17/10/2011 14:18 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Từ 18 - 27/10 tại Applied art gallery - ĐH Mỹ thuật TP.HCM (5 Phan Đăng Lưu, Q. Bình Thạnh), triển lãm Chuyển thể của họa sĩ Nguyễn Huy Khuê sẽ diễn ra. Đây là triển lãm đầu tiên tại Việt Nam sau hàng chục năm Nguyễn Huy Khuê sinh sống và hoạt động mỹ thuật tại Australia.
Nguyễn Huy Khuê sinh năm 1964 tại Sài Gòn, anh từng học hệ trung cấp tại ĐH Mỹ thuật TP.HCM và sau đó là bậc đại học tại ĐH Monash Australia. Thành tích của Nguyễn Huy Khuê ở Australia được chứng minh bằng hơn chục giải thưởng, mà gần đây nhất vào năm 2010, tác phẩm Vượt của anh vào chung kết Archibald - giải thưởng hàng đầu về mỹ thuật tại Australia, có lịch sử hơn 90 năm. Nguyễn Huy Khuê là người Việt đầu tiên vào chung kết giải này, sau khi vượt qua 800 tác phẩm dự thi để nằm trong top 37 tác phẩm xuất sắc.
1. Khác với song thân của mình (họa sĩ Nguyễn Long Sơn và họa sĩ Nguyễn Thị Tâm) chuyên vẽ tranh lụa mềm mại, Nguyễn Huy Khuê thích khám phá hình thể con người một cách chi tiết bằng màu nước và bút chì. Các tác phẩm trong triển lãm Chuyển thể được Nguyễn Huy Khuê vẽ về hình trạng con người, nhưng cao hơn thế là thể hiện tâm trạng của đời sống.
HS Nguyễn Huy Khuê
Việc Nguyễn Huy Khuê chọn vẽ hình thể con người xuất phát từ cơ duyên. Gần 20 năm trước, trong một lần tập võ, Nguyễn Huy Khuê bị ngã và tổn thương khớp vai. Để phục hồi, anh đến phòng tập thể dục đều đặn và từ đây nảy ra ý tưởng vẽ về hình thể con người.
Theo TS Bội Trân Huỳnh: “Chuyển thể như một lời xác nhận sự kết hợp của việc đào tạo hàn lâm và tính sáng tạo... Những tác phẩm trong Chuyển thể phơi bày một hành trình trải dài từ việc thể hiện chân dung truyền thống cho tới những tác phẩm bán trừu tượng với đường nét và sự chuyển động. Khuê sử dụng những nghiên cứu về cơ thể con người để trình bày cái nhìn đầy hân hoan và mộng mơ của anh về vẻ đẹp con người”.
Tác phẩm Hồi ức mưa buồn, màu nước và bút chì.
2. Những tác phẩm trong Chuyển thể đôi khi chỉ vẽ một bờ lưng trần, một vòng tay khoanh lại... với sắc màu đen xám, nhưng đằng sau ngôn ngữ tạo hình của một bức tranh, nổi lên tâm trạng sống của một con người. Với riêng loạt tranh bán trừu tượng mang tên Chuyển động được đánh số thứ tự, Nguyễn Huy Khuê muốn thể hiện một đám đông, nhưng trong đám đông ấy là những tâm trạng riêng biệt của từng cá nhân. Có thể nói, xem tranh vẽ người của Nguyễn Huy Khuê cũng chính là xem tâm trạng cuộc sống vậy.
Họa sĩ Trương Phi Đức, Phó Hiệu trưởng Phụ trách ĐH Mỹ thuật TP.HCM đã dành cho Chuyển thể những lời tâm đắc: “Tất cả các hình tượng như muốn gửi gắm đến người xem sự đồng cảm cho mỗi số phận, mỗi cuộc đời riêng lẻ trong dòng đời nhiều hạnh phúc nhưng cũng đầy nghiệt ngã, đắng cay”.
Thanh Kiều
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất