Học được nhiều điều từ những tranh biếm

02/04/2010 10:10 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Được tổ chức 2 năm 1 lần, bắt đầu từ năm 2008 theo sáng kiến của báo Thể thao & Văn hóa, dưới sự bảo trợ của Hội Nhà báo Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam, chiều qua (1/4) sau hơn 5 tháng phát động, Lễ tổng kết, trao giải và Triển lãm giải Biếm họa báo chí VN lần II - Cúp Rồng tre với chủ đề Giao thông thời... hội nhập đã chính thức khai mạc tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.

Khẳng định sức mạnh của biếm họa

Tại lễ trao giải, ông Ngô Hà Thái, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Trưởng BTC giải cho biết: Giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần II - Cúp Rồng tre năm nay có hai cái mới so với lần tổ chức đầu tiên là không “thả cửa đề tài” mà đã có chủ đề rõ ràng nhằm giới hạn cho các họa sĩ có một “bộ khung” để sáng tạo cho đúng với vấn đề mà BTC muốn hướng tới đó là giao thông thời... hội nhập. Đồng thời cúp Rồng Tre - lấy ý tưởng từ vở hài kịch nhan đề Con rồng tre của Nguyễn Ái Quốc - từ nay sẽ làm cúp biếm họa để tôn vinh tiếng cười trí tuệ, nhân văn nhưng cũng mang đầy tinh thần cách mạng của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta.


Ông Trần Mai Hưởng, Tổng Giám đốc TTXVN tuyên bố khai mạc triển lãm
Đặc biệt, nhằm khuyến khích vai trò biếm họa báo chí, năm nay, Hội Nhà báo Việt Nam còn trao 1 giải Đặc biệt dành cho tác giả có nhiều tác phẩm chất lượng cao tham gia các giải và đã được đăng báo trong 2 năm vừa qua (2008-2009). Theo đó, tác giả “ẵm giải” lần này là Lê Anh Phong - bút danh LAP. Như vậy, tác giả Lê Anh Phong đã lập được cú đúp trong giải Biếm họa báo chí lần II với 1 giải Nhì và 1 giải Đặc biệt. Ở giải Biếm họa báo chí lần I (2008), tác giả Lê Anh Phong cũng tham dự và đoạt giải Nhất.

Những tiếng cười đầy tinh thần trách nhiệm

“Qua cuộc thi một lần nữa, chúng ta lại thấy được sức mạnh của biếm họa. Một thể loại không chỉ thể hiện tiếng cười công kích, đả phá đối với những cái xấu, những cái bất cập, hay những điều chướng tai gai mắt mà còn mang tới tiếng cười lạc quan, hướng người xem tới những cái tốt, cái đẹp, tới sự cảm thông, hòa đồng đối với những khó khăn chung của xã hội mà ngành giao thông đang phải đối mặt. Có thể nói, các họa sĩ đã góp phần quan trọng vào thành công của cuộc thi khi thể hiện những tiếng cười đầy tinh thần trách nhiệm, đầy tính xây dựng. Và điều tôi muốn nhấn mạnh hơn nữa, đó là tiếng cười phản tỉnh đối với mỗi người chúng ta về ý thức khi tham gia giao thông”. (Ông Trần Mai Hưởng, TGĐ Thông tấn xã Việt Nam - nguyên Chủ tịch HĐGK Giải lần I).

Họa sĩ Lý Trực Dũng, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo của giải cho biết: Tôi cho rằng giao thông thời hội nhập đang là một “quốc nạn”. Một đạo luật ở Việt Nam đang bị người dân vi phạm một cách trắng trợn nhất, ghê gớm nhất, đấy chính là luật giao thông. Bản thân tôi trước khi tham gia giám khảo giải biếm họa lần II tôi cũng từng bị một đôi vợ chồng tông xe và... đi thẳng.


Trong 400 tranh dự thi lần này có rất nhiều bức tranh xuất sắc mà tôi không thể kể hết ra được mà chỉ muốn nói rằng mỗi người sẽ tìm thấy và học được nhiều điều từ những bức tranh biếm. Bởi vì thực chất biếm họa không chỉ là châm biếm, đả kích, mà còn có tinh thần xây dựng cao, góp phần tích cực vào việc xây dựng sự ổn định xã hội, tránh thiệt hại cho người dân trước quốc nạn giao thông thời “phóng nhanh vượt ẩu”.

Trong những lời cảnh báo hậu họa, nếu vi phạm luật lệ giao thông, bé Nguyễn Bảo Linh (12 tuổi, giải Khuyến khích) đã nhắc nhở rất nhẹ nhàng mà thâm thúy. Mượn câu chuyện thỏ và rùa, trong bức tranh Phóng nhanh về đích, bé nhắc các “anh hùng xa lộ” là càng phóng nhanh, vượt đèn đỏ thì lại càng về đích... muộn, thậm chí phải nằm lại gốc cây vì tai nạn. Một lời nhắc có lẽ chúng ta đã được nghe rất nhiều rồi (đã đi thì không vội, đã vội thì không đi), nhưng thực hiện nó trong nhịp sống hối hả này cũng không phải là dễ. Song nếu không thực hiện thì coi chừng... có ngày phải nằm nhìn lên trần bệnh viện để học Luật giao thông đấy (như trong bức Bài học muộn, giải Nhất của HS NOP).


Ông Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập
báo Nhân dân trao giải Nhất cho họa sĩ Hà Xuân Nồng

Mua tranh biếm để in báo

Một điều đáng mừng ngay trong ngày triển lãm là ông Lê Quốc Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết ông Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân đã cử người tới tòa soạn báo TT&VH chọn và hứa sẽ mua một số các tác phẩm biếm họa dự giải lần này để đăng dần trên các ấn phẩm của báo Nhân dân. Đồng thời ông Trung cũng khẳng định, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục bảo trợ cho giải Biếm họa Báo chí tiếp theo của báo Thể thao & Văn hóa với rất nhiều giải mới, nhiều hơn hẳn giải năm nay nhằm tham gia vào việc đóng góp cỗ vũ cho các họa sĩ - nhà báo tham gia vào đời sống báo chí nước nhà.

Triển lãm các tác phẩm dự giải diễn ra từ 1đến 7/4 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà nội. Sau đó, lần đầu tiên 130 tranh biếm sẽ “Nam tiến” để ra mắt công chúng TP.HCM dự kiến vào đầu tháng 5 tới. Triển lãm sẽ kết hợp trao giải (khoảng một nửa số giải của toàn giải) cho một số tác giả đoạt giải ở phía Nam.

Các giải thưởng
Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần II

* 1 giải Nhất (trị giá 20 triệu đồng, Cúp Rồng tre) được trao cho: Họa sĩ Hà Xuân Nồng (bút danh NOP) với chùm tranh: Ba giai đoạn, Bài học muộn.

* 2 giải Nhì (trị giá 8 triệu đồng/giải) được trao cho:

- Họa sĩ Lê Anh Phong (bút danh LAP) với chùm tranh: Khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn, Xe khách đường dài.

- Họa sĩ Trần Quyết Thắng với tranh Giải pháp chống ùn tắc.

* 2 giải Ba (trị giá 5 triệu đồng/giải) được trao cho:

- Họa sĩ Phạm Thành Chung với tranh Loading.

- Họa sĩ Lê Thanh Tùng với tranh Hội nghị lần thứ... về giải pháp giao thông đô thị.

* 4 giải Khuyến khích (trị giá 1 triệu đồng/giải) được trao cho:

- Họa sĩ Đỗ Anh Dũng (bút danh DAD) với tranh Hạ tầng giao thông đô thị.

- Họa sĩ Hoàng Dự (bút danh Dzím) với tranh Đón khách quốc tế.

- Nguyễn Bảo Linh với tranh Phóng nhanh về đích.

- Họa sĩ Lê Trịnh Hưng Quốc với tranh Công trường giao thông.

* Giải Cộng đồng mạng bình chọn (trị giá 5 triệu đồng) được trao cho họa sĩ Huỳnh Trọng Nhân (bút danh ZARA) với tranh Cơ sở hạ tầng.

* Giải Đặc biệt của Hội Nhà báo Việt Nam (trị giá 10 triệu đồng) được trao cho họa sĩ Lê Anh Phong (bút danh LAP).


Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm