Hòa nhạc 'Giai điệu Tổ quốc': mãn nhãn, đẳng cấp

23/08/2020 16:16 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn)- Chương trình hòa nhạc “Giai điệu Tổ quốc” diễn ra lúc 20h ngày 22/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, đem tới nhiều cung bậc cảm xúc: hào hùng, tha thiết, lắng đọng, trẻ trung, sôi nổi… cho hàng triệu khán giả màn ảnh nhỏ. 

Nhạc sĩ Hồng Kiên nói về 'Giai điệu Tổ quốc': Hòa nhạc 'không khán giả' là trải nghiệm lớn trong đời

Nhạc sĩ Hồng Kiên nói về 'Giai điệu Tổ quốc': Hòa nhạc 'không khán giả' là trải nghiệm lớn trong đời

Trong bối cảnh dịch Covid-19, chương trình hòa nhạc "Giai điệu Tổ quốc" vẫn diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội từ 20h10 ngày 22/8/2020 nhưng không có khán giả thưởng thức tại chỗ, mà được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1. Đây được xem là một sự chuyển mình lớn, một dấu hiệu đáng mừng cho thị trường âm nhạc Việt Nam mùa dịch.

“Giai điệu Tổ quốc” được thực hiện bởi Ban Văn Nghệ - Đài Truyền hình Việt Nam và công ty Mỹ Thanh, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup. Chương trình như tiếng lòng của hàng triệu trái tim Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2020). Cùng với đó, những người thực hiện cũng mong muốn chương trình sẽ tiếp tục lan tỏa tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến, chung tay xây dựng đất nước. 

Đêm hòa nhạc lôi cuốn khán giả bằng mạch chảy cảm xúc tự nhiên để thấy được “Giai điệu Tổ quốc” chính là những thanh âm của tình yêu quê hương, dân tộc. Diễn ra trong thời điểm dịch Covid-19 trở lại khiến buổi hoà nhạc phải thực hiện dưới hình thức trực tiếp, không có khán giả tại nhà hát, tuy nhiên, các nghệ sĩ đã thực sự thăng hoa trong mỗi tiết mục, đem đến những xúc cảm đong đầy, vô cùng chân thật đối với khán giả theo dõi qua màn hình. Dù không đến sân khấu, khán giả truyền hình vẫn được thưởng thức một đêm nghệ thuật mãn nhãn, đẳng cấp. Đêm hoà nhạc đã thực sự là một dấu ấn không thể quên, khẳng định vai trò của nền văn hoá nghệ thuật Việt Nam trong cuộc đồng hành với toàn xã hội để chống Covid-19.

Chương trình được đầu tư lớn về âm thanh, ánh sáng, mỗi tiết mục đều được dàn dựng theo ý đồ riêng biệt, kết hợp những hiệu ứng và kỹ thuật hiện đại trong biểu diễn để vẽ nên một bức tranh âm nhạc với nhiều mảng màu khác nhau: vừa gần gũi, thân quen vừa mới mẻ, đương đại; tuy giản đơn, dung dị nhưng lại lớn lao, thiêng liêng. Chương trình là một điểm nhấn nghệ thuật đặc sắc trong những ngày tháng Tám lịch sử của dân tộc, góp phần ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc của mỗi người con đất Việt. 

15 ca khúc trong chương trình là những tác phẩm đã đi sâu vào tiềm thức và trái tim của bao thế hệ người Việt Nam được các nghệ sỹ hát bằng cả trái tim và niềm say mê. Dù không có khán giả, không có tiếng vỗ tay nhưng các nghệ sĩ đều mang trong mình một cảm giác tự hào khi cất lên những “Giai điệu Tổ quốc”.

Chú thích ảnh

MC Mỹ Lan và Danh Tùng làm nhiệm vụ dẫn dắt khán giả bước vào những câu chuyện âm nhạc thật khó quên.

Ca khúc mở đầu cũng thể hiện trọn vẹn chủ đề, thông điệp của đêm nhạc là “Giai điệu Tổ quốc” của nhạc sĩ Trần Tiến. Phần thể hiện của nhóm Oplus khiến người nghe cảm nhận được vừa có sự da diết, thân thương, êm đềm, vừa sôi nổi, hùng tráng. Lời ca khúc cũng gói gọn cả tâm tư tình cảm, nỗi nhớ niềm thương của những người con đất Việt.

Giai điệu Tổ quốc "dịu dàng trong tiếng ru hời", "trầm sâu trong tiếng đất trời", là tình yêu thương của mẹ giành cho con, là nỗi nhớ thương con mang theo suốt con đường. Giai điệu Tổ quốc đó là niềm vui, nỗi buồn trên bước đường hành quân nhiều gian nan vất vả nhưng tình yêu quê hương đất nước vẫn luôn rực cháy trong tim.

Chú thích ảnh

Phần một chương trình “Đất nước lời ru” đưa khán giả trở về với những khoảnh khắc thân thương, từ khi con được sinh ra, được nuôi dưỡng bằng tất cả tình yêu thương của người mẹ. Tình yêu đó được ca sĩ Dương Hoàng Yến thể hiện qua ca khúc “Mẹ yêu con” (Sáng tác: Nguyễn Văn Tý), Sao mai Đỗ Tố Hoa với “Áo mùa đông” (Sáng tác: Đỗ Nhuận). 

Bắt nguồn từ đó, tình yêu Tổ quốc thật gần gũi thân thương như tiếng ru của mẹ, lớn lên thành tiếng yêu thiên nhiên, quê hương, yêu những điều bình dị như “Hạt gạo làng ta” biểu diễn Trịnh Nhật Minh, “Đưa cơm cho mẹ đi cày” (Sáng tác: Hàn Ngọc Bích) biểu diễn Trịnh Nhật Minh và Kiều Minh Tâm. Phần biểu diễn của hai ca sĩ nhí Trịnh Nhật Minh, Kiều Minh Tâm với giọng hát ngọt ngào đem tới nét trẻ trung, tươi mới, trong trẻo cho phần mở đầu đêm hòa nhạc.

Chú thích ảnh

Tình yêu quê hương, đất nước lớn dần lên theo năm tháng. Khi Tổ quốc lâm nguy, những chàng trai, cô gái đã dũng cảm lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng. Họ chiến đấu hết mình để bảo vệ từng tấc đất quê hương, bảo vệ sự bình yên cho gia đình, giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Đó cũng là tinh thần được thể hiện trong các ca khúc ở phần hai chương trình có tựa đề “Bài ca người lính”. 

Ở phần này, ca sĩ Vũ Thắng Lợi gửi tới khán giả ca khúc “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý gói trọn tình cảm thân thương của mẹ và những người chiến sĩ trong thời chiến. Nam ca sĩ cũng thể hiện da diết bản “Tình ca” của nhạc sĩ Hoàng Việt, đồng thời song ca với nữ ca sĩ Đỗ Tố Hoa ca khúc của nhạc sĩ An Chung - “Trăng sáng đôi miền”. Tình yêu thời chiến là sự chia ly nhưng một lòng tha thiết, chung thủy. Nỗi nhớ, niềm thương từ đôi lứa chuyển thành sức mạnh, một lòng quyết chiến, ý chí quyết thắng quân thù.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Nhóm Oplus thể hiện ca khúc Lá xanh của nhạc sĩ Hoàng Việt với một tinh thần tươi mới, trẻ trung, gần gũi với các khán giả trẻ. “Người chiến sĩ ấy” (Sáng tác: Hoàng Vân) qua giọng ca Tùng Dương đầy xúc động như nhắc nhở người xem không thể nào quên những người đã chiến đấu hết mình, những người còn đang sống hay cả những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường...

Chú thích ảnh

 “Giai điệu Tổ quốc” đến với phần ba “Khát vọng” của con người ở thời bình. Khát vọng đó chính là phải xây dựng phát triển đất nước hiện đại, phồn vinh, được các ca sĩ Trọng Tấn, Tùng Dương, nhóm Oplus và Dương Hoàng Yến thể hiện qua các ca khúc: Hà Nội niềm tin và hi vọng, Những ánh sao đêm, Khát vọng, Thành phố trẻ, Tự nguyện.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Phần biên đạo múa của NSƯT Trần Ly Ly với sự thể hiện của các diễn viên Nhà hát vũ kịch Việt Nam đầy hấp dẫn và cảm xúc, là điểm nhấn đặc biệt tô điểm cho bức tranh âm nhạc những màu sắc tinh tế.

Chú thích ảnh

Bên cạnh đó, các phóng sự đặc biệt của chương trình cũng đã cho khán giả thấy sau 30 năm đổi mới, Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Năm 2020 với những khó khăn về dịch bệnh, những ngăn trở phát triển kinh tế xã hội không làm nản lòng người Việt Nam yêu nước. Hơn thế chúng ta càng phát huy tình yêu nước thông qua tinh thần đoàn đoàn kết, tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng, cống hiến, hy sinh, tương trợ lẫn nhau… vẫn đang ngày ngày được khơi dậy và nhân lên.

Chú thích ảnh

​Hoà nhạc “Giai điệu Tổ Quốc” khép lại với những dư âm khó quên, khơi dậy và lan toả tình yêu, niềm tự hào đất nước qua âm nhạc. Đồng thời, chương trìnhcũng cho thấy những mốc son chói lọi của âm nhạc cách mạng Việt Nam khi khắc hoạ công cuộc đấu tranh kiên cường, anh dũng bảo vệ Tổ quốc, quá trình dựng xây, phát triển đất nước qua những câu chuyện âm nhạc giản dị, sâu sắc. 

PTTT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm