13/09/2011 07:33 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Cuối tuần) - Tôi quen Hoàng khi cô chưa là Himiko - một cái tên đã trở nên nổi tiếng trong giới nghệ sĩ đương đại với không gian-cà phê-nghệ thuật thị giác đầu tiên ở TP.HCM. Lâu lâu nhận được tin nhắn từ Hoàng, hầu như bao giờ cũng là: “Mời chị đến Himiko xem triển lãm mới…”. Nếu còn ừ hữ chưa biết có nên đi không, vì ngại đường đông, ngại kẹt xe, ngại trời đổ mưa…, thì tin nhắn tiếp sẽ là: “Chị ở đâu, em qua đón”. Chỉ cần gật đầu một cái, là dăm mười phút sau, Hoàng sẽ ào đến, trong bộ dạng của một sinh viên tình nguyện, xe máy cà tàng, mũ bảo hiểm đeo toòng teng bên hông, và sẽ lôi tuột bạn đi với sự nhiệt tình khiến bạn không thể từ chối. Từ khi mới tốt nghiệp Khoa Điêu khắc ĐH Mỹ thuật TP.HCM phải tá túc trong ký túc xá của trường, tới hồi làm chủ cà phê nghệ thuật thị giác Himiko, vật lộn với nợ nần nhưng mỗi năm vẫn tổ chức tới hơn chục triển lãm cho mình và bạn bè, lâu lâu lại đi nước ngoài trình diễn, Nguyễn Kim Hoàng, hay Hoàng Himiko vẫn nhiệt tình đến hồn nhiên như vậy trên con đường nghệ thuật vất vả và cô đơn của mình.
Lần này, khi tôi đến cà phê Himiko thì Hoàng đang bận rộn với vài khách hàng. Một khách bên quận 2 vừa mua “cửa sổ hạc” vốn nằm trong loạt tác phẩm của dự án Tiếp diễn mà Hoàng và một bạn trẻ sinh viên Khoa Tiếng Nhật (Trường Đại học Sư phạm TP.HCM). Một đại diện hãng xe hơi cỡ bự thì đang thương thảo với cô hợp đồng thuê một số tác phẩm nằm trong triển lãm mới đây của Himiko để sử dụng trong buổi lễ ra mắt mẫu xe mới.
Vẫn chạy show để nuôi nghệ thuật
* Tình hình có vẻ đang ngày càng tốt đẹp hơn với Himiko, hay nói cách khác là với nghệ thuật đương đại ở Việt Nam, phải không?
- Tôi làm dự án Tiếp diễn từ tháng 11/2010, dự định tới tháng 11 năm nay thì kết thúc, cũng là để xem Himiko có thể “tiếp tục” được hay không. Nhiều thứ tốt hơn nhưng chưa hẳn đã đẹp. Năm 2008, Himiko may mắn được duyệt dự án xin tài trợ không gian từ Quỹ văn hóa Đan Mạch. Nhưng phải mất 3 năm chúng tôi mới nhận đủ khoản hỗ trợ này (180 triệu đồng), chia nhỏ ra vậy thì chỉ đủ trả được chi phí tiền điện chứ không đủ cho tiền thuê nhà. Những giấc mơ xưa nằm trong dự án Tiếp diễn vừa bán được cho một người nước ngoài là tác phẩm đầu tiên trong loạt đó bán được. Tôi đã làm nó trong vài tháng, bán một ngàn đô, dư trả tiền thuê quán một tháng, không biết là rẻ hay là mắc, nhưng người mua rất trân trọng, nên tôi cảm thấy vui. Bởi vậy tôi vẫn phải chạy show bên ngoài để kiếm tiền nuôi Himiko, chứ không thể tồn tại bằng nghệ thuật đương đại tại Việt Nam.
* Chạy show? Chị chạy show kiểu gì?
- Đủ kiểu. Như mới đây một hãng thời trang mời tôi làm tác phẩm tham gia đấu giá từ thiện. Tôi làm trong 5 ngày, bán được 2.000 USD (nhưng chỉ nhận được 30%, còn 70% cho quỹ từ thiện). Trước đó là show cho một thương hiệu xe máy tại một show thời trang, họ kêu tôi làm sắp đặt. Ban đầu tôi tưởng họ kêu làm show bình thường, rút cuộc, giờ chót tôi lại phải xuất hiện trên sân khấu như một nghệ sĩ, mà tiền nhận về thì vẫn vậy. Nói chung, những cái show kiểu ấy phần nhiều là show bèo, nhiều “bánh vẽ”, dù luôn được khoác lên những cái tên nghệ thuật, từ thiện. Lâu lâu tôi cũng nhận những hợp đồng kiểu như làm phù điêu đá Phước Lộc Thọ, phù điêu Bách Hạc Song Tùng, Mai Lan Cúc Trúc cho hợp phong thủy hay làm cặp rồng trên mái kim tĩnh (từ của miền Tây để gọi nhà mồ) cho một khách hàng ở Tiền Giang. Tiền công cứ quy ra tiền nhà. Được cái chủ nhà này rất tử tế, và còn dễ chịu nữa - đôi khi tôi muốn làm lại vì chưa vừa ý nhưng họ đã thấy hài lòng lắm rồi. Toàn bộ hợp đồng đó có thể nuôi được Himiko nửa năm. Nhưng lâu lâu thì mới gặp được những khách hàng như thế.
* Vậy là hơn chục triển lãm tại Himiko trong một năm - mật độ mà ngay cả một gallery chuyên nghiệp tên tuổi cũng khó đạt được, nghệ thuật vẫn không thể nuôi được không gian nghệ thuật?
- Tôi chỉ mong quán cà phê nuôi được chính không gian cho nó chứ chưa mong nó nuôi được nghệ thuật, nhưng vẫn khó quá. Tháng nào cũng phải bù lỗ cho quán 5-6 triệu. Giá như có người đồng hành cùng tôi…
* Những nghệ sĩ của Himiko, họ không đồng hành cùng chị sao?
- Nghệ sĩ có đồng hành thì lịch hoạt động nghệ thuật ở Himiko mới đầy ắp vậy. Nhưng làm sao đòi hỏi nhiều ở nghệ sĩ được, vì bản thân nghệ sĩ cũng còn phải lo cho đời sống riêng của họ, tác phẩm đâu phải bán được thường xuyên. Himiko thường làm triển lãm cá nhân đầu tiên cho nghệ sĩ trẻ, mà các nhà sưu tập, khách hàng thì thường tìm mua tác phẩm của những tác giả nào đã bắt đầu có tên tuổi. Vì vậy chuyện triển lãm ở Himiko giống như cấy xong để lúa đó chờ.
Đang nghĩ tới việc sẽ… dừng lại
* Chị đang cùng Himiko “hy sinh” vì sự nghiệp xây dựng và phát triển nghệ thuật đương đại ở Việt Nam chăng?
- Nói thật là, khi mở Himiko, tôi chẳng có khái niệm to tát gì về chuyện trách nhiệm cộng đồng đâu. Đơn giản lắm, trước tiên tôi làm Himiko cho mình. Vì không thích hợp với cách làm việc với các gallery, không muốn phải trải qua các thủ tục rườm rà phức tạp, tôi chỉ muốn có một không gian mà ở đó, tôi và những đồng nghiệp trẻ giống mình trực tiếp đối thoại cùng người xem.
* Vậy chị sẽ tiếp tục hay… dừng lại?
- Tôi đang nghĩ tới việc sẽ dừng lại, tạm nghỉ 5 năm, có thể 10 năm, dành trọn thời gian này để đi hết mấy trại sáng tác trên thế giới. Tôi muốn đi khi còn sức. Và vì không muốn bỏ con đường nghệ thuật của mình. Ngày trước tôi đã từng bỏ việc kiếm tiền, công việc thời ấy thu nhập hàng tháng tính bằng cây vàng, để đi học mỹ thuật; chẳng lẽ giờ bỏ nghệ thuật quay lại việc kiếm tiền?
Nhưng mà có Himiko thì cũng tốt, không phải cho riêng cá nhân tôi. Không gian nghệ thuật ở Himiko thích hợp với tính cách của nghệ sĩ Sài Gòn. Khác với nghệ sĩ Hà Nội, nghệ sĩ Sài Gòn không lên lịch hay làm dự án gì cụ thể, mọi người tùy theo cảm hứng mà làm việc, không thích những thủ tục rườm rà rắc rối. Và chủ yếu là hoạt động cá nhân, họ chỉ có thể đi cùng nhau một hai cuộc chơi, chứ không chấp nhận có người nắm đầu.
Quyết định ngừng lại tôi cũng tiếc lắm. Dù sao Himiko cũng đang có guồng chạy tốt... Công bằng mà nói, Himiko mang lại cho tôi nhiều thứ, trong đó có cả danh, nhưng như đã nói, tôi không lập nên Himiko để mua danh, nên cũng không bằng mọi giá để giữ nó. Đấy là chưa kể vì nó mà tôi không thực hiện được kế hoạch làm mẹ đơn thân của mình. Từ năm 20 tuổi tôi đã nghĩ về chuyện sẽ có con. Vậy mà bây giờ, 35 tuổi, tôi không còn suy nghĩ về điều ấy được nữa!
* Nếu phải nói lời tạm biệt, 5 hay 10 năm, thì trước tiên, thử nhìn lại chị chút nhé: Sau 6 năm, giữa Hoàng điêu khắc và Hoàng Himiko có gì khác biệt không?
- Thời còn sinh viên, tôi đã đi làm thêm bằng nghề phiên dịch, hướng dẫn du lịch, lúc đó ai cũng nghĩ mình giàu. Bạn bè ai không có tiền học phí tôi cũng cho mượn, làm tác phẩm trong trường toàn bằng chất liệu thật. Khi có Himiko, ai cũng nghĩ tôi phải giàu hơn, nhưng ngược lại. Hoàng Himiko không còn phóng khoáng như trước nữa, không còn cho ai mượn tiền nữa, chỉ đi ăn đi chơi với mọi người khi được trả tiền chứ không còn giành trả tiền như trước. Bây giờ trong mắt mọi người, tôi là người keo kiệt - và họ nghĩ, chắc như thế càng giàu! Xưa không có gì để bận tâm, bây giờ có quá nhiều thứ phải lo. Tôi không cho mình có quyền chi bất cứ món gì xa xỉ cho bản thân. Tôi buộc phải thay đổi và điều ấy cũng làm tôi thấy bứt rứt.
Nhưng mà tôi cũng được nhiều thứ từ ngày làm Himiko lắm. Chị có biết là tôi nổi tiếng trên facebook về nấu ăn ngon và pha chế giỏi không? Nếu sau này không làm nghệ sĩ, tôi có thể vẫn sống tốt nhờ nấu ăn hoặc pha chế nước uống chẳng hạn. Mới đây, có một chị giám đốc resort ở Vũng Tàu tới quán uống thử cocktail tôi pha, còn hỏi tôi có muốn xuống đó làm việc không nữa kìa!
Khán giả và triển lãm Ngoài sáng
Cởi không hẳn là bỏ
* Chị quên chưa nói là mình còn nổi tiếng trên Facebook vì là nghệ sĩ đi xin tiền "friends list” làm triển lãm và được người ta cho tiền nhiều hơn dự định? Chị nghĩ thế nào để quyết định như vậy? Chắc không hẳn vì thiếu tiền?
- Cái này thì cũng bất ngờ. Lúc đó, Himiko cần một triển lãm để trám vào chỗ một nghệ sĩ không hoàn thành tác phẩm kịp theo lịch. Và tôi cũng không có tiền để làm triển lãm. Trên mạng lúc ấy lại đang ồn ào xung quanh chuyện người mẫu khỏa thân vì môi trường. Để giễu nhại chuyện này, tôi viết trên Facebook là muốn làm một dự án “khỏa - thân - vì - mình”, nếu mọi người tài trợ thì sẽ làm. Cũng nghĩ rằng đó chỉ là một lời nói chơi không ai thèm ngó, nhưng rồi cuối cùng tôi nhận thấy rất nhiều quan tâm tới dự án của mình, tôi viết là cần 15 người tài trợ nhưng được tới 25 người cho. Cuối cùng, Ngoài sáng trở thành một dự án hoàn toàn được tài trợ từ bạn bè và những người quen trên không gian ảo.
* Vậy mà có người vẫn nghĩ rằng chị đùa họ, khi tới Himiko chỉ thấy một đống… thùng loa đen kịt trên tường, chẳng thấy “tác phẩm nude” đâu cả. Khi biết phải ghé mắt vào xem hình trong hộp thì lại bị chị đứng kè kè bên cạnh chụp lại từng cử chỉ của người xem. Ai không chịu cho ghi lại hình thì bị chị từ chối cho xem tác phẩm…
- Đây là một điều kiện bắt buộc. Tôi muốn khi xem triển lãm này, người xem phải tương tác tiếp diễn cùng tôi, qua đó, họ là người trình diễn trực tiếp, và DJ ánh sáng cho cuộc trình diễn gián tiếp của tôi bên trong những cái hộp đen. Nếu ai không muốn xem, thì tất cả chỉ là đống thùng loa đen kịt như chị nói. Tất cả đều phụ thuộc vào thái độ của người xem chứ không phải là bản thân sự việc.
Và khi quan sát những khách tới xem triển lãm, tôi đã phát hiện ra khá nhiều điều thú vị. Những người thường không quan tâm nhiều đến nghệ thuật lại bày tỏ cảm nhận rất hay ho, như một chỗ trông hơi “nhà quê” được con gái dẫn tới xem, kêu lên: “Hình nổi, hình nổi. Xem lâu chút được không em?”, “đẹp quá hà”… Họ chỉ biết là họ thích và điều họ đang nhìn thấy là đẹp chứ họ hoàn toàn không quan tâm tới khái niệm hay định nghĩa về ảnh nude. Trong khi đó, một số nhiếp ảnh gia thì xem rất hời hợt, chủ yếu soi vào kỹ thuật ánh sáng bố cục và màu sắc, có người ngó qua chỉ chừng một giây.
* Một dự án nghiêm túc, nhưng có ai đó nói rằng chị làm triển lãm này để “ăn theo” đề tài nóng, chuyện khỏa thân, chị nghĩ sao?
- Ngôn ngữ của nghệ thuật là tự do. Nếu ai đó muốn suy diễn thì suy kiểu nào cũng không cản được. Tôi không phải là con người phá bỏ mọi giới hạn. Năm 2006, khi được mời sang Nhật tham gia chương trình trình diễn tự do, rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài trình diễn trần truồng. Tôi biết, trong một khoảnh khắc nổi loạn nào đó có thể làm như vậy, nhưng thực sự tôi không muốn như vậy. Cởi bỏ là tự do, là không còn giới hạn. Nhưng trong tiềm thức tôi thì sự ràng buộc luôn luôn tồn tại. Vì vậy, tôi quyết định trùm bao rác đen lên người rồi mới cởi hết đồ ra… ngoài đường phố. Gió thổi phần phật, tôi có được cảm giác mình như đang khỏa thân hoàn toàn, nhưng người khác thì không nhìn thấy tôi được. Từ trong bao rác tôi dùng máy camera quay bên ngoài, xem thái độ mọi người như thế nào, rất nhiều chuyện thú vị. Tôi đã từng có ý định làm lại tác phẩm này ở Việt Nam, nhưng mà sợ công an bắt lột bao rác ra trước mọi người…, nên thôi.
Và, bây giờ, tôi “nude” hoàn toàn trong Ngoài sáng, nhưng cảm giác vẫn y như là đang ở trong bao rác màu đen hồi đó. Tôi không gọi đó là triển lãm ảnh khỏa thân, mà là, triển lãm sắp đặt và trình diễn. Tôi cũng không “post” ảnh khỏa thân lên mạng, mà post hình ảnh người xem đang tham gia tương tác, và họ, mới là một kết thúc tác phẩm tuyệt vời với tôi.
* Ý muốn hiện tại của chị là…
- Tôi định sẽ làm tiếp dự án Ngoài sáng 2, khi đó sẽ mời thêm một số người cùng tham gia làm mẫu… Và tự tin là sẽ có không ít người nhận lời. Và tôi cũng muốn đi. Đi để sống nhiều hơn cho mình một chút.
Dứt câu chuyện, Hoàng mau mắn chia tay tôi, rảo bước. Cái mũ bảo hiểm vẫn toòng teng bên hông. Tôi nhìn thấy con đường phía trước mặt Hoàng thật dài, loang loáng nước.
P.T.T.T (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất