Roy Hodgson & hành trình trở lại với 4-4-2

07/06/2012 16:55 GMT+7 | Bảng D

(TT&VH) - Roy Hodgson có vẻ đang hài lòng với hệ thống 4-4-2 thận trọng khiến tuyển Anh của ông khó bị đánh bại, nhưng liệu nó có thực sự hiệu quả ở vòng chung kết Euro?

Kể từ năm 1966, bóng đá cấp độ đội tuyển quốc gia của Anh đã thay đổi vĩnh viễn. Alf Ramsey dẫn dắt đội bóng không có những tiền vệ cánh giỏi đăng quang ở World Cup và Allen Wade bắt đầu viết cuốn Giáo khoa về huấn luyện bóng đá cho LĐBĐ Anh (FA), được xuất bản một năm sau đó, cuốn sách dần trở thành Thánh kinh cho nhiều thế hệ HLV bóng đá xứ sương mù.

Từ sách giáo khoa đến thực tiễn

Ít người biết đến tên tuổi Wade bên ngoài giới HLV, nhưng ông có lẽ là lý thuyết gia bóng đá giàu ảnh hưởng nhất ở Anh kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Những cuốn sách và bài giảng của ông đã hình thành nên tư duy bóng đá cho những người như Bobby Robson, Dave Sexton, Don Howe và cả Hodgson.

Wade cho rằng một đội bóng là một hệ thống đồng nhất, hành vi của một cầu thủ sẽ ảnh hưởng tới tất cả những người khác. Ý tưởng đó xuất phát từ hệ thống kèm người khu vực phát triển tại Brazil một thập kỷ trước. Còn tại Kiev, Viktor Maslov cũng đồng thời đi đến một kết luận tương tự, giống như Rinus Michels ở Amsterdam. Từ ba chiến lược gia kinh điển đó, với nhận thức về tính hợp nhất của một đội bóng, cùng những cách áp dụng khác nhau, đã cho ra đời những phong cách bóng đá khác nhau, khởi đầu cho một giai đoạn điển hình của lịch sử bóng đá châu Âu. Phía bắc là kèm người khu vực và chơi theo hệ thống. Phía nam là kèm người cá nhân, libero và sự ngẫu hứng của các cá nhân.

Tuy nhiên, Wade hiểu rằng những hiểu biết của giới huấn luyện vẫn còn quá mơ hồ với hầu hết các cầu thủ và ông đã cố gắng hết sức để triển khai ý tưởng của mình trong những trận đấu thực tế. Cuốn Giáo khoa trở thành một tác phẩm kinh điển về triết học bóng đá và các hệ thống chiến thuật. Wade đề nghị tuyển Anh chơi kèm người khu vực và khẳng định tầm quan trọng của những đường bóng chéo sân cũng như việc hoán đổi vị trí. Ông đề cao việc sở hữu bóng trong khi thừa nhận rằng đôi lúc phải chấp nhận chơi phòng ngự để giải tỏa áp lực.

Roy Hodgson - Ảnh: Getty

Cách mạng ở Thụy Điển

Bobby Houghton, một cựu cầu thủ của Fulham và Brighton, tốt nghiệp khóa học của Wade với điểm số cao nhất. Ông bắt đầu làm HLV kiêm cầu thủ cho Maidstone vào năm 1971 và đã chỉ định một người trợ lý kiêm cầu thủ từng là bạn học rất hứa hẹn của ông ở lớp của Wade: Roy Hodgson.

Houghton đến Thụy Điển dẫn dắt Malmo năm 1974 và 2 năm sau đó, Hodgson tới Halmstad. Ở đó, họ đã cùng nhau áp dụng những phương pháp của Wade. Cùng lúc, LĐBĐ Thụy Điển, sau khi đội tuyển nước này không thể vượt qua vòng bảng World Cup 1970, đã bổ nhiệm một giám đốc kỹ thuật, Lars Arnesson, làm việc bên cạnh HLV đội tuyển quốc gia Georg Aby-Ericson. Arnesson tiến hành nhiều nghiên cứu tổng thể với bóng đá Thụy Điển và quyết định rằng họ nên học theo hệ thống Đức với một libero.

Houghton và Hodgson, ngược lại, sử dụng hệ thống kèm người khu vực, tạo sức ép liên tục và bẫy việt vị. Các đội bóng của họ chơi phòng ngự phản công, không phải theo cách của người Hà Lan hay Dynamo Kiev, nhưng với những đường chuyền dài xuyên thẳng vào hàng thủ đối phương. Theo học giả Thụy Điển Tomas Peterson, “họ tạo dựng nên một số nguyên tắc… về cách chơi bóng đá. Mỗi khoảnh khắc trong trận đấu đều được lý thuyết hóa và biến thành thực tiễn trong các bài tập hàng ngày, để đặt tất cả vào trong một tổng thể có tính dự báo trước cao”.

Điều đó, theo Arnesen, “giết chết sự sáng tạo và biến cầu thủ thành những con robot”, và trong khi những người chỉ trích gọi phong cách Anh là “phản con người”, cuộc tranh luận về vẻ đẹp trong bóng đá hay thành tích cần được ưu tiên cũng bắt đầu bùng phát. Peterson so sánh hai trường phái như một bức họa của Picasso và một bức tranh phong cảnh theo trường phái kinh điển.

Hodgson: Eriksson chỉ bắt chước tôi!

“Điều mà Bobby (Houghton) và tôi giới thiệu ở Thụy Điển không hẳn là “bóng đá kiểu Anh”, dù nhìn bề ngoài thì những đường chuyền dài có vẻ là như vậy. Hệ thống phòng ngự của chúng tôi khác”, Hodgson nhớ lại. “Thay vì chơi với một đội hình rời rạc khắp sân với một libero chiếm giữ khu cấm địa và một trung phong không bao giờ lùi về phần sân nhà, chúng tôi hình thành hệ thống phòng ngự khu vực, một hàng thủ 4 người, đẩy cao hoặc lùi về tùy theo tình huống, tất cả cùng lúc, rồi đưa bóng càng nhanh càng tốt sang gần cầu môn đối phương.

“Điều thú vị là trong năm đầu tiên ở Halmstad, chúng tôi không chỉ vô địch mà còn ghi được 57 bàn trong 26 trận. Tôi cho rằng đó là thành tích chỉ có một lần trong bóng đá Thụy Điển. Nhưng người Thụy Điển không thích việc nền bóng đá của họ bị thống trị bởi các HLV Anh. Bobby vô địch các năm 1974 và 1975, còn tôi năm 1976, rồi ông ấy 1977, rồi tôi 1979. Mãi cho tới khi (Sven-Goran) Eriksson xuất hiện vào những năm 1980 ở Gothenburg, họ mới lại có thể nói về phong cách Thụy Điển, nhưng tôi không chắc là Eriksson có phong cách Thụy Điển. Thực ra, tôi cho rằng ông ấy chỉ copy lại chính xác những gì chúng tôi đã làm”.

Thật vậy, Eriksson là một chiến lược gia chịu nhiều ảnh hưởng từ Anh, từng theo học việc với Bobby Robson ở Ipswich trước khi nhận việc ở Gothenburg. Sau hai lần về nhì, ông giành cú ăn ba vô địch Thụy Điển, Cúp quốc gia và Cúp UEFA năm 1982, chấm dứt cuộc tranh luận 3 thập kỷ trước đó. “Svennis sử dụng chúng tôi không khác những quân cờ trên sân bóng”, tiền vệ Glenn Schiller nói “Cậu đứng đây, rồi cậu chạy đến đây…, cứ thế. Vấn đề lớn nhất, theo ông ấy, là tương thích các quân cờ với nhau để chúng di chuyển một cách nhịp nhàng với hàng thủ là then chốt. Khi tấn công, chúng tôi được quyền tự do hơn, nhưng khi phòng ngự thì đòi hỏi về vị trí và kỷ luật chiến thuật là hết sức nghiêm khắc”.

Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm