Hội sách TP.HCM lần 10: Quy mô, nhưng thiếu 'đại gia'

27/03/2018 07:27 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Diễn ra từ 18 - 25/3 tại công viên Lê Văn Tám, hội sách TP HCM lần 10 đã trở thành sự kiện lớn nhất trong năm của ngành xuất bản và phát hành sách tại đây. Và, rất nhiều người đã kỳ vọng rằng tuần lễ ấy sẽ là ngày hội thật sự của văn hóa đọc.

Và, cũng bởi chủ trương “hội là chính” nên dù có rất nhiều không gian dành cho việc mua bán, trao đổi sách, trao đổi bản quyền nhưng Ban tổ chức vẫn lấy tên gọi là “Hội sách”, chứ không phải “hội chợ sách” cho sự kiện này.

Quy mô nhất

Hội sách lần này mang chủ đề Sách - Văn hóa - Hội nhập và Phát triển. Đây là sự kiện được tổ chức định kỳ 2 năm một lần tại TP.HCM. Tuy nhiên, với quy mô lớn nhất trong 18 năm qua, nhiều người đã cho rằng hội sách lần này đã thật sự đạt tới quy mô quốc gia.

Khoảng 300.000 đầu sách, khoảng 3 triệu bản sách có mặt trong hội sách lần này đến từ 180 NXB, doanh nghiệp phát hành sách, các công ty văn hóa truyền thông trong cả nước và 40 NXB nước ngoài như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản… Và hội sách cũng được mở rộng tới 900 gian hàng tiêu chuẩn, tăng 27% so với hội sách lần 9. Nói như lời ông Trương Văn Hiền, Trưởng ban tổ chức Hội sách, sự kiện này hướng đến việc mở ra một không gian sách chuyên nghệp và chuyên ngành với sự phân loại cao.

Chú thích ảnh
Độc giả lựa chọn sách tại Hội sách TP.HCM lần thứ 10

Ngoài việc mua bán trao đổi sách, nhiều hoạt động cũng được triển khai tại các khu vực bên ngoài khu vực triển lãm sách và hình ảnh, khu vực đọc sách miễn phí và khu vui chơi của trẻ em, khu vực sách điện tử…Với những đổi mới ấy, hội sách cũng gây một số ấn tượng với những người tham gia.

Điển hình, nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Tiến Văn, người từng tham gia đủ 10 hội sách trong 20 năm qua, nhận xét: “Theo quan sát của tôi thì hội sách lần này có hai dấu hiệu đáng mừng về người tham dự. Thứ nhất, số lượng các bạn trẻ mà đặc biệt là học sinh, sinh viên tham gia đông hơn mọi lần trước. Thứ hai, tỉ lệ phụ nữ đi hội sách không kém gì nam nếu không muốn nói là nhiều hơn”.

Thống kê sơ bộ cho biết, tổng doanh thu của Hội sách TP.HCM lần 10 đạt khoảng 60 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2016. Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, hầu hết các gian hàng của các đơn vị liên kết xuất bản dự hội sách đều nói rằng họ có doanh thu tốt hơn lần trước. Điển hình, ông Lê Văn Hợp, chủ của Sách cũ Hà Thành cho: biết đây là lần thứ hai nhà sách của ông tham gia hội sách, và năm nay số lượng bạn đọc tìm đến gian hàng của ông tăng lên rất nhiều so với lần trước. Thậm chí có rất nhiều khách hàng bỏ ra vài triệu đồng chỉ để mua riêng sách tại gian hàng của ông.

Bên cạnh đó, gần 100 chương trình hoạt động giao lưu, tọa đàm, giới thiệu tác giả, tác phẩm diễn ra xuyên suốt hội sách. Trong số này nhiều hoạt động mang tính chiều sâu và cả những hoạt động thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng như sự kiện ra mắt cuốn sách Bão lửa U23 - Thường Châu tuyết trắng, ký tặng sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hay các sự kiện giao lưu của các tác giả trẻ ăn khách hiện nay như Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao…

Đơn cử, vào sáng 24/3, tại gian hàng NXB Trẻ, hàng trăm độc giả đã nhiệt tình xếp hàng rồng rắn suốt nhiều tiếng đồng hồ để xin chữ ký của tác giả Nguyễn Nhật Ánh - dù phía tổ chức đã quy định chỉ dành điều này cho 300 bạn đọc đã bốc thăm (mỗi người chỉ xin chữ ký tối đa hai cuốn).

Chú thích ảnh
Một khách hàng trẻ kéo cả vali đi mua sách

… nhưng vắng mặt nhiều “đại gia” ngành sách

Điều đáng lấy làm tiếc cho hội sách lần 10 này là sự vắng mặt của Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, một trong những “đại gia” thật sự của ngành sách trong nước với mảng sách chuyên về văn học và khảo cứu văn hóa. Sự vắng mặt đó làm nhiều bạn đọc ngẩn ngơ như nhà thơ, nhà báo Du Nguyên chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Đi hội sách, mục đích là tìm Mơ Lam Kinh của Đinh Phương nhưng tìm mãi không thấy Nhã Nam ở đâu”.

Cùng với đó một số NXB có uy tín về mặt chuyên môn, chuyên ngành như NXB Tri Thức hay NXB Hội Nhà văn… cũng không tham gia hội sách lần này. Chia sẻ tại cuộc họp báo ngày 14/3, ông Phạm Minh Thuận, Phó trưởng ban thường trực tổ chức hội sách, cho biết: “Không riêng gì năm nay mà các hội sách lần trước cũng đã thấy dấu hiệu các đơn vị, nhà sách liên kết dần thế chỗ cho các NXB nhà nước tại hội chợ. Điều này xuất phát một phần cũng từ sự lựa chọn của khách hàng”. Dù vậy, rõ ràng sự vắng bóng của những NXB có uy tín cũng là điều đáng tiếc.

Thêm vào đó, dù đây là hội sách quy mô nhất, nhưng do thời tiết nắng nóng của những ngày cuối tháng Ba ở Sài Gòn, cộng cùng những sự kiện buồn (như vụ cháy chung cư Carina Plaza) khiến dòng người tham gia những ngày đầu của hội sách chưa thật đông. Phải đến hai ngày cuối của hội sách, cùng với hoạt động khuyến mại mạnh mẽ, lượng người đến đây mới tăng lên. Hiện tượng kẹt xe ở những tuyến đường như Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu vốn là một “đặc sản” của hội sách những lần trước, cũng chỉ diễn ra trong hai ngày ấy.

Bởi thế, vẫn khó có thể nói rằng Hội sách TP.HCM lần 10 đã đạt tới sự hoàn hảo trong tổ chức. Theo phía tổ chức, trong thời gian tới, cộng đồng xuất bản tại đây sẽ gắng tổ chức một buổi hội thảo để đánh giá trọn vẹn 10 lần diễn ra của sự kiện này. Hy vọng, thêm những kinh nghiệm sẽ được rút ra, để hội sách tiếp tục được tổ chức một cách phù hợp nhất với nhu cầu của thị trường và độc giả.

Hội sách TP.HCM lần 10: Yếu tố người yêu sách quyết định thành công

Hội sách TP.HCM lần 10: Yếu tố người yêu sách quyết định thành công

Sáng ngày 14/3, tại sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM đã diễn ra buổi họp báo Hội sách thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X diễn ra tại công viên Lê Văn Tám, quận 1 từ ngày 19 – 25/3/2018.

Văn Đồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm