Hội Tiên La – di tích xếp hạng quốc gia và những điều trông thấy

13/04/2009 11:32 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hội Tiên La là một trong những lễ hội lớn của miền Bắc, đền thờ Đông Nhung Bát Nàn tướng quân, vốn nổi tiếng về sự linh thiêng nên luôn thu hút được đông đảo khách thập phương tới dự lễ hội. Tuy nhiên, những điều mà du khách chứng kiến từ chính việc quản lý của Ban quản lí lễ hội lại làm cho du khách bất bình.
 
Cảnh chen chúc, xô đẩy nhau trên đường vào lễ hội

Đền Tiên La (Tiên La Linh Từ) nằm ở thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đây là di tích xếp hạng cấp quốc gia, đền thờ Đông Nhung Bát Nàn tướng quân - một nữ tướng của Hai Bà Trưng. Người chỉ huy nghĩa quân Đa Cương, đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Hán. Đền thờ được lập ngay tại nơi bà và nghĩa quân hy sinh. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào trung tuần tháng 3 âm lịch. 

Tương truyền rằng bà Bát (hiệu Đông Nhung Bát Nàn tướng quân) quê miền ngược, Tiên La là nơi chôn giữ xác của bà. Dân gian truyền tụng nhau, hàng năm vào những ngày đâu tháng ba âm lịch từ ngày 8 đến ngày 12, sẽ có gió Đông Bắc và có mưa để đưa bà về đền, người ta gọi những hiện tượng tự nhiên đó là bà Bát về đền. Còn sau ngày giỗ chính (17/3) mấy ngày sẽ có gió Tây Nam cùng mưa, người ta gọi đó là mưa rửa đền để tiễn bà đi, đó cũng chính là lúc kết thúc lễ hội đền Tiên La. Hàng năm, các hiện tượng tự nhiên cứ lặp đi, lặp lại giống như một quy luật. Vì vậy, tiếng đồn về sự linh thiêng của đền ngày càng vang xa, thu hút khách thập phương về dự lễ hội. Năm nay, kỷ niệm 196 năm ngày giỗ Thánh Mẫu Đông Nhung Bát Nàn đại tướng quân, mặc dù chưa tới hội chính nhưng lượng khách thập phương về dự lễ hội rất đông.
 
Trạm ba - ri - e tự tạo của Ban quản lí lễ hội
 
Tuy nhiên, du khách lại chứng kiến rất nhiều những cảnh tượng không mấy bắt mắt từ chính Ban quản lí lễ hội. Cách đền khoảng 1 km, từ tất cả các ngả đường để vào đến đều có các trạm ba – ri – e, tự tạo của Ban quản lí lễ hội, mà ở đây chính là UBND xã để ngăn không cho tất cả các loại xe vào bên trong lễ hội. Đó là việc làm khoa học của Ban quản lí lễ hội, nếu không có việc những người trong Ban quản lí tỏ ra quan liêu, cứng nhắc trong các tình huống xảy ra. Những vụ cãi nhau, cầm gạch, đá ném nhau giữa người làm công tác Quản lí với những đi đường, người mà trong thời gian diễn ra lễ hội phải đi qua quãng đường qua đền. Mỗi người một lý, ai cũng có cái lý của mình, người của Ban quản lí thì bắt tất cả các loại xe từ xe máy, xe đạp đến ô tô phải gửi xe ở bãi gửi xe của Ban quản lý, còn người đi đường thì không gửi mà nhất quyết đi xe vào bên trong bởi cái lý mà họ đưa ra là họ không vào đền, họ chỉ đi qua đó để đến những nơi khác. Những câu chửi, những lời nói thô tục, những pha giằng co những chiếc xe… để “chào đón” các vị khách thập phương đến dự lễ hội trước khi vào lễ hội làm du khách thập phương không khỏi không chú ý mà xúm năm tụm ba để theo dõi xem ai thắng ai?...
 
Một em bé khóc vì bị lạc do đám đông chen lẫn, xô đẩy
 
Ở các trạm ba – ri – e tự tạo, tụ tập rất nhiều các thành viên của Ban quản lí lễ hội để canh không cho các loại xe vào trong khu lễ hội và bắt buộc tất cả mọi người phải gửi xe tại bãi giữ xe của Ban quản lí với mức vé 5.000 đồng một xe máy. Trong khi đó, ở khu vực cầu vào đền lại xảy ra tình trạng ùn tắc, chen lấn, xô đẩy để móc túi khách thập phương lại không có một ai trong Ban quản lí đứng ra phân luồng giao thông. Người người chen lấn, xô đẩy, những mâm lễ bị rơi đổ và bị giẫm nát, những tiếng chửi rủa, những tiếng khóc của các em bé bị lạc mất người thân, những du khách bị xô đẩy ngã xuống sông và cả những tiếng cười, những tràng pháo tay của những kẻ quá khích mỗi khi họ xô đẩy được một ai đó ngã dấp dúi…Một sự hỗn loạn chưa từng xảy ra tại các lễ hội, kể cả đó là các lễ hội lớn như Chùa Hương, Yên Tử, Đồng Bằng Cổ Tuyết…
 
Một trong các chiếu hầu đồng trước cửa đền
 
Trong chùa, cái mà du khách nhìn thấy nhiều nhất đó là những chiếu trình trầu, những chiếu lên đồng của các ông đồng, bà đồng bày la liệt trong các cung, các ban thờ từ trong đền cho tới ngoài sân. Đoàn này kết thúc là tới đoàn khác vào thế chỗ, sau khi hầu hết được tất cả các giá của một đoàn hầu đồng cũng kéo dài từ 3 đến 4 tiếng. Để có được những chỗ như vậy, các đoàn phải đăng ký và trả cho Ban quản lí một số tiền nhất định. Đó chính là lí do vì sao mà lễ hội ở đây có rất nhiều các chiếu lên đồng, chiếu trình trầu mà các lễ hội khác không có. Không hiểu những tiền đó vào túi những ai?
 
Hàng quán trong sân đền
Giả tàn tật để xin tiền du khách
 
Hai bên đường, cũng như vào trong sân đền, hàng quán bày la liệt, từ hàng ăn uống cho tới những thứ đồ chơi cho trẻ nhỏ. Đó còn chưa kể tới những thủ đoạn chặt chém, “treo đầu dê bán thịt chó” của những ông chủ, bà chủ nơi đây. Bởi theo họ thì một năm mới có một lần lễ hội, họ cũng phải thuê chỗ bán hàng nên họ phải kinh doanh sao cho có lãi. Một loạt các dịch vụ ăn theo như tán thẻ, xem tướng, bói toán, đổi tiền lẻ cũng dạt vào tận trước cửa đền. Tìm khắp cả khu lễ hội, du khách cũng không thấy một trò chơi dân gian nào nhưng những trò chơi để lừa khách thập phương lại bày ra la liệt như chơi xấp - ngửa, một – hai, phi tiêu trúng thưởng, úp thau có thưởng…Chỗ nào cũng tụ tập rất đông người, nếu ai không biết thì dễ bị lừa vào chơi bởi nhìn có vẻ như rất dễ để trúng thưởng nhưng tinh ý một chút là có thể nhận ra ngay đó là những tay cò mồi để dụ khách vào chơi. Có không ít du khách bị lừa gạt với những trò tưởng chừng như dễ chơi, dễ thắng này.

Một trong số các trò moi tiền du khách
 
Một tiếng trước đi qua cầu còn chen lấn, xô đẩy nhưng sau đó thì “vắng tanh như chùa bà đanh” bởi ai cũng có tâm lý vào lễ cho nhanh để về. Thiết nghĩ, lễ hội đền Tiên La chỉ là lễ, còn hội thì còn phải xem xét lại từ chính những người trong Ban quản lý lễ hội.

Nguyễn Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm