi nghĩa ra, mọi người sẽ hát được ngay”.
Và từ lúc này Bài hát kêu gọi khởi nghĩa đã trở thành Sinh viên hành khúc (hay Tiếng gọi sinh viên). Ngay trong lần đầu tiên ra mắt với phần chỉ huy của Trần Văn Khê và dàn nhạc Trường Đại học Đông Pháp, bài hát lập tức trở thành bài hát chính thức của Tổng hội Sinh viên Đông Dương, từ niên khóa 1942-1943.
Từ Sinh viên hành khúc cho đến khi phong trào chín muồi và cuộc nổi dậy giành chính quyền vào 19/8/1945 tại Hà Nội và sau đó ở Sài Gòn (25/8/1945), bài hát này đã trở thành Tiếng gọi thanh niên rồi Quốc dân hành khúc.
Để phổ biến tinh thần hơn nữa của bài hát này với ý tứ rút gọn và dễ nhớ, dễ hát, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã soạn thêm bài Lên đàng và bài hát này sau đó cũng nhanh chóng được phổ biến rộng khắp từ Bắc chí Nam, sang cả Lào và Campuchia.
Cũng từ đó, Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng… trở thành những bài hát kêu gọi trong các cuộc khởi nghĩa ở khắp nơi. Ngày 19/8 cả hai lại vang lên tại Hà Nội, còn tại Sài Gòn bài hát cũng được 50 nghìn đoàn viên Thanh niên Tiền phong với lời hiệu triệu của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch hát vang trời. Đó là buổi diễn tập quy mô lớn để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vào ngày 25/8 tại Sài Gòn.
Ông Mai Văn Bộ kể lại rằng cuộc đời ông chưa từng thấy một rừng người cùng nhau hát Thanh niên hành khúc, Lên đàng mà “lồng ngực căng lên, đôi mắt rực sáng niềm tin. Một rừng người hát. Một lần, hai lần… đã hát rồi hát lại nữa. Đã thét to lại thét to hơn nữa. Hai tiếng Việt Nam thân yêu không phải được hát mà được thét lên như sấm sét”.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất