“Bệnh viện” hóa 2 ĐTQG

13/09/2010 12:09 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Sỹ Cường rách gót chân, Duy Quang căng cơ đùi, trong khi Văn Quyến không thể tập luyện vì chấn thương xương sên và tràn dịch ở cổ chân. Đó là tình hình trên ĐTQG. Chuyện ở Olympic VN có lẽ còn thảm hơn, khi Đắc Khánh đã phải nói lời chia tay (chấn thương cơ bụng trong), còn Văn Khải, Vũ Anh Tuấn…, tập tễnh với cái cổ chân sưng vù cùng vẻ mặt nhăn nhó vì đau đớn.

Từ vài năm nay, người ta đã quen với khái niệm “bệnh viện” trên tuyển, ý muốn đề cập đến những ca chấn thương của các cầu thủ. Nặng nhẹ ở mức độ khác nhau, trong đó, người may mắn có thể được đặc cách tập luyện với chế độ riêng, chờ ngày hồi phục; kẻ xui rủi thì bị trả về địa phương. Tất nhiên, đây là điều không ai mong đợi!

Vì đâu và vì sao?


Theo người trong cuộc, việc thay đổi quá đột ngột giáo án tập luyện khi lên tuyển, là căn nguyên của vấn đề. Theo đó, các cầu thủ sau một thời gian ngắn nghỉ xả hơi (thời điểm mùa bóng đã kết thúc) khó thể thích ứng ngay với cường độ vận động mạnh trong giáo án (có phần hà khắc) của HLV Calisto.



Với những pha tranh bóng thế này, nguy cơ xảy ra chấn thương là khá cao

Tất cả đều biết, thuyền trưởng người Bồ luôn đòi hỏi tính chiến đấu rất cao, không chỉ khi lâm trận, mà ngay cả các buổi tập thông thường cũng thế. Chỉ cần nhấc chân, bỏ bóng hoặc thiếu tích cực trong tranh chấp, là bị ông thầy người Bồ la mắng, thậm chí phạt luôn.

Với những người có tiền sử chấn thương, khả năng tái phát hoặc thậm chí bị nặng hơn, là cực lớn. Văn Quyến ở ĐTQG và Đắc Khánh trong màu áo Olympic VN là những ví dụ. Trước đây, Tài Em hay Minh Phương cũng từng có lúc phải tạm nghỉ tập luyện và thi đấu vì lý do này. Như Thành trước thềm AFF Suzuki Cup 2008 đã phải cần rất nhiều những đặc cách trong giáo án tập luyện, hòng tránh những hậu họa…


Có thể thấy, việc sân bãi không (hoặc chưa) đảm bảo yêu cầu, chỉ là một phần của lý do. Ví như mặt cỏ các sân tập ở Thành Long (sân số 1 và 2) chưa được cắt tỉa gọn ghẽ và cái nền lại xốp vì quá nhiều cát phía dưới. Nếu không khởi động (cổ chân) thật kỹ, chuyện lật cổ chân có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khi cầu thủ mất trụ. Anh Tuấn và Văn Khải là những tình huống như thế. Văn Khải thậm chí đã không thể gượng dậy được sau cú tắc bóng của đồng đội ở một buổi tập thi đấu đối kháng.


Chỉ có thể giảm, chứ không thể ngắt


Theo HLV Calisto, lý do quá tải dẫn đến chấn thương là không thuyết phục?! Thuyền trưởng người Bồ lấy ví dụ từ các nền bóng đá cựu lục địa, nơi tuyển thủ QG phải chơi rất nhiều các mặt trận, với mật độ dày đặc suốt cả thời gian dài. Nhưng ông Calisto có lẽ đã quên mất một điều cơ bản, rằng thể trạng của người Việt không giàu sức chịu đựng đến thế. Đó là chưa kể đến tính chuyên nghiệp – kiêng khem trong sinh hoạt của cầu thủ VN còn tương đối thấp. Hơn nữa, chúng ta đã và không có một cơ chế chuyên nghiệp với đội ngũ các bác sỹ chuyên khoa thể thao ở cấp CLB. Cầu thủ thường không được chăm sóc một cách chu đáo ở thời kỳ đầu gặp chấn thương, cho đến khi nó phát tác. Rất nhiều người đã phải tận dụng khoảng thời gian lên tuyển, để nhờ các bác sỹ ĐT chẩn đoán và đưa phương án điều trị. E rằng, tới lúc ấy đã quá muộn!


Với tính-cách-bóng-đá kiểu HLV Calisto, chúng ta chỉ có thể hạn chế các ca chấn thương (tùy sự khôn ngoan của các cầu thủ), chứ không thể ngắt mạch các ca tái phát hoặc tai nạn, trong quá trình tập luyện. Đến lúc này, “trời kêu ai nấy dạ” vậy. Nghe hơi khắc nghiệt, nhưng nó là bản chất rất đặc thù của nghề.


TÙY PHONG

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm