30/11/2019 21:01 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 30/11, tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo khoa học "Hành cung Lỗ Giang, Hưng Hà, Thái Bình trong lịch sử nhà Trần".
Tham gia hội thảo có hơn 20 chuyên gia, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đến từ các viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bảo tàng lịch sử Quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng 7 nhà khoa học quốc tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,...
Hội thảo tập trung vào 3 vấn đề lớn, đó là công bố và đánh giá kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học Khu di tích Hành cung Lỗ Giang; nghiên cứu, so sánh, nhận diện vai trò, giá trị và tầm quan trọng của Hành cung Lỗ Giang trong lịch sử nhà Trần; bảo tồn, quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích này.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đều thống nhất đánh giá cao kết quả khai quật khảo cổ học, đồng thuận với ý kiến đánh giá của Viện nghiên cứu Kinh thành và khẳng định đây là phát hiện mới, rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu về Hành cung Lỗ Giang, về lịch sử nhà Trần, góp phần khẳng định và làm sáng rõ những giá trị di sản, văn hóa vô giá của nhà Trần ở vùng đất Long Hưng xưa - Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay. Tham luận của các nhà khoa học cũng tiếp tục chỉ ra rằng Long Hưng, tên đặt cho vùng đất này, nhằm chỉ vùng mà sử sách thường gọi là đất phát tích nhà Trần. Hành cung Lỗ Giang phát hiện tại xã Hồng Minh ngày nay vốn xưa nằm trên đất Long Hưng, cách không xa khu lăng mộ hoàng tộc nhà Trần nay thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Đây là hành cung có vai trò quan trọng trong lịch sử nhà Trần và kinh đô Thăng Long...
Các nhà khoa học cũng kiến nghị cần tiếp tục triển khai dự án khai quật, nghiên cứu, khảo cổ học Khu di tích Hành cung Lỗ Giang mang tính tổng thể với quy mô lớn nhằm làm rõ diện mạo, quy mô và giá trị, làm cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích và đề xuất xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích Quốc gia và di tích Quốc gia đặc biệt; đề xuất bảo tồn, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Hành cung Lỗ Giang với các giải pháp khá cụ thể, sắc đáng.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cho biết, năm 2014, từ những manh mối ghi chép ngắn ngủi trong sử cũ, các nhà khảo cổ học của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, nay là Viện Nghiên cứu Kinh thành, đã lần tìm và phát hiện ra di tích Hành cung Lỗ Giang của nhà Trần ngay tại khu vực đền Thái hay Thái lăng thuộc xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) ngày nay... Từ năm 2014 đến 2017, tại Hành cung Lỗ Giang, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tiến hành ba cuộc khai quật khảo cổ học, phát hiện được nhiều loại hình di tích, di vật thời Trần, từng bước chứng minh về lịch sử xây dựng Hành cung Lỗ Giang của nhà Trần.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cho rằng, việc phát hiện Hành cung Lỗ Giang rất quan trọng và có ý nghĩa lớn trong việc nghiên cứu về lịch sử nhà Trần tại vùng đất Hưng Hà - Thái Bình. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học khẳng định rằng, đền Thái là vị trí của Hành cung Lỗ Giang xưa dưới thời vua Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông, nơi đây cũng là Hành cung Kiến Xương vào thời vua Trần Hiến Tông... Việc phát hiện khảo cổ học đã cho mọi người biết đến nhiều hơn về Hành cung Lỗ Giang, một hành cung lớn và quan trọng của triều đại nhà Trần tại vùng đất Long Hưng xưa. Điều đó cho thấy, Hưng Hà không chỉ là nơi dấy nghiệp đế vương, nơi đặt lăng mộ của các vua đầu triều Trần mà còn là nơi dựng đặt hai hành cung quan trọng để triều đình sử dụng vào các công việc lớn của đất nước...
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Lĩnh cho rằng, hội thảo khoa học có ý nghĩa rất quan trọng đối với huyện Hưng Hà và tỉnh Thái Bình. Tính chất, quy mô của hội thảo được xem là sự kiện khoa học, chính trị quan trọng của tỉnh Thái Bình năm 2019. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học ở Khu di tích Hành cung Lỗ Giang từ năm 2014 đến năm 2017 đã góp phần làm sống dậy một phần lịch sử quan trọng của Hành cung Lỗ Giang. Mặc dù vậy, do mới khai quật, nghiên cứu, khảo cổ học trong diện tích nhỏ nên nhiều di tích chưa xuất lộ tổng thể.
Nhận thức rõ tầm quan trọng và giá trị đặc biệt của phát hiện khảo cổ học về Hành cung Lỗ Giang, từ năm 2016, UBND tỉnh Thái Bình đã đồng ý tiếp tục tổ chức khai quật, nghiên cứu khảo cổ học; các giai đoạn tiếp theo Khu di tích Hành cung Lỗ Giang trong điều kiện và khả năng có thể của các nhà chuyên môn, khai quật phát lộ đến đâu phải có biện pháp bảo vệ đến đó.
Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Hưng Hà, phối hợp với Viện nghiên cứu Kinh thành, các cơ quan nghiên cứu xây dựng dự án điều tra, khai quật và nghiên cứu khảo cổ học tổng thể Khu di tích Hành cung Lỗ Giang giai đoạn 2018 - 2020 và dự án bảo tồn cấp thiết di tích kiến trúc thời Trần dưới mái che tại đền Thái và các di tích đã xuất lộ ở Lăng Sa Trong, Lăng Sa Ngoài; lập phương án thu hồi đất Khu di tích Hành cung Lỗ Giang nhằm phục vụ cho công tác khai quật, quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, sau hội thảo này, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Hưng Hà, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ nói trên, trước mắt tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích Quốc gia và xây dựng dự án đầu tư xây dựng, quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Hành cung Lỗ Giang.
Nguyễn Công Hải/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất